Banner trang chủ

Bảo tồn và phát triển những giá trị đa dạng sinh học ở đầm phá Tam Giang - Cầu Hai

06/02/2017

   Là vùng đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á, cách TP. Huế khoảng 12 km, phá Tam Giang - Cầu Hai có diện tích 22.000 ha với 3 hệ đầm kế tiếp nhau: Tam Giang, Đầm Sam - Thủy Tú và Cầu Hai. Đây là vùng đầm phá có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) cao ở cả ba cấp độ sinh thái, loài và nguồn gen, đồng thời có ý nghĩa quan trọng trong bảo tồn ĐDSH. Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có giá trị về kinh tế - xã hội, lịch sử - văn hóa, đặc biệt là sinh thái và môi trường. Mỗi năm, đầm phá cung cấp hàng nghìn tấn thủy sản, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống của dân cư trong vùng.

   Giá trị ĐDSH hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai

   Do có tính đa dạng cao về sinh cảnh, sự biến động theo mùa và thường xuyên của chế độ thủy lý, thủy hóa… nên hệ sinh thái (HST) động vật đầm phá rất phong phú về thành phần loài, đặc biệt là động vật thủy sinh. Đến nay, đã xác định được 187 loài cá thuộc 110 giống, 66 họ và 17 bộ khác nhau ở đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Trong đó, bộ cá vược chiếm ưu thế tuyệt đối với 106 loài trong 35 họ; tiếp đến các bộ cá đối 14 loài; bộ cá chép 13 loài; bộ cá trích 10 loài; bộ cá chình 8 loài; bộ cá nheo và bộ cá nóc cùng 7 loài; bộ cá nhoái và bộ cá bơn đều có 5 loài; bộ cá đèn 4 loài; bộ cá mù làn có 2 loài; còn lại 6 bộ gồm cá đuối, cá cháo, cá thát lát, cá suốt, cá gai, lươn với mỗi bộ chỉ có 1 loài.

   Thành phần loài chim cũng khá phong phú với 70 loài đã được ghi nhận, trong đó có 34 loài chim di cư, 36 loài chim định cư, 28 loài có giá trị kinh tế cao, 21 loài trong Danh lục chim bảo vệ nghiêm ngặt của Cộng đồng châu Âu như diệc lửa, cò trắng, cò ruồi, ó cá, cắt lưng hung, choi choi sông, choi choi khoang cổ, choắt đốm đen, choắt bụng xám, choắt nhỏ, nhàn đen, bồng chanh, nhạn bụng trắng, chìa vôi vàng, chìa vôi trắng... Nhờ có thảm thực vật đầm lầy gồm cỏ tranh, cỏ gà nước, lác, sú… nên chim nước tập trung với mật độ cao, tạo thành các sân chim tại cửa sông Ô Lâu, đầm Sam và cửa sông Đại Giang. Vào vụ đông xuân, số lượng chim lên tới 20.000 con, có lúc đàn ngỗng trời trên 500 con, đàn vịt trời trên 1.000 con và đàn sâm cầm tới 2.000 - 3.000 con.

   Đối với hệ thực vật, đến nay, đã phát hiện gần 400 loài ở đầm phá, bao gồm 250 loài thực vật phù du, chủ yếu tảo silic, tảo giáp; 54 loài vi tảo đáy (chủ yếu tảo silic), 43 loài rong tảo, 18 loài thực vật thủy sinh (7 loài cỏ biển và 11 loài cỏ nước ngọt), 31 loài thực vật cạn. Phân bố sinh thái của các loài thực vật đã tạo nên các quần xã, trong đó quần xã cỏ nước có vai trò quan trọng nhất trong đầm phá. Trong HST đầm phá có nhiều sinh cảnh sinh sống và các tiểu HST như các vùng cửa sông nhỏ, bãi lầy cỏ, đầm lầy sú vẹt, bãi triều trong đầm phá, các thảm cỏ biển và thảm cỏ nước ngọt. Trong thảm cỏ biển và nước ngọt có những loài có ý nghĩa sinh thái là rong tóc tiên, rong đuôi chó, rong cám, cỏ xoan biển, cỏ nàn biển, hải kim lá thông, hẹ biển, cỏ kim... Vùng đầm lầy sú vẹt có các loài đặc trưng như loài trang, vẹt dù, giá (trà mủ), ngọc nữ biển và muống biển…

   Tình hình quản lý môi trường và bảo tồn ĐDSH

   Từ năm 2009, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành Quyết định số 2435/QĐ-UBND thành lập Khu bảo vệ thủy sản (KBVTS) Cồn Chìm trên đầm phá với mục đích khai thác và nuôi trồng thủy sản. Qua đó, các loài tôm, cá được bảo vệ, sinh sản và phát triển. Sau đó, các KBVTS quy mô nhỏ dựa vào cộng đồng đã được thành lập, phù hợp với chính sách của Chính phủ về quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH nói chung và bảo tồn đất ngập nước (ĐNN) nói riêng.

   Tính đến năm 2015, trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có 23 KBVTS với tổng diện tích bảo vệ nghiêm ngặt là 614,2 ha, chiếm khoảng 2,8% diện tích của đầm phá. Điều đáng nói là các KBVTS được thành lập với nguyên tắc không phát sinh đơn vị quản lý nhà nước, mà thuộc địa bàn hành chính của xã nào thì chịu sự quản lý của UBND cấp xã và cấp huyện đó. Về chuyên ngành, Sở NN&PTNT là đơn vị chịu trách nhiệm cấp tỉnh và Chi cục Thủy sản đảm nhận chức năng điều phối quản lý các KBVTS. Chi cục Thủy sản phối hợp với Phòng NN&PTNT các huyện, xã, thị trấn có KBVTS thực hiện quản lý, bảo vệ bãi giống, bãi đẻ, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đồng thời huy động các tổ chức trong nước và quốc tế hỗ trợ triển khai các hoạt động nhằm phát triển hệ thống các KBVTS.

   Sau khi thành lập, các KBVTS được cắm mốc giới, xác định trên thực địa và tổ chức tuyên truyền rộng rãi để cộng đồng chấp hành, phân định rõ không gian của các vùng bảo vệ. Các Chi hội nghề cá (CHNC) được giao quản lý KBVTS, đều thành lập các đội tuần tra; đồng thời xây dựng quy chế thực hiện. Đến cuối năm 2015, đã có 13 thuyền “kiểm ngư cộng đồng” được trang bị cho 13 Chi hội. Bên cạnh đó, tỉnh khuyến khích phát triển các nghề thân thiện với môi trường như nuôi rong câu để bảo tồn ĐDSH, BVMT, tạo sinh kế bền vững cho người dân. Đối với các hoạt động du lịch sinh thái trong các KBVTS, tỉnh cho phép các địa phương tổ chức khai thác khi có sự tham gia và giám sát của cộng đồng ngư dân địa phương…

   Mặc dù, hệ thống quản lý các KBVTS đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng trong quá trình triển khai thực hiện còn nhiều khó khăn, thách thức như nguồn ngân sách cấp hàng năm còn hạn chế; nguồn nhân lực có chuyên môn và kỹ năng bảo tồn còn thiếu; quy hoạch các KBVTS không hợp lý; tình trạng khai thác trái phép ở KBVTS vẫn diễn ra, dẫn đến nguồn lợi thủy sản tự nhiên trong đầm phá cạn kiệt; chất lượng môi trường nước ngày càng bị ô nhiễm.

Thành lập KBT ĐNN đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là yêu cầu cấp thiết

   Cần thành lập khu bảo tồn (KBT) ĐNN đầm phá Tam Giang - Cầu Hai

   Theo Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 8/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH trên cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã xác định KBT ĐNN Tam Giang - Cầu Hai là một trong những KBT ĐNN cấp quốc gia cần phải thành lập. Trong Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đến năm 2020” đã nêu rõ, cần tập trung đầu tư phát triển vùng ven biển, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trở thành vùng đặc thù kinh tế, đồng thời là khu dự trữ sinh quyển.

   Để cụ thể hóa các chính sách đó, tháng 5/2016, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có chủ trương bảo tồn thí điểm giai đoạn đầu Dự án thành lập KBT ĐNN Tam Giang - Cầu Hai tại sông Ô Lâu với sự hỗ trợ của Bộ TN&MT thông qua Dự án Bảo tồn các khu ĐNN quan trọng và sinh cảnh liên kết, thực hiện tại Thái Bình và Thừa Thiên - Huế. Nếu KBT được thành lập thì 23 KBVTS đầm phá trở thành các vùng lõi vệ tinh của KBT. Tuy nhiên, vấn đề thách thức lớn nhất hiện nay là thành lập bộ máy quản lý KBT trong bối cảnh Nhà nước đang có chủ trương tinh giản biên chế hành chính sự nghiệp. Vì vậy, cần xây dựng một thiết chế mới về KBT, trong đó đặc biệt chú trọng cơ chế đồng quản lý KBT.

   Bên cạnh đó, cần thiết lập một cơ chế tài chính lâu dài để duy trì hoạt động quản lý, chi phí mua sắm trang thiết bị, xây dựng mạng lưới bảo tồn... Nguyên tắc “người được hưởng lợi phải trả phí” cần được cụ thể hóa bằng chính sách; cơ chế chi trả dịch vụ HST cho vùng đầm phá, đồng thời nghiên cứu để có một nguồn thu độc lập cho công tác bảo tồn như phát triển mô hình du lịch sinh thái, đẩy mạnh hợp tác quốc tể để kêu gọi các dự án tài trợ....

   Cuối cùng, bảo vệ chất lượng môi trường nước là vấn đề sống còn không chỉ đối với ĐDSH, mà còn là vấn đề sinh kế của người dân sống phụ thuộc vào thủy sản trong khu vực đầm phá. Hiện nay, chất lượng môi trường nước của khu vực đầm phá ngày càng ô nhiễm. Nếu không có một kế hoạch tổng thể để bảo vệ nguồn nước thì sẽ gây ra những hậu quả nặng nề cho môi trường và cộng đồng. Do đó, việc thành lập KBT ĐNN đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Mai Hồng Quân

Cục Môi trường miền Trung và Tây Nguyên

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2016

Ý kiến của bạn