Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 20/09/2024

Xây dựng quy hoạch sử dụng biển

31/07/2017

     Việt Nam có lợi thế để phát triển kinh tế biển với bờ biển dài hơn 3.260 km, vùng đặc quyền kinh tế khoảng 1 triệu km2, lớn gấp 3 lần diện tích đất liền, với vị trí địa lý thuận lợi, nguồn tài nguyên biển, ven biển phong phú, đa dạng… Vì thế, việc xây dựng Quy hoạch sử dụng biển (QHSDB) là yêu cầu cấp thiết hiện nay, nhằm đảm bảo bền vững các vùng biển, hải đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế, BVMT và bảo đảm an ninh quốc phòng.  

     QHSDB giúp giảm mâu thuẫn, xung đột giữa các ngành, lĩnh vực sử dụng biển

     Việt Nam có lịch sử khai thác, sử dụng và quản lý biển từ lâu đời. Nhiều ngành kinh tế gắn liền với biển như năng lượng, cảng, vận tải biển, viễn thông, đánh bắt, nuôi trồng hải sản, thể thao, du lịch, kinh doanh bất động sản ven biển đã và đang được phát triển. Trong Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và Luật Biển Việt Nam năm 2012 đã xác định rõ 4 ngành kinh tế biển trong 6 nhóm ngành được Nhà nước ưu tiên tập trung phát triển gồm: Tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu, khí và các loại tài nguyên khoáng sản biển; Vận tải biển, cảng biển, đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, phương tiện đi biển và các dịch vụ hàng hải; Du lịch biển và kinh tế đảo; Khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản.

     Trong những năm qua, hệ thống các văn bản pháp luật của Đảng và Nhà nước liên quan đến quản lý, khai thác, sử dụng biển theo hướng phát triển bền vững (PTBV) đã được ban hành, trong đó có các văn bản liên quan đến quy hoạch biển như quy hoạch về bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) và hệ thống khu bảo tồn biển (KBTB); các ngành kinh tế biển đã có quy hoạch tổng thể phát triển ngành như quy hoạch hệ thống cảng biển, dầu khí, du lịch, thủy sản; các địa phương có biển trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng đề cập đến nội dung sử dụng và khai thác biển thuộc địa phương mình. Tuy nhiên, đến nay, chưa có quy hoạch tổng thể không gian biển với nội hàm điều chỉnh tổng thể các ngành, lĩnh vực sử dụng tài nguyên biển đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra.

 

Hội thảo lấy ý kiến góp ý về dự thảo Đề án Quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển Việt Nam

tại TP. Đồng Hới (Quảng Bình) ngày 24/8/2016

 

     Khác với đất liền, biển có đặc thù là trong một không gian có thể đồng thời diễn ra nhiều hoạt động khác nhau như an ninh, quốc phòng, phát triển các ngành kinh tế và bảo vệ, bảo tồn giá trị tài nguyên, sinh thái biển. Do đó, việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển với cường độ cao của các ngành kinh tế chưa phù hợp với chức năng sinh thái của biển, làm nảy sinh mâu thuẫn giữa bảo tồn biển với phát triển các ngành kinh tế, hay giữa các ngành kinh tế biển với nhau, đồng thời làm suy giảm giá trị và khả năng đáp ứng của biển đối với những nhu cầu sống còn của con người. Điều đó có thể dẫn đến các hệ lụy đối với biển như suy giảm nguồn lợi, tài nguyên, ĐDSH, ô nhiễm và sự cố môi trường. Ngoài ra, tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu cũng góp phần đe dọa việc sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên, môi trường biển Việt Nam. Do đó, biển phải được quy hoạch theo không gian một cách hợp lý nhằm làm giảm mâu thuẫn, xung đột giữa các ngành, lĩnh vực sử dụng biển và tác động của các hoạt động khai thác, sử dụng biển lên môi trường tự nhiên. Vì thế, Việt Nam cần phải có QHSB một cách hiệu quả và bền vững.

     Một số nội dung chủ yếu của dự thảo QHSDB

     Thực hiện Luật Biển Việt Nam năm 2012 và Chương trình xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật, Bộ TN&MT được giao nhiệm vụ xây dựng đề án QHSDB Việt Nam để trình Chính phủ, Quốc hội phê duyệt. Theo đó, vùng lập quy hoạch là toàn bộ vùng biển Việt Nam, bao gồm vùng nội thủy, lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia đã được xác định trong Luật Biển Việt Nam (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và các điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ mà Việt Nam là thành viên. Vùng nghiên cứu hỗ trợ lập Quy hoạch bao gồm phần đất liền của các huyện, thành phố (TP), giáp biển thuộc 28 tỉnh, TP có biển và một số vùng biển kề cận biển Việt Nam.

     Quy hoạch được xây dựng và triển khai theo cách tiếp cận của quy hoạch không gian biển, dựa vào HST từ đơn giản đến phức tạp, tổng thể đến cụ thể. Đây là loại quy hoạch định hướng, đa ngành, tập trung vào đối tượng chung là TN&MT biển, căn cứ vào giá trị sinh thái biển và sự hợp lý về nhu cầu khai thác, sử dụng biển của các ngành. Tại hầu hết các vùng biển đều có nhiều hoạt động với những mục đích khác nhau, nhưng mức độ ưu tiên đối với các loại hoạt động là khác nhau. Theo cách tiếp cận này và trên cơ sở các tiêu chí phân loại cụ thể, các vùng biển Việt Nam được phân loại dựa trên 3 nhóm tiêu chí chính: Nhóm tiêu chí về bảo vệ, bảo tồn; phát triển kinh tế; quốc phòng, an ninh.

     QHSDB được xây dựng dựa trên các phân tích đánh giá về giá trị tài nguyên, sinh thái biển; nhu cầu khai thác, sử dụng biển của các ngành; các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về biển; bối cảnh kinh tế, chính trị và xã hội trong khu vực và thế giới có liên quan đến Biển Đông. Kinh nghiệm của các nước trong khu vực và thế giới trong việc lập QHSDB cũng được xem xét, nghiên cứu, nhưng có chọn lọc để phù hợp với đặc thù của Việt Nam.

     Theo đó, QHSDB được phân ra 6 loại vùng bao gồm: Vùng sử dụng đặc biệt là vùng biển được sử dụng ưu tiên cho mục đích quốc phòng, an ninh, trong đó ngoài những tiểu vùng dành riêng cho quốc phòng, an ninh có thể có các tiểu vùng được sử dụng kết hợp với phát triển kinh tế; Vùng chú trọng bảo tồn và phát triển kinh tế là vùng chú trọng đến bảo tồn khi phát triển các ngành kinh tế; tập trung nhiều sinh cảnh, hệ sinh thái (HST) ven bờ quan trọng, đồng thời cũng là nơi phát triển nhiều ngành kinh tế biển và có nhu cầu quốc phòng, an ninh; Vùng phát triển kinh tế kết hợp bảo tồn là vùng ưu tiên cho phát triển kinh tế biển, nhưng phải bảo đảm bảo tồn giá trị sinh thái biển. Đây là vùng có nhiều hoạt động phát triển kinh tế, nhưng cũng có các sinh cảnh, HST ven bờ cần được bảo vệ, bảo tồn và có nhu cầu quốc phòng, an ninh; Vùng ưu tiên khai thác dầu khí: là vùng ưu tiên hơn cho các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trên biển vì vùng này chủ yếu là các hoạt động dầu khí, nhưng vẫn đảm bảo cho các hoạt động khác như quốc phòng, an ninh, giao thông hàng hải, đánh bắt hải sản và bảo tồn giá trị tự nhiên, sinh thái biển, đảo; Vùng ưu tiên khai thác hải sản là vùng ưu tiên hơn cho các hoạt động khai thác hải sản, vì vùng này chủ yếu đánh bắt hải sản xa bờ tuyến lộng và tuyến khơi, quốc phòng, an ninh, giao thông hàng hải, thăm dò, khai thác dầu khí, bảo tồn giá trị sinh thái biển, đảo; Vùng cho các hoạt động sử dụng khác là vùng diễn ra các hoạt động sử dụng biển, nhưng chưa phát sinh nhu cầu xác định tính ưu tiên cho một loại hình hoạt động cụ thể.

     Nhiệm vụ, giải pháp thực hiện QHSDB

     Để thực hiện QHSDB, có 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được đề xuất, đó là:

     Giải quyết các vấn đề trong sử dụng tài nguyên, không gian biển với 5 hoạt động gồm: Phân vùng chức năng vùng bờ địa phương tại các tỉnh, TP có biển; Quy hoạch chi tiết các vùng sử dụng đặc biệt; Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các vùng đệm đối với các khu bảo tồn biển, khu dự trữ sinh quyển, công viên biển; Rà soát điều chỉnh quy hoạch phát triển các ngành kinh tế biển, phù hợp với QHSDB; Rà soát điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, TP có biển.

     Hoàn thiện thể chế: Trước mắt tập trung vào việc kiện toàn cơ chế điều phối đa ngành; Thiết lập cơ chế phối hợp liên ngành hỗ trợ hoạt động cấp phép, giám sát và chế tài xử lý vi phạm trong sử dụng, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển; Thiết lập hệ thống kiểm soát, xử lý sự cố môi trường biển quốc gia; Rà soát, điều chỉnh chính sách, pháp luật phù hợp để thực hiện Quy hoạch và xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, khai thác, sử dụng biển.

 

Việc tổ chức, quản lý triển khai QHSDB đòi hỏi phải có sự phối hợp liên ngành

 

     Tăng cường năng lực quản lý: Xây dựng và triển khai các chương trình truyền thông về khai thác, sử dụng, bảo vệ biển; chương trình tập huấn về quy hoạch, phân vùng biển; chương trình phát triển, nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ về khai thác và phát triển kinh tế biển; rà soát các chương trình, dự án, nhiệm vụ điều tra cơ bản liên quan đến  biển.

     Nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả QHSDB Việt Nam, đòi hỏi phải có sự điều phối, phối hợp liên ngành, đa ngành và điều này đã được đề xuất trong dự thảo Quy hoạch trên cơ sở mở rộng thành phần, cũng như tăng thẩm quyền của Ban điều phối Quản lý tổng hợp vùng bờ quốc gia (thành lập theo Quyết định số 957/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31/5/2016). Hội đồng Tư vấn kỹ thuật bao gồm các chuyên gia kỹ thuật từ các bộ, ngành, địa phương, cơ quan nghiên cứu, tư vấn liên quan có nhiệm vụ giúp việc Ban điều phối. Hội đồng Tư vấn kỹ thuật bao gồm các chuyên gia kỹ thuật từ các bộ, ngành, địa phương, cơ quan nghiên cứu, tư vấn liên quan có nhiệm vụ giúp ban điều phối. Bộ TN&MT chủ trì, giúp Chính phủ hướng dẫn, tổ chức triển khai, đánh giá và báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có biển xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ cụ thể của Kế hoạch được phân công. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam là cơ quan đầu mối, giúp Bộ trưởng Bộ TN&MT thực hiện các nhiệm vụ trên. UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương có biển thực hiện các nhiệm vụ được phân công trong Kế hoạch; phối hợp với Bộ TN&MT và các địa phương có biển khác trong việc triển khai các nhiệm vụ của Quy hoạch.

     Việc đánh giá thực hiện Quy hoạch dựa trên 3 nhóm tiêu chí: Về thể chế, quản lý (thông qua chính sách pháp luật liên quan, hình thành hoạt động của các tổ chức liên ngành, năng lực, công cụ, nguồn lực sử dụng để triển khai Quy hoạch); các hoạt động giảm thiểu, giải quyết mâu thuẫn và nhóm tiêu chí về thay đổi chất lượng tài nguyên, môi trường tại các khu vực triển khai Quy hoạch.

 

Phạm Ngọc Sơn - Phó Tổng cục trưởng

Nguyễn Đức Toàn - Cục trưởng Cục Quản lý khai thác biển và hải đảo

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 7/2017)

 

 

Ý kiến của bạn