Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 27/12/2024

TP. Hồ Chí Minh: Phổ biến Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

06/10/2022

    Ngày 30/9/2022, Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT tổ chức Hội nghị phổ biến Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT cho đội ngũ cán bộ làm công tác môi trường của các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức và các xã, phường, thị trấn.

Quang cảnh Hội thảo

    Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh nhấn mạnh, ngay sau khi Luật BVMT năm 2020 được Quốc hội thông qua, Bộ TN&MT đã nhanh chóng soạn thảo và trình Chính phủ ban hành 2 Nghị định, 2 Thông tư để triển khai Luật. Đặc biệt, ngày 7/7/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT thay thế Nghị định số 55 và Nghị định số 155. Trong đó, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định, tăng mức xử phạt các hành vi xả thải, chôn lấp chất thải không đúng quy định; đồng thời, đẩy mạnh phân cấp trong xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT cho cấp phường, xã, thị trấn.

    Theo Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hưng Thịnh, Hội nghị lần này được tổ chức là cơ hội để đội ngũ cán bộ nắm bắt rõ hơn các quy định của pháp luật, hoàn thiện thêm kỹ năng nghiệp vụ về công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT để đi đến thống nhất cách làm giữa các cấp, ngành, địa phương, góp phần triển khai hiệu quả công tác cải cách hành chính của thành phố.

    Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe các báo cáo viên của Tổng cục Môi trường trình bày và giải đáp những nội dung mới về quy định phân loại dự án đầu tư theo các tiêu chí về môi trường theo Luật BVMT năm 2020; các điểm mới của Nghị định số 45/2022/NĐ-CP. Các đại biểu cũng đã tập trung cùng nhau trao đổi, làm sáng tỏ các vấn đề còn vướng mắc, cũng như đánh giá cụ thể nguyên nhân (khách quan, chủ quan) do đặc thù của TP. Hồ Chí Minh, do tổ chức thực hiện hay do cơ chế, chính sách… liên quan đến các thủ tục pháp lý về môi trường.

    Một số đại biểu cho rằng, để phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương, TP. Hồ Chí Minh đã áp dụng phân loại rác thành hai nhóm khi tiến hành phân loại tại nguồn, gồm: nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải còn lại. Trong khi đó, Luật BVMT năm 2020 quy định, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân theo ba loại sau: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Vì vậy, một số quận, huyện của TP. Hồ Chí Minh đang gặp lúng túng trong việc áp dụng xử phạt hành vi không phân loại tại nguồn theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP.

    Trao đổi về vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh cho biết, Luật BVMT năm 2020 đã giao cho UBND cấp tỉnh quyết định về hình thức phân loại rác tại nguồn. Nghị định 45/2022/NĐ-CP đưa ra hình thức chế tài xử phạt đối với hành vi không phân loại rác tại nguồn theo quy định. Như vậy, sau khi địa phương ban hành quy định về phân loại rác tại nguồn, nếu người dân không phân loại đúng theo quy định thì mới áp dụng chế tài xử phạt theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP.

    Hiện nay, Tổng cục Môi trường vẫn đang tiếp tục tổng hợp các ý kiến từ phía các địa phương, dự kiến, từ nay đến cuối năm sẽ biên tập bộ trao đổi giải đáp câu hỏi liên quan đến các tình huống thực thi Luật BVMT năm 2020 cũng như các Nghị định hướng dẫn thi hành để gửi cho các tỉnh, thành phố cùng đối chiếu, áp dụng.

An Vi

Ý kiến của bạn