Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 18/07/2024

Vụ cá chết trên sông Bưởi, bài học đắt giá cho sự xem nhẹ về môi trường, coi thường luật pháp

07/06/2016

   Sau khi tiếp nhận thông tin có hiện tượng cá chết hàng loạt, gây thiệt hại nặng nề cho nhân dân trên sông Bưởi (đoạn từ xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) chảy xuôi về địa bàn xã Thạch Lâm (huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) từ ngày 4 - 7/5/2016, Bộ TN&MT đã ban hành Quyết định số 1508/QĐ-BTNMT ngày 10/5/2016 thanh tra việc chấp hành pháp luật BVMT đối với các cơ sở trên địa bàn xã Tân Mỹ (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình). Kết quả khảo sát, kiểm tra, phân tích mẫu cho thấy, nguyên nhân cá chết là do nguồn nước sông Bưởi bị ô nhiễm bởi các chất hữu cơ và dinh dưỡng từ nước thải sản xuất của Công ty TNHH MTV Tân Hiếu Hưng, Công ty CP Mía đường Hòa Bình, Cơ sở chăn nuôi lợn của ông Nguyễn Ngọc Sáng. Ngày 17/5/2016, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường đã ban hành các quyết định số 174, 175, 176/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT đối với các tổ chức, cá nhân nêu trên với tổng số tiền 3.904.165.200 đồng.

Các cơ quan chức năng kiểm tra hiện trạng Nhà máy đường Hòa Bình

   Theo kết luận của Đoàn thanh tra, Công ty TNHH MTV Tân Hiếu Hưng: Không thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung và yêu cầu trong kết luận, kiểm tra, thanh tra về BVMT của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Không thực hiện chương trình quan trắc, giám sát môi trường theo quy định; Thực hiện không đúng một trong các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; Báo cáo không đúng thực tế với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tình hình quản lý chất thải nguy hại; Xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên trong trường hợp thải lượng nước thải từ 1.500 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 2.000 m3/ngày (24 giờ)… Với các hành vi vi phạm đó, Công ty bị phạt 1.926.666.300 đồng và bị đình chỉ hoạt động trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày 20/5/2016.

   Cũng theo Quyết định, Công ty phải khắc phục hậu quả vi phạm do các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, đặc biệt thực hiện ngay các biện pháp khắc phục: Lập bổ sung thiết kế cơ sở đối với các công trình BVMT theo quy định và khẩn trương cải tạo, nâng cấp, xây dựng bổ sung hệ thống xử lý nước thải đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp trước khi thải vào mương thoát nước ra sông Bưởi… Ngoài ra, phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục đối với nước thải sau xử lý trước khi thải ra ngoài môi trường. Cửa xả nước thải ra mương thoát (nơi tiếp nhận nước thải) phải được đặt ở vị trí thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát theo quy định tại Khoản 2 Điều 101 Luật BVMT năm 2014.

   Đồng thời, Công ty TNHH MTV Tân Hiếu Hưng phải có biện pháp giảm thiểu ô nhiễm mùi, xử lý khí thải đảm bảo khí thải phát sinh phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của QCVN19:2009/BTNMT; Cải tạo khu lưu giữ chất thải công nghiệp không nguy hại, chất thải nguy hại theo quy định hiện hành.

   Liên quan đến tình trạng cá chết trên sông Bưởi, Công ty CP Mía đường Hòa Bình bị xử phạt 1.783.332.600 đồng và đình chỉ hoạt động trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày 20/5/2016 do các hành vi: Không lập, phê duyệt Kế hoạch quản lý môi trường theo quy định; Không thực hiện chương trình quan trắc, giám sát môi trường theo quy định; Không xây lắp công trình BVMT theo quy định; Đổ, thải chất thải rắn thông thường từ 5 m3 (hoặc tấn) đến dưới 10 m3 (hoặc tấn) trái quy định; Xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 05 lần đến dưới 10 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 200 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 400 m3/ngày (24 giờ)…

   Bên cạnh đó, Công ty phải lập thiết kế cơ sở đối với các công trình BVMT theo quy định và xây dựng Trạm xử lý nước thải tập trung trước khi thải vào mương thoát nước ra sông; Cải tạo, nâng cấp hệ thống thu gom nước thải riêng biệt với hệ thống thu gom nước mưa; Lập nhật ký vận hành, sổ theo dõi hóa chất và nguyên vật liệu sử dụng; Lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục đối với nước thải sau xử lý trước khi thải ra ngoài môi trường…

   Trường hợp Cơ sở chăn nuôi lợn của ông Nguyễn Ngọc Sáng, mức phạt là 194.166.300 đồng và bị đình chỉ hoạt động xả nước thải gây ô nhiễm môi trường của cơ sở trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày 20/5/2016 với các hành vi: Không thực hiện chương trình quan trắc, giám sát môi trường theo quy định; Xây lắp không đúng, không vận hành thường xuyên hoặc vận hành không đúng quy trình đối với công trình xử lý môi trường theo nội dung cam kết BVMT đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận; Xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên trong trường hợp thải lượng nước thải từ 100 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 200 m3/ngày (24 giờ).

   Bộ TN&MT cũng yêu cầu cơ sở phải bổ sung thiết kế cơ sở đối với các công trình BVMT theo quy định và xây dựng bổ sung hệ thống xử lý nước thải đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi trước khi thải vào mương thoát nước ra sông Bưởi; Cải tạo, nâng cấp hệ thống thu gom nước thải riêng biệt với hệ thống thu gom nước mưa; Chi trả kinh phí trưng cầu giám định, đo đạc, phân tích 1 mẫu nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật theo định mức đơn giá hiện hành…

   Quyết định xử phạt cũng buộc các Công ty, Cơ sở chăn nuôi trên có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về kinh tế cho các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra. Đồng thời, phải bồi thường thiệt hại về môi trường do hành vi gây ô nhiễm môi trường; Thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nước sông Bưởi do hành vi vi phạm hành chính của công ty, cơ sở chăn nuôi gây ra.

   Kế hoạch khắc phục xong các hậu quả vi phạm nêu trên và hồ sơ thiết kế xây dựng phải được gửi về Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình và Tổng cục Môi trường trước ngày 20/6/2016; hoàn thành việc khắc phục các hậu quả vi phạm và báo cáo kết quả thực hiện về Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình và Tổng cục Môi trường trước ngày 30/9/2016 để kiểm tra, giám sát và xác nhận hoàn thành theo quy định. Trước ít nhất 15 ngày làm việc kể từ thời điểm hết thời hạn đình chỉ hoạt động sản xuất, các đơn vị trên phải có văn bản báo cáo, kèm theo các hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc đã khắc phục xong hậu quả vi phạm gửi cho Sở TN&MT tỉnh Hoà Bình và Tổng cục Môi trường để được kiểm tra, xác nhận đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trước khi đi vào hoạt động trở lại theo quy định.

   Qua vụ việc trên cho thấy, nếu doanh nghiệp hiểu rõ được việc làm sai trái, biết giữ gìn môi trường thì chắc chắn sẽ không phải chịu hậu quả nặng nề như ngày hôm nay. Đây là bài học đắt giá cho những cá nhân, tổ chức chỉ chạy theo lợi nhuận mà xem nhẹ về môi trường, coi thường pháp luật.

            Hương Mai

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2016)

Ý kiến của bạn