Banner trang chủ

Nghiêm túc thực hiện công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải trong phòng, chống dịch Covid-19

16/08/2021

    Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý chất thải và vệ sinh môi trường trong phòng, chống dịch Covid-19, góp phần kiểm soát hiệu quả nguy cơ lây lan dịch bệnh, bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng nhân dân, ngày 30/7/2021, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Công văn số 1418/UBND-KT về việc thực hiện nghiêm túc công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải trong phòng, chống dịch Covid-19.

    Cụ thể, UBND tỉnh giao Sở Y tế chỉ đạo Bệnh viện đa khoa các huyện, thị xã, thành phố và các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn có trách nhiệm thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nhiễm hoặc có nguy cơ nhiễm Covid-19 tại các cơ sở y tế ngoài bệnh viện, tại các đơn vị quản lý khu vực cách ly y tế tập trung, cách ly y tế tại sân bay, cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú...theo đúng quy định. Trong trường hợp hệ thống xử lý chất thải y tế của bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn không đáp ứng được thì chỉ đạo vận chuyển đến bệnh viện đa khoa tuyến huyện khác gần nhất (còn khả năng tiếp nhận xử lý) để phối hợp xử lý; nếu các bệnh viện đa khoa tuyến huyện trong tỉnh không đáp ứng được thì hợp đồng với đơn vị có chức năng ngoài địa bàn tỉnh để tiếp nhận, xử lý theo quy định. Cùng với đó, tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các quyết định, công văn của Bộ Y tế về hướng dẫn phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc bệnh Covid-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp; khử trùng và xử lý môi trường khu vực có bệnh nhân Covid-19 tại cộng đồng...

    Sở TN&MT chủ trì phối hợp với Sở Y tế tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở y tế, khu vực điều trị và chăm sóc bệnh nhân Covid-19, khu cách ly tập trung thực hiện công tác thu gom, lưu giữ và xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải y tế phát sinh do dịch Covid-19 theo đúng quy định; hướng dẫn bệnh viện đa khoa tuyến huyện liên hệ với đơn vị có chức năng ngoài địa bàn tỉnh để thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nhiễm hoặc có nguy cơ nhiễm Covid-19 theo đúng quy định trong trường hợp hệ thống xử lý của các bệnh viện quá tải.

    UBND các huyện, thị xã, thành phố, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc các biện pháp quản lý chất thải y tế, chất thải sinh hoạt phát sinh do dịch bệnh Covid-19 tại nơi làm việc, ký túc xá cho người lao động, hộ gia đình, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, khu chung cư, tại lễ tang theo nội dung hướng dẫn tại các quyết định của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19.

   Đối với các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19, bệnh viện, cơ sở cách ly tập trung, cần rà soát lại vật tư, trang, thiết bị và thực trạng công tác xử lý môi trường (bao gồm thu gom, phân loại và xử lý chất thải rắn; thu gom và xử lý nước thải) để có phương án điều chỉnh cho phù hợp, bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19.

    Đối với phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải phát sinh trong quá trình cách ly y tế, điều trị bệnh nhân Covid-19, Công văn số 1418/UBND-KT nêu rõ:

    Về phân loại chất thải, tại các khu vực/phòng cách ly, khám, theo dõi, chăm sóc, điều trị người mắc hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 trong cơ sở y tế, tất cả chất thải rắn phát sinh bao gồm cả đồ vải, quần áo thải bỏ của bệnh nhân, khẩu trang, trang phục phòng hộ cá nhân của người tham gia thực hiện các công việc quản lý chất thải y tế, vệ sinh dụng cụ đựng chất thải, giặt là, vệ sinh môi trường đều được coi là chất thải lây nhiễm và phải được phân loại ngay vào thùng màu vàng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy, có lót túi, có biểu tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh. Bên ngoài túi, thùng có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”. Những đám máu hoặc các chất tiết sinh học như chất nôn, phân có trên các bề mặt môi trường phải được loại bỏ ngay bằng cách lau bằng khăn hoặc gạc tẩm dung dịch khử khuẩn có chứa 0,5% Clo hoạt tính. Nếu lượng máu, chất tiết nhiều, phải thực hiện lau nhiều lần cho đến khi loại bỏ hoàn toàn trên bề mặt (mỗi lần lau dùng một khăn). Tất cả các khăn/gạc sau khi lau phải được bỏ vào thùng đựng chất thải lây nhiễm có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”.

    Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao, gồm: mẫu bệnh phẩm, dụng cụ đựng, dính mẫu bệnh phẩm, chất thải dính mẩu bệnh phẩm của người mắc hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 phát sinh từ quá trình lấy mẫu xét nghiệm, phòng xét nghiệm phải được xử lý sơ bộ bằng thiết bị hấp hoặc thiết bị khử khuẩn khác trước khi tiếp tục phân loại, thu gom, xử lý như chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 nêu trên.

   Đối với chất thải phát sinh từ khu vực/phòng cách ly y tế ở sân bay, cửa khẩu gồm khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng, trang phục phòng hộ cá nhân thải bỏ; chất thải là khẩu trang, khăn, giấy lau mũi miệng, trang phục phòng hộ cá nhân phát sinh từ khu vực cách ly, phòng cách ly tại cơ sở cách ly y tế tập trung... phải được phân loại ngay vào thùng màu vàng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy, có lót túi, có biểu tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh. Bên ngoài túi, thùng có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS- CoV-2”. Trường hợp xuất hiện ca mắc hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 thì tất cả chất thải tại phòng cách ly của người này phải được thu gom và xử lý như chất thải lây nhiễm, bên ngoài thùng có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”. 

    Đối với các trường hợp cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú, trong thời gian cách ly, nếu người được cách ly xuất hiện triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 phải thực hiện khử trùng và xử lý môi trường theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn số 1560/BYT-MT; thu gom tất cả các loại chất thải phát sinh từ phòng cách ly của người mắc hoặc nghi mắc Covid-19 để vận chuyển, xử lý như đối với chất thải lây nhiễm…

Phương Tâm

Ý kiến của bạn