Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 18/07/2024

TP. Hồ Chí Minh: Tăng cường các giải pháp bảo vệ môi trường

14/03/2017

     Là TP năng động, tăng trưởng kinh tế nhanh nhưng TP. Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với nhiều thách thức về ô nhiễm môi trường. Để kiểm soát ô nhiễm, Thành ủy TP. Hồ Chí Minh vừa ban hành Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016-2020. Đây là một trong 7 Chương trình đột phá của TP nhằm huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tập trung giải quyết.

     Trong những năm qua, công tác BVMT trên địa bàn TP đã đạt một số kết quả bước đầu. TP đã triển khai các đề án, dự án cải thiện môi trường nhằm kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi ô nhiễm không khí, nước mặt, nước ngầm, chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại; khắc phục môi trường ở những nơi bị ô nhiễm; tăng cường diện tích cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ, công viên... và đưa vào sử dụng các công trình, dự án cải thiện môi trường trọng điểm. Bên cạnh đó, TP đã triển khai tích cực việc kiểm soát và xử lý các nguồn gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra các khu công nghiệp tập trung gắn với quá trình đổi mới thiết bị và công nghệ xử lý chất thải tập trung; cải tạo, chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu và xây dựng các khu đô thị mới với cơ sở hạ tầng đồng bộ, thân thiện với môi trường; hình thành các khu xử lý rác thải, chất thải y tế tập trung.

     Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện vẫn còn hạn chế, một số đề án, dự án quan trọng chậm triển khai, một số chỉ tiêu đề ra chưa hoàn thành. Nguyên nhân chủ yếu là do công tác phối hợp, tổ chức thực hiện giữa các sở - ngành, quận, huyện chưa đồng bộ và kịp thời; chưa bám sát mục tiêu, kế hoạch của chương trình đề ra; việc triển khai và chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ chưa tạo được sự đột phá, giải pháp tiến hành chưa tạo chuyển biến rõ rệt, căn bản trong nhận thức và hành vi của nhân dân và doanh nghiệp về bảo vệ môi trường; chưa tập trung nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các chính sách thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư xử lý ô nhiễm, nâng cao trách nhiệm của những chủ thể phát sinh nguồn chất thải trong xử lý ô nhiễm.

     Để khắc phục những hạn chế và triển khai có hiệu quả Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 - 2020, Ban Chấp hành Đảng bộ TP xây dựng Chương trình hành động với mục tiêu tập trung kiểm soát, ngăn chặn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí, nước mặt, nước ngầm, chất thải; cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; gắn tăng trưởng kinh tế với BVMT; xây dựng TP sạch, xanh, phát triển bền vững… Theo đó, TP đã đặt ra  một số chỉ tiêu cụ thể: giảm 70% ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông vận tải; 90% nguồn khí thải công nghiệp được xử lý đạt quy chuẩn môi trường; 80% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý tập trung đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường; 100% khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung và hệ thống quan trắc nước thải tự động có đường truyền dữ liệu về cơ quan quản lý để kiểm tra, giám sát…Để đạt được các mục tiêu nêu trên, TP đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp:

     Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền trong công tác BVMT, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật về BVMT, ứng phó biến đổi khí hậu của các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân.

     Quán triệt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong cấp ủy, chính quyền, các ngành, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân trong thực hiện công tác bảo vệ môi trường; nâng cao nhận thức BVMT, ứng phó biến đổi khí hậu trong cộng đồng.

 

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cùng với các đoàn thể tham gia khơi thông dòng chảy,

cải thiện môi trường, cảnh quan tại các tuyến kênh, rạch

 

     Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả các chương trình phối hợp, liên tịch về BVMT giữa các cơ quan quản lý nhà nước với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, kiên trì phát động, vận động và tổ chức phong trào hành động thiết thực bảo vệ môi trường sâu rộng trong cộng đồng dân cư nhằm vận động nhân dân tham gia ngày càng nhiều hơn vào các hoạt động BVMT trong sinh hoạt hàng ngày như phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; phân loại chất thải nguy hại hộ gia đình, giảm thiểu và tái sử dụng chất thải rắn; hạn chế sử dụng túi ni-lông; không xả rác, không làm mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị; tham gia vệ sinh đường phố, khu dân cư; trồng cây xanh.

     Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường

     Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và BVMT; đảm bảo việc xây dựng quy hoạch và lập dự án đầu tư phải tiến hành đồng thời với đánh giá tác động môi trường; chú trọng tăng diện tích cây xanh, mặt nước; tăng diện tích đất xây dựng các công trình phúc lợi công cộng phục vụ đời sống cộng đồng trong quá trình xây dựng các khu đô thị mới và chỉnh trang đô thị.

     Hoàn thành các quy hoạch ngành như Quy hoạch xử lý chất thải rắn TP Hồ Chí Minh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch nghĩa trang trên địa bàn TP; Quy hoạch quản lý tổng thể tài nguyên nước trên địa bàn thành phố đến năm 2030; Quy hoạch bảo tồn da dạng sinh học trên địa bàn TP đến năm 2030 và Quy hoạch môi trường trên địa bàn TP đến năm 2030.

     Tập trung thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, y tế, các khu chế xuất, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Kiên quyết đấu tranh, xử lý tội phạm và các vi phạm pháp luật khác về BVMT. Triển khai việc di dời cơ sở sản xuất thuộc danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo quy hoạch; ngăn ngừa các nguồn ô nhiễm mới phát sinh từ các hoạt động sản xuất, thương mại, dịch vụ.

     Thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất tiếp cận và áp dụng các giải pháp tiết kiệm nguyên vật liệu, năng lượng, giảm thiểu chất thải tại nguồn. Phát huy hiệu quả nguồn vốn của Quỹ BVMT trong việc hỗ trợ tài chính cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có các chương trình, dự án, đề án BVMT như phân loại rác tại nguồn; tiết giảm, tái sử dụng, tái chế chất thải; sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường...

     Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các Khu xử lý chất thải rắn của TP; các công trình cấp, thoát nước; các công trình xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nước thải y tế đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam về môi trường

      Thực hiện phương thức lựa chọn đấu thầu rộng rãi, lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ quét và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; đầu tư đồng bộ các trang thiết bị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP; đầu tư các trạm trung chuyển rác theo công nghệ ép rác kín, có trang thiết bị xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường.

     Triển khai các dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới các công trình xử lý chất thải tại các cơ sở y tế tuyến quận - huyện, thành phố đảm bảo đạt quy chuẩn về môi trường. Tăng cường công tác kiểm soát, quản lý việc xử lý nước thải, chất thải rắn của các cơ sở y tế tư nhân.

     Ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong xử lý chất thải rắn, nước thải; đẩy  nhanh tiến độ thực hiện các dự án tái chế, xử lý chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại tại các Khu liên hợp xử lý chất thải của TP. Có giải pháp, lộ trình xử lý, khắc phục nhanh, triệt để những mặt còn hạn chế của các khu xử lý chất thải rắn hiện nay; đồng thời có giải pháp trước mắt bảo đảm các điều kiện về chăm sóc sức khỏe cho nhân dân sinh sống khu vực lân cận và chịu tác động môi trường của các khu xử lý chất thải.

     Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong BVMT

     Đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong xử lý chất thải; ứng dụng công nghệ mới, tiết kiệm nguyên vật liệu, năng lượng, tái sử dụng chất thải trong sản xuất, kinh doanh; phát triển sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm sau quá trình tái chế.

     Đầu tư các trạm quan trắc tự động chất lượng môi trường không khí, nước mặt, nước ngầm; mở rộng mạng lưới quan trắc các thành phần môi trường trên địa bàn thành phố, đáp ứng yêu cầu theo dõi, đánh giá hiện trạng và diễn biến chất lượng môi trường, đề xuất các giải pháp kiểm soát chất lượng môi trường.

 

Phạm Đình

 

Ý kiến của bạn