Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 18/07/2024

Tăng cường hiệu quả xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

04/01/2017

 

   Ngày 18/11/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực BVMT (Nghị định), thay thế Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 với nhiều quy định mới, tạo sức răn đe đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi VPHC trong lĩnh vực BVMT.

   Các nhóm hành vi xử phạt

   Nghị định số 155/2016/NĐ-CP (Nghị định) có 4 Chương, 63 Điều, xây dựng trên cơ sở kế thừa những ưu điểm của Nghị định số 179/2013/NĐ-CP và sửa đổi, bổ sung cho phù hợp tình hình thực tế.

   Theo Nghị định, có 8 nhóm hành vi vi phạm chính sẽ bị xử phạt gồm: Hành vi vi phạm quy định về kế hoạch BVMT, đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và đề án BVMT; hành vi gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT); hành vi vi phạm quy định về quản lý chất thải; hành vi vi phạm quy định về BVMT của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), khu công nghệ cao (KCNC), cụm công nghiệp (CCN), khu kinh doanh dịch vụ tập trung; hành vi vi phạm quy định về BVMT trong hoạt động nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải, nguyên nhiên liệu, vật liệu, phế liệu, chế phẩm sinh học; nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng; hoạt động lễ hội, du lịch và khai thác khoáng sản…

   Nghị định số 155/2016/NĐ-CP đã bổ sung những hành vi vi phạm theo quy định tại các thông tư, nghị định, quyết định và văn bản pháp luật khác của cơ quan quản lý nhà nước như vi phạm các quy định về thực hiện kế hoạch BVMT; vi phạm quy định về BVMT trong hoạt động kinh doanh hạ tầng khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, KCN, KCX, KCNC, CCN; vi phạm quy định về BVMT trong hoạt động nuôi trồng thủy sản; vi phạm các quy định về BVMT đất; vi phạm quy định về BVMT đối với hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú ý; vi phạm quy định về bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Ngoài ra, một số hành vi VPHC trước đây không xử lý được do không có chế tài xử phạt, hoặc chưa quy định rõ đã được cụ thể hóa trong Nghị định như hành vi liên quan đến hoạt động vận hành thử nghiệm của dự án; hành vi thực hiện không đúng một trong các nội dung của đề án BVMT đã được xác nhận; hành vi không thông báo bằng văn bản đến tổ chức tham vấn, hoặc cơ quan phê duyệt báo cáo ĐTM về kế hoạch vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải phục vụ giai đoạn vận hành (từng giai đoạn hoặc toàn bộ dự án) trước khi vận hành thử nghiệm ít nhất 10 ngày kể từ ngày tổ chức, cơ quan có thẩm quyền nhận được văn bản thông báo; hành vi không báo cáo kịp thời cho cơ quan phê duyệt báo cáo ĐTM và cơ quan chuyên môn về BVMT cấp tỉnh để hướng dẫn giải quyết ÔNMT, sự cố môi trường trong quá trình vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải theo quy định; hành vi không dừng ngay hoạt động vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải, không tổ chức khắc phục ÔNMT và bồi thường thiệt hại...

Hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng - 950.000.000 đồng

 

   Với nguyên tắc đảm bảo các quy định rõ ràng, đầy đủ, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BVMT, Nghị định cũng đưa ra những quy định cụ thể đối với những hành vi vi phạm trong hoạt động xử lý chất thải rắn (CTR) sinh hoạt, xử lý CTR công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại (CTNH); hành vi nhập khẩu phế liệu có chứa tạp chất kèm với phế liệu vượt quá tỷ lệ cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhập khẩu là CTNH, hoặc chất hữu cơ khó phân hủy phải loại bỏ theo Công ước Stốckhôm (chi tiết hóa tại Khoản 6, Điều 25 của Nghị định theo khối lượng tạp chất)…

   Các mức phạt và hình thức xử phạt

   Nhằm tăng hiệu lực xử lý, có tính răn đe cao đối với những hành vi gây ÔNMT nghiêm trọng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP nêu rõ, các đối tượng là hộ gia đình, hộ kinh doanh cá thể vi phạm các quy định của Nghị định sẽ bị xử phạt như đối với cá nhân vi phạm. Các cá nhân, tổ chức có hành vi VPHC trong lĩnh vực BVMT bị áp dụng các hình thức xử phạt như cảnh cáo; phạt tiền tối đa đối với một hành vi VPHC về BVMT là 1 tỷ đồng với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức; bị tước quyền sử dụng có thời hạn đối với Giấy phép xử lý CTNH; Giấy phép xả khí thải công nghiệp; Giấy xác nhận đủ điều kiện về BVMT trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm; Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải tại Việt Nam… (gọi chung là Giấy phép môi trường); hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn theo quy định tại khoản 2, Điều 25 Luật Xử lý VPHC từ 1 tháng - 24 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt VPHC có hiệu lực thi hành…

   Ngoài ra, đối với từng hành vi vi phạm, Nghị định cũng quy định rõ mức phạt: Đối với hành vi vi phạm các quy định về thực hiện kế hoạch BVMT thuộc thẩm quyền xác nhận của UBND cấp huyện, phòng đăng ký kinh doanh cấp huyện và Sở TN&MT, bị phạt cảnh cáo, hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng - 10.000.000 đồng khi thực hiện không đúng một trong các nội dung kế hoạch BVMT đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận; Đối với hành vi vi phạm các quy định về thực hiện báo cáo ĐTM thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp tỉnh, Bộ TN&MT, cơ quan ngang Bộ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng - 40.000.000 đồng khi thực hiện không đúng một trong các nội dung báo cáo ĐTM và các yêu cầu trong quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM, hoặc Giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT phục vụ giai đoạn vận hành (từng giai đoạn hoặc toàn bộ dự án) theo quy định; bị phạt tiền từ 140.000.000 đồng - 160.000.000 đồng khi không có Giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT phục vụ giai đoạn vận hành (từng giai đoạn, hoặc toàn bộ dự án)…; Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ có quy mô, công suất tương đương với trường hợp phải lập báo cáo ĐTM trình Bộ TN&MT phê duyệt bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng - 100.000.000 đồng khi không thực hiện khắc phục ÔNMT, từ 50.000.000 đồng - 100.000.000 đồng đối với hành vi không có hệ thống thu gom nước thải riêng biệt với hệ thống thoát nước mưa, không có đủ phương tiện, thiết bị thu gom, lưu giữ, phân loại CTR tại nguồn, để phát tán khí độc hại ra môi trường, không hạn chế tiếng ồn, độ rung, phát sáng, phát nhiệt gây ảnh hưởng xấu đối với môi trường và người lao động…;

   Để đảm bảo công bằng trong quá trình xử phạt, Nghị định còn đưa ra những quy định mang tính định lượng chi tiết đối với các hành vi vi phạm về xả nước thải, thải bụi, khí thải gây ÔNMT. Trong đó, bổ sung các mức phạt tăng thêm đối với các thông số môi trường thông thường và nguy hại tương ứng, đồng thời phân chia lại ngưỡng vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải. Cụ thể, đối với các hành vi xả nước thải, thải bụi, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,1 lần đến dưới 1,5 lần, hoặc xả nước thải, thải bụi, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải dưới 1,1 lần trong trường hợp tái phạm, vi phạm nhiều lần bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng - 400.000.000 đồng tùy vào lượng nước thải, từ 10.000.000 đồng - 850.000.000 đồng tùy vào lưu lượng khí thải; Hành vi xả nước thải, thải bụi, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 lần đến dưới 2 lần bị phạt từ 3.000.000 đồng - 750.000.000 đồng tùy vào lượng nước thải, từ 5.000.000 đồng - 800.000 đồng tùy vào lưu lượng khí thải...

   Riêng hành vi gây ÔNMT kéo dài, lặp lại nhiều lần mà không khắc phục được (trước đây đã bị xử phạt VPHC về hành vi xả nước thải, khí thải, gây tiếng ồn, độ rung vượt quy chuẩn môi trường) thì bị phạt tiền từ 130.000.000 đồng - 150.000.000 đồng. Nếu trong nước thải, bụi, khí thải có cả các thông số môi trường nguy hại, vi khuẩn, hoặc giá trị pH ngoài ngưỡng quy chuẩn kỹ thuật thì chọn thông số tương ứng với hành vi vi phạm có mức phạt tiền cao nhất của mẫu nước thải, hoặc bụi, khí thải để xử phạt. Các thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật còn lại của cùng mẫu chất thải đó sẽ bị phạt tăng thêm từ 10% - 50% mức phạt tiền cao nhất của hành vi vi phạm đối với mỗi thông số, tăng so với quy định cũ tại Nghị định số 179/2013/NĐ-CP từ 1% - 4%… Mức phạt tiền đối với hành vi VPHC quy định trên là mức phạt tiền quy định đối với hành vi VPHC của cá nhân, mức phạt tiền đối với hành vi VPHC của tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền với cùng hành vi VPHC của cá nhân. Ngoài các mức phạt trên, các cá nhân và tổ chức vi phạm còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả tương ứng.

   Về phân định thẩm quyền xử phạt, Nghị định cũng kế thừa những ưu điểm của Nghị định số 179/2013/NĐ-CP, nhưng quy định chi tiết hơn, nhằm tạo thuận lợi cho các bên liên quan trong quá trình xử phạt, đảm bảo các chức danh được xử phạt theo đúng thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, Nghị định cũng bổ sung quy định mới tại Điều 53 về trách nhiệm và cơ chế phối hợp trong hoạt động kiểm tra, thanh tra, xử phạt VPHC trong lĩnh vực BVMT, tránh chồng chéo trong quá trình thanh tra doanh nghiệp.

   Có thể nói, việc ban hành Nghị định số 155/2016/NĐ-CP là đòi hỏi cấp thiết, góp phần thực hiện công tác thanh, kiểm tra và xử lý VPHC trong lĩnh vực môi trường được thống nhất, hiệu quả, có tính răn đe cao, buộc các doanh nghiệp phải thay đổi hành vi BVMT. Với các chế tài xử phạt nghiêm khắc, Nghị định sẽ là công cụ hữu hiệu, đáp ứng yêu cầu của công tác BVMT trong tình hình mới, nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật

ThS. Trần Thị Thu Hường

Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường 

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2016

Ý kiến của bạn