Banner trang chủ

Long An tổng lực xử lý chất thải do dịch bệnh COVID-19, chuẩn bị cho giai đoạn bình thường mới

02/10/2021

    Là một trong những địa phương có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 nhiều nhất cả nước trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 từ tháng 5/2021 đến nay, công tác xử lý rác thải có nguy cơ lây nhiễm được tỉnh Long An chú trọng đặc biệt. Để vừa xử lý số lượng lớn chất thải phát sinh ở các cơ sở thu dung điều trị, các khu cách ly phong tỏa, tại nơi ở các F0, F1 điều trị tại nhà, Sở TN&MT tập trung nhiều biện pháp nhằm xử lý nhanh, an toàn vừa đảm bảo ngăn chặn nguồn lây lan cũng như chuẩn bị cho giai đoạn bình thường mới sắp tới khi tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh từng bước được kiềm chế, kiểm soát. Xung quanh vấn đề này, Tạp chí Môi trường có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Tân Thuấn - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Long An.

Ông Nguyễn Tân Thuấn - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Long An

        PV: Xin ông cho biết tình trạng chất thải y tế (CTYT) nguy hại trong thời gian đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 đến nay trên địa bàn tỉnh Long An. Việc thu gom, xử lý CTYT tại các khu cách ly, phong tỏa gặp khó khăn như thế nào?

    Ông Nguyễn Tân Thuấn: Đợt dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần thứ 4 trên địa bàn tỉnh Long An diễn ra từ giữa tháng 5/2021 đến nay rất phức tạp và có số ca nhiễm cao (đến ngày 14/9/2021 có 29.328 ca F0, 28.980 ca F1 và 35.521 ca F2). Vì thế lượng CTYTnguy hại phát sinh do dịch bệnh COVID-19 tại các điểm phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (bệnh viện dã chiến, khu cách ly y tế tập trung, khu vực phong tỏa, tiêm ngừa vắc xin, lấy mẫu test tại cộng đồng...) trên địa bàn tỉnh Long An phát sinh rất nhiều, với khối lượng khoảng 10 - 15 tấn/ngày.

    Quyết tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Long An là phải hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm bệnh COVID-19 do CTYT phát sinh trong quá trình phòng chống dịch và điều trị bệnh nhân COVID-19. Do đó công tác thu gom, xử lý CTYTtại các khu cách ly, phong tỏa luôn được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo chính quyền các cấp và được sự đồng thuận hợp tác tích cực của tổ chức, cá nhân có liên quan cũng như người dân và cộng đồng dân cư xung quanh các khu vực cách ly và khu vực phong tỏa. Vì vậy, đến nay chất thải phát sinh đều được thu gom, quản lý và xử lý theo đúng quy định và theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ TN&MT. Cụ thể, CTYT phát sinh tại các khu vực cách ly và phong tỏa đều được thu gom và vận chuyển về các điểm xử lý (Bệnh viện Đa khoa hoặc Trung tâm Y tế) trên địa bàn tỉnh để xử lý như là CTYT nguy hại tại các lò đốt chất thải y tế.

    Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, ngành TN&MT cũng gặp nhiều khó khăn như: Chất thải phát sinh trên được thu gom vào các bao bì nhưng chưa được vận chuyển xử lý ngay mà phải được lưu tại các khu vực chưa đảm bảo đúng quy định (khu vực tập kết thường phải có diện tích lớn), đồng thời phải bố trí thêm nhiều thùng chứa chất thải và được phun khử trùng thường xuyên đến khi xác định trong khu vực cách ly và khu vực phong tỏa có các đối tượng nhiễm bệnh COVID-19 hay không. Trường hợp có đối tượng là F0 thì tất cả chất thải phát sinh phải được xử lý như CTYT nguy hại. Ngoài ra, do lượng rác thải y tế phát sinh đột biến với khối lượng lớn như thời gian qua cũng làm tăng áp lực chi phí lớn cho địa phương.

    PV: Với lượng chất thải tăng đột biến do dịch bệnh, Sở TN&MT tỉnh Long An có phương án xử lý như thế nào đối với các loại rác có khả năng ẩn chứa mầm bệnh và khó phân hủy như trang phục bảo hộ, khẩu trang, găng tay, kim tiêm?

    Ông Nguyễn Tân Thuấn: Trước đây CTYT nguy hại phát sinh trên địa bàn tỉnh Long An chủ yếu tại các Bệnh viện Đa khoa hoặc Trung tâm Y tế… nhưng đều được thu gom và vận chuyển đến các điểm xử lý tại các lò đốt CTYT theo đúng quy định. Sau khi đợt dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần thứ 4 trên địa bàn tỉnh Long An, Sở TN&MT đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, khảo sát, đánh giá và dự báo CTYT nguy hại phát sinh do dịch bệnh COVID-19 có khối lượng nhiều nên đã tham mưu UBND tỉnh đầu tư xây dựng thêm 5 lò đốt CTYTnguy hại với công suất 1,5 tấn/ngày/lò tại các địa bàn có số ca nhiễm COVID-19 cao là các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, thành phố Tân An và thị xã Kiến Tường; đồng thời, Sở Y tế tỉnh Long An cũng tham mưu UBND tỉnh đầu tư xây dựng 1 lò đốt CTYTnguy hại với công suất 1,5 tấn/ngày tại huyện Thạnh Hóa.

    Tuy nhiên, khối lượng CTYT nguy hại phát sinh do dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Long An nhiều (các lò đốt không xử lý kịp) nên Sở TN&MT đã sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường năm 2021 để hợp đồng với đơn vị xử lý chất thải nguy hại (Công ty Cổ phần Công nghệ An Huy, tỉnh Bình Phước) tiến hành thu gom, vận chuyển và xử lý CTYT nguy hại phát sinh tại Nhà máy xử lý chất thải nguy hại của Công ty, với khối lượng khoảng từ 10 - 14 tấn/ngày. Ngoài ra, Sở TN&MT có phương án bố trí cán bộ công chức, viên chức và người lao động trực tiếp đến làm việc và hỗ trợ tại cổng các Bệnh viện dã chiến nhằm thực hiện bóc tách, phân loại ngay từ ban đầu nhằm giảm thiểu rác thải phát sinh; kết quả ghi nhận rác thải y tế nguy hại phát sinh do dịch bệnh COVID-19 đã giảm thiểu khoảng từ 10 - 30% so với trước khi triển khai.

Xe chuyên chở rác thải có nguy cơ lây nhiễm ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Long An

    PV: Thưa ông, hiện tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Long An đang từng bước được kiểm soát, tiến tới việc khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới Vậy Sở TN&MT có phương án như thế nào trong việc quản lý, xử lý chất thải có nguy cơ lây nhiễm để người dân và doanh nghiệp yên tâm hoạt động sản xuất, kinh doanh?

    Ông Nguyễn Tân Thuấn: Thời gian qua, Sở TN&MT đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn việc quản lý và xử lý chất thải phát sinh do dịch bệnh COVID-19, lập các kế hoạch và ban hành Quyết định số 2308/QĐ-STNMT ngày 9/8/2021 về việc thành lập Tổ kiểm tra để tiến hành kiểm tra và kiểm soát thường xuyên về lĩnh vực môi trường (trong đó đặc biệt chú ý việc xử lý nước thải và công tác quản lý chất thải rắn) tại các điểm phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Long An; tham mưu kịp thời tới UBND tỉnh để chấn chỉnh, khắc phục, hướng dẫn và hoàn thiện trong công tác BVMT theo đúng quy định và không để tình trạng lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 đến cộng đồng và người dân. Ngoài ra, Sở TN&MT đang là thành viên của 10 đoàn công tác hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Long An tại Quyết định số 8807/QĐ-UBND ngày 6/9/2021 của UBND tỉnh; nhiệm vụ của các đoàn công tác là kiểm tra, thẩm định phương án sản xuất, kinh doanh (gắn với công tác phòng, chống dịch COVID-19) của các doanh nghiệp, theo dõi, đôn đốc, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp theo các giai đoạn của Kế hoạch phục hồi sản xuất của tỉnh Long An.

    Trân trọng cảm ơn ông!

Trường Sơn (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2021)

Ý kiến của bạn