Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 18/07/2024

Ðức: Hành trình trở thành quốc gia dẫn đầu châu Âu trong phát triển kinh tế xanh

10/08/2017

   Trong cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, giống như nhiều nước của Liên minh châu Âu (EU), Đức cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, Đức đã trụ vững trong cơn bão khủng hoảng tài chính toàn cầu và nợ công ở châu Âu, với nền kinh tế mạnh mẽ, duy trì tăng trưởng và giảm tỷ lệ thất nghiệp. Đặc biệt, Đức cũng là quốc gia đi đầu trong các chính sách xanh hóa nền kinh tế, giữ vai trò chủ đạo trong thị trường công nghệ xanh của châu Âu và thế giới, góp phần BVMT, giảm phát thải khí nhà kính (KNK). Các chính sách liên quan đến BVMT và bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên đã được Chính phủ Đức lồng ghép trong tất cả các lĩnh vực hoạt động kinh tế, phát triển công nghiệp.

   Chính sách cải cách thuế năng lượng

   Từ những năm 90, Chính phủ Đức đã có chủ trương chuyển đổi sang phát triển các nguồn năng lượng mới, hạn chế sử dụng nguyên liệu hóa thạch là dầu, than và năng lượng hạt nhân. Trong các chính sách năng lượng, Chính phủ Đức đã chú trọng đến việc đánh thuế năng lượng, khuyến khích phát triển các công nghệ sạch, tăng thu nhập cho đầu tư công và cắt giảm chi phí lao động.

   Năm 1999, Đức đã thông qua Luật Cải cách thuế sinh thái và tăng mức thuế đối với dầu và khí đốt, đồng thời đưa ra một khoản thu mới về điện. Từ năm 1999 - 2000, với chính sách cải cách thuế năng lượng, Đức đã liên tục giảm mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Theo Văn phòng Thống kê CHLB Đức, mức tiêu thụ xăng trong năm 2000 giảm 4,5% so với năm 1999 và tiếp tục giảm lần lượt là 3,1%, 3,3% trong năm 2001, năm 2002. Ngoài ra, việc cải cách thuế năng lượng cũng làm thay đổi hành vi sử dụng năng lượng trong các lĩnh vực sản xuất kinh tế, thúc đẩy tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải CO2 đạt 3%/năm, tương đương 24 triệu tấn CO2. Mặt khác, nguồn thu lớn từ thuế năng lượng đã được Chính phủ Đức đầu tư cho các chương trình an sinh xã hội, giúp tạo ra cơ hội việc làm mới, trong đó một phần nhỏ số tiền thu thuế năng lượng được hỗ trợ dự án năng lượng tái tạo và hiện đại hóa các tòa nhà.

   Với những thành công ban đầu, năm 2006, Chính phủ Đức tiếp tục thông qua Luật Thuế năng lượng toàn diện, nhằm thiết lập khuôn khổ tài chính chung cho các sản phẩm năng lượng, thông qua các luật thuế và miễn thuế năng lượng, góp phần chuyển đổi nền kinh tế theo hướng xanh hóa, tạo ra cơ hội đầu tư hấp dẫn và thị trường công nghệ xanh. Với những lợi ích đó, chính sách cải cách thuế ở Đức đã trở thành công cụ tài chính hiệu quả, đóng góp lớn cho ngân sách quốc gia, cải thiện điều kiện lao động và ổn định thu nhập của người dân.

   Thúc đẩy năng lượng tái tạo

   Là một thành viên của EU, Đức cũng phải tuân thủ các chính sách pháp luật của EU về năng lượng và BVMT. Năm 2009, EU đã thông qua Chỉ thị về năng lượng tái tạo (NLTT), trong đó yêu cầu mỗi quốc gia thành viên tăng tỷ trọng NLTT (năng lượng mặt trời, năng lượng gió, sinh khối, thủy điện) từ 8,5% năm 2010 lên 20% vào năm 2020 trong tất cả các lĩnh vực. Trong thập kỷ qua, Đức đã phát triển mạnh NLTT, tỷ lệ NLTT trong sản xuất điện tăng từ 6% năm 2000 lên 16% năm 2009. Với mục tiêu trở thành quốc gia có nền kinh tế xanh và hiệu quả về năng lượng của thế giới, Chính phủ Đức đã xây dựng chiến lược phát triển năng lượng dài hạn đến năm 2050 và quyết tâm hướng tới một hệ thống năng lượng dựa hoàn toàn vào NLTT. Theo đó, đến năm 2020, NLTT sẽ chiếm 18% lượng tiêu thụ năng lượng và 80% vào năm 2050; giảm 40% lượng phát thải KNK vào năm 2020 và 80% năm 2050.

   Để đạt được mục tiêu trên, Đức đã xây dựng một khung chính sách toàn diện về khí hậu và phát triển NLTT, trong đó có Luật về các nguồn NLTT được ban hành vào tháng 4/2000. Song song với việc hoàn thiện chính sách, Chính phủ Đức còn đưa ra các cơ chế ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào NLTT và giảm các thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian thực hiện dự án. Đặc biệt, tất cả các bên từ chính quyền đến cộng đồng xã hội đều ủng hộ mạnh mẽ và góp phần hỗ trợ quốc gia chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp. Với cách tiếp cận là các chính sách môi trường sẽ thúc đẩy quá trình hiện đại hóa sinh thái và tạo ra các cơ hội thị trường mới để mọi đối tượng đều được hưởng lợi, Đức đã thực hiện thành công chiến lược phát triển NLTT, thúc đẩy sản xuất và gia tăng xuất khẩu các mặt hàng NLTT.

 

TP. Freiburg (Đức) xây dựng hệ thống đường sắt trong nội đô để giảm phát thải

 

   Khuyến khích xây dựng cơ sở hạ tầng xanh

   Những năm qua, Đức đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường cơ sở hạ tầng xanh như lắp đặt mái nhà xanh, cải tạo hệ thống thoát nước mưa, giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, cải thiện chất lượng không khí, sử dụng các vật liệu tái chế… Để phát triển cơ sở hạ tầng xanh, Chính phủ Đức đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi đối với các dự án xây dựng công trình đô thị xanh, dịch vụ môi trường, cải tiến công nghệ và kỹ thuật xây dựng theo hướng xanh hóa, xanh hóa cảnh quan đô thị.

   Đặc biệt, Chính phủ Đức đã đổi mới trong cách tiếp cận với vấn đề BVMT từ khuyến khích đến yêu cầu bắt buộc các địa phương phải xây dựng và duy trì cơ sở hạ tầng xanh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo đó, cơ sở hạ tầng xanh là một tiếp cận mà cộng đồng có thể lựa chọn để duy trì nguồn nước sạch, cung cấp nhiều lợi ích môi trường và hỗ trợ cộng đồng bền vững. Xuất phát từ điều đó, Chính phủ Đức đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của đông đảo người dân vào phát triển đô thị xanh, cũng như giải quyết vấn đề môi trường tại các sông, hồ ở địa phương, đảm bảo đất nước tăng trưởng xanh, bền vững.

   Thực hiện giao thông bền vững

   Ngoài các giải pháp trên, Chính phủ Đức còn chú trọng đến phát triển hệ thống giao thông vận tải bền vững, thông qua việc đánh thuế cao đối với xăng dầu, làm cho việc sở hữu ô tô phát sinh nhiều chi phí, tốn kém, đồng thời, khuyến khích sử dụng các loại ô tô phát thải ít hơn. Năm 2008, ước tính, thuế xăng dầu của Đức cao gấp 9 lần so với Mỹ. Vì thế, tại Đức, lượng xe ô tô cá nhân ít và người dân thường sử dụng các loại xe tiết kiệm năng lượng. Để khuyến khích người dân sử dụng xe ô tô điện, năm 2016, Chính phủ Đức đưa ra quy định, nếu người dân mua ô tô điện sẽ nhận được số tiền thưởng là 4.000 Euro và 3.000 Euro nếu mua ô tô điện - xăng. Bên cạnh đó, ô tô điện sẽ được miễn thuế trong 10 năm. Ngoài ra, Chính phủ còn cung cấp quỹ dành riêng cho các khoản đầu tư vào vận tải công cộng tại địa phương, bao gồm các dự án giao thông công cộng, xây dựng các trạm nạp điện, đường đi bộ và đi xe đạp, hệ thống đường sắt…

   Nhiều bang của Đức đã có những giải pháp sáng tạo nhằm thiết lập hệ thống giao thông bền vững như đưa ra yêu cầu tối thiểu về nơi đậu xe để hạn chế các phương tiện cá nhân; thúc đẩy phát triển cây xanh; tích hợp kế hoạch sử dụng đất với hệ thống giao thông vận tải địa phương; kêu gọi người dân đi xe đạp. Tiêu biểu như TP. Freiburg, ngay từ những năm 1960 - 1970, TP đã bắt đầu triển khai các chính sách giao thông bền vững, chẳng hạn như tạo ra các khu dành cho người đi bộ trong khu vực trung tâm TP, mở rộng mạng lưới giao thông công cộng, xây dựng và khai thác hệ thống đường sắt. TP khuyến khích sử dụng xe hơi ở trung tâm thị trấn, nhiều khu dân cư, bãi đỗ xe chỉ dành cho cư dân nơi đó và phải có giấy phép đặc biệt. Cùng với đó, TP cũng tập trung nâng cao chất lượng và dịch vụ của các phương thức vận tải công cộng thay thế ô tô riêng. Đồng thời, TP đã tăng cường các chương trình truyền thông cho người dân về lợi ích của việc đi xe đạp, đi bộ và sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Nguyễn Thị Liên

Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia - Bộ Xây dựng 

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2017

Ý kiến của bạn