Banner trang chủ

Ðắc Lắc bảo tồn và phát triển cây thủy tùng

08/09/2015

   1. Đặc điểm sinh trưởng và nguy cơ tuyệt chủng của loài thủy tùng

   Thủy tùng (Glyptostrobus pensilis) là loài đặc hữu được xếp vào diện bảo vệ nghiêm ngặt. Hiện trên thế giới có ba khu vực còn ghi nhận loài này là Trung Quốc, Lào và Việt Nam, trong đó Việt Nam là nước có số lượng thủy tùng còn lại nhiều nhất, phân bố ở ba địa điểm: hồ Ea Răl, rừng đặc dụng Trấp Ksor và thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đắc Lắc).

   Theo các nhà khoa học, thủy tùng chủ yếu mọc ở các vùng đầm lầy, thuộc nhóm 1A, nhóm thực vật rừng, là cây gỗ lớn thường xanh, cao từ 25-30 m, đường kính thân lớn từ 1,3 m. Vỏ dày, hơi xốp, màu xám, nứt dọc. Cây có rễ khí sinh không bị ngập, phát sinh từ rễ bên, cao 30cm, mọc lan xa cách gốc tới 6-7 m. Cây rụng lá, có tán hình nón hẹp. Lá có 2 dạng: ở cành dinh dưỡng có hình dùi, dài 0,6-1,3 cm, xếp thành 2-3 dãy và rụng vào mùa khô, ở cành sinh sản có hình vảy, dài 0,4 cm và không rụng. Nón đơn tính, cùng gốc, mọc riêng rẽ ở đầu cành. Nón cái hình quả lê, mỗi vảy mang 2 noãn. Sau khi thụ tinh các vảy hóa gỗ và dính nhau ở gốc tạo thành một nón dài 1,8 cm, rộng 1,2 cm với các vảy gần như liền nhau 7 - 9 mũi nhọn hình tam giác, hơi uốn cong ra phía ngoài. Mỗi vảy mang 2 hạt, hình trứng, dài 13 mm, rộng 3 mm, mang cánh hướng xuống dưới. Loài này có nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên vì bị khai khác quá mức để làm đồ mỹ nghệ do gỗ không bị mối mọt, cong vênh, thớ gỗ mịn, và có mùi thơm….

   Thủy tùng có giá trị đặc biệt về kinh tế, khoa học, môi trường và có tên ghi trong Sách đỏ Việt Nam, được xếp vào loài có nguy cơ tuyệt chủng cao, là một trong 10 loài thông được ưu tiên bảo tồn. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 32/2006/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, trong đó nghiêm cấm chế biến kinh doanh vì mục đích thương mại sử dụng loài cây thủy tùng. Quỹ Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) đã công bố thủy tùng là một trong những loài cây đang ở cấp độ “rất nguy cấp”.

   Theo số liệu thống kê của Chi cục Kiểm lâm Đắc Lắc, tại huyện Ea H’leo, khu bảo tồn (KBT) Ea Ral thủy tùng chỉ còn 219 cây và huyện Krông Năng trong KBT Trấp K’sor còn 31 cây. Số cây thủy tùng hiện còn trong các KBT Ea Ral và Trấp Ksor là quần thể nhỏ với mật độ 40-50 cây/1.000 m2 nên không thể thụ phấn được, vì vậy hạt thủy tùng không thể nảy mầm, các quần thể thủy tùng đã và đang bị thoái hóa. Tại KBT Ea Ral, do xây dựng hồ thủy lợi đã làm thay đổi môi trường nước - nước ngập quanh năm, nên không phù hợp quá trình sinh trưởng của thủy tùng. Số cây thủy tùng đang còn sống ở KBT này có nguy cơ bị chết, rất khó bảo tồn. Riêng KBT Trấp K’sor, sự tác động về địa hình, thủy văn không lớn, nên số cây thủy tùng còn lại khá khỏe, tán rộng, thân cây lớn, có khả năng bảo tồn được. Tuy nhiên, ở cả hai KBT Ea Ral và Trấp K’sor, nếu công tác bảo vệ không tốt, để xảy ra tình trạng chặt phá, thì thủy tùng bị tuyệt chủng là khó tránh khỏi. Mặc dù, hiện nay tại các khu bảo tồn Ea Ral và Trấp K’sor, tỉnh Đắc Lắc đã cho thành lập các Trạm Quản lý bảo vệ thủy tùng, thậm chí với những cá thể nằm rải rác ngoài KBT, chính quyền địa phương còn thuê các hộ dân tham gia bảo vệ từng cá thể, với chi phí khá tốn kém, nhưng thủy tùng vẫn bị đốn hạ trái phép.

   Trong 35 năm qua các nhà khoa học theo dõi tại hai khu vực này cho biết, không thấy xuất hiện những cây non tái sinh hạt mà chỉ có một vài cây tái sinh chồi. Phần lớn, các cá thể thủy tùng đang già cỗi, sức sinh trưởng kém, cành lá thưa thớt. Hàng năm, cây vẫn ra hoa, đậu quả nhưng đều cho hạt lép. Như vậy, loài cây này đang đối mặt với nguy cơ bị tuyệt chủng.

Quần thể thủy tùng ở KBT Trấp K’sor 

   2. Bảo tồn và nhân giống cây thủy tùng

   Để bảo vệ cây thủy tùng trước nguy cơ tuyệt chủng, tháng 1/2011, UBND tỉnh Đắc Lắc phê duyệt Dự án bảo tồn loài sinh cảnh thủy tùng giai đoạn 2010-2015 . Tỉnh đã thành lập 2 Ban quản lý loài sinh cảnh thủy tùng ở KBT xã Ea Ral, với diện tích 49 ha và Trấp K’sor, với 61,6 ha. Đồng thời, giao cho địa phương cùng với kiểm lâm quản lý một số cây còn sống rải rác ở huyện Krông Búk. Ban quản lý có nhiệm vụ giám sát và bảo tồn loài và sinh cảnh quần thể trên địa bàn tỉnh để duy trì, phát triển bền vững, phục vụ nghiên cứu khoa học và đời sống; Bảo tồn, duy trì môi trường sống tự nhiên của thủy tùng cũng như quần thể các nhóm loài, quần thể sinh vật trong hệ sinh thái; hướng đến phát triển tái sinh tự nhiên, nhân tạo thủy tùng và loài cây hỗ trợ.

Cây thủy tùng trồng thử nghiệm thành công 

   Triển khai các công tác bảo tồn thủy tùng, Ban quản lý các KBT đã đầu tư vốn đắp đập giữ nước, tạo điều kiện cho loài cây thủy tùng phát triển, đồng thời, làm đường vành đai, hàng rào; phân công cán bộ kiểm lâm quản lý, nhằm bảo vệ tốt nguồn gien quý hiếm, phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học.

   Từ năm 2007 đến nay, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên đã thực hiện Đề tài “ Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học, sinh thái và nhân giống làm cơ sở bảo tồn loài thủy tùng". Kết quả ngiên cứu cho thấy, thủy tùng nhân giống được bằng các phương pháp như “dâm hom”, “cấy mô” và “ghép gốc”. Phương pháp dâm hom có 17% ra rễ, nhưng khi trồng thì tỷ lệ chết cao; phương pháp cấy mô, cây tạo chồi tốt, nhưng tìm môi trường ra rễ lại khó; còn phương pháp ghép gốc với cây có hệ di truyền gần giống thủy tùng là cây bụt mọc (hạt bụt mọc xuất xứ từ Mỹ) cho kết quả khả quan với tỷ lệ sống hơn 70%.

   Năm 2012, mầm ghép thủy tùng sinh trưởng, phát triển ổn định. Năm 2013, cây được đưa về các huyện Krông Năng, Ea H’Leo, Krông Pắk trồng thử nghiệm trên đất cạn ẩm ướt có tưới nước và khu đầm lầy. Kết quả, cây trồng trên cạn tỷ lệ sống đạt 90%, sinh trưởng và phát triển tốt. Đây là ưu thế vượt trội của cây ghép thích ứng tốt với môi trường trên cạn so với cây mọc tự nhiên. Dự đoán sau 3 năm, trung bình cây cao 7m, đường kính gốc đạt 25cm. Còn ở môi trường sình lầy tại nơi phân bố do mực nước cao nên cây lớn chậm hơn, tỷ lệ sống thấp hơn (đạt 70%), sau 3 năm cây cao khoảng 2,5m, đường kính gốc 8cm.

   Năm 2014, cây thủy tùng ghép chồi được trồng thử nghiệm trên nương rẫy gần một năm, đạt tỉ lệ sống khi đem trồng trên đất đạt 100%, cao khoảng 1,5m, đường kính 3 - 4cm, hiện nay đã ươm được 1.500 cây. Trên cơ sở này, UBND tỉnh Đắc Lắc đã quyết định đầu tư 600 triệu đồng từ vốn sự nghiệp khoa học kỹ thuật để phát triển cây thủy tùng trên địa bàn tỉnh.

   Đánh giá kết quả Đề tài, các chuyên gia nhận định, việc nhân giống thành công loài cây thủy tùng đã mở ra một tín hiệu mới cho địa phương, giúp người dân thoát nghèo, từng bước giữ gìn màu xanh quê hương. Tuy nhiên, đây mới là giai đoạn trồng thử nghiệm, cần thêm thời gian để đánh giá chính xác môi trường tương ứng nhất với loài thủy tùng ghép này. Ngoài giá trị về kinh tế, thủy tùng còn có giá trị đặc biệt về khoa học, môi trường. Nếu trồng thử nghiệm thành công, loài cây này sẽ được đưa vào trồng ở nhiều hệ sinh thái khác nhau như hồ đập, bờ sông, rừng đầu nguồn… nhằm bảo vệ nguồn nước ngầm đang bị suy giảm nghiêm trọng.

   Các chuyên gia cũng đề xuất, thủy tùng là loài cổ thực vật, theo thời gian, môi trường sống thay đổi nên cây bị thoái hóa. Thay vì cố chống lại quy luật tự nhiên, cần tập trung nhân giống bảo vệ chúng. Thành công bước đầu trong ghép chồi thủy tùng, chứng minh việc tạo ra các quần thể nhân tạo là điều không khó. Nếu trồng với số lượng đủ lớn, sinh cảnh phù hợp, thủy tùng hoàn toàn có khả năng tự thụ phấn, sinh sản bằng hạt. Vì vậy cần có một dự án quy mô lớn cả về tài chính, con người, khoa học-kỹ thuật để nhân rộng thủy tùng ở địa phương.

Nguyễn Thị Phượng

Bộ TN&MT

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8 -2015)

Ý kiến của bạn