Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 18/07/2024

Thanh Hóa phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường

20/07/2016

   Thời gian qua, Thanh Hóa tập trung nhiều giải pháp phát triển kinh tế gắn với BVMT, đảm bảo phát triển nhanh và bền vững. Theo đó, tỉnh chú trọng khai thác những tiềm năng của vùng theo hướng Tăng trưởng xanh, từng bước nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và nhân dân về sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Để hiểu rõ hơn việc triển khai kế hoạch này, Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với ông Lưu Trọng Quang - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa.

   Xin ông cho biết tình hình thực hiện quy định pháp luật về BVMT tại khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

   Ông Lưu Trọng Quang: Thanh Hóa là tỉnh nằm ở khu vực Bắc Trung bộ, có 27 huyện, thị, thành phố; 637 xã, phường, thị trấn với tổng diện tích là 1.112.948 ha, chiếm 3,37% tổng diện tích tự nhiên của cả nước, dân số hơn 3,4 triệu dân. Trên địa bàn tỉnh, KKT Nghi Sơn được thành lập năm 2006 tại huyện Tĩnh Gia có hệ thống cảng Nghi Sơn thu hút được 67 doanh nghiệp vào hoạt động; 5 KCN (Lễ Môn, Bỉm Sơn, Đình Hương - Tây Bắc Ga, Lam Sơn - Sao Vàng và Hoàng Long) thu hút 136 doanh nghiệp; 57 CCN được quy hoạch. Trong đó, 10/57 CCN cơ bản hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng, hiện có 86 doanh nghiệp vào đầu tư (tỷ lệ lấp đầy 75,48%); 24/57 CCN đang xây dựng hạ tầng và có 211 doanh nghiệp vào đầu tư (tỷ lệ lấp đầy 42,44 %); 23/57 CCN chưa có doanh nghiệp vào đầu tư và đang xây dựng hạ tầng.

Ông Lưu Trọng Quang
Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa

   Việc hình thành và phát triển mạnh mẽ của KKT, các KCN, CCN đã tạo điều kiện để thu hút khối lượng lớn vốn đầu tư công nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội; tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, góp phần nâng cao đời sống của người dân địa phương. Tuy nhiên, hiện trạng môi trường và việc thực thi chính sách, pháp luật về môi trường tại KKT, KCN, CCN cũng là một vấn đề quan tâm.

   Cho đến thời điểm hiện nay trên địa bàn tỉnh mới có KCN Lễ Môn có hệ thống xử lý nước thải (XLNT) tập trung và đi vào vận hành từ năm 2010, KCN Tây Bắc Ga, CCN Thiệu Dương (TP. Thanh Hóa) được đầu tư hệ thống XLNT tập trung nhưng chưa hoàn chỉnh và đi vào hoạt động; số KCN, CCN còn lại chưa được đầu tư xây dựng công trình XLNT tập trung.

   Trong khi đó, các KCN, CCN đều chưa có khu xử lý chất thải rắn (CTR) tập trung; CTR sản xuất và sinh hoạt được các đơn vị tự thu gom, xử lý sơ bộ hoặc thu gom, vận chuyển đến bãi rác của các địa phương. CTR sản xuất được thu gom, phân loại nhưng chưa triệt để, một phần sau phân loại bán cho cơ sở tái chế; CTR sinh hoạt và sản xuất còn lại được xử lý bằng biện pháp chôn lấp trong khuôn viên hoặc thải ra môi trường.

   Qua kiểm tra công tác BVMT tại các đơn vị đang hoạt động trong các KCN, CCN, làng nghề cho thấy, hầu hết các cơ sở, doanh nghiệp mới dừng lại ở việc chấp hành lập các hồ sơ về môi trường theo quy định như: Báo cáo đáng giá tác động môi trường (ĐTM), đề án BVMT, cam kết BVMT, kế hoạch BVMT...; tuy nhiên, việc xây dựng các công trình xử lý chất theo như cam kết trong hồ sơ về môi trường đã được phê duyệt và xác nhận mới đạt khoảng 30%; phần còn lại chưa đầu tư xây dựng đồng bộ hoặc có xây dựng nhưng không đúng tiêu chuẩn, không vận hành thường xuyên, chất thải chưa được thu gom và xử lý triệt để...

   Do vậy, trong thời gian tới, Sở sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật về môi trường tại các doanh nghiệp trong KKT, các KCN, CCN; Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về môi trường cho các doanh nghiệp trong KKT, KCN, CCN; Tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào công tác BVMT các KCN; Khuyến khích xã hội hóa hoạt động BVMT.

Hệ thống xử lý nước thải tại KCN Lễ Môn

   Sau hơn 1 năm triển khai thi hành Luật BVMT 2014, công tác quản lý môi trường tại địa phương đã có chuyển biến như thế nào, thưa ông?

   Ông Lưu Trọng Quang: Thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 25/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật BVMT, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 61/KH-UBND ngày 22/4/2015 triển khai thi hành Luật BVMT năm 2014 trên địa bàn. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị tập huấn, tuyên truyền giới thiệu nội dung cơ bản của Luật BVMT năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành tới lãnh đạo chủ chốt các Sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố và doanh nghiệp trên địa bàn. Sau Hội nghị, căn cứ kế hoạch của UBND tỉnh, các Sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, UBND cấp huyện mở các lớp tập huấn phổ biến tới các đơn vị trực thuộc; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền phổ biến nội dung của Luật đến nhân dân trong tỉnh.

   Từ đó, các phong trào BVMT ngày càng thu hút được sự tham gia của cộng đồng dân cư; công tác BVMT tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh từng bước được thực hiện; số vụ việc vi phạm pháp luật về BVMT có xu hướng giảm, những cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có ý thức tuân thủ, chấp hành tốt hơn các quy định pháp luật về BVMT. Đặc biệt, những quy định về kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình BVMT, quản lý chất thải nguy hại, chế độ thông tin, báo cáo, xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng...đi vào nề nếp.

   Xin ông cho biết kết quả 5 năm triển khai Quyết định 1946/QĐ-TTg về Kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu (Quyết định 1946) trên địa bàn tỉnh?

   Ông Lưu Trọng Quang: Tỉnh Thanh Hóa có 10 điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật (HCBVTV) nằm trong danh mục cần phải xử lý. Triển khai Quyết định 1946 tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 24/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình MTQG khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 - 2015. Trong đó Sở TN&MT tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo Chương trình, đồng thời chủ trì lập 7 dự án xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường 7 điểm tồn lưu HCBVTV gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoàn thành xử lý trước năm 2015.

   Đồng thời, Sở phối hợp với UBND các huyện trên địa bàn tỉnh cùng với đơn vị tư vấn tiến hành điều tra, khảo xác định chi tiết mức độ ô nhiễm và phạm vi ô nhiễm các điểm tồn lưu HCBVTV phát sinh ngoài Quyết định 1946. Sau khi điều tra, khảo sát lấy mẫu đất phân tích dư lượng HCBVTV, Sở đã trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 103/QĐ-UBND ngày 8/1/2014 đưa 35 điểm tồn lưu HCBVTV vào danh mục cơ sở gây ô nhiêm môi trường nghiêm trọng cần phải xử lý trên địa bàn tỉnh.

   Sau 5 năm thực hiện Quyết định 1946, tỉnh Thanh Hóa đã thu được một số kết quả cụ thể: Công tác tuyên truyền nâng cao được nhận thức của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân về tác hại của HCBVTV tại các điểm tồn lưu đến sức khỏe được tăng cường. Từ đó có nhiều giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu những tác động xấu do tác động của các điểm tồn lưu HCBVTV; các điểm tồn lưu HCBVTV khác nằm ngoài Quyết định 1946 được các cơ quan chức năng của tỉnh khảo sát, khoang vùng, cô lập và cảnh báo cho nhân dân biết để tránh không tiếp xúc với khu vực bị ô nhiễm; Tiến hành xử lý triệt để được 6/7 điểm tồn lưu HCBVTV (nằm trong danh mục Quyết định 1964) có mức độ ô nhiễm nặng, nằm gần các khu dân cư ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và đời sống của nhân dân. Hiện các khu vực đã được bàn giao cho địa phương sử dụng để trồng hoa màu lâu năm; 8 dự án xử lý HCBVTV tồn lưu đang được Trung ương hỗ trợ kinh phí để triển khai thi công.

   Bên cạnh những kết quả đạt được, trong việc xử lý các điểm tồn lưu HCBVTV trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, vướng mắc như: Việc xử lý ô nhiễm môi trường tại các điểm tồn lưu HCBVTV đòi hỏi chi phí lớn, số lượng các điểm tồn lưu trên địa bàn tỉnh nhiều, phần kinh phí hỗ trợ của Trung ương để xử lý ô nhiễm có hạn, trong khi nguồn ngân sách của tỉnh Thanh Hóa không đủ dẫn đến nhiều dự án đã được phê duyệt nhưng thiếu kinh phí để thực hiện;

   Mặt khác, các điểm tồn lưu HCBVTV thuộc đối tượng công ích, do đó kinh phí cho việc xử lý các xử lý ô nhiễm tại các điểm tồn lưu này chỉ trông đợi vào ngân sách của nhà nước, trong khi đó các nguồn huy động khác từ ngoài ngân sách nhà nước không có.

   Ông có đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về BVMT?

   Ông Lưu Trọng Quang: Chính phủ cần ban hành cơ chế, trợ giá mua điện từ hoạt động xử lý rác thải; tăng tỷ lệ % ngân sách cho công tác BVMT. Đồng thời, bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ cho thanh tra chuyên ngành về môi trường thuộc Chi cục BVMT - Sở TN&MT (tương đương với thanh tra quản lý thị trường thuộc Chi cục Quản lý thị trường - Sở Công Thương; Thanh tra An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Sở Y tế; Thanh tra bảo vệ thực vật Chi cục Bảo vệ thực vật - Sở NN&PTNT...)

   Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), đặc biệt là hướng dẫn cụ thể về cơ chế chính sách ưu đãi đối với hình thức hợp tác này, trong đó có lĩnh vực BVMT; Thông tư hướng dẫn chi tiết Nghị định số 3/2015/NĐ-CP ngày 6/1/2015 của Chính phủ quy định về xác định thiệt hại đối với môi trường; Thông tư hướng dẫn các quy định về BVMT đối với cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung theo quy định tại Điều 67, Luật BVMT năm 2014.

   Ngoài ra, cần xây dựng chính sách hỗ trợ cho các dự án xử lý ô nhiễm môi trường nghiêm trọng…

   Xin cảm ơn ông.

                P. Đình - B.Hằng

(Thực hiện)

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2016

Ý kiến của bạn