Banner trang chủ

Bảo tồn loài hoa đỗ quyên trong Vườn di sản ASEAN Hoàng Liên

13/09/2016

   Hoa đỗ quyên là một trong những loài hoa quý được ưa chuộng ở nhiều nước trên thế giới. Cây đỗ quyên có nguồn gốc ôn đới, mọc tự nhiên và sinh trưởng tốt tại các vùng núi cao có khí hậu á nhiệt đới.Trên thế giới, đỗ quyên có địa bàn phân bố rộng, xuất hiện ở Bắc bán cầu và trải dài xuống Nam bán cầu thuộc vùng Đông Nam Á và vùng Bắc Ôxtrâylia. Sự đa dạng của loài này được ghi nhận ở vùng núi Himalaya (Nêpal), Vân Nam, Tứ Xuyên (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Ở nước ta, đỗ quyên mọc chủ yếu ở Sa Pa (Lào Cai), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Đà Lạt (Lâm Đồng), trong đó tại Vườn di sản (VDS) ASEAN Hoàng Liên (Lào Cai), các nhà khoa học đã phát hiện có hơn 30 loài đỗ quyên, mọc tự nhiên, vì vậy nơi đây còn được mệnh danh là “Vương quốc hoa đỗ quyên”. Đặc biệt, ngày 5/11/2014, quần thể 7 cây đỗ quyên cành thô của Vườn đã được công nhận là “Cây di sản Việt Nam".

   Đặc điểm sinh trưởng của đỗ quyên

   Đỗ quyên là loài thực vật có hoa thuộc họ thạch nam, là một chi lớn, với khoảng 850 - 1.000 loài, hầu hết các loài đều có hoa rực rỡ, với đủ màu sắc. Trong các loài đỗ quyên có 28 loài cho hoa và dáng đẹp, trồng làm cảnh như đỗ quyên mộc, đỗ quyên cành thô, đỗ quyên lá sóng, đỗ quyên nhọn, đỗ quyên quang trụ...; có 5 loài hoa đỗ quyên cho sản phẩm làm thuốc chữa bệnh gồm: Đỗ quyên hoa cánh trắng lớn, đỗ quyên hoa đỏ, đỗ quyên nhỏ hoa trắng, đỗ quyên sim, đỗ quyên hoa nhỏ trên đá. Cây đỗ quyên có đặc điểm mọc thành từng bụi và tập trung, loại nhỏ có chiều cao từ 10 - 100 cm. Loài lớn nhất được ghi nhận cao tới 30 m. Lá cây xếp hình xoắn ốc, với kích thước 1 - 2 cm, rụng lá theo mùa. Ở một số loài, mặt dưới lá có phủ vảy và lông tơ, thân cây leo, sống bám vào vách đá.

Cây đỗ quyên trong VDS ASEAN Hoàng Liên

   Theo kết quả khảo sát, điều tra của các nhà khoa học Việt Nam, khu vực xung quanh đỉnh núi Phan Xi Păng thuộc VDS Asean Hoàng Liên có khoảng 56 cá thể cây đỗ quyên cành thô, cao từ 11 - 15 m, khoảng 250 - 300 tuổi. Hầu hết, các cây đều mọc bám vào vách đá cheo leo và có hoa quanh năm, nhưng hoa nở rộ nhất vào dịp giữa mùa xuân và đầu mùa hè. Hoa đỗ quyên ưa ánh sáng, càng lên cao, hoa mọc dày tạo thành những trảng hoa rực rỡ. Do đó một số loài đã bị suy giảm nghiêm trọng do khai thác tận diệt trong tự nhiên để trồng làm cảnh và thương mại hóa.

   Bảo tồn và nhân giống loài đỗ quyên

   Để bảo tồn loài hoa quý này, nhiều công trình nghiên cứu trong nước đã được triển khai, một số mẫu tiêu bản gốc về cây và lá, hoa đỗ quyên đã được lưu giữ ở Bảo tàng thực vật học trong và ngoài nước. Năm 2015, Ban quản lý VDS ASEAN Hoàng Liên được giao thực hiện đề tài: "Nghiên cứu các phương pháp nhân giống một số loài đỗ quyên (bằng hạt và giâm cành) tại núi Hoàng Liên - Lào Cai". Mục tiêu của đề tài là điều tra, đánh giá các loài đỗ quyên, từ đó xác định loài cần nhân giống; đồng thời tiến hành nhân giống một số loài đỗ quyên quý hiếm, giá trị cao đang có nguy cơ bị tuyệt chủng; đề xuất biện pháp bảo tồn và khai thác các tiềm năng, giá trị của loài hoa đỗ quyên, cụ thể như: Xây dựng vườn cây giống bảo tồn; tập huấn kỹ thuật về nhân giống; nhân giống bằng hạt; nhân giống bằng giâm hom cành; trồng khảo nghiệm các loài đã được nhân giống; tổ chức hội thảo khoa học...

Cây đỗ quyên hoa đỏ mọc ở độ cao gần 3.000 m trên đường lên đỉnh Phan Si Păng

   Sau hơn một năm thực hiện đề tài, Vườn đã thu thập và xử lý, đưa vào bảo quản, giới thiệu 500 mẫu tiêu bản đỗ quyên. Từ đó, phục vụ công tác giám định tên loài và kết hợp công tác tổng hợp thông tin, tài liệu lập ra danh sách hơn 30 loài đỗ quyên phân bố tự nhiên tại núi Hoàng Liên. Vườn cũng tập hợp và xây dựng được bộ tài liệu: "Đa dạng hoa đỗ quyên VDS ASEAN Hoàng Liên", mô tả chi tiết đặc điểm nhận dạng, phân bố, công dụng, mùa hoa, mùa quả của các loài đỗ quyên được phát hiện và ghi nhận trong khu vực nghiên cứu; phân loại các loài đỗ quyên núi Hoàng Liên theo 3 nhóm: Cây làm cảnh, cây trồng tạo cảnh quan và cây làm dược liệu. Đặc biệt, đã xây dựng được vườn cây giống bảo tồn với 201 cây thuộc 19 loài đỗ quyên, đạt tỷ lệ sống 73,4%. Điều này cho thấy, đa số các loài đỗ quyên núi Hoàng Liên có thể gây trồng và phát triển.Với phương pháp gieo hạt và giâm cành, các nhà khoa học cũng đánh giá phương pháp giâm cành là phương pháp phổ biến nhất, có thể áp dụng với tất cả các loài đỗ quyên. Nên dùng các chậu sành để giâm cành, cần chọn cành mọc trong năm nửa hóa gỗ để làm cành giâm. Chậu hoa giâm cành nên để nơi ánh sáng không chiếu trực tiếp, sau 4-5 tuần chồi non mọc thì mang ra nơi sáng. Đánh giá kết quả đề tài, các chuyên gia nhận định, việc nhân giống thành công loài đỗ quyên đã từng bước giữ gìn màu xanh quê hương. Tuy nhiên, đây mới là giai đoạn trồng thử nghiệm, cần thêm thời gian để đánh giá chính xác môi trường tương ứng nhất với loài hoa này.

   Trong thời gian tới, để tăng cường bảo vệ loài đỗ quyên, Ban quản lý Vườn sẽ tăng cường công tác kiểm tra và tuyên truyền cho người dân không đốt nương rẫy, chặt cành đỗ quyên tự nhiên về làm cảnh. Đồng thời, nhân giống đỗ quyên đại trà để cung cấp cho người dân quanh vùng trồng làm cảnh và phục vụ khách du lịch.

Lê Mai

Sở NN&PTNT Lai Châu

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8/2016)

Ý kiến của bạn