Banner trang chủ

Ðánh giá về hiện trạng thực vật bậc cao tại núi Cấm, An Giang

05/05/2016

   An Giang là tỉnh ở thượng nguồn của đồng bằng sông Cửu Long, nằm giữa sông Tiền và sông Hậu với sự đa dạng về sinh cảnh như đồi, núi và đồng bằng. Với độ cao khoảng 710 m, núi Cấm (An Giang) là một trong những khu vực có sự đa dạng về thực vật bậc cao (TVBC), nhiều cây thuốc có giá trị phát triển tự nhiên. Tuy nhiên, vào mùa khô, các loài thực vật bị thay đổi do địa hình cao và có nguy cơ cháy do thiếu nước. Nhằm bảo vệ những giá trị tài nguyên và sinh thái, nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Cần Thơ và Đồng Tháp đã khảo sát, đánh giá tính đa dạng của TVBC vào mùa khô ở núi Cấm, để có cơ sở xây dựng kế hoạch quản lý bền vững.

   Đa dạng về thành phần TVBC

   Kết quả khảo sát vào mùa khô theo hai tuyến sườn Đông và Tây ở núi Cấm đã ghi nhận được 49 loài thực vật rừng thuộc 45 chi và 29 họ. Họ có nhiều loài nhất là họ đậu gồm có 10 loài, họ có 4 loài là dâu tằm và cỏ. Họ có số lượng cá thể nhiều nhất là đậu, với 108 cá thể và lúa gồm 103 cá thể, họ có số lượng cá thể thấp nhất là họ cuồng cuồng gồm 1 cá thể.

Bảng 1. Các họ thực vật có sự đa dạng về loài

Họ

Loài

Tỉ lệ % trên tổng số loài

Đậu

10

20,4

Dâu tằm

4

8,2

Dầu

2

4,1

Cau Dừa

3

6,1

Xoài

2

4,1

Lúa

4

8,2

Bông

2

4,1

   Cũng theo kết quả khảo sát, cây gỗ lớn có 10 loài (chiếm 20,4%), cây gỗ nhỏ có 14 loài (chiếm 28,6%), cây bụi và tiểu mộc có 7 loài (chiếm 14,2%), dây leo có 9 loài (chiếm 18,4 %), cây dạng cỏ có 9 loài (chiếm 18,4 %). Do địa hình cao, thiếu nước và tồn tại nhiều vật chất khô nên hệ sinh thái nơi đây đang đối mặt với nguy cơ cháy rừng.

   Đa dạng về công dụng

   Các loài TVBC được khảo sát cũng đa dạng về công dụng. Trong 47 loài thực vật được sử dụng có 21 loài với nhiều công dụng, trong đó 33 loài có giá trị làm thuốc, 12 loài lấy gỗ cho đun nấu, 11 loài ăn trái, 10 loài được sử dụng trong xây dựng và vật dụng gia đình, 9 loài làm thực phẩm, 3 loài làm cây cảnh. Trong họ lúa, loài tầm vong được sử dụng nhiều trong đời sống ở đồng bằng sông Cửu Long và đây là một trong các loài mang lại giá trị kinh tế cho người dân vùng Bảy Núi.

Bảng 2. Các nhóm công dụng của thực vật ở núi Cấm, An Giang

Nhóm công dụng

Loài

Tỉ lệ % trên tổng số loài

Làm thuốc

33

67,3

Lấy gỗ cho đun nấu

12

24,5

Ăn trái

11

22,4

Xây dựng và vật dụng gia đình

10

20,4

Thực phẩm

9

18,4

Cây cảnh

3

6,1

   Núi Cấm có 3 loài thực vật được xếp vào danh mục thực vật rừng quý, hiếm ở ba cấp đó là cấp đánh giá E (đang nguy cấp), cấp đánh giá R (hiếm) và cấp đánh giá T (bị đe dọa) theo Sách đỏ Việt Nam (2007) (bảng 3).

Bảng 3. Thực vật rừng quý hiếm núi Cấm (theo Sách đỏ Việt Nam 2007)

STT

Tên Việt Nam

Họ

1

Muồng đen

Vang

2

Giáng hương

Họ phụ của họ đậu

3

Chân chim 8 lá

Cuồng cuồng

   Đánh giá sự đa dạng qua các chỉ số Đa dạng sinh học

   Ở các ô tiêu chuẩn nghiên cứu (100 m2 đối với cây thân gỗ và 1 m2 đối với cây thân thảo), số loài thấp nhất là 4 loài và cao nhất là 13 loài.

   Chỉ số phong phú loài Margalef được sử dụng để xác định tính đa dạng hay độ phong phú về loài. Chỉ số phong phú loài trong khu vực nghiên cứu trung bình là 2,45 ± 0,37, thấp nhất là 1,46 và cao nhất là 3,48. Trong 11 ô tiêu chuẩn nghiên cứu có 6 ô có giá trị chỉ số phong phú loài cao hơn giá trị trung bình (chiếm 54,5%).

   Chỉ số Shannon-Weiner được đề xuất từ những năm 1949, được sử dụng phổ biến để tính sự đa dạng loài trong một quần xã. Chỉ số đa dạng loài có giá trị trung bình là 1,94 ± 0,19, thấp nhất là 1,32 và cao nhất là 2,43. Trong 11 ô tiêu chuẩn nghiên cứu có 7 ô có chỉ số đa dạng cao hơn giá trị trung bình (chiếm 63,6%), 4 ô có chỉ số đa dạng thấp hơn giá trị trung bình (chiếm 36,4%).

   Chỉ số tương đồng (J’) thể hiện sự phân bố của các cá thể trong các loài. Chỉ số tương đồng đạt giá trị trung bình là 0,94 ± 0,02, thấp nhất là 0,89 và cao nhất là 0,98. Trong 11 ô có 6 ô có chỉ số đồng đều cao hơn giá trị trung bình (chiếm 54,5%), 1 ô có giá trị chỉ số đồng đều bằng giá trị trung bình (chiếm 9%), 4 ô có giá trị chỉ số đồng đều thấp hơn giá trị trung bình (chiếm 36,5%).

   Như vậy, phần lớn diện tích rừng núi Cấm là rừng trồng với các loại cây mọc nhanh như: Keo lá tràm, keo tai tượng kết hợp với các loại cây gỗ quý: Sao, dầu, giáng hương và các loại cây ăn quả lâu năm. Rừng tự nhiên có diện tích không nhiều nhưng vẫn giữ được một số loại cây gỗ quý như giáng hương, muồng đen.

   Các vị trí khảo sát trên tuyến 2 cho thấy, các vườn rừng có trồng xen cây ăn trái lâu năm. Việc kết hợp giữa bảo vệ rừng và trồng cây ăn trái lâu năm góp phần cải thiện đời sống của người dân vùng núi giúp bảo vệ rừng nói riêng và BVMT nói chung. Tuy nhiên, với áp lực kinh tế và nếu người dân không nhận thức được vai trò của rừng thì thảm thực vật rừng tiếp tục bị tác động.

   Để bảo vệ sự đa dạng thực vật, chính quyền địa phương cần tạo các cơ hội việc làm cho người dân địa phương, không nên vì áp lực kinh tế mà chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang thâm canh nông nghiệp. Đặc biệt, cần tạo cơ hội cho người dân hưởng lợi từ rừng và thực hiện trách nhiệm bảo vệ rừng theo quy định pháp luật hiện hành của Nhà nước; Đồng thời, khuyến khích người dân trồng, bảo vệ và khai thác hợp lý các loài dược liệu quý; Nghiêm cấm các hình thức khai thác dược liệu mang tính chất hủy diệt; Tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân địa phương, người hành hương và khách du lịch vào mùa khô.

   Tài nguyên thực vật rừng núi Cấm mặc dù chỉ còn là rừng thứ sinh, nhưng vẫn có giá trị lớn trên các lĩnh vực khoa học, kinh tế và môi trường nếu được bảo vệ phát triển tốt trong thời gian tới.

Nguyễn Thị Hải Lý, Nguyễn Hữu Chiếm

Đại học Cần Thơ

Lê Văn Quý

Đại học Đồng Tháp

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2016)

Ý kiến của bạn