Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 18/07/2024

Xây dựng chính sách phát triển dịch vụ môi trường tại Việt Nam

04/05/2016

   Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức đó là ô nhiễm môi trường và suy thoái tài nguyên. Do đó, yêu cầu về phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, xử lý chất thải và cải thiện môi trường ngày càng cao, đòi hỏi có bước phát triển mới trong dịch vụ môi trường (DVMT).

Thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải là một trong những loại hình DVMT phát triển tại Việt Nam

 

 

 

 

Một số chính sách phát triển DVMT ở Việt Nam

   Luật BVMT năm 2014 đã đưa ra các quy định về phát triển DVMT (Điều 150) và ưu đãi, hỗ trợ hoạt động BVMT (Điều 151).

   Tại Chương VII, Nghị định số 19/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật BVMT năm 2014 quy định về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động BVMT. Theo đó ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, vốn; miễn, giảm thuế; trợ giá, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm từ hoạt động BVMT và các ưu đãi, hỗ trợ khác đối với hoạt động BVMT.

   Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã nhấn mạnh xã hội hóa hoạt động môi trường là một trong những giải pháp nhằm tăng cường và đa dạng hóa đầu tư cho BVMT.

   Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu đã khẳng định, Nhà nước khuyến khích việc xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải và thu hồi năng lượng từ chất thải.

   Đề án phát triển DVMT đến năm 2020 đã nêu mục tiêu là phát triển DVMT để cung ứng dịch vụ BVMT cho các ngành, lĩnh vực, địa phương; tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực dịch vụ trong nền kinh tế, tạo việc làm và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

 

 

 

   Hiện nay, ở Việt Nam đã hình thành mạng lưới doanh nghiệp (DN) DVMT, bước đầu thu hút khu vực tư nhân tham gia cung cấp DVMT. Nhiều loại hình DVMT đã đi vào hoạt động và phát triển như thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, nước thải; Tư vấn môi trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sự phát triển của mạng lưới DN DVMT chưa đáp ứng yêu cầu BVMT. Năng lực cung ứng dịch vụ và chất lượng dịch vụ còn thấp, không đồng đều trên các lĩnh vực và giữa các vùng miền, địa phương trên phạm vi cả nước.

   Nguyên nhân chủ yếu là do khuôn khổ pháp lý cho hoạt động DVMT chưa được hoàn thiện; Chính sách thúc đẩy, hỗ trợ phát triển DVMT còn thiếu tính định hướng; Quy định pháp luật về quản lý chất lượng của một số DVMT chưa được quan tâm đúng mức; Nhiều tổ chức và cá nhân tham gia cung ứng DVMT song chưa đáp ứng các điều kiện cần thiết dẫn đến chất lượng dịch vụ không đảm bảo; Chưa có quy định rõ ràng về điều kiện cấp phép hành nghề cung cấp DVMT, dẫn tới DN thành lập tràn lan theo kiểu “toàn dân làm DVMT”.

   Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, các cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng hành lang pháp lý cho các hoạt động BVMT nói chung và DVMT nói riêng. Các cơ chế chính sách về phát triển DVMT thường được lồng ghép trong một số các văn bản quy phạm pháp luật về BVMT, tài chính, khuyến khích hỗ trợ đầu tư... và bước đầu tạo điều kiện hình thành và phát triển mạng lưới DVMT.

   Bên cạnh các chính sách pháp luật đã được ban hành, trong thời gian qua, Bộ TN&MT đã xây dựng Dự thảo Khung chính sách, pháp luật về phát triển DVMT ở Việt Nam (Dự thảo) nhằm góp phần thúc đẩy hình thành và phát triển mạng lưới DN DVMT trên phạm vi cả nước. Dự thảo tập trung vào 3 nhóm nội dung, bao gồm:

- Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển DVMT: Xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập DN DVMT thông qua hình thức đấu thầu, cơ chế hợp tác công tư; Xây dựng và ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển một số loại hình DVMT; Xây dựng lộ trình từng bước xóa bỏ bao cấp của Nhà nước qua giá, phí dịch vụ, đặc biệt đối với các dịch vụ công ích về môi trường.

- Các quy định về quản lý chất lượng DVMT: Xây dựng, ban hành quy định về điều kiện hoạt động đối với tổ chức, cá nhân tham gia DVMT; Xây dựng, hoàn thiện các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; Xây dựng, hoàn thiện các định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá đối với hoạt động BVMT; Hoàn thiện các quy định về chế tài xử lý đối với các tổ chức cung cấp DVMT có hành vi vi phạm.

   Chính sách thành lập một số tổ chức, DN có vốn đầu tư của Nhà nước đủ mạnh để giải quyết những vấn đề lớn, bức xúc về môi trường của đất nước.

   Cùng với đó, Bộ đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án phát triển mạng lưới DN DVMT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu của Đề án nhằm hình thành và phát triển mạng lưới DN DVMT ở Việt Nam đáp ứng nhu cầu sử dụng DVMT, đồng thời tăng tỷ lệ đóng góp cho nền kinh tế quốc dân, góp phần tạo công ăn việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Đề án đã xác định 4 nhóm nhiệm vụ giải pháp: Hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ phát triển DN DVMT; Xây dựng quy hoạch phát triển mạng lưới DN DVMT tại địa phương; Sắp xếp, thành lập hoặc góp vốn đầu tư thành lập một số loại hình DN DVMT trong một số lĩnh vực đặc thù; Thực hiện các Chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN DVMT.

   Đặc biệt, Bộ đã phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về cơ chế tài chính phát triển một số loại hình DVMT. Quyết định nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia phát triển DVMT. Nội dung của Quyết định tập trung vào các cơ chế tài chính cho 5 loại hình dịch vụ: Thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Xử lý nước thải sinh hoạt tập trung; Giám định về môi trường; Ứng phó sự cố môi trường; Kiểm toán môi trường.

   Để phát triển, nâng cao hiệu quả, chất lượng DVMT, Bộ TN&MT đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét, ký ban hành các văn bản pháp lý về phát triển DVMT để tổ chức thực hiện trong giai đoạn tới, cụ thể là: Khung chính sách, pháp luật về phát triển DVMT ở Việt Nam; Đề án phát triển mạng lưới DN DVMT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Cơ chế tài chính phát triển một số loại hình DVMT tại Việt Nam và các văn bản có liên quan.

   Mặt khác, chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục nghiên cứu, xây dựng hành lang pháp lý để phát triển các loại hình DVMT phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, trong đó tập trung vào các chính sách khuyến khích, thu hút DN, tổ chức tham gia vào lĩnh vực này.

ThS. Dương Thị Thanh Xuyến

TS. Nguyễn Thị Phương Mai   

Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2016)

Ý kiến của bạn