Banner trang chủ

TP. Hồ Chí Minh: Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực thi chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường

15/12/2021

    Theo Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 19 của Thành ủy TP. Hồ Chí Minh về thực hiện Cuộc vận động “Người dân TP. Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước”, TP đặt ra mục tiêu, trong năm 2021, 100% phường, xã, thị trấn tổ chức đối thoại với nhân dân về vấn đề vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố. Trong đó, cần đổi mới phương pháp đối thoại, duy trì, mở rộng đối tượng (hộ dân, tổ chức, doanh nghiệp). Đặc biệt, 100% phản hồi của người dân về BVMT và trật tự đô thị phải được tiếp nhận và xử lý kịp thời. Để thực hiện các mục tiêu trên TP.HCM sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong đẩy mạnh và duy trì thường xuyên công tác tuyên truyền, thực thi chính sách pháp luật về BVMT.

Tuyên truyền tới từng người dân

    Thực hiện Kế hoạch, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong đẩy mạnh và duy trì thường xuyên công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BVMT  tại địa phương với các hình thức đa dạng và phù hợp với từng nhóm đối tượng. Trong đó, chú trọng các giải pháp tăng cường sự tham gia tích cực của công nhân, người lao động, cộng đồng dân cư nơi cư trú trong các phong trào, sự kiện, hoạt động bảo vệ môi trường tại khu dân cư.

    Nội dung tuyên truyền sẽ tập trung vào các vấn đề: vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác ra đường phố và kênh rạch; giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng và phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo phương thức mới phù hợp với công nghệ xử lý và định hướng của thành phố; hạn chế tối đa và tiến tới không sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm nhựa dùng một lần; tăng cường sử dụng nguyên vật liệu, sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường…

    Đồng thời, TP.HCM sẽ tập trung giới thiệu các công trình, giải pháp, cách làm hay về BVMT; tập trung tuyên truyền các quy định về xử phạt trong lĩnh vực vệ sinh môi trường và các hành vi vi phạm bị xử phạt trên các phương tiện thông tin đại chúng để tăng tính răn đe và hiệu quả công tác tuyên truyền.

Đoàn viên thanh niên TP tham gia “xóa” một điểm ô nhiễm rác thải

    Theo số liệu của Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh năm 2021, qua một năm triển khai thực hiện cuộc vận động “Người dân thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước”, trên địa bàn TP xuất hiện hơn 2.000 công trình, mô hình, giải pháp BVMT hiệu quả và từng bước được nhân rộng. Báo cáo của UBND TP. Hồ Chí Minh cho thấy, hiện có hơn 1,3 triệu hộ dân đăng ký tham gia không xả rác bừa bãi. Tỷ lệ các điểm ô nhiễm đã giảm, số lượng thùng rác được trang bị ngày càng tăng với gần 33 nghìn thùng. Cơ quan chức năng cũng lắp đặt thêm 8.316 camera an ninh kết hợp giám sát chất lượng vệ sinh môi trường đô thị; 100% quận, huyện có hệ thống tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh về trật tự, vệ sinh môi trường. Đặc biệt, có 517/600 điểm ô nhiễm, điểm đen về rác thải đã được xử lý trên địa bàn TP.

    Tại nhiều địa bàn quận, huyện có sự chuyển biến rõ rệt về ý thức bảo vệ môi trường. Ở Phường Bình Long (quận 9), một số tuyến đường trong khu dân cư được người dân tổ chức vẽ những bức tranh cổ động tuyên truyền chung tay phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn và BVMT. Tại khu phố 1 (phường 8, quận 11), người dân tham gia vệ sinh đường phố, hưởng ứng phong trào “Vì thành phố văn minh, sạch đẹp, an toàn”. Còn tại quận 12, các đoàn viên, thanh niên, hội viên và người dân tham gia tích cực tham gia những buổi “Chủ nhật xanh”, giữ gìn xanh - sạch - đẹp cho từng khu phố, con hẻm, tuyến đường…

Ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật BVMT năm 2020

    Để tăng cường công tác BVMT, ngày 17/11/2021, TP đã ban hành Quyết định số 3907/QĐ-UBND Kế hoạch triển khai thi hành Luật BVMT năm 2020. Theo đó, Kế hoạch đề ra yêu cầu tuyên truyền, phổ biến Luật đến nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm công tác BVMT để nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân trong tuân thủ chính sách, pháp luật về BVMT.

    Về tổ chức thực hiện: Sở TN&MT là cơ quan đầu mối, tham mưu giúp UBND TP. Hồ Chí Minh hướng dẫn thi hành Luật BVMT năm 2020 trên địa bàn TP; có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc Sở ngành và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện kế hoạch; định kỳ tổng hợp, báo cáo các vấn đề khó khăn, vướng mắc khi triển khai thi hành Luật để kiến nghị đến cấp có thẩm quyền giải quyết; Sở Tư pháp có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Luật BVMT và báo cáo Chủ tịch UBND TP và tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của UBND TP; Sở Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn Sở, ngành, UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện lập dự toán, quyết toán kinh phí theo quy định pháp luật.

    Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện trong phạm vi, chức năng, quyền hạn chủ động xây dựng kế hoạch hoặc ban hành văn bản phân công triển khai thi hành Luật BVMT năm 2020 tại cơ quan, địa phương mình phù hợp với thực tiễn; đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng và báo cáo kết quả triển khai thực hiện về Sở TN&MT để tổng hợp, báo cáo UBND TP.

An Bình

Ý kiến của bạn