Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 26/12/2024

Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học nhằm phát triển du lịch sinh thái tại Côn Ðảo

07/05/2014

      Côn Đảo không chỉ là một di tích lịch sử nổi tiếng mà còn được biết đến là trung tâm đa dạng sinh học phong phú, độc đáo nằm ở phía Đông Nam của Tổ quốc. Năm 1993, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 135/QĐ-TTg thành lập Vườn quốc gia (VQG) Côn Đảo trên cơ sở rừng cấm Côn Đảo. VQG Côn Ðảo có diện tích 20 nghìn ha, trong đó diện tích hợp phần bảo tồn rừng gần 6 nghìn ha (chiếm 80% tổng diện tích tự nhiên phần trên cạn của huyện đảo); diện tích hợp phần bảo tồn biển 14 nghìn ha; ngoài ra có vùng đệm biển bao quanh là 20.500 ha.

 

Côn đảo có tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái

 

     Mục tiêu và nhiệm vụ của VQG Côn Đảo là bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái rừng, hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học và các loài động thực vật bản địa, quý hiếm, các sinh cảnh tự nhiên độc đáo; Bảo vệ nguyên vẹn và phát triển diện tích rừng để gia tăng độ che phủ rừng đầu nguồn các khe, suối, bảo vệ đất, góp phần duy trì sự sống trên đảo, cung cấp nguồn nước ngọt cho sinh hoạt và phát triển kinh tế; Sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học và các dịch vụ môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái.

     Côn Đảo có tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái

     Trong những năm qua, một số dự án đã và đang được triển khai tại VQG Côn Đảo đã giúp Côn Đảo phục hồi các nguồn gen quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu. Côn Đảo là nơi đầu tiên của Việt Nam triển khai thành công Dự án bảo tồn rùa biển. Hàng năm có 400 rùa mẹ lên các bãi biển đẻ trứng và được đeo thẻ để quản lý, theo dõi và có trên 100.000 rùa con được thả về biển mỗi năm. Bên cạnh đó, Dự án bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển, ven biển Côn Đảo đã phục hồi tài nguyên sinh vật biển và nâng cao nhận thức, năng lực quản lý cho công cộng đồng địa phương. Chương trình du lịch sinh thái đang từng bước phát triển đem lại hiệu quả trong việc sử dụng bền vững nguồn tài nguyên đa dạng sinh học và nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư, góp phần làm tăng trưởng kinh tế huyện đảo.

     Những giá trị đa dạng sinh học

     Đa dạng sinh học Côn Đảo đang là tiềm năng và thế mạnh để Côn Đảo phát triển bền vững. Kết quả điều tra thực vật Côn Đảo năm 2000 đã ghi nhận 1.077 loài thực vật thuộc 640 chi của 160 họ thực vật bậc cao có mạch trong 6 ngành thực vật là thạch tùng, dương xỉ, thiên tuế, dây gắm, thông, thực vật hạt kín (lớp 2 lá mầm và lớp 1 lá mầm). Những loài thực vật ở đây phân bố thành hai kiểu thảm thực vật chính là kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và kiểu rừng kín nửa rụng lá mưa ẩm nhiệt đới. Bên cạnh đó, những loài thực vật quý hiếm ở Côn Đảo là lát hoa, găng néo, quăng lông… Đặc biệt, trong số 1.077 loài thực vật bậc cao có mạch đã được phát hiện thì có 44 loài đã được các nhà khoa học tìm thấy đầu tiên ở Côn Đảo gồm 14 loài cây gỗ, 6 loài dây leo, 10 loài cây gỗ nhỏ, 13 loài cỏ và 1 loài khuyết. Trong đó có 11 loài được lấy tên “côn sơn” đặt tên cho loài như Bui côn sơn, gội côn sơn, thạch trang côn sơn, xà căn côn sơn, đọt dành côn sơn, lấu côn sơn, xú hương côn sơn, thiệt thủ côn sơn, kháo côn sơn, dầu côn sơn, đậu khấu côn sơn.

     Đối với khu hệ động vật có xương sống trên cạn đã ghi nhận được tổng số 160 loài động vật hoang dã thuộc 64 họ, 32 bộ, 4 lớp ở Côn Đảo, gồm 29 loài thú, 85 loài chim, 38 loài bò sát và 8 loài ếch nhái. Trong 160 loài đã xác định có 31 loài quý hiếm (chiếm 19,38% tổng số loài động vật đã phát hiện) bao gồm 11 loài thú, 8 loài chim và 12 loài bò sát. Đặc biệt có những loài chỉ phát hiện thấy ở Côn Đảo như sóc mun, sóc đen côn đảo, bồ câu Nicobar, gầm ghì trắng, chim điên bụng trắng.

     Hệ sinh thái biển có 3 hệ sinh thái chính: Hệ sinh thái san hô phát triển rất mạnh ở vùng biển bao quanh các đảo, nhiều rạn san hô còn mang tính nguyên thủy cao, với 360 loài, 64 giống, 17 họ; Hệ sinh thái cỏ biển có 11 loài chiếm 84,61% tổng số loài hiện nay đã phát hiện ở Việt Nam (13 loài); Hệ sinh thái rừng ngập mặn còn nguyên sinh chưa bị tác động bởi con người và đặc trưng cho loại hình rừng ngập mặn phân bố trên nền san hô chết, cát, sỏi. Số loài thực vật ngập mặn ở Côn Đảo đã được thống kê và định danh là 46 loài, trong đó có 28 loài cây ngập mặn với 5 loài đóng vai trò quan trọng, chiếm ưu thế là sú đỏ, vẹt dù, dà vôi, đưng và đước đôi.

     Khu hệ sinh vật biển đã thống kê được 1.735 loài, trong đó thực vật ngập mặn 46 loài, rong biển 133 loài, cỏ biển 11 loài, thực vật phù du 226 loài, động vật phù du 143 loài, san hô 360 loài, thân mềm 187 loài, cá rạn san hô 215 loài, giáp xác 116 loài, da gai 115 loài, giun nhiều tơ 130 loài, bò sát biển 9 loài, chim biển 37 loài, thú biển 7 loài. Trong số các loài sinh vật biển có 50 loài động vật được được ghi vào sách Đỏ Việt Nam và thế giới. Trong số 43 loài rong biển mới phát hiện ở Côn Đảo có tới 14 loài có giá trị kinh tế quý hiếm, còn trong 9 loài cỏ biển thì có 4 loài mới của Côn Đảo. Côn Đảo cũng là nơi duy nhất còn thú biển là cá voi đen, cá nược và bò biển.

     Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái

     Côn Đảo có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch văn hóa - lịch sử, với nhiều thắng cảnh, bãi tắm đẹp và những di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng như: Nhà tù Côn Đảo, Cầu tàu 914, Nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương… gắn liền với trang sử cách mạng hào hùng của dân tộc Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Côn Đảo có khả năng phát triển tốt loại hình du lịch sinh thái, vì hội đủ các điều kiện như: có rừng nguyên sinh với hệ động - thực vật phong phú, đa dạng, đặc biệt là động - thực vật ven biển; có các bãi biển đẹp và môi trường trong lành.

     Theo thống kê của Ban Quản lý các khu du lịch Côn Đảo, số lượng du khách đến Côn Đảo tăng trưởng với tốc độ đáng kể trong 10 năm qua: Từ 10.000 lượt khách năm 2002 đến trên 40.000 lượt khách năm 2010 và 72.000 lượt khách trong năm 2012 với 13.500 du khách quốc tế. Doanh thu du lịch trong năm 2012 là 252,4 tỷ đồng. Dự kiến đến năm 2020, Côn Đảo sẽ đón khoảng từ 500.000 đến 700.000 du khách một năm. Và để phát triển khu vực này, Chính phủ dự kiến từ nay đến 2020 sẽ đầu tư khoảng gần 5.000 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tạo những tiền đề cơ bản, cần thiết cho việc đầu tư phát triển toàn diện kinh tế - xã hội Côn Đảo.

     Hiện nay, Côn Đảo có một số sản phẩm du lịch sinh thái mang tính đặc trưng cao và đang được khai thác hiệu quả là xem rùa đẻ trứng, lặn biển ngắm san hô, đi bộ trong rừng, ngắm cảnh hoang dã trong rừng phát hiện những sinh vật độc đáo của khu vực. Riêng 6 tháng đầu năm 2011 có 5.000 lượt khách nước ngoài tới VQG Côn Đảo để đi bộ, đi dạo trong rừng, đi bơi với ống thở hay xem rùa đẻ qua đêm tại các hòn xung quanh đảo lớn.

 

Lặn biển ngắm san hô

 

     Tuy nhiên để phát triển bền vững, Côn Đảo cần phải phải tôn trọng nguyên tắc bảo tồn. Việc phát triển hạ tầng ở Côn Đảo cần chú ý tránh phá vỡ cảnh quan, ảnh hưởng tới giá trị đa dạng sinh học. Bên cạnh đó cần quan tâm, khuyến khích cộng đồng tham gia phát triển du lịch để có thêm việc làm, thu nhập và giảm sức ép của người dân đối với các giá trị sinh thái. Đồng thời, cần có những cơ chế cụ thể để nguồn thu từ phát triển du lịch phải quay lại phục vụ bảo tồn.

     Côn Đảo vốn không dồi dào về nước ngọt. Trong số 16 đảo của quần đảo chỉ có hai đảo nước ngọt. Những ngành công nghiệp đòi hỏi nguồn nước sạch với khối lượng lớn như chế biến thủy hải sản, cơ khí sửa chữa tàu thuyền, phương tiện giao thông vận tải và các loại máy phục vụ xây dựng… cần được cân đối với nguồn nước và nguồn nguyên liệu, nhất là những nguyên liệu phải chở từ đất liền hay có khả năng nhiễm bẩn môi trường.

     Hiện trạng phát triển du lịch Côn Đảo chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng của ngành du lịch. Quan trọng hơn là số lượng du khách tăng lên gấp khoảng 10 lần trong vòng 10 năm sẽ kéo theo rất nhiều vấn đề về môi trường như lượng rác thải quá lớn, nước thải gây ô nhiễm, các loài sinh vật biển bị suy kiệt do ô nhiễm. Nhiều chuyên gia về du lịch và môi trường cho rằng, nếu Côn Đảo không được đầu tư đúng mức cả về tài chính, nhân lực, thiết bị để xây dựng và thực hiện các biện pháp BVMT, số lượng du khách tăng lên nhanh chóng sẽ thúc đẩy nhanh hơn quá trình suy kiệt và tàn phá một trong những tài nguyên thiên nhiên nguyên vẹn của Việt Nam.

 

 

Bùi Hòa Bình

Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 4/2014

 

 

 

Ý kiến của bạn