Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 18/07/2024

Tăng cường thực thi các cam kết về môi trường trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương

13/04/2016

     Ngày 8/4/2016, tại Hà Nội, Bộ TN&MT đã phối hợp với Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tổ chức Hội thảo “Thực thi các cam kết về môi trường trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)” nhằm rà soát và đánh giá tác động của Hiệp định TPP lên hệ thống pháp luật và đề xuất lộ trình sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về môi trường.

     Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa được 12 quốc gia vành đai Thái Bình Dương ký ngày 4/2/2016 tại New Zealand, là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới. Hiệp định TPP điều chỉnh các vấn đề về thương mại, đầu tư và môi trường, trong đó, các cam kết về môi trường nhằm mục tiêu thúc đẩy sự hợp tác giữa các chính sách về thương mại và môi trường; tăng cường BVMT và thực thi hiệu quả luật pháp về môi trường; tăng cường năng lực của các bên để giải quyết các vấn đề về môi trường liên quan đến thương mại.

 

 

     Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Trần Hồng Hà (nay là Bộ trưởng) khẳng định, việc phê chuẩn Hiệp định TPP khẳng định quyết tâm chính trị của Việt Nam, thể hiện vai trò thành viên chủ động, tích cực và trách nhiệm trong Hiệp định TPP, góp phần thúc đẩy hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại và hệ thống pháp luật để sẵn sàng thực thi hiệu quả các cam kết. Hiện tại, Chính phủ đang tích cực chuẩn bị và sẽ trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định TPP tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV vào tháng 7/2016. Đồng thời, Thứ trưởng mong muốn nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường năng lực từ các quốc gia thành viên của Hiệp định TPP, tổ chức quốc tế và đối tác phát triển trong quá trình chuẩn bị, thực thi các cam kết về môi trường.

     Theo Phó Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam Susan Sutton, TPP là nền tảng cho tăng trưởng bền vững trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chương về Môi trường trong TPP sẽ hỗ trợ thực hiện các hiệp định môi trường đa phương và pháp luật môi trường quốc gia; giúp loại bỏ các rào cản thương mại đối với sản phẩm và công nghệ thân thiện môi trường; thiết lập cơ chế hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ các bên của TPP về tội phạm môi trường…

     Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận những thuận lợi, thách thức trong quá trình triển khai các cam kết về môi trường trong Hiệp định, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến bổ sung, hoàn thiện thể chế, chính sách về môi trường trong bối cảnh thực thi Hiệp định cũng như giúp Việt Nam đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững đến năm 2030.

 

Hồng Cẩm (Theo Monre)

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn