Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 22/11/2024

Bảo tồn và phát triển “Lá phổi xanh” ở Tây Nguyên

07/05/2014

     Nằm tiếp giáp giữa Cao nguyên Đắc Nông với Cao nguyên Di Linh, Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Tà Đùng có diện tích 21.307,73 ha, được ví như “lá phổi xanh” ở Tây Nguyên. Là khu rừng gồm nhiều dãy núi có độ cao trung bình từ 1.200 - 1.500 m, với đỉnh Tà Đùng cao 1.982 m, độ cao thấp nhất là vùng đất phía Nam của Khu bảo tồn với độ cao 600 m. KBTTN Tà Đùng có vai trò quan trọng trong phòng hộ đầu nguồn, là vùng đầu nguồn của 2 con sông lớn (sông Krông Nô - Sêrêpôk ở phía bắc và sông Đồng Nai ở phía nam) cung cấp nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất công - nông nghiệp, điện năng… cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Bên cạnh đó, các nhà máy thủy điện còn tạo ra hồ nước trên cao có diện tích khoảng 3.632 ha mặt nước và hình thành nên 47 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có một số đảo của Khu bảo tồn (KBT) với diện tích lớn, thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái trên đảo.

     KBTTN Tà Đùng là một khu vực hiện có một lớp thảm rừng rộng lớn che phủ tới 85% diện tích vùng lõi của KBT, bao gồm rừng nguyên sinh chiếm 48%, rừng thứ sinh các loại 36%. Nếu đem so sánh với tỷ lệ che phủ của rừng Việt Nam (33,6%) và rừng nguyên sinh của cả nước (10%), thì đây là một trong những vùng có độ che phủ lớn với sự đa dạng của các hệ sinh thái và sinh cảnh phù hợp cho cư trú, sinh trưởng, phát triển của khu hệ động vật rất phong phú.

     Theo kết quả điều tra của Trung tâm đa dạng sinh học và phát triển - Viện sinh học nhiệt đới (TP. Hồ Chí Minh) năm 2011 - Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam đã ghi nhận được ở KBTTN Tà Đùng có 1.406 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 760 chi và 192 họ của 6 ngành thực vật khác nhau. Trong đó, nhóm ngành thực vật hạt kín (chiếm 88,96%), sau đó là ngành dương xỉ (chiếm 9,53%), ngành có số lượng loài ít nhất là ngành khuyết lá thông (chiếm 0,07%).

     Trong tổng số 1.405 loài thực vật ghi nhận được ở KBTTN Tà Đùng, có 89 loài có nguy cơ bị tuyệt chủng, chiếm 6,3 % số loài. Trong đó, 69 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam (2007); 28 loài có tên trong Danh lục đỏ IUCN và 14 loài được ghi trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó, ở mức độ toàn cầu có 6 loài cực kỳ nguy cấp, 5 loài nguy cấp và 6 loài sẽ nguy cấp. Ở mức độ quốc gia, có 28 loài nguy cấp và 41 loài sẽ nguy cấp.

     Cũng theo kết quả điều tra của Trung tâm đa dạng sinh học và phát triển cho thấy, tại đây có 573 loài động vật thuộc 38 bộ và 129 họ khác nhau (khu hệ thú: 88 loài, chim: 202 loài, bò sát: 49 loài, ếch nhái: 38 loài, côn trùng 152 loài, cá: 25 loài, thân mềm: 19 loài). Trong đó, có 14 loài đặc hữu (thú: 3; chim: 5; bò sát: 1; ếch nhái: 3; cá: 2), 215 loài trong Sách đỏ gồm 62 loài trong Sách đỏ Việt Nam và 201 loài Sách đỏ thế giới. Tiêu biểu có 2 loài thú lớn bị đe dọa tuyệt chủng toàn cầu là Mang lớn và Bò tót, ngoài ra, còn có 3 loài thú đặc hữu tại Việt Nam là voọc bạc trung bộ, vượn má hung, chà vá chân đen. Đặc biệt, Tà Đùng là một trong 3 khu bảo vệ duy nhất của Việt Nam, hiện có loài hươu vàng còn gọi là hươu đầm lầy, đây là loài phụ đặc hữu của Đông Dương và Thái Lan, chúng đang có nguy cơ bị tuyệt chủng do nơi sống bị thu hẹp và săn bắn qua mức. Tà Đùng cũng ghi nhận một số loài lưỡng cư đang bị đe dọa trên toàn cầu như loài ếch chỉ có ở miền nam Việt Nam và phía đông Campuchia. Mặt khác, KBT là một trong 4 vùng chim đặc hữu của Việt Nam và là một trong 222 vùng chim đặc hữu trên toàn thế giới với 145 loài thuộc 14 bộ và 38 họ với các loài đặc trưng là gà lôi vằn; gà tiền mặt đỏ, khướu đầu đen, khướu mỏ dài, khướu ngực đốm…

     Để bảo vệ diện tích rừng và bảo tồn đa dạng sinh học hiện có, ngăn chặn các hiện tượng khai thác, chặt phá, lấn chiếm rừng và đất rừng trái phép, KBTTN Tà Đùng đã tiến hành lồng ghép phương án chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng với giao khoán quản lý bảo vệ rừng với phương thức cụ thể. Thông qua việc giao khoán quản lý bảo vệ rừng nhằm nâng cao hiểu biết của người dân về rừng và tác dụng của rừng đối với đời sống con người. Đồng thời, tuyên truyền vận động mọi người cùng nhau quản lý bảo vệ rừng. Hướng tới thực hiện chính sách chia sẻ lợi ích, chính sách đồng quản lý và chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

 

Vượn má hung - loài thú đặc hữu ở Tà Đùng

 

     Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, năm qua, Hạt kiểm lâm đã phối hợp với các phòng ban, chính quyền các địa phương tổ chức 33 hội thảo tuyên truyền cấp thôn và phổ biến các văn bản pháp luật, những chính sách của Nhà nước về công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy cho người dân sống gần rừng với 914 người tham gia. Qua đó, giúp người dân nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ rừng, chấp hành chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước không tự ý vào KBT phá rừng trái pháp luật. Về hình thức và cách thức tuyên truyền có đổi mới đó là sử dụng máy chiếu nên thu hút được sự quan tâm và theo dõi của người dân. Đồng thời, thực hiện ký cam kết về quản lý bảo vệ rừng với 199 hộ dân tại 3 xã giáp ranh KBT; Đóng mới 35 bảng tuyên truyền tại các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng và lấn chiếm đất rừng trái phép.

     Đặc biệt, được sự hỗ trợ của Quỹ Bảo tồn rừng đặc dụng Việt Nam, trong năm 2013, KBTTN Tà Đùng thực hiện các hạng mục của Dự án Quỹ bảo tồn Việt Nam (VCF) pha 2, tổng kinh phí: 2.401.206.371 đồng, với các hoạt động chính như: Tập huấn về hệ thống định vị địa lí (GPS và phần mềm bản đồ) và ứng dụng trong công tác quản lý tài nguyên; Phân loại và nhận diện một số loài thực vật quan trọng; Nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo tồn đa dạng sinh học và giáo dục môi trường tại 16 thôn bản; Thành lập 3 câu lạc bộ xanh trong 3 Trường THCS quanh KBT; Điều tra và giám sát loài linh trưởng và một số loài trong họ trĩ - bộ gà...

     Thời gian tới, KBTTN Tà Đùng sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc trồng rừng bổ sung vùng trống bằng cây bản địa; Điều tra, nghiên cứu, xác lập danh mục các loài động thực vật được ưu tiên bảo vệ, danh mục các loài cấm khai thác và các loài được hạn chế khai thác sử dụng, hướng dẫn kỹ thuật đánh bắt các loài hạn chế khai thác ngoài tự nhiên; Xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án bảo tồn loài hoang dã, cây trồng, vật nuôi thuộc danh mục được ưu tiên bảo vệ; Tăng cường năng lực kiểm soát việc xâm nhập của các loài sinh vật ngoại lai xâm hại; quản lý rủi ro do sinh vật biến đổi gen và sản phẩm của chúng đối với môi trường và sức khỏe con người…

     Với tiềm năng về đa dạng sinh học cũng như tự nhiên và văn hóa độc đáo, hy vọng trong tương lai, Tà Đùng sẽ được đầu tư, quy hoạch thành khu du lịch sinh thái với những chuỗi sản phẩm du lịch đa dạng, tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, góp phần bảo vệ TN&MT tại KBTTN Tà Đùng.

 

Vũ Thị Hạnh

Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 4/2014

Ý kiến của bạn