Banner trang chủ

Thanh Hóa nỗ lực triển khai tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới

02/08/2018

     Với sự quyết tâm của hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và đồng thuận của nhân dân, đến nay Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Thanh Hóa đã đạt được những kết quả quan trọng. Góp phần vào thành công trên, ngành TN&MT tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực triển khai tiêu chí môi trường (tiêu chí 17) trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh. Để hiểu rõ về những thuận lợi và khó khăn khi thực hiện tiêu chí 17 tại Thanh Hóa Tạp chí Môi trường có cuộc phỏng vấn Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa Lưu Trọng Quang.

     PV: Thời gian qua, ngành TN&MT tỉnh Thanh Hóa đã triển khai việc thực hiện tiêu chí 17 trong Bộ tiêu chí NTM như thế nào, thưa ông?

     Ông Lưu Trọng Quang: Sau 7 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM (2011 - 2018), Thanh Hóa đã có 244/571 xã (chiếm 42,37 % tổng số xã) đạt 19/19 tiêu chí và được công nhận xã đạt chuẩn NTM.

     Việc thực hiện tiêu chí thứ 17 trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Để đạt và duy trì được các yêu cầu của tiêu chí cần sự thay đổi mạnh mẽ về công tác quản lý, ý thức của người dân.

 

Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa Lưu Trọng Quang

 

     Nhằm triển khai thực hiện tốt tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, ngành TN&MT Thanh Hóa được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh giao nhiệm vụ tham mưu triển khai thực hiện và cử 1 đồng chí Phó Giám đốc Sở tham gia thành viên Ban Chỉ đạo (BCĐ) Chương trình xây dựng NTM và Hội đồng xét, công nhận xã đạt chuẩn NTM của tỉnh.

     Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, năm 2017, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1988/2017/QĐ-UBND quy định về vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Thanh Hóa. Trong đó, các biện pháp và điều kiện đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong công tác vệ sinh môi trường đã được quy định rõ. Đây là cơ sở giúp các địa phương thực hiện tốt công tác BVMT, góp phần hoàn thành tiêu chí môi trường (TCMT) trong xây dựng NTM.

     Hàng năm, Sở kết hợp với phòng TN&MT các huyện, thị xã/TP kiểm tra và hướng dẫn thực hiện TCMT tại cấp cơ sở. Cùng với công tác kiểm tra, thẩm định, năm 2016 đến nay, Sở đã tổ chức 42 lớp tập huấn về công tác BVMT và hướng dẫn thực hiện TCMT trong xây dựng NTM cho hơn 6.000 cán bộ cấp huyện, xã, thôn, hội viên các tổ chức chính trị - xã hội, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Thông qua Chương trình phối hợp hành động BVMT giữa Sở TN&MT với 15 ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh các nội dung về BVMT trong xây dựng NTM đã được triển khai sâu rộng tới quần chúng nhân dân.

     Bên cạnh đó, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí cho công tác BVMT đối với các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM, trung bình mỗi xã được hỗ trợ 60 triệu đồng. Theo BCĐ xây dựng NTM của tỉnh, phong trào thi đua "Thanh Hóa cùng cả nước chung sức xây dựng NTM” đã được triển khai sâu rộng, huy động sự vào cuộc của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn vào việc tham gia xây dựng NTM.

     PV: Để duy trì TCMT tại các xã NTM của tỉnh, Sở TN&MT có những giải pháp gì, thưa ông?

     Ông Lưu Trọng Quang: Ở các địa phương, TCMT luôn là tiêu chí hoàn thành cuối cùng. Nguyên nhân là do nguồn lực hạn chế, các địa phương thường ưu tiên triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, thay đổi mô hình sản xuất… nên chưa ưu tiên thực hiện TCMT. Bên cạnh đó, ý thức của người dân về vệ sinh môi trường còn hạn chế, nhiều nơi chưa có công trình thoát nước mưa, nước thải; chưa có khu xử lý rác thải tập trung; các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm chưa có công trình xử lý chất thải; các làng nghề chưa có hệ thống tiêu, thoát và xử lý nước thải… Tuy nhiên để đạt chuẩn NTM các địa phương đã nỗ lực quyết tâm hoàn thành TCMT.

     Bên cạnh đó, TCMT là tiêu chí “mềm” dễ biến động, phụ thuộc rất lớn vào ý thức của người dân. Thực tế cho thấy, nhiều xã đã đạt chuẩn NTM nhưng việc duy trì, nâng cao chất lượng TCMT vẫn còn rất hạn chế. Để tăng cường công tác tham mưu trong lĩnh vực này, trong thời gian tới, Sở TN&MT xác định một số nhiệm vụ cụ thể sau: Tiếp tục phối hợp với UBND các huyện, thị xã/TP, ban ngành phối hợp hành động tuyên truyền, triển khai Quyết định số 1988/2017/QĐ-UBND quy định về vệ sinh môi trường nông thôn một cách sâu rộng hơn.

     Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra và hướng dẫn các xã đang phấn đấu đạt chuẩn NTM, tiến hành công tác hậu kiểm đối với các xã đã về đích, đảm bảo TCMT được duy trì và nâng cao.

 

Các cấp hội phụ nữ trong tỉnh Thanh Hóa tích cực tham gia vệ sinh môi trường

góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới

 

     Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn về thực hiện TCMT cho các thành viên BCĐ xây dựng NTM cấp huyện, xã để triển khai xuống thôn, xóm và người dân; Chủ động phối hợp với UBND các huyện, thị xã/TP để nắm bắt tình hình thực hiện, duy trì và nâng cao chất lượng đạt chuẩn NTM của các xã.

     PV: Thưa ông, để tăng cường công tác BVMT trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, Sở TN&MT đã triển khai những hoạt động gì?

     Ông Lưu Trọng Quang: Để tăng cường quản lý môi trường trong sản xuất nông nghiệp, xác định phương châm BVMT phải lấy phòng ngừa và hạn chế những tác động đối với môi trường là chủ yếu. Vì vậy, đối với các dự án đầu tư, bao gồm các các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp đều phải hoàn thiện đầy đủ hồ sơ môi trường, phải được xem xét tất cả các yếu tố tác động đến môi trường. Để tạo điều kiện cho các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, Sở TN&MT đã cắt giảm thời gian thẩm định hồ sơ môi trường đối với các dự án này để sớm triển khai thực hiện.

     Đồng thời, hàng năm, Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện, xã tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về BVMT tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Thông qua các đợt thanh tra, kiểm tra, đã kết hợp tuyên truyền pháp luật về BVMT, hướng dẫn thực hiện các thủ tục môi trường, đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại, đầu tư công trình xử lý chất thải và kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT.

     PV: Thời gian tới, tỉnh có kế hoạch gì nhằm triển khai hiệu quả công tác BVMT khu vực nông thôn, thưa ông?

     Ông Lưu Trọng Quang: Trước hết, tỉnh cần ưu tiên bố trí nguồn vốn để triển khai các nhiệm vụ: Tổ chức tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về BVMT trong xây dựng NTM cho đội ngũ cán bộ, công chức phụ trách công tác môi trường cấp huyện, xã.

     Xây dựng, triển khai và nhân rộng các mô hình BVMT phù hợp với địa phương: Phân loại rác tại nguồn; xử lý rác thải nông thôn; xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt hộ gia đình; khu dân cư tự quản BVMT...

     Hướng dẫn các xã thực hiện TCMT và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện tiêu chí này tại các xã/huyện đã được công nhận và đang trong quá trình công nhận đạt chuẩn NTM;

     Đồng thời, bồi dưỡng, đào tạo nguồn theo quy hoạch, đảm bảo về cơ cấu số lượng, chất lượng, trình độ chuyên môn để phát huy năng lực công tác trong lĩnh vực BVMT.

     Tăng mức hỗ trợ kinh phí trung bình 200 triệu/xã để thực hiện các hoạt động BVMT (mua sắm phương tiện thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt, xây dựng khu tập kết rác, bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật… cho các xã đăng ký về đích NTM đến năm 2020.

     Hỗ trợ đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống thoát nước, xử lý nước thải các làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường (khoảng 30 làng nghề) với mức 10 tỷ đồng/làng nghề. Đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và công trình xử lý nước thải tập trung cho các cụm công nghiệp, trung bình 15 tỉ đồng/cụm.

     Mặt khác, hỗ trợ công tác quy hoạch và di dời các làng nghề, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư; Thực hiện các dự án xử lý bãi rác gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật.

     PV: Trân trọng cảm ơn ông!

 

Phạm Đình (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 7/2018)

Ý kiến của bạn