Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 27/12/2024

TP. Cần Thơ: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường đến các tầng lớp nhân dân

29/11/2022

    Thời gian qua, nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành tới cán bộ, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, TP. Cần Thơ đã tích cực xây dựng kế hoạch triển khai tuyên truyền Luật đi vào đời sống. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với ông Đỗ Thanh Thảo - Giám đốc Sở TN&MT TP. Cần Thơ về việc triển khai thi hành Luật trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.

PV: Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật trong công tác quản lý, BVMT trên địa bàn trong thời gian qua?

Ông Đỗ Thanh Thảo: Trong thời gian qua, công tác quản lý, BVMT trên địa bàn TP. Cần Thơ đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhận thức của các cấp, ngành và nhân dân về BVMT ngày càng nâng cao, BVMT được xem là một trong những nội dung cốt lõi trong triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; công tác quản lý nhà nước về môi trường đi vào khuôn khổ theo quy định pháp luật; nâng cao dần chất lượng cấp phép môi trường; hoạt động thanh, kiểm tra môi trường được chấn chỉnh; công tác vệ sinh môi trường, đặc biệt là quản lý chất thải rắn có nhiều điểm nổi bật, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt tỷ lệ cao (trên 98%), xử lý kịp thời chất thải phát sinh do dịch bệnh Covid-19; thực hiện tiêu chí môi trường trong Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Trong nhiều năm, không xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng trên địa bàn. Đặc biệt, năm 2021, TP. Cần Thơ đã vinh dự nhận được giải thưởng thành phố bền vững môi trường ASEAN lần thứ 4. Cần Thơ là thành phố thứ 5 của Việt Nam vinh dự nhận Giải thưởng này, trước đó là TP. Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh, 2008), TP. Ðà Nẵng (2011), TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế, 2014) và TP. Ðà Lạt (tỉnh Lâm Ðồng, 2017). Thành phố bền vững môi trường ASEAN là giải thưởng có ý nghĩa quan trọng đối với TP. Cần Thơ nói riêng và Việt Nam nói chung, nhằm tôn vinh và quảng bá hình ảnh các thành phố tiêu biểu về chất lượng môi trường (không khí sạch, đất sạch và nước sạch) của các nước trong khu vực, nâng cao nhận thức của cộng đồng và lãnh đạo các cấp của các quốc gia về tầm quan trọng của công tác BVMT. 

Sở TN&MT phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Cần Thơ tổ chức Chương trình Đổi rác thải lấy quà với chủ đề “Vì một Trái đất màu xanh”, tháng 6/2022

PV: Công tác triển khai các quy định của Luật BVMT năm 2020 trên địa bàn diễn ra như thế nào, có gặp khó khăn, vướng mắc gì không, thưa ông?

Ông Đỗ Thanh Thảo: Ngay sau khi Luật BVMT năm 2020 được ban hành, Sở TN&MT đã chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 3540/QĐ-UBND ngày 25/11/2021 về Kế hoạch triển khai Luật BVMT năm 2020. Trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định mới về BVMT cho các cấp, ngành, doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, chủ động hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức thực hiện các quy định mới; tích cực nghiên cứu rà soát xây dựng hoàn thiện văn bản pháp quy quy định chi tiết Luật thuộc thẩm quyền của địa phương.

    Trong năm 2022, Sở TN&MT đã tổ chức 4 lớp phổ biến các quy định của Luật BVMT năm 2020, với sự tham gia của gần 1.000 người gồm cán bộ quản lý môi trường các cấp, lĩnh vực có liên quan, doanh nghiệp, người dân; xây dựng quy trình, thủ tục cấp giấy phép môi trường để doanh nghiệp thực hiện đúng quy định mới, tích cực tham mưu các quy định liên quan đến quản lý chất thải rắn, chất thải y tế, chính sách xã hội hóa môi trường… nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả về BVMT.

    Trong quá trình triển khai thi hành Luật BVMT năm 2020, Sở cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể như nhiều quy định mới phải phổ biến đến doanh nghiệp trong thời gian ngắn; một số quy định trong các văn bản dưới Luật còn chưa rõ ràng, cụ thể; các văn bản quy định chi tiết Luật thuộc thẩm quyền địa phương chưa ban hành kịp tiến độ do nội dung phức tạp, mới; một số nội dung cần phải thực hiện các đề án/nhiệm vụ mới đủ cơ sở để xây dựng và ban hành…

PV: Được biết, mới đây, UBND TP. Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình số 27-CTR/TU ngày 31/12/2021 của Thành ủy về BVMT Cần Txanh và sạch”; phòng, chống ô nhiễm và ngập nghẹt thành phố giai đoạn 2022 - 2025. Vậy Sở đã triển khai thực hiện Kế hoạch này như thế nào, thưa ông?

Ông Đỗ Thanh Thảo: Ngày 31/12/2021, Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Chương trình số 27-CTr/TU về BVMT Cần Thơ “xanh và sạch”; phòng, chống ô nhiễm và ngập nghẹt thành phố giai đoạn 2021 - 2025. Ngay sau khi Chương trình ban hành, Sở TN&MT đã phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, Sở đã chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành thành phố, các quận, huyện tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch số 94/KH-UBND ngày 26/4/2022 để triển khai Chương trình, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng Sở, ngành, quận, huyện, đảm bảo công tác BVMT, phòng chống ngập nghẹt được triển khai đồng bộ, quyết liệt trên toàn địa bàn thành phố. Kế hoạch triển khai Chương trình số 27-CTr/TU cũng cụ thể hóa danh mục các nhiệm vụ của từng lĩnh vực nhằm đạt được mục tiêu đề ra tại Chương trình.

    Sở TN&MT cũng xây dựng Kế hoạch riêng cho ngành môi trường với các mục tiêu cụ thể phải đạt được trong giai đoạn 2021 - 2025 như: Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt 100%; Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại đạt 100%; chất thải y tế 100%; Tỷ lệ các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng có hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động được truyền dữ liệu về cơ quan quản lý nhà nước: 100%...

PV: Để thực hiện hiệu quả công tác BVMT trên địa bàn, thời gian tới, Sở TN&MT sẽ tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp gì, thưa ông?

Ông Đỗ Thanh Thảo: Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, BVMT trên địa bàn, trong thời gian tới, Sở sẽ triển khai một số giải pháp trọng tâm:

    Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về BVMT cho các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, phát huy sức mạnh đoàn kết cả hệ thống chính trị nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động về BVMT. Tăng cường vai trò giám sát, phản biện của cộng đồng đối với công tác quản lý nhà nước về môi trường; nâng cao hiệu quả ứng dụng các phương tiện truyền thông đại chúng trong thông tin tuyên truyền; tích cực lồng ghép giáo dục BVMT trong nhà trường.

    Thứ hai, chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BVMT. Tổ chức thực hiện hiệu quả Luật BVMT năm 2020, chủ động rà soát, tích cực đẩy nhanh việc xây dựng và ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật thuộc thẩm quyền của địa phương; triển khai đồng bộ các giải pháp BVMT ở tất cả các ngành, lĩnh vực. Cùng với đó, hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp, xung đột trong ứng phó với biến đổi khí hậu, khai thác, sử dụng tài nguyên và BVMT; phát triển nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

    Thứ ba, quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy và hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực theo hướng tổng hợp, thống nhất, tập trung đầu mối, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, khắc phục triệt để tình trạng phân tán, chồng chéo trong quản lý nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu, BVMT. Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng; khuyến khích xã hội hóa; tạo mọi điều kiện để nhân dân giám sát có hiệu quả công tác BVMT.

    Thứ tư, thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong BVMT; phát triển các giải pháp, mô hình mới về kinh tế tuần hoàn và thông minh để nâng cao hiệu quả BVMT. Ngoài ra, nâng cao độ tin cậy, chính xác của dự báo, giám sát và cảnh báo diễn biến chất lượng môi trường, triển khai các giải pháp bảo vệ chất lượng môi trường đất, nước, không khí trong hoạt động dân sinh, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ.

    Đặc biệt, chú trọng huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ tất cả các bên; chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế; coi trọng việc tham gia và thực hiện các Điều ước quốc tế. Tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đối thoại chính sách với các nước về BVMT và trong việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ. Tận dụng hiệu quả sự giúp đỡ của quốc tế về tài chính, khoa học công nghệ và nhân lực trong công tác BVMT.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Mai Hương (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11/2022)

Ý kiến của bạn