Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 18/07/2024

Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải được thực hiện song song với công tác thanh tra, kiểm tra

17/02/2017

     Cùng với thanh tra, kiểm tra, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) phải được ưu tiên hàng đầu để hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, pháp luật, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TN&MT; Tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, kiến tạo cho phát triển, kiểm soát được lãng phí, thất thoát, tham nhũng trong quản lý, sử dụng tài nguyên, BVMT - Đó là ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà tại Thông báo kết luận số 22/TB-BTNMT về triển khai công tác xây dựng VBQPPL năm 2017 của Bộ TN&MT.

     Bên cạnh việc ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực và cố gắng của các đơn vị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, công tác xây dựng VBQPPL năm 2016 còn một số tồn tại, hạn chế nhất định, chính sách ban hành chưa theo kịp thực tiễn; hiệu quả sự phối hợp giữa các đơn vị chưa cao; chưa phát huy được vai trò của các cá nhân tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập, Tổ soạn thảo các VBQPPL… Do vậy, để triển khai tốt chương trình xây dựng VBQPPL năm 2017 thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ TN&MT, Bộ trưởng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:

     Đối với Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, trên cơ sở quá trình thực hiện công tác quản lý nhà nước, kết quả rà soát đánh giá tình hình thực thi chính sách, pháp luật, ý kiến, kiến nghị của địa phương, cơ sở, cử tri, người dân, doanh nghiệp, các đơn vị đề xuất bổ sung vào Chương trình xây dựng văn bản các văn bản quy định để tháo gỡ, giải quyết ngay những vấn đề tồn tại, hạn chế; Sửa đổi, hủy bỏ các quy định là rào cản, điểm nghẽn, chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn, thể chế kinh tế thị trường và bổ sung các quy định phù hợp với yêu cầu hội nhập.

     Trong đó, Bộ trưởng yêu cầu Thanh tra Bộ trên cơ sở những bất cập trong chính sách, pháp luật được nhận diện, phát hiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra, báo cáo Bộ trưởng đề xuất kiến nghị các nội dung cần sửa đổi, bổ sung đối với các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ; Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát các quy định, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia có liên quan đến lĩnh vực quản lý của Bộ và kết quả rà soát, đánh giá việc ban hành các văn bản pháp luật; Chồng chéo, vướng mắc trong các pháp luật có liên quan để đề xuất sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi.

     Đối với việc sửa đổi Luật Đất đai, Tổng cục Quản lý đất đai có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch sửa đổi Luật Đất đai; Kế hoạch của Ban cán sự Đảng sơ kết 5 năm tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Triển khai việc đánh giá tình thi hành Luật, nghiên cứu ý kiến kiến nghị của người dân, cộng đồng, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội để phát hiện những bất cập, vướng mắc đề xuất, sửa đổi trong Luật Đất đai. Trong năm 2017, chủ động triển khai việc xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để năm 2018 trình Chính phủ, Quốc hội xem xét. Trong khi chờ sửa đổi Luật Đất đai, Tổng cục Quản lý đất đai rà soát các quy định thuộc thẩm quyền của Bộ liên quan đến tích tụ, tập trung đất đai, cấp giấy chứng nhận, giải quyết vấn đề đất đai của các công ty nông, lâm nghiệp để hoàn thiện.

     Về việc sửa đổi các quy định của Luật BVMT, trong năm 2017, Tổng cục Môi trường tập trung đánh giá tình hình thực hiện Luật; Rà soát các thỏa thuận, cam kết mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia có liên quan đến môi trường. Trên cơ sở đó, sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật để trình Chính phủ, Quốc hội trong năm 2018; Rà soát, bổ sung các quy định về thẩm định, đánh giá tác động môi trường thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng để xử lý ngay những tồn tại, hạn chế liên quan đến trách nhiệm của các thành viên Hội đồng thẩm định, trách nhiệm kiểm tra, giám sát, hậu kiểm của từng Bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, khẩn trương hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn môi trường; Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định thanh tra, kiểm tra BVMT theo hướng áp dụng quản lý theo mức độ rủi ro về ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất kinh doanh theo Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.

 

 

     Đối với các lĩnh vực khác, Bộ trưởng giao Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng Nghị định của Chính phủ về lộ trình, phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại Việt Nam trong năm 2017. Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế và các đơn vị có liên quan hoàn thiện Dự án Luật Đo đạc và bản đồ để trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Các cục Viễn thám quốc gia, Đo đạc và Bản đồ Việt Nam tập trung xây dựng các Nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật để trình đồng thời với Dự án Luật. Cục Quản lý tài nguyên nước chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế nghiên cứu điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa theo hình thức VBQPPL thuộc thẩm quyền ban hành của Thủ tướng Chính phủ, để nâng cao hiệu lực pháp lý, trách nhiệm của các bên liên quan trong quá trình triển khai thực hiện; Chủ trì, phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế, Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam nghiên cứu, đề xuất cơ chế hợp tác trong quản lý, khai thác nguồn nước xuyên biên giới theo Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước cho các mục đích phi giao thông thủy và thông lệ quốc tế.

     Về triển khai Chương trình xây dựng văn bản năm 2017, Bộ trưởng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về công tác xây dựng VBQPPL.

     Bộ trưởng giao Vụ Pháp chế định kỳ báo cáo Bộ trưởng kết quả tiến độ xây dựng VBQPPL của từng đơn vị và tăng cường công tác đôn đốc. Việc xây dựng VBQPPL phải bám sát chủ trương của Đảng, quy định của các Luật để thể chế hóa trong nội dung Dự thảo VBQPPL; Đề xuất cơ chế, chính sách phải xuất phát từ những vướng mắc của người dân, doanh nghiệp và thực tiễn cuộc sống. Khâu xây dựng văn bản phải bảo đảm về tiến độ, chất lượng và liên thông được các lĩnh vực có chức năng giao thoa. Việc chuẩn bị và thực hiện xây dựng VBQPPL phải tuân thủ nghiêm các quy định của Luật ban hành VBQPPL.

     Vụ Pháp chế có trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ các văn bản có quy định thủ tục hành chính, đảm bảo không phát sinh thủ tục con, đơn giản hóa giấy tờ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục. Đối với các quy định thủ tục có liên quan đến nhiều lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ, phải thực hiện nguyên tắc một cửa, liên thông giữa các đơn vị. Đối với những văn bản có sự giao thoa chức năng giữa các lĩnh vực các đơn vị, việc thành lập Ban Biên tập, Tổ Soạn thảo cần có sự tham gia của các đơn vị liên quan. Quá trình soạn thảo nếu có ý kiến khác nhau, thủ trưởng các đơn vị chủ trì cần chủ động báo cáo Lãnh đạo Bộ phụ trách lĩnh vực liên quan để thống nhất, trường hợp giữa các Thứ trưởng chưa có sự thống nhất thì báo cáo Bộ trưởng xem xét quyết định, tránh tình trạng các quy định bị trùng chéo, chồng lấn giữa các lĩnh vực.

     Các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn trong quá trình xây dựng VBQPPL; Tăng cường trách nhiệm của các thành viên Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập, Tổ Soạn thảo; Ý kiến của thành viên là ý kiến chính thức của đơn vị để trên cơ sở đó rút ngắn được các thủ tục lấy ý kiến, thẩm định, hoàn thiện văn bản để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành.

     Đặc biệt, để thực hiện dịch vụ công trực tuyến theo yêu cầu của Nghị quyết số 36a/NQ-CP, các đơn vị rà soát toàn bộ các thủ tục hành chính có liên quan đến triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến quy định tại các VBQPPL, đề xuất phương án sửa đổi phù hợp, đảm bảo có thể thực hiện được thông qua dịch vụ công trực tuyến gửi về Vụ Pháp chế, Cục Công nghệ thông tin trước ngày 1/3/2017; Đồng thời, giao Cục Công nghệ thông tin khẩn trương xây dựng Thông tư quy định về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ TN&MT, trình lãnh đạo Bộ ban hành.

     Về việc thực thi các quy định pháp luật quốc tế liên quan tới lĩnh vực TN&MT, Bộ trưởng giao Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế xây dựng, triển khai thực hiện Đề án “Đánh giá việc triển khai thực hiện các điều ước quốc tế về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; Đào tạo đội ngũ chuyên gia về pháp luật quốc tế cho Bộ TN&MT”.

     Đối với việc đẩy mạnh triển khai Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, Bộ trưởng giao Tổng cục Quản lý đất đai chủ trì xây dựng tài liệu giới thiệu, hướng dẫn các địa phương về những điểm mới trong Nghị định, giới thiệu trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ, Báo TN&MT điện tử; Tổ chức nội dung để Lãnh đạo Bộ chỉ đạo quán triệt tới các Sở TN&MT, Phòng TN&MT, Văn phòng Đăng ký đất đai triển khai thực hiện.

     Các đơn vị trực thuộc Bộ nghiêm túc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng VBQPPL năm 2017, đảm bảo tiến độ đã được phê duyệt. Đồng thời, tập trung đánh giá tình hình thi hành chính sách, pháp luật đã ban hành trong thời gian qua, yêu cầu từ thực tiễn năng động của nền kinh tế trong điều kiện hội nhập để tiếp tục hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật, nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả, giải phóng được các nguồn lực tài nguyên, BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục vụ phát triển bền vững đất nước.

 

Nam Hưng (Theo Monre)

Ý kiến của bạn