Banner trang chủ

Thực trạng và giải pháp quản lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố Hải Phòng

31/05/2019

     Hải Phòng là thành phố (TP) ven biển, nằm ở phía Đông miền duyên hải Bắc Bộ, cách thủ đô Hà Nội 102 km, có các lợi thế về đường biển, đường sắt, đường bộ và đường hàng không, giao lưu thuận lợi với các tỉnh trong cả nước và các quốc gia trên thế giới. Là một trong những trung tâm công nghiệp, thương mại lớn của cả nước, Hải Phòng đang có tốc độ phát triển dân số, đô thị hóa cao. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa cao và sự phát triển của các ngành, nghề đang bộc lộ nhiều bất cập, tác động đến đời sống dân sinh, đặc biệt là vấn đề môi trường, trong đó CTR (CTR) đang trở thành mối quan tâm lo ngại hàng đầu của TP.

     Thực trạng phát sinh và thu gom, xử lý CTR

     Tổng lượng CTR sinh hoạt phát sinh và được thu gom trên địa bàn TP trung bình khoảng 1.715,4 tấn/ngày. Trong đó, khối lượng CTR sinh hoạt phát sinh ở khu vực đô thị khoảng 1.100 tấn/ngày; ở khu vực nông thôn khoảng 615,4 tấn/ngày. Tỷ lệ CTR đô thị được thu gom đạt 97%, trong đó 100% CTR được xử lý hợp vệ sinh bằng phương pháp chôn lấp, làm phân bón hữu cơ tại bãi xử lý rác Tràng Cát (34 ha) và bãi rác Đình Vũ (15,65 ha). Tỷ lệ CTR nông thôn được thu gom đạt 90%, trong đó có 49,1% được xử lý chôn lấp tại 125 bãi rác tạm trên địa bàn 89 xã, số rác còn lại được xử lý bằng phương pháp đốt (lò đốt BD-Anpha 500kg/giờ) cho 6 xã, thị trấn và xử lý bằng chôn lấp hợp vệ sinh tại bãi rác Đình Vũ, khu xử lý rác xã Minh Tân (huyện Thủy Nguyên) cho các xã, thị trấn còn lại.

     CTR xây dựng trên địa bàn TP ước tính 256 tấn/ngày có thành phần chủ yếu là đất cát, gạch vỡ, thủy tinh, bê tông và kim loại... thường được tận dụng tái sử dụng, số còn lại chôn lấp cùng CTR sinh hoạt. Do nhu cầu căn hộ tại các đô thị, cùng với lộ trình phá dỡ, cải tạo các khu chung cư cũ nát tại các đô thị, nên lượng rác thải xây dựng sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới.

     CTR công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại phát sinh tại 500 cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP với tổng khối lượng CTR công nghiệp thông thường khoảng 2.680.000 tấn/năm và chất thải nguy hại khoảng 14.450 tấn/năm. Toàn bộ lượng CTR công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại được 6 đơn vị có chức năng xử lý chất thải nguy hại hoạt động trên địa bàn TP và một số đơn vị hoạt động ngoài TP thu gom, xử lý theo quy định.

     CTR nông nghiệp phát sinh ước khoảng 380.000 tấn rơm, rạ/năm ngoài đồng ruộng; 2.300 tấn chất thải chăn nuôi/ngày từ 12.283 con bò, 4.954 con trâu, 336.799 con lợn và 7.286 ngàn con gia cầm, ngoài ra còn phát sinh một lượng bao bì hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón các loại từ hoạt động sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, lượng rác thải là rơm rạ, các phế phẩm từ sản xuất nông nghiệp chưa được tính toán thống kê lượng phát sinh để quản lý.

     Chất thải y tế nguy hại phát sinh trên địa bàn TP trung bình khoảng 787,91 kg/ngày từ 9 bệnh viện tuyến TP, 16 bệnh viện đa khoa quận/huyện, 8 bệnh viện trực thuộc các Bộ, ngành đóng trên địa bàn, 11 trung tâm y tế dự phòng, 15 trung tâm y tế chuyên khoa và các đơn vị trực thuộc, 224 trạm y tế xã/phường/thị trấn, 6 bệnh viện đa khoa tư nhân. Việc quản lý, xử lý chất thải y tế nguy hại được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

     Trong thời gian qua, công tác thu gom và xử lý CTR trên địa bàn TP gặp rất nhiều khó khăn như rác thải sinh hoạt không được phân loại tại nguồn; các bãi rác tạm xử lý rác sinh hoạt nông thôn chưa được xử lý theo đúng quy định; rác thải sinh hoạt nông thôn được xử lý bằng biện pháp đốt (lò đốt rác sinh hoạt 500kg/giờ) chưa đảm bảo về một số thông số kỹ thuật theo QCVN 61-MT:2016/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt CTR sinh hoạt. Ngoài ra, nguồn ngân sách đầu tư cho công tác BVMT ở các địa phương còn thấp (mỗi năm từ 100 - 140 triệu/xã), việc xã hội hóa công tác xử lý rác thải chưa được thực hiện.

     Công tác quản lý CTR và một số giải pháp, kiến nghị

     Nhận thức sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác quản lý môi trường, những năm qua, TP luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc. TP đã ban hành các văn bản để đáp ứng kịp thời cho công tác quản lý nhà nước về BVMT nói chung và quản lý CTR nói riêng như: Nghị quyết số 09/2010/NQ-HĐND ngày 15/7/2010 của Hội đồng nhân dân TP khóa XIII, kỳ họp thứ 18 về nhiệm vụ, giải pháp thu gom xử lý CTR nông thôn trên địa bàn TP giai đoạn 2010 - 2020; Chương trình số 5741/CTr-UBND ngày 4/10/2010 về triển khai Nghị quyết số 09/NQ-HĐND ngày 15/7/2010 của Hội đồng nhân dân TP; Quyết định số 1711/QĐ-UBND ngày 11/10/2012 về phê duyệt Quy hoạch quản lý CTR trên địa bàn TP đến năm 2025; Quyết định số 1999/QĐ-UBND ngày 15/11/2012về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới thu gom CTR nông thôn thông thường trên địa bàn TP Hải Phòng đến năm 2020...

 

Rác thải hữu cơ được xử lý thành phân mùn vi sinh tại Khu liên hợp xử lý rác thải Tràng Cát (Hải Phòng)

 

     Để triển khai các nhiệm vụ, UBND TP đã giao Sở Xây dựng chủ trì tham mưu cho UBND TP lập quy hoạch quản lý CTR và trực tiếp quản lý CTR sinh hoạt đô thị và CTR xây dựng; Sở NN&PTNT chủ trì tham mưu việc quản lý CTR sinh hoạt nông thôn, tham mưu triển khai Chương trình thực hiện Nghị quyết về nhiệm vụ giải pháp thu gom, xử lý CTR ở nông thôn giai đoạn 2010-2020; Sở TN&MT thực hiện tổng hợp khối lượng CTR công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại phát sinh từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn TP để cập nhật số liệu phục vụ công tác quản lý; Sở Y tế thực hiện tổng hợp khối lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh từ các cơ sở y tế trên địa bàn TP. Việc giao cho các Sở, ngành TP thực hiện công tác quản lý CTR bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định như CTR được thu gom đạt tỷ lệ cao, nhận thức của người dân về vệ sinh môi trường được nâng lên rõ rệt, hình thành các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực thu gom, xử lý rác thải nông thôn, giải quyết được nhiều lao động cho người dân địa phương...

     Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác quản lý CTR TP vẫn còn bất cập do nhiều cơ quan quản lý, gây chồng chéo và thiếu thống nhất trong quản lý nhà nước ở tất cả các cấp; việc triển khai các dự án theo quy hoạch quản lý CTR gặp nhiều khó khăn do người dân chưa đồng thuận; kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước hạn hẹp; năng lực chủ đầu tư có khả năng xử lý CTR với khối lượng lớn chưa được phân loại rác tại nguồn còn hạn chế.

     Hiện nay, việc quản lý CTR sinh hoạt nông thôn ở TP. Hải Phòng còn nhiều bất cập. Đối với cấp TP do Sở NN&PTNT quản lý; cấp huyện thì có huyện giao phòng NN&PTNT, có huyện giao phòng TN&MT; số lượng cán bộ có trình độ chuyên môn về môi trường ở cấp xã còn rất hạn chế; tài chính phục vụ cho công tác vệ sinh môi trường (xử lý môi trường tại các bãi rác tạm) còn thấp.

     Trước thực trạng trên, thời gian tới TP sẽ tập trung nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý CTR, cụ thể như: Đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng về phòng ngừa, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, xử lý CTR, hình thành lối sống thân thiện với môi trường. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch quản lý CTR đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung của TP (xây dựng TP Hải Phòng đến năm 2035 tầm nhìn đến 2050) và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước. Đẩy nhanh đầu tư xây dựng các khu xử lý CTR có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, phù hợp quy hoạch. Lựa chọn nhà đầu tư có năng lực về tài chính và kinh nghiệm xử lý rác thải. Nâng cao chất lượng công tác thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn các xã. Tăng cường các biện pháp xử lý tại các bãi rác tạm.

     Cụ thể hóa cơ chế chính sách theo Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ và Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường nhằm thu hút các thành phần kinh kế tham gia xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển và vận hành cơ sở xử lý CTR; tăng dần nguồn thu phí vệ sinh, giảm dần hỗ trợ từ ngân sách cho hoạt động thu gom, vận chuyển CTR. Thống nhất hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về CTR từ TP đến cấp xã theo quy định của pháp luật. Bố trí cán bộ theo dõi quản lý CTR ở cấp huyện, xã.

     Để triển khai thực hiện nội dung Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 3/2/2019, Chính phủ đã thống nhất giao Bộ TN&MT là cơ quan đầu mối, thống nhất quản lý nhà nước về CTR; giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề rác thải và xử lý rác thải trên địa bàn và thống nhất hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về CTR từ Trung ương đến địa phương. Trên cơ sở đó, TP Hải Phong xin có một số kiến nghị như sau:

     Quốc hội xem xét điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện nội dung về quản lý chất thải quy định tại Luật BVMT năm 2014 theo hướng “Bộ TN&MT là cơ quan đầu mối, thống nhất quản lý nhà nước về CTR” và đảm bảo sự thống nhất giữa các Luật: BVMT, Đầu tư, Xây dựng, Quy hoạch, Đấu thầu và một số Luật có liên quan khác.

     Chính phủ xem xét điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung chức năng nhiệm vụ của Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ TN&MT và các Bộ có liên quan để Bộ TN&MT là đầu mối thống nhất quản lý nhà nước về CTR. Chính phủ sửa đổi Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, trong đó chuyển chức năng của Sở Xây dựng về “quản lý CTR thông thường tại đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng” về Sở TN&MT, đảm bảo tính thống nhất xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương.

     Bộ TN&MT và các Bộ liên quan xây dựng và ban hành các Thông tư hướng dẫn một cách đồng bộ, bổ sung, hoàn thiện các nội dung hướng dẫn thực hiện Luật BVMT và các Nghị định đảm bảo tính thống nhất xuyên suốt công tác quản lý CTR từ Bộ TN&MT đến Sở TN&MT và Ban hành kỹ thuật, quy trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với hạ tầng từng khu vực thực hiện nhiệm vụ xử lý CTR, công nghệ xử lý CTR. Để thực hiện được các nhiệm vụ của Chính phủ giao theo nội dung tại Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 3/2/2019, Bộ TN&MT cần nghiên cứu đề xuất với Chính phủ có giải pháp về tài chính ưu tiên thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng và công nghệ để thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải tại mỗi địa phương; nghiên cứu, đề xuất cơ chế tài chính bền vững đảm bảo công tác quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý để giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường.

     Với vị trí là vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Hải Phòng luôn chủ động và sẵn sàng hợp tác, liên kết với các tổ chức quốc tế, các tỉnh/TP trong cả nước và với các Bộ, ngành Trung ương để có hướng đi, kế hoạch hành động thống nhất quản lý nhà nước về CTR nhằm đảm bảo công tác quản lý CTR đạt hiệu quả cao, góp phần giúp Hải Phòng trở thành đô thị trung tâm cấp quốc gia, đô thị cảng biển, cảng hàng không tầm cỡ khu vực và quốc tế.

 

ThS. Đỗ Thị Hương - Phó Chi cục trưởng

Chi cục BVMT Hải Phòng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 5/2019)

 

 

Ý kiến của bạn