Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 18/07/2024

Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường

04/05/2016

   Nhằm xây dựng môi trường sống xanh, sạch, văn minh, hiện đại, TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT) trên địa bàn. Theo đó, TP sẽ di dời các cơ sở gây ÔNMT trong khu dân cư, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (ÔNMTNT) vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh, phấn đấu đến năm 2020, không có cơ sở gây ÔNMTNT trong khu dân cư…

Trạm nghiền Thủ Đức (Công ty Xi măng Hà Tiên 1) - một trong những cơ sở gây ÔNMTNT trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh

 

   Theo Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh, căn cứ vào Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 1/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT đến năm 2020 (Quyết định số 1788/QĐ-TTg), trên địa bàn TP có 3 cơ sở phải xử lý gồm Xí nghiệp Đầu máy Sài Gòn (Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam), Bệnh viện Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh và Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam - TNHH Một thành viên (IDICO). Tuy nhiên, đến tháng 12/2015, mới có Xí nghiệp Đầu máy Sài Gòn và Bệnh viện Giao thông vận tải hoàn thành xử lý triệt để, còn IDICO chưa có hồ sơ pháp lý về môi trường, chưa thực hiện báo cáo giám sát môi trường định kỳ, nước thải được xử lý sơ bộ qua bể tự hoại trước khi thải vào hệ thống thoát nước đô thị. Hầu hết các chỉ tiêu theo kết quả phân tích chất lượng nước thải đều vượt quy chuẩn. Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh đang thực hiện thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đối với đơn vị này.

   Đối với cơ sở gây ÔNMTNT mới phát sinh kể từ sau Quyết định số 1788/QĐ-TTg, TP có 13 cơ sở cần hoàn thành biện pháp xử lý trong năm 2014 - 2015. Trong đó có 8 cơ sở đã có biện pháp khắc phục ô nhiễm; 1 cơ sở ngừng hoạt động; 3 cơ sở đã có biện pháp cải tạo hệ thống xử lý nước thải, khí thải, nhưng chưa đạt yêu cầu; 1 cơ sở (Bệnh viện Tai Mũi Họng) đang triển khai thực hiện công trình cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải.

   Đối với cơ sở gây ÔNMTNT còn tồn đọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, TP có 37 cơ sở gây ÔNMT phải có biện pháp xử lý triệt để hoặc di dời. Đến nay, 35 cơ sở đã hoàn tất việc xử lý ô nhiễm triệt để hoặc đã di dời, ngưng hoạt động, còn lại 2 cơ sở đã khắc phục ô nhiễm nhưng chưa triệt để đó là Trạm nghiền Thủ Đức thuộc Công ty CP Xi măng Hà Tiên 1 và Nhà máy đóng tàu Ba Son.

   Kế hoạch xử lý đối với cơ sở gây ÔNMT

   Trong thời gian qua, Thành ủy, HĐND và UBND TP đã thực hiện nhiều giải pháp chỉ đạo, định hướng phát triển kinh tế gắn với công tác BVMT như điều chỉnh, nâng cao chất lượng quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành gắn với chiến lược, chương trình, kế hoạch BVMT; triển khai nhiều công trình, dự án thoát nước, xử lý chất thải… Trong đó, Chương trình di dời cơ sở sản xuất gây ÔNMT (1.402 cơ sở) vào khu công nghiệp và vùng phụ cận giai đoạn 2002 - 2006 đã đạt được kết quả nhất định, cụ thể di dời 50% đơn vị, 36,8% đơn vị ngưng sản xuất, 10% đơn vị chuyển đổi ngành nghề, 2,8% đơn vị khắc phục tại chỗ, 4% gia hạn, lùi thời gian di dời. Do đó, tình hình môi trường đã được cải thiện về chất lượng nguồn nước mặt; ô nhiễm không khí do sản xuất giảm đáng kể; các khiếu kiện, khiếu nại của người dân đối với ÔNMT do sản xuất công nghiệp cũng giảm.

   Để xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm, đồng thời cải thiện chất lượng môi trường, UBND TP đã ban hành Kế hoạch xử lý cơ sở gây ÔNMT. Theo đó, giai đoạn I (2015 - 2016), TP xây dựng kế hoạch, lộ trình, phương án xử lý đối với cơ sở gây ÔNMT; xác định đối tượng cơ sở gây ÔNMT, ÔNMTNT; hướng dẫn lập danh mục cơ sở gây ÔNMT, ÔNMTNT và hình thức xử lý; trình ban hành danh mục cơ sở gây ÔNMT, cơ sở gây ÔNMTNT. Đối với giai đoạn II (2016 - 2017), trên cơ sở danh mục được ban hành, TP thực hiện các hình thức xử lý đối với cơ sở gây ÔNMT, ÔNMTNT; phối hợp với các Sở, ngành, UBND quận, huyện, tham mưu UBND TP ban hành quyết định di dời, phê duyệt các chính sách tài chính, hỗ trợ, ưu đãi đối với các cơ sở di dời; tổ chức kiểm tra, giám sát tiến độ di dời; vận động, tuyên truyền các cơ sở di dời chấp hành đúng chủ trương chung của TP. Giai đoạn III (sau năm 2017), TP tiếp tục cập nhật và thực hiện xử lý các cơ sở gây ÔNMT, ÔNMTNT, buộc di dời.

   Kế hoạch cũng đưa ra các hình thức xử lý đối với các cơ sở gây ÔNMT. Theo đó, các cơ sở gây ÔNMT, TP sẽ xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu đầu tư cải tạo các công trình xử lý môi trường đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Trong trường hợp cơ sở tái phạm thì áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, đình chỉ hoạt động từ 3 - 12 tháng và yêu cầu khắc phục hậu quả. Đối với các cơ sở gây ÔNMTNT sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời phải áp dụng một trong các hình thức: Cải tạo, nâng cấp hoặc xây dựng mới hệ thống xử lý chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; Buộc di dời cơ sở đến vị trí phù hợp với quy hoạch và sức chịu tải của môi trường. Cơ sở bị áp dụng hình thức buộc di dời là cơ sở có ngành nghề, phạm vi gây ô nhiễm rộng, nguy cơ tác động môi trường cao, khó khắc phục ô nhiễm như nhuộm, xeo giấy, sản xuất và kinh doanh hóa chất, in, tráng bao bì kim loại, thuộc da, xi mạ điện, sản xuất xi măng, giết mổ gia súc - gia cầm, kho tàng có chất dễ cháy, dễ gây nổ, chất phóng xạ, bức xạ mạnh, chất độc hại đối với sức khỏe con người và gia súc - gia cầm, phát tán mùi ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người.

   Kế hoạch cũng nêu cụ thể về trình tự thẩm định và ban hành quyết định di dời; công tác kiểm tra, giám sát tiến độ di dời; tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế… Theo đó, Sở TN&MT - Thường trực Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm chính về triển khai di dời các cơ sở gây ÔNMTNT; tổng hợp, theo dõi việc thực hiện di dời các cơ sở gây ÔNMTNT trên địa bàn TP; chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, UBND quận, huyện thu thập thông tin và trình UBND TP danh sách các cơ sở gây ÔNMTNT phải di dời; xây dựng đơn giá tiền sử dụng đất, đơn giá thuê đất theo quy định khi chủ đầu tư thực hiện dự án tại địa điểm di dời và nơi di chuyển đến.

   Bên cạnh đó, tổng hợp phương án xử lý, kế hoạch, lộ trình triển khai di dời đối với các cơ sở, phương án xử lý đối với đất, tài sản gắn liền với đất tại vị trí cũ của từng đối tượng phải di dời do Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện cung cấp, trình UBND TP phê duyệt; chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan kiểm tra, thẩm định phương án di dời trình UBND TP xem xét, phê duyệt, ban hành quyết định di dời, chính sách ưu đãi và hỗ trợ di dời đối với cơ sở gây ÔNMTNT phải di dời…               

            Việt Hoa

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2016)

Ý kiến của bạn