Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 03/01/2025

Triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng

31/08/2023

    Ngày 31/8/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1009/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (Tuyên bố JETP).

    Mục tiêu tổng quát của Đề án là triển khai thực hiện thành công Tuyên bố JETP gắn với thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; phát triển ngành năng lượng hài hoà giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ, thông minh trên cơ sở bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và các mục tiêu phát triển, đảm bảo công bằng trong chuyển đổi năng lượng. Tiếp nhận và sử dụng hiệu quả sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế trong chuyển giao công nghệ, quản trị, đào tạo nhân lực, cung cấp tài chính cho việc thực hiện Tuyên bố JETP, góp phần thực hiện định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam, thực hiện Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.

    Mục tiêu cụ thể của Đè án như sau: Đến năm 2030, xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân tham gia quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, thúc đẩy chuyển giao công nghệ. Xây dựng Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố JETP (Kế hoạch huy động nguồn lực) và triển khai các dự án thí điểm thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng. Triển khai thực hiện Kế hoạch huy động nguồn lực với hỗ trợ tài chính và chuyển giao công nghệ của quốc tế nhằm thúc đẩy chuyển đổi nhiệt điện than và sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch; phát triển các loại hình năng lượng tái tạo, năng lượng mới (hydro xanh, amoniac xanh…). Nâng cấp, xây dựng hạ tầng sản xuất, truyền tải, tích trữ, phân phối, điều hành điện thông minh, tiên tiến, hiện đại, có khả năng tích hợp quy mô lớn các nguồn năng lượng tái tạo; tăng cường điện khí hóa, phát triển nguồn nhân lực; từng bước làm chủ công nghệ hiện đại, tiến tới sản xuất được các thiết bị phục vụ phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo; nâng cao năng lực quản trị ngành năng lượng đạt trình độ tiên tiến. Phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, nhất là công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, thiết bị lưu trữ điện năng, thu hồi, hấp thụ, lưu trữ và sử dụng CO2; thúc đẩy sản xuất hydro xanh, amoniac xanh... Phấn đấu đến 2030 hình thành 2 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng tại các khu vực có nhiều tiềm năng như Bắc bộ, Nam Trung bộ, Nam bộ.

    ​Giai đoạn sau năm 2030, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách để chuyển đổi năng lượng, sản xuất và sử dụng năng lượng sạch trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục của các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và toàn dân với sự dẫn dắt của Nhà nước và hỗ trợ của quốc tế. Tiếp tục phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, nhất là công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, thiết bị lưu trữ điện năng, thu hồi, hấp thụ, lưu trữ và sử dụng CO2; sản xuất hydro xanh, amoniac xanh... Không xây mới và loại bỏ dần các nhà máy nhiệt điện than, thực hiện mạnh mẽ các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính hướng tới năm 2050 đạt mức phát thải từ năng lượng không vượt quá 101 triệu tấn CO2 tương đương, tỉ lệ năng lượng tái tạo đạt khoảng 80 - 85% tổng năng lượng sơ cấp. Việt Nam trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của khu vực, có đội ngũ chuyên gia giỏi về chuyển đổi năng lượng công bằng để chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

    Đề án đã đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm: Hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi năng lượng; Thúc đẩy chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; Phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo; (iv) Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Nâng cấp hệ thống truyền tải và phân phối điện, đẩy nhanh lộ trình xây dựng hệ thống điện thông minh và phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng; Chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính của ngành Giao thông vận tải; Đổi mới sáng tạo, phát triển và chuyển giao công nghệ; Bảo đảm công bằng trong chuyển đổi năng lượng; Truyền thông, nâng cao nhận thức; Thúc đẩy hợp tác, huy động nguồn lực cho chuyển đổi năng lượng công bằng.

An Bình

Ý kiến của bạn