Banner trang chủ
Chủ Nhật, ngày 08/09/2024

Nỗ lực của tỉnh Lào Cai trong thực hiện các giải pháp thu gom, phân loại, xử lý rác thải, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn

11/09/2023

    Lào Cai là một trong những tỉnh, thành phố triển khai thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn từ rất sớm (từ giai đoạn 2015 - 2020), trước thời điểm Luật BVMT năm 2020 có hiệu lực. Nhiều mô hình hay về BVMT được địa phương chú trọng triển khai như: “Nhà sạch, vườn đẹp”; “Tổ Phụ nữ phân loại rác thải tại nguồn”; “Tổ Phụ nữ tự quản tuyến phố không rác thải”… Hiện toàn tỉnh có 703 mô hình câu lạc bộ “Nhà sạch, vườn đẹp”; các cấp Hội duy trì 14 mô hình “Tổ Phụ nữ phân loại rác thải tại nguồn” và 7 mô hình “Tổ phụ nữ tự quản tuyến phố không rác thải”… Qua đó góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong BVMT, xây dựng môi trường nông thôn Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp.

    Hiệu quả từ Đề án “Phân loại CTRSH tại nguồn”

    Xuất phát từ thực tiễn vấn đề ô nhiễm môi trường do CTRSH ngày một gia tăng; Nhà máy xử lý rác thải TP. Lào Cai đã được đầu tư với công suất thiết kế 147 tấn/ngày và đi vào vận hành chính thức từ tháng 1/2016 nhưng chất lượng rác đầu vào chưa được phân loại, không phù hợp với yêu cầu của Nhà máy… UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Đề án “Phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn TP. Lào Cai, huyện Bát Xát và thị xã Sa Pa”  tại Quyết định số 4815/QĐ-UBND ngày 29/12/2015. Với chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, địa phương, đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân tại 3 địa phương, việc phân loại CTRSH tại nguồn đã dần đi vào nề nếp và có những chuyển biến tích cực. Đến nay, Đề án đã đạt kết quả quan trọng, nếu như ăm 2016, tỷ lệ trung bình người dân phân loại rác tại 3 địa phương nêu trên đạt khoảng 50% và chất lượng phân loại rác đạt khoảng 37%, thì đến năm 2020, tỷ lệ trung bình người dân tham gia phân loại rác đạt 87%, chất lượng phân loại đạt 78%; tỷ lệ rác vô cơ lẫn rác hữu cơ giảm còn 25%.

Công tác thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh

    Là địa phương của tỉnh đi đầu trong việc phân loại rác thải tại nguồn, tại TP. Lào Cai, việc thu gom, xử lý rác thải đạt 87% (năm 2022), trong đó, tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải của 10 phường đạt 97%, 5 xã đạt khoảng 60%, hiện còn 2 xã chưa thực hiện thu gom là Tả Phời và Hợp Thành, chủ yếu xử lý bằng lò đốt rác tại gia đình. Từ tháng 12/2022 đến nay, đơn vị thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại TP. Lào Cai đã thực hiện thí điểm mô hình nâng cao chất lượng phân loại rác tại nguồn tại 5 phường/9 tuyến thu gom. Kết quả cho thấy, các tuyến thu gom được đôn đốc, nhắc nhở thường xuyên thì tỷ lệ và chất lượng phân loại đạt cao (trên 90%) so với tỷ lệ trung bình (hiện chỉ khoảng 80%).

    Tại thị xã Sa Pa, đơn vị thu gom, vận chuyển trung bình khoảng 28 tấn rác/ngày, trong đó rác hữu cơ đưa về Nhà máy xử lý rác thải thành phố trung bình khoảng 8 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom đạt trên 90%. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn thị xã có chiều hướng giảm, chất lượng, tỷ lệ phân loại rác hiện mới đạt 65 - 70%.

    Tại huyện Bát Xát, với những địa điểm thu gom, vận chuyển kịp thời rác thải, không để rác tồn đọng trong ngày thì tỷ lệ phân loại rác thải tại nguồn đạt trên 80%.

    Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình

    Không chỉ thành công tại TP. Lào Cai, huyện Bát Xát và thị xã Sa Pa mà tại các khu dân cư khác, phát huy tinh thần sáng tạo của người dân và tùy vào đặc thù của từng địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lào Cai và các tổ chức đoàn thể đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động, triển khai xây dựng các mô hình BVMT với sự tham gia của cộng đồng. Đến nay, nhiều mô hình, câu lạc bộ được thành lập, đi vào hoạt động hiệu quả, điển hình như: Mô hình ”Tuyến đường văn minh - Mỹ quan đô thị” tại huyện Văn Bàn và Bảo Thắng; “Tuyên tryền, vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng cảnh quan tại thôn San Bang, xã Bản Vược”  (Bát Xát); ”Cải tạo tập quán lạc hậu tại xã Dền Thàng” (Bát Xát); “Đường hoa, đường điện văn minh nông thôn” tại xã Xuân Quang, Xuân Giao, Thái Niên (Bảo Thắng); ”Thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức việc cưới, việc tang” tại xã Bản Cầm (Bảo Thắng)...

Người dân ra quân vệ sinh môi trường

    Các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh cũng triển khai hiệu quả nhiều mô hình, từ năm 2011, Hội phụ nữ tỉnh Lào Cai đã triển khai thành lập mô hình câu lạc bộ “Nhà sạch, vườn đẹp”, đây là một sáng kiến của Hội nhằm hưởng ứng Cuộc vận động Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ trong cải tạo phong tục tập quán, vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp, đến nay, sau hơn 10 năm duy trì thực hiện, toàn tỉnh đã có 703 mô hình câu lạc bộ “Nhà sạch, vườn đẹp” với 22.652 thành viên tham gia; các cấp Hội duy trì 14 mô hình “Tổ phụ nữ phân loại rác thải tại nguồn” và năm 2020 thành lập mới 2 mô hình “Tổ phụ nữ thu gom, phân loại, xử lý rác thải nhựa” tại 2 phường Pom Hán, Bắc Cường (TP. Lào Cai); 7 mô hình “Tổ phụ nữ tự quản tuyến phố không rác thải” tại phường Phan Si Păng và phường Sa Pa (thị xã Sa Pa). Tỉnh Đoàn Lào Cai đã xây dựng, duy trì tốt hoạt động của mô hình “Đường làng, ngõ xóm Xanh - Sạch - Đẹp” tại các xã: Nậm Cang (Sa Pa), Nghĩa Đô (Bảo Yên), Bản Qua, Quang Kim (Bát Xát), Phú Nhuận (Bảo Thắng); xây dựng mới và nhân rộng các mô hình, tổ, đội, nhóm tiêu biểu trong BVMT gắn với xây dựng nông thôn mới như: “Thắp sáng đường quê” tại địa bàn các huyện Si Ma Cai, Sa Pa, Bắc Hà, Mường Khương; Mô hình câu lạc bộ Thanh niên BVMT (Câu lạc bộ Sa Pa Xanh, Câu lạc bộ Sa Pa Ngày mới…); Đội hình tình nguyện thu gom rác thải Xã Tả Van Chư - huyện Bắc Hà...

    Ông Lưu Đức Cường, Chi cục trưởng Chi cục BVMT tỉnh Lào Cai chia sẻ, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, năm 2022, tỷ lệ CTRSH đô thị trên địa bàn tỉnh được thu gom, xử lý tăng từ 75% lên 95%. Tại các xã cơ bản đều được quy hoạch nghĩa trang, bãi chôn lấp chất thải, đảm bảo các tiêu chí về vệ sinh môi trường; dân số nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh tăng từ 60,7% lên 93%; hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh tăng từ 33,5% lên 74%; tổng lượng chất thải rắn y tế nguy hại được thu gom, xử lý triệt để tăng từ 35% lên 100%... Theo quy định của Luật BVMT năm 2020, UBND tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể CTRSH trên địa bàn tỉnh theo hướng dẫn của Bộ TN&MT và ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH từ hộ gia đình, cá nhân... lộ trình thực hiện chậm nhất đến hết ngày 31/12/2024. Như vậy, từ nay đến hết năm 2024, việc phân loại rác thải tại nguồn là một trong những nội dung cần được các địa phương nhân rộng. Thực hiện quy định này, Lào Cai đã có những cơ chế, chính sách cụ thể đối với công tác quản lý nhà nước về TN&MT, trong đó quy định cụ thể việc phân loại, thu gom, xử lý CTRSH. Với từng địa phương trên địa bàn tỉnh sẽ có lộ trình áp dụng cụ thể, đảm bảo đến hết năm 2024 sẽ triển khai áp dụng trên địa bàn toàn tỉnh.

    Có thể nói, BVMT là nhiệm vụ quan trọng, góp phần không nhỏ cho phát triển kinh tế bền vững. Vì vậy, đòi hỏi cần phải được quan tâm thực hiện và nghiêm túc triển khai trong cả hệ thống chính trị và phải được sự hưởng ứng của toàn xã hội. Trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, cụ thể hóa và quyết liệt thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về BVMT. Đồng thời, huy động các cấp, ngành, các doanh nghiệp và người dân tích cực, thường xuyên, liên tục hưởng ứng các hoạt động, phong trào BVMT.

Trần Tân

Ý kiến của bạn