Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 18/07/2024

Thực trạng và giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Hà Nội

17/10/2016

   Thời gian qua, cùng với sự gia tăng dân số và tốc độ phát triển kinh tế - xã hội đã làm gia tăng lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại các đô thị của Việt Nam, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội. Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do lượng CTRSH phát sinh, những năm qua, TP. Hà Nội đã triển khai đồng loạt các giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý chất thải nói chung và CTRSH nói riêng, góp phần xây dựng hình ảnh Thủ đô xanh - sạch - đẹp.

   Thực trạng quản lý CTRSH tại Hà Nội

   Theo thống kê của Sở TN&MT Hà Nội, từ năm 2011 - 2015, CTRSH chiếm khoảng 60% tỷ trọng trong các loại chất thải: CTR công nghiệp chiếm 10%, chất thải xây dựng chiếm 20 - 25%, chất thải nông nghiệp và nông thôn chiếm 5 - 8%. Tổng khối lượng CTRSH phát sinh trên địa bàn TP khoảng 5.515 tấn/ngày, trong đó CTRSH đô thị của 12 quận và thị xã Sơn Tây là 3.388 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom đạt 98%; CTRSH tại 17 huyện ngoại thành là 2.127 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom đạt 89%. CTRSH phát sinh chủ yếu từ các hộ gia đình, khu tập thể, chợ, trung tâm thương mại, văn phòng, cơ sở nghiên cứu, trường học... Trước tình trạng lượng CTRSH tại TP ngày càng tăng, ngày 3/6/2013, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 16/QĐ-UBND về quy định quản lý CTR thông thường trên địa bàn TP, trong đó giao Sở Xây dựng trực tiếp quản lý công tác vệ sinh môi trường khu vực các quận nội thành, Sở TN&MT quản lý 17 huyện ngoại thành.

Khu tập kết rác của Nhà máy xử lý chất thải Sơn Tây (Ba Vì, Hà Nội)

   Tại các quận nội thành, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH do Công ty TNHH Môi trường Đô thị (URENCO) đảm nhiệm. Việc xử lý, tiêu hủy, tái chế CTR chủ yếu dựa vào hình thức chôn lấp tại bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn), Xuân Sơn (Sơn Tây), Núi Thoong (Chương Mỹ)...

   Đối với 17 huyện ngoại thành, việc thu gom CTRSH được thực hiện bởi các tổ thu gom rác thải tự quản do UBND các xã trực tiếp quản lý, hoặc giao cho các thôn tự quản lý, hoặc đơn vị vệ sinh môi trường thực hiện (đối với các thị trấn, khu đô thị). Hình thức thu gom chủ yếu bằng thủ công gồm các xe đẩy tay, xe cải tiến. Riêng tại 2 huyện Thường Tín và Thanh Trì hiện đang áp dụng thí điểm mô hình thu gom bằng xe tải nhỏ của Công ty CP Môi trường đô thị Toàn Cầu và xe thu gom cơ giới của Công ty Môi trường đô thị Thanh Trì. Việc vận chuyển CTRSH từ các điểm tập kết rác tại các thôn, xã về khu xử lý được thực hiện chủ yếu bằng hình thức đấu thầu, đặt hàng các đơn vị vệ sinh môi trường trên địa bàn TP. Hiện nay, có 15 đơn vị vệ sinh môi trường tham gia vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn 17 huyện. Kinh phí cho công tác thu gom rác thải được cân đối từ nguồn thu phí vệ sinh môi trường của UBND các xã theo quy định, tổng kinh phí thu từ phí vệ sinh môi trường khoảng 8.174.408.000 đồng/tháng (thu của 3.911.200 người với mức thu từ 1.500 - 4.000đ/người/tháng với tỷ lệ 76%). Ngoài phí vệ sinh, một số xã còn có nguồn hỗ trợ từ xã hội hóa, hoặc ngân sách của thôn, xã. Việc tổ chức thu phí do các xã, thôn; hoặc các đơn vị vệ sinh trực tiếp thực hiện.

   Mặc dù, công tác thu gom, vận chuyển CTRSH tại các quận, huyện đang dần đi vào nề nếp, nhưng do lượng CTR đô thị ngày càng tăng, trang thiết bị, năng lực thu gom hạn chế, cự ly vận chuyển rác đến địa điểm xử lý xa (trên 50 km), chưa có trạm trung chuyển, dẫn đến nhiều bất cập. Trong khi, nhận thức của người dân chưa cao, hiện tượng xả rác bừa bãi diễn ra ở nhiều nơi. Việc thu gom, phân loại rác thải tại nguồn chưa được áp dụng rộng rãi do thiếu đầu tư về hạ tầng cơ sở, thiết bị, nhân lực. Bộ máy thu gom rác thải tại các xã hoạt động theo mô hình tổ tự quản, tự cân đối trên cơ sở nguồn thu phí vệ sinh môi trường nên chưa đảm bảo chế độ lao động đối với lực lượng này.

   Hiện nay, hầu hết bãi rác của TP đều sử dụng biện pháp chôn lấp và có tới 85 - 90% các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường (không khí, nước, đất), nhiều bãi rác trong tình trạng quá tải. Theo Báo cáo của Ban cán sự Đảng - UBND TP. Hà Nội về việc đánh giá thực trạng ô nhiễm môi trường ngày 18/7/2016, kết quả quan trắc môi trường không khí xung quanh các bãi rác có xu hướng gia tăng vượt quy chuẩn từ 1,2 - 1,5 lần cho phép. Tại các bãi chôn lấp CTR, nước rỉ rác có chứa hàm lượng chất ô nhiễm cao. Ví dụ, tại Khu xử lý rác thải Nam Sơn, hiện tại đang vận hành 3 trạm xử lý nước rỉ rác, tổng công suất khoảng 3.600 m³/ngày, đêm. Tuy nhiên, còn tồn đọng 927.000 m³ nước rỉ rác đang lưu chứa tại các hồ sinh học và ô chôn lấp, gây ô nhiễm nước mặt và nước ngầm.

   Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong quản lý CTRSH

   Để giải quyết các vấn đề tồn tại trong công tác quản lý CTRSH, TP. Hà Nội đã và đang tiến hành nhiều giải pháp như ưu tiên bố trí kinh phí cho đầu tư, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt; Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vận động người dân thu gom rác thải, làm vệ sinh hàng tuần tại các khu đô thị, đường làng, thôn xóm; Kêu gọi các đơn vị vệ sinh môi trường đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải bằng phương pháp đốt (từ nguồn vốn xã hội hóa). Theo tính toán, đến nay, khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn các quận, huyện của TP được xử lý bằng phương pháp đốt khoảng 698 tấn/ngày, chiếm trên 30% tổng khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh, còn lại chủ yếu được xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Đến nay, đã có một số nhà máy xử lý rác thải đi vào hoạt động: Nhà máy xử lý chất thải Sơn Tây của Công ty CP Dịch vụ môi trường Thăng Long, công suất 700 tấn/ngày; Nhà máy xử lý chất thải Xuân Sơn của Hợp tác xã Thành Công, công suất 250 tấn/ngày; Nhà máy xử lý và chế biến rác thải Phương Đình của Công ty CP Đầu tư Thành Quang, công suất 200 tấn/ngày…

   Thực hiện mục tiêu đến năm 2025, tất cả các loại CTR phát sinh của TP đều được thu gom, tái chế và xử lý triệt để bằng những công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung triển khai đồng bộ quy hoạch xử lý CTR Thủ đô đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục triển khai các dự án xử lý CTR cấp TP, cấp huyện tùy thuộc điều kiện cụ thể của từng địa phương và giai đoạn phát triển kinh tế của TP để xác định công nghệ xử lý CTR phù hợp. Các huyện hoàn thành việc quy hoạch mạng lưới điểm tập kết, trung chuyển rác thải phù hợp với đặc điểm của địa phương, đảm bảo mỗi xã có từ 1 - 2 điểm tập kết/trung chuyển rác thải và tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các khu xử lý CTR, bao gồm: Khu liên hợp xử lý CTR quy mô cấp TP (thôn Đông Ké, xã Trần Phú, Chương Mỹ); Dự án đầu tư xây dựng bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh huyện Ba Vì, công suất 70 tấn/ngày; Khu xử lý rác thải Mỹ Thành, huyện Mỹ Đức, công suất 50 tấn/ngày; Nhà máy xử lý rác Châu Can, huyện Phú Xuyên, công suất 300 tấn/ngày; Nhà máy xử lý rác thải xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, công suất 200 tấn/ngày...

   Đặc biệt, TP sẽ đẩy mạnh công tác phân loại rác tại nguồn theo hướng phân chia địa bàn các huyện thành nhiều vùng khác nhau để áp dụng các phương thức phân loại, thu gom phù hợp; kết hợp với việc phân loại tại các trạm trung chuyển nhằm tăng hiệu quả xử lý, tái chế rác thải, giảm tỷ lệ chất thải phải vận chuyển đi chôn lấp, xử lý. Bên cạnh đó, xây dựng lộ trình ưu tiên áp dụng công nghệ xử lý CTR tiên tiến, cụ thể: Từ năm 2016 - 2018, tiếp tục lựa chọn công nghệ chôn lấp và xử lý hợp vệ sinh, nghiên cứu ứng dụng công nghệ xử lý CTR bằng phương pháp đốt phát điện; Từ năm 2018 - 2020, lựa chọn công nghệ tái chế, thu hồi là công nghệ chủ đạo, đốt một phần, hoặc đốt có thu hồi năng lượng; kết hợp với chôn lấp hợp vệ sinh tại chỗ (của huyện), hoặc trung chuyển đến các bãi chôn lấp tập trung của TP, hướng tới mô hình xử lý rác thải 3R hoàn chỉnh cho Hà Nội.

            Hồng Khánh

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2016)

Ý kiến của bạn