Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 15/11/2024

Tăng cường kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường nước tại Việt Nam

03/04/2016

     Hiện nay, Việt Nam có 108 lưu vực sông, với khoảng 3.450 sông, suối (chiều dài khoảng 10 km trở lên). Tổng lượng nước mặt trung bình khoảng từ 830 - 840 tỷ m3, trong đó có hơn 60% lượng nước được bắt nguồn từ nước ngoài, chỉ có khoảng từ 310 - 320 tỷ m3 được sản sinh trên lãnh thổ Việt Nam. Cùng với quá trình đô thị hóa nhanh và phát triển công nghiệp, các vấn đề môi trường như rác thải, nhất là tình trạng ô nhiễm nước ngày càng trở nên trầm trọng, ảnh hưởng đến hiệu quả cũng như tính cạnh tranh sản phẩm và sức khỏe của người dân.

     Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế và Bộ TN&MT, trung bình mỗi năm có tới 9.000.000 người tử vong vì nguồn nước ô nhiễm; 200.000 trường hợp được phát hiện ung thư, mà một trong những nguyên nhân là do sử dụng nước bị ô nhiễm.

     Theo Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT) Hoàng Văn Bảy, hầu hết các sông chính ở Việt Nam đều bị ô nhiễm, trong đó chủ yếu là các vùng trung và hạ lưu, nhất là khu vực tập trung đông dân cư và các khu công nghiệp, nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng hơn và mức độ ô nhiễm tăng cao vào mùa khô, khi lượng nước chảy vào các con sông giảm. Ngoài ô nhiễm nguồn nước mặt, nguồn nước dưới đất cũng đang phải đối mặt với những vấn đề, như nhiễm mặn, nhiễm thuốc trừ sâu, các chất có hại khác. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, nước biển Việt Nam cũng đã có dấu hiệu bị ô nhiễm do sự ô nhiễm từ các lưu vực sông, do các hoạt động phát triển kinh tế vùng cửa sông, ven biển… Trong khi đó, Phó Cục trưởng Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) Trần Anh Tuấn cho biết, hiện cả nước có hơn 774 đô thị, trong đó có hai đô thị đặc biệt; 15 đô thị loại 1; 14 đô thị loại 2; 53 đô thị loại 3; 65 đô thị loại 4 và còn lại là đô thị loại 5. Tuy nhiên, tỷ lệ số dân đô thị hưởng dịch vụ thoát nước mới chiếm khoảng 60% và tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý mới đạt 12%. Điển hình như tại hai TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, phần lớn nước thải sinh hoạt (khoảng 600.000 m3/ngày) và công nghiệp (khoảng 240.000 m3/ngày) không được xử lý, đổ thẳng vào các ao, hồ, sau đó chảy ra các con sông lớn tại vùng châu thổ sông Hồng và sông Mê Công. Ngoài ra, nhiều nhà máy và cơ sở sản xuất, lò mổ cũng không được trang bị hệ thống xử lý nước thải. Ngay cả các bệnh viện thải khoảng 7.000 m3/ngày, thì chỉ có 30% là được xử lý.

 

Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội ra quân nạo vét, khơi thông dòng chảy sông Tô Lịch 
 

     Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước chủ yếu là do ô nhiễm nước thải sinh hoạt, vì hiện nay việc thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt từ các hộ gia đình còn hạn chế, chỉ có một số thành phố lớn mới có hệ thống công trình thu gom, xử lý tập trung được một phần nhỏ, còn lại hầu hết nước thải từ các hộ dân đều xả trực tiếp vào hệ thống cống, rãnh, sông ngòi. Tại các khu công nghiệp, việc đầu tư và áp dụng công nghệ xử lý nước thải chưa đáp ứng yêu cầu, với 70% các khu công nghiệp không có hệ thống xử lý nước thải tập trung, hoặc một số cơ sở sản xuất có xử lý nước thải nhưng không đạt quy chuẩn cho phép. Ngoài ra, việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học trong sản xuất nông nghiệp; Hoạt động nuôi trồng thủy sản thiếu quy hoạch, không tuân thủ quy trình kỹ thuật trong nhiều năm qua, đã làm môi trường nước bị ô nhiễm chất hữu cơ, phát triển một số loài sinh vật gây bệnh và xuất hiện một số tảo độc…

     Những năm gần đây, các chủ trương, chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên nước được đổi mới, hoàn thiện. Tuy nhiên, bên cạnh những hạn chế về nguồn lực thực hiện, nhất là nguồn nhân lực và tài chính, thì nhận thức và ý thức chấp hành của cộng đồng chưa cao, là cản trở lớn nhất trong bảo vệ nguồn nước. Hiện nay, vẫn còn tình trạng nhiều tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm pháp luật về tài nguyên nước và môi trường, do vậy tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm vẫn không ngừng gia tăng về cả mức độ lẫn quy mô.

     Để tăng cường biện pháp kiểm soát ô nhiễm nguồn nước, thời gian tới, Bộ TN& MT sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các quy định để xử lý hình sự đối với các hành vi gây ô nhiễm nguồn nước, kể cả việc xử lý đối với người đứng đầu tổ chức gây ô nhiễm; Nghiên cứu cơ chế thực hiện việc thu tiền xả nước thải, gắn liền với thu tiền sử dụng nước để bảo vệ chất lượng nguồn nước, cải tạo, phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm; Xây dựng hệ thống giám sát quốc gia, để giám sát liên tục, tự động, trực tuyến hoạt động xả nước thải của các cơ sở xả nước thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước. Bên cạnh đó, định kỳ hằng năm, hoặc khi cần thiết, ngành TN&MT sẽ công bố công khai danh sách các cơ sở xả nước thải gây ô nhiễm, hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm trên các phương tiện thông tin đại chúng, để tạo áp lực xã hội đối với hình ảnh của các doanh nghiệp vi phạm…

 

Hồng Nhung

Ý kiến của bạn