Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 18/07/2024

Thông tin ban đầu về việc cá chết trên sông La Ngà

23/05/2018

     Ngày 21/5/2018, ngay khi nhận được thông tin về hiện tượng cá bè chết hàng loạt trên sông La Ngà, thuộc địa bàn xã La Ngà, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, Tổng cục Môi trường đã chỉ đạo Cục BVMT miền Nam phối hợp với Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai nắm bắt thông tin, kiểm tra, xác minh nguyên nhân, để có biện pháp xử lý kịp thời.

     ​Từ 13h - 17h ngày 21/5/2018, Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát thực tế và ghi nhận, tại khu vực phát hiện cá chết về phía thượng lưu cách cầu La Ngà khoảng 2,7 km và hạ lưu cách cầu La Ngà khoảng 2 km, cá chết chủ yếu tại các bè cá của những hộ dân ở phía thượng nguồn sông La Ngà, ngoài ra còn một ít cá tự nhiên chết.

     Về phía hạ nguồn sông La Ngà có 2 nguồn thải lớn, gồm: Công ty CP Mía Đường La Ngà và Công ty TNHH AB Mauri, 2 vị trí xả thải nằm trong phạm vi khu vực cá chết về phía hạ nguồn. Tuy nhiên, hiện nay, Công ty CP Mía Đường La Ngà không hoạt động sản xuất do hết mùa vụ; Công ty TNHH AB Mauri đã được Sở TN&MT giám sát vào ngày 7/5/2018, có thực hiện thu mẫu nước thải sau xử lý, kết quả theo dõi quan trắc tự động nước thải truyền ổn định về Sở TN&MT (đến nay kết quả quan trắc tự động chưa vượt ngưỡng theo quy định).

     Từ 13h00 - 15h45, Đoàn tiến hành khảo sát khu vực cá chết trên sông La Ngà. Qua quan sát bằng mắt thường cho thấy, chất lượng nước mặt có độ đục cao, màu vàng do phù sa và trước đó có mưa lớn kéo dài từ 17h00 - 19h30 ngày 20/5/2018, theo người dân phản ánh hiện tượng cá chết bắt đầu từ 19h00 ngày 20/5/2018 đến khoảng 1h00 ngày 21/5/2018.

 

 

     Theo ghi nhận tại biên bản của Phòng NN&PTNT huyện Định Quán, số lượng hộ dân bị thiệt hại khoảng 80 hộ, 342 dèo; Theo thông tin của những hộ có cá chết kê khai, tổng khối lượng cá chết khoảng 1.548,45 tấn.

     Tiếp đó, Đoàn tiếp tục khảo sát các chi lưu đổ vào sông La Ngà từ phía thượng nguồn, gồm 3 suối: Suối Tam Bung (là nguồn tiếp nhận nước thải của các xã Gia Kiệm, Gia Tân, huyện Thống Nhất và xã Phú Túc, huyện Định Quán); cống Ba Miệng (tiếp nhận nước thải của KCN Định Quán) và 1 suối nhỏ. Kết quả cho thấy, cống Ba Miệng và suối nhỏ hiện không có dòng chảy, suối Tam Bung có lưu lượng nước lớn đang đổ vào sông La Ngà. Phòng TN&MT huyện Định Quán cho biết, UBND huyện Định Quán sẽ phối hợp với UBND huyện Thống Nhất để rà soát các nguồn thải đổ vào suối Tam Bung.

     Việc đo nhanh hàm lượng DO do Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật môi trường thực hiện cho kết quả,  khoảng 4,5 - 6,1 mg/l tại các điểm có cá chết trên sông La Ngà về phía thượng nguồn và tại suối Tam Bung hàm lượng DO là 5,74 mg/l.

     Đoàn khảo sát cũng đã tiến hành lấy 3 mẫu nước mặt, 1 mẫu thủy sinh trên sông La Ngà và 1 mẫu nước mặt tại suối Tam Bung (vị trí cầu Tam Bung) để phân tích. Thông số phân tích đối với 3 mẫu nước mặt gồm: Nhiệt độ, pH, DO, COD, BOD5, TSS, độ đục, EC, NH4+, Nitrit, Nitrat, Photphat, As, Pb, Zn, Fe, Phenol, tổng dầu mỡ, Aldrin, Heptaclor, E.Coli, Coliform (22 thông số); Thông số phân tích thủy sinh (cây Lục Bình) gồm: pH, As, Pb, Cd, Zn, Ni, Hg, Cr6+, tổng Xianua, Benzen, Toluen (11 thông số).

     Trước đó, Chi cục Thủy sản có thực hiện thu 13 mẫu nước và 4 mẫu cá; Chi cục Chăn nuôi và Thú y thu 4 mẫu cá/2 hộ.

     Từ cơ sở kết quả khảo sát hiện tượng cá chết và phân tích mẫu nước mặt, thủy sinh trên sông La Ngà, Tổng cục Môi trường sẽ chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của địa phương, các bên liên quan có biện pháp giải quyết, xử lý kịp thời.

 

Thu Hà

Ý kiến của bạn