Banner trang chủ

Đà Nẵng triển khai Kế hoạch hành động về quản lý rác thải nhựa đại dương trên địa bàn thành phố

07/07/2021

    Ngày 24/6/2021, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch hành động số 112/KH-UBND về quản lý rác thải nhựa đại dương trên địa bàn thành phố đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030.

    Ô nhiễm nhựa đang trở thành môt trong những thách thức lớn mà các quốc gia đang phải đối mặt. Viêc lạm dụng sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi ni lông khó phân hủy, sản phâm nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường. Tại TP. Đà Nẵng, cùng với sự phát triển kinh tế, lượng chất thải rắn phát sinh gia tăng đáng kể. Năm 2019, chất thải rắn sinh hoạt thành phố phát sinh trung bình khoàng 1.177 tấn/ngày. Năm 2020, chất thải rắn sinh hoạt giảm khoảng 8% so với năm 2019 do tác động của dịch bệnh Covid-19, lượng chất thải rắn sinh hoạt trung bình khoảng 1.087 tấn/ngày. Theo dự báo ở điều kiện phát triển bình thường, đến năm 2030, thành phố sẽ phát sinh 1.794 tấn chất thải rắn sinh hoạt/ngày và đến năm 2045 là 2.450 tấn/ngày.

    Trước những áp lực của rác thải nhựa lên môi trường, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm nhựa đại dương, UBND TP. Đà Nẵng đã triển khai kế hoạch hành động số 112/KH-UBND về quản lý rác thải nhựa đại dương trên địa bàn thành phố đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030, nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống quản lý chất thải rắn của thành phố, đáp ứng Chiến lược quốc gia về quản lý chất thải rắn, mục tiêu xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường và nếp sống văn hóa văn minh đô thị.

    Mục tiêu của Kế hoạch là, giai đoạn 2021 - 2025, 100% các cơ quan, đơn vị quản lý Nhà nước trên địa bàn thành phố không sử dụng vật dụng hoặc đồ nhựa sử dụng một lần (chai nước, ống hút nhựa, băng rôn...) trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, sự kiện. Phấn đấu 90% hộ dân, trường học, doanh nghiệp, công sở và các đơn vị khác trên địa bàn thành phố thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn (bao gồm chất thải nhựa). Ít nhất 80% ngư dân khai thác thủy sản trên địa bàn thành phố cam kết không thải bỏ ngư lưới cụ, rác thải nhựa xuống biển. Hơn 90% hộ dân sinh sống dọc các con sông không đổ rác thải nhựa trực tiếp xuống dòng sông. Ngoài ra, ít nhất 70% điểm phục vụ ăn uống tại cơ sở lưu trú du lịch cam kết không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần; ít nhất 20% các cơ sở kinh doanh nước uống và thực phẩm cam kết không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần. Xây dựng và nhân rộng được ít nhất hai mô hình hiệu quả, như: mô hình chợ giảm thiểu sử dụng túi ni lông, trường học giảm thiểu rác thải nhựa...

    Kế hoạch cũng đề ra 4 nhóm nội dung trọng tâm và các nhiệm vụ cụ thể gồm: Tuyên truyền nâng cao nhận thức, cung cấp thông tin, hướng tới thay đổi hành vi ứng xử đối với các sản phẩm, vật dụng nhựa sử dụng một lần và rác thải nhựa đại dương; Triển khai các hành động mục tiêu về giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn thành phố; Ngăn ngừa, giảm thiểu và kiểm soát rác thải nhựa đại dương từ các nguồn trên biển và đất liền; Hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ về xử lý rác thải nhựa đại dương…

    Theo Kế hoạch, Sở TN&MT chịu trách nhiệm đầu mối, tham mưu UBND thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch; Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc việc kiểm tra thực hiện Kế hoạch bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ; Định kỳ hàng năm và 5 năm tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch, báo cáo Bộ TN&MT, UBND thành phố theo quy định.

Hồng Nhung

Ý kiến của bạn