Banner trang chủ

Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020

02/07/2024

    Hiện nay, vấn đề BVMT không khí được quy định cụ thể trong Luật BVMT  năm 2020. Luật này đã xây dựng riêng tại Mục 2 về “BVMT không khí” với 3 Điều (Điều 12, 13, 14) thuộc Chương II; Mục 6 về “quản lý bụi, khí thải và các chất ô nhiễm khác” với 2 Điều (Điều 88, 89) thuộc Chương VI. Luật BVMT năm 2020 đã bổ sung các điều khoản quy định về BVMT không khí. Đặc biệt, Luật đã có các quy định về BVMT đối với những ngành có hoạt động gây ô nhiễm môi trường không khí cao như giao thông vận tải, xây dựng, công nghiệp... Đồng thời, Luật BVMT năm 2020 đã quy định việc “thực hiện các biện pháp khẩn cấp” trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng. Luật BVMT năm 2020 nêu rõ, nếu môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên phạm vi liên tỉnh, liên vùng và xuyên biên giới thì Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện các biện pháp khẩn cấp. Đối với phạm vi trong tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức thực hiện biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn, nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường không khí.

    Theo khoản 4, Điều 13, Luật BVMT năm 2020, Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh bao gồm các nội dung chính: (i) Đánh giá chất lượng môi trường không khí ở địa phương; (ii) đánh giá công tác quản lý chất lượng môi trường không khí; quan trắc môi trường không khí; xác định và đánh giá các nguồn phát thải khí thải chính; kiểm kê phát thải; mô hình hóa chất lượng môi trường không khí; (iii) phân tích, nhận định nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí; (iv) đánh giá ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến sức khỏe cộng đồng; (v) mục tiêu và phạm vi quản lý chất lượng môi trường không khí; (vi) nhiệm vụ và giải pháp quản lý chất lượng môi trường không khí; (vii) tổ chức thực hiện.

    Tại Điều 8, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết hơn về nội dung chính của Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh như sau:

    - Đánh giá chất lượng môi trường không khí ở địa phương: Hiện trạng chất lượng môi trường không khí khu vực đô thị, nông thôn và các khu vực khác.

    - Đánh giá công tác quản lý chất lượng môi trường không khí; quan trắc môi trường không khí; xác định và đánh giá các nguồn phát thải khí thải chính; kiểm kê phát thải; mô hình hóa chất lượng môi trường không khí; thực trạng và hiệu quả của các giải pháp quản lý chất lượng không khí đang thực hiện; hiện trạng các chương trình, hệ thống quan trắc; tổng hợp, xác định, đánh giá các nguồn phát thải chính (nguồn ô nhiễm điểm, nguồn ô nhiễm di động, nguồn ô nhiễm diện); thực hiện kiểm kê các nguồn phát thải chính và mô hình hóa chất lượng môi trường không khí.

    - Phân tích, nhận định nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí: Nguyên nhân khách quan từ các yếu tố khí tượng, thời tiết, khí hậu theo mùa, các vấn đề ô nhiễm liên tỉnh, xuyên biên giới (nếu có); nguyên nhân chủ quan từ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội làm phát sinh các nguồn khí thải gây ô nhiễm không khí (nguồn ô nhiễm điểm, nguồn ô nhiễm di động, nguồn ô nhiễm diện).

    - Đánh giá ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến sức khỏe cộng đồng: Thông tin, số liệu về số ca bệnh do ảnh hưởng của ô nhiễm không khí (nếu có); kết quả đánh giá ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe người dân tại địa phương.

    - Mục tiêu, phạm vi quản lý chất lượng môi trường không khí: Hiện trạng và diễn biến chất lượng môi trường không khí, hiện trạng công tác quản lý chất lượng môi trường không khí ở địa phương.

    - Nhiệm vụ và giải pháp quản lý chất lượng môi trường không khí: Về cơ chế, chính sách; về khoa học, công nghệ nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí; về quản lý, kiểm soát chất lượng môi trường không khí.

    - Tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh, bao gồm: phân công trách nhiệm của cơ quan chủ trì và các cơ quan phối hợp trong việc thực hiện kế hoạch; cơ chế giám sát, báo cáo, đôn đốc thực hiện; cơ chế phân bổ nguồn lực thực hiện.

    - UBND cấp tỉnh tổ chức xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh theo hướng dẫn kỹ thuật của Bộ TN&MT.

    Bên cạnh đó, căn cứ quy định khoản 3, Điều 14, Luật BVMT năm 2020 quy định về trách nhiệm thực hiện quản lý chất lượng môi trường không khí, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm: Ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh; đánh giá, theo dõi và công khai thông tin về chất lượng môi trường không khí; cảnh báo cho cộng đồng dân cư và triển khai biện pháp xử lý trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm gây tác động đến sức khỏe cộng đồng; tổ chức thực hiện biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn.

Trần Tân

Ý kiến của bạn