Banner trang chủ

Xây dựng quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia

07/10/2019

     Quan trắc môi trường (QTMT) có vai trò quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về BVMT. Hoạt động QTMT nhằm mục tiêu cung cấp các số liệu hiện trạng về chất lượng môi trường, đánh giá hoạt động xả thải ra môi trường từ đó góp phần giúp cho các cơ quan hữu quan thực hiện chức năng quản lý môi trường. Nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới đều quan tâm, chú trọng tới việc thiết lập các mạng lưới QTMT nhằm đánh giá diễn biễn, đưa ra cảnh báo và xây dựng các phương án quản lý phù hợp.

     Tại Việt Nam, công tác QTMT cũng luôn được quan tâm, chỉ đạo sát sao. Trong bối cảnh đất nước đang phát triển mạnh mẽ, các hoạt động sản xuất công nghiệp, kinh doanh, dịch vụ ngày càng nhiều, đã và đang tạo ra những áp lực lớn lên môi trường, đòi hỏi phải xây dựng mạng lưới QTMT, thực hiện quan trắc một cách thường xuyên, liên tục để đánh giá diễn biến và đưa ra những cảnh báo môi trường cho cộng đồng và các cơ quan quản lý.

     Quá trình xây dựng các quy hoạch mạng lưới QTMT tại Việt Nam

     Sau nhiều năm triển khai và hoạt động, mạng lưới QTMT ở Việt Nam đã phát triển, đáp ứng được những đỏi hỏi ngày càng cao của công tác quản lý Nhà nước về BVMT. Với vai trò điều phối của Bộ TN&MT hiện nay, mạng lưới các trạm QTMT ngày càng được mở rộng và phát huy hiệu quả nguồn tiềm lực cơ sở vật chất, kỹ thuật, nhân lực của nhiều cơ quan, ngành nghề, viện nghiên cứu như các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, NN&PTNT, Quốc Phòng, Công Thương, Y Tế, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

     Từ năm 1994 - 2006, một số Bộ/ngành và địa phương đã hình thành mạng lưới QTMT. Nhưng chưa thống nhất về phương pháp, quy trình, thông số, tần suất quan trắc, một số chương trình không đảm bảo đúng thời điểm, địa điểm quan trắc như kế hoạch đề ra. Hơn thế nữa với kinh phí hạn hẹp, thiết bị lạc hậu và năng lực cán bộ còn hạn chế, kết quả quan trắc thiếu đồng bộ cả về không gian và thời gian, độ tin cậy chưa cao, đôi khi còn mâu thuẫn với nhau nên khó phân tích, tổng hợp và sử dụng chung. Kết quả quan trắc cũng chưa được tập trung về cơ quan quản lý môi trường quốc gia. Việc QTMT chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của công tác quản lý và BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

Trạm quan trắc tự động môi trường không khí của Tổng cục Môi trường tại 556 Nguyễn Văn Cừ, Hà Nội

 

     Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn trên, ngày 29/1/2007 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 16/2007/QĐ-TTg về việc “Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc TN&MT quốc gia đến năm 2020”. Trong đó đề ra mục tiêu tổng quát như: Xây dựng mạng lưới quan trắc TN&MT quốc gia bảo đảm thống nhất trên phạm vi cả nước, đồng bộ, tiên tiến và từng bước hiện đại, đáp ứng nhu cầu thu thập và cung cấp thông tin, số liệu điều tra cơ bản về môi trường, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, phục vụ có hiệu quả cho công tác xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường, dự báo, cảnh báo, phòng, tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, phát triển mạnh và bền vững kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời, Quyết định cũng chỉ ra được mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn trong đó chú trọng đến các vấn đề về xây dựng và hoàn thiện cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý và điều hành; tăng cường năng lực trang thiết bị và nhân lực cho mạng lưới quan trắc TN&MT. Mặc dù đã có các quy định chung tại một chương riêng trong Luật BVMT và Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 16/2007/QĐ-TTg  nhưng qua thực tế quản lý và tổ chức hoạt động của mạng lưới QTMT quốc gia, thống kê môi trường, công bố, công khai thông tin môi trường thời gian qua cho thấy hiện còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng các yêu cầu đặt ra ngày càng cao của công tác quản lý môi trường.

     Ngày 12/1/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 90/QĐ-TTg về Quy hoạch mạng lưới quan trắc TN&MT quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, thay thế Quyết định số 16/2007/QĐ-TTg với mục tiêu "Xây dựng được hệ thống quan trắc TN&MT quốc gia hợp lý, thống nhất, đồng bộ, hiện đại, đạt trình độ hàng đầu khu vực Đông Nam Á và trình độ tiên tiến của khu vực châu Á; đáp ứng nhu cầu thông tin điều tra cơ bản phục vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước, tài nguyên đất, biển và hải đảo, khí tượng thủy văn, BVMT và các ngành kinh tế kỹ thuật khác; phục vụ dự báo, cảnh báo, phòng, tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai và ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu".

     Để triển khai đồng bộ và hiệu quả Quyết định số 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TN&MT cũng đã ban hành Quyết định số 2044/QĐ-BTNMT ngày 7/9/ 2016 về Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 triển khai, thực hiện Quy hoạch mạng lưới quan trắc TN&MT quốc gia. Từ  khi có Quyết định số 90/QĐ-TTg, Bộ TN&MT luôn tích cực, chủ động để triển khai thực hiện Quy hoạch.

    Công tác triển khai thực hiện các quy hoạch

     Hiện nay, Tổng cục Môi trường có đủ năng lực thực hiện quan trắc theo Quy hoạch đối với các thành phần môi trường gồm có: Nước mặt (nước biển ven bờ và nước sông), chất lượng không khí, trầm tích…, thực hiện các chương trình quan trắc các vùng kinh tế trọng điểm, các lưu vực sông: Nhuệ - Đáy, Cầu, Đồng Nai, Mã, Hồng - Thái Bình, Đà và Vu Gia - Thu Bồn, khu vực khai thác Bauxite tại Tây Nguyên. Đầu tư, duy trì vận hành hệ thống các Trạm quan trắc không khí tự động tại Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa và sắp tới tại Thừa Thiên - Huế, Phú Thọ, Quảng Ninh…; tăng cường, lắp đặt các Trạm quan trắc nước tự động tại Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hà Nội, Thừa Thiên - Huế...

     Bên cạnh mạng lưới QTMT quốc gia do Tổng cục Môi trường làm đầu mối quản lý, còn có một số mạng lưới QTMT do các đơn vị khác trực thuộc Bộ TN&MT làm đầu mối quản lý như mạng lưới QTMT không khí và nước do Tổng cục Khí tượng Thủy văn (trước đây) nay là Trung tâm Khí tượng - Thủy văn quốc gia (Bộ TN&MT) xây dựng. Mạng lưới trạm này thực hiện QTMT không khí được lồng ghép với các trạm khí tượng; QTMT nước sông, hồ được lồng ghép với các trạm thủy văn. Ngoài ra còn có các điểm quan trắc xâm nhập mặn vùng cửa sông do các trạm thủy văn thực hiện…

     Bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, công tác quy hoạch QTMT ở nước ta còn tồn tại nhiều khó khăn và bất cập. Hệ thống trạm QTMT không khí, nước tự động và liên tục còn chưa hoàn thiện theo Quy hoạch mạng lưới QTMT quốc gia được phê duyệt tại Quyết định số 90/QĐ-TTg do chi phí đầu tư, duy trì và vận hành các trạm quan trắc tự động còn cao, nhiều tỉnh gặp khó khăn về kinh phí đầu tư và duy trì trạm. Đối với công tác quan trắc định kỳ chỉ được thực hiện ở một số thời điểm nhất định trong năm, nhiều chương trình quan trắc chưa thực hiện được theo kế hoạch mong muốn. Việc chia sẻ thông tin dữ liệu QTMT giữa Trung ương, địa phương còn nhiều hạn chế. Mặt khác, cơ sở dữ liệu môi trường toàn hệ thống hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý môi trường trong việc kiểm soát, theo dõi, cảnh báo diễn biến môi trường và đặc biệt khi có sự cố ô nhiễm môi trường lớn xảy ra. Bên cạnh đó, đứng trước yêu cầu được tiếp cận thông tin về môi trường của xã hội hiện nay ngày càng đòi hỏi phải kịp thời, thông tin đầy đủ và phản ánh sâu sắc hiện trạng môi trường. Nguồn lực thực hiện quan trắc và phân tích môi trường ngày càng tăng về số lượng, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế cả về số lượng và chất lượng. Các địa phương được đầu tư trang thiết bị chưa đồng bộ. Một số đơn vị có các thiết bị được đầu tư khá lâu vì thế đã cũ và hỏng hóc nhiều, hoặc có thiết bị mới nhưng giữa các đơn vị không có sự đồng bộ về danh mục và đặc tính kĩ thuật của các trang thiết bị…

     Định hướng thời gian tới

     Theo quy định tại Khoản 12 Điều 7 Luật sửa đổi, bổ sung 37 luật có liên quan đến Quy hoạch số 35/2018/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 19/11/2018, Bộ TN&MT được giao trách nhiệm lập, thẩm định và trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể QTMT quốc gia nhằm đáp ứng các yêu cầu và đòi hỏi mới để phục vụ tốt hơn công tác quản lý. Khác với các quy hoạch trước đây, QTMT được lồng ghép chung vào mạng lưới quan trắc tài nguyên, khí tượng thủy văn, lần này Quy hoạch sắp tới được xây dựng riêng cho lĩnh vực môi trường.

     Việc xây dựng Quy hoạch này dựa trên quan điểm kế thừa theo các quy hoạch QTMT trước đây đã được phê duyệt tại các Quyết định số 16/2007/QĐ-TTg và Quyết định số 90/2016/QĐ-TTg, thể hiện được tính định hướng trong quy hoạch các trạm, điểm quan trắc và hướng tới tăng cường công tác xã hội hóa trong việc huy động các nguồn lực triển khai các chương trình QTMT trong quy hoạch. Quy hoạch mới sẽ góp phần cập nhật các điểm quan trắc, tăng cường cơ chế huy động nguồn lực cho hoạt động QTMT, góp phần đẩy mạnh các hoạt động QTMT nhằm đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ phát triển mới của đất nước.

 

Trương Mạnh Tuấn

Vụ Quản lý chất lượng môi trường

Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 8/2019)

 

 

 

Ý kiến của bạn