Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 18/07/2024

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường trong các bệnh viện

08/06/2016

   Bảo vệ môi trường (BVMT) trong các bệnh viện đã và đang là vấn đề quan tâm của toàn xã hội nói chung, bởi nếu không được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, chất thải y tế (CTYT) tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro, lây nhiễm các mầm bệnh, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng.

   Theo Điều 159 của Luật BVMT năm 2014, Bộ TN&MT có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo kiểm tra, thanh tra về BVMT theo quy định của pháp luật trên phạm vi cả nước. Cơ quan công an, cơ quan thanh tra chuyên ngành và các cơ quan, tổ chức liên quan khác trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Thanh tra TN&MT trong việc thực hiện quyền thanh tra và phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về TN&MT, trong đó BVMT ngành y tế. Theo đó, Bộ Y tế có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Bộ ngành liên quan thực hiện thanh tra trong công tác BVMT ngành y tế.

   Trong những năm qua, Bộ Y tế đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quản lý CTYT. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng tăng cường chỉ đạo triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về quản lý CTYT, từng bước nâng cao nhận thức và ý thức thực hành của các bệnh viện.

Kiểm tra công tác thu gom, phân loại chất thải y tế 

   Tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về BVMT tại các bệnh viện

   Năm 2015, Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) đã tiến hành thanh tra, kiểm tra chuyên ngành môi trường tại 25 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế về việc thực hiện các thủ tục hành chính BVMT; công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, lưu trữ và xử lý chất thải rắn y tế; hồ sơ quản lý CTYT; công tác thu gom và xử lý nước thải tại các bệnh viện.

   Qua kiểm tra 25 bệnh viện trong việc thực hiện các thủ tục hành chính BVMT, có 23/25 bệnh viện (chiếm 92%) đã được các cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp Sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại theo quy định tại Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT ngày 14/4/2011 của Bộ TN&MT; 92% các bệnh viện kiểm tra được cấp có thẩm quyền phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hoặc Đề án BVMT chi tiết, còn 2 bệnh viện đã lập Báo cáo ĐTM hoặc Đề án BVMT chi tiết, đang trình các cơ quan chức năng xem xét để thẩm định. Về giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, có 4 bệnh viện chưa được cấp phép xả nước thải hiện đang làm các thủ tục cấp phép xả thải vào nguồn nước gửi Sở TN&MT xem xét, phê duyệt. Đối với công tác quan trắc môi trường định kỳ, đa số các bệnh viện đã thực hiện tốt và thường xuyên làm báo cáo giám sát môi trường. Các bệnh viện được kiểm tra đã xây dựng, triển khai, thực hiện kế hoạch về quản lý CTYT hàng năm. Tuy nhiên, một số bệnh viện chưa chú trọng tới việc lập kế hoạch, kế hoạch còn chung chung, chưa cụ thể, đầy đủ thông tin để quản lý CTYT được tốt hơn.

   Đối với công tác phân loại, thu gom, lưu giữ và vận chuyển chất thải rắn y tế, đa số các bệnh viện đã thực hiện phân loại, thu gom chất thải ngay tại nguồn phát sinh, vận chuyển tạm giữ và quản lý chất thải đảm bảo theo quy chế quản lý CTYT. Tuy nhiên một số bệnh viện tổ chức phân loại, thu gom, vận chuyển, lưu giữ và quản lý CTYT chưa được đảm bảo như thiếu thùng đựng CTYT; phân loại sai chất thải và túi đựng, nơi lưu giữ chưa đạt yêu cầu.

   Trong công tác xử lý chất thải rắn y tế, 100% các bệnh viện đã thực hiện xử lý chất thải rắn y tế đảm bảo, trong đó có 23/25 bệnh viện thuê xử lý chất thải rắn y tế nguy hại. Các bệnh viện đã tiến hành ký hợp đồng với đơn vị có chức năng để vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế, thực hiện việc ghi chép chứng từ giao nhận chất thải đảm bảo thường xuyên theo quy định; 2/25 bệnh viện tự xử lý CTYT bằng lò đốt của bệnh viện. Đối với các chất thải có khả năng tái chế, các bệnh viện đã tiến hành phân loại, thu gom và hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý chất thải theo quy định.

   Đối với công tác xử lý nước thải y tế, có 22/25 bệnh viện (chiếm 88%) có hệ thống xử lý nước thải tại chỗ hoặc cụm bệnh viện theo quy định. Tuy nhiên, trong số đó có 1 bệnh viện có hệ thống xử lý không đạt yêu cầu; 3/25 bệnh viện (chiếm 12%) không có hệ thống xử lý nước thải theo quy định. Tại thời điểm kiểm tra, ba bệnh viện này đang triển khai đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện của Bộ Y tế sử dụng nguồn vốn vay của WB.

   Nhìn chung, các bệnh viện đã thực hiện tương đối đầy đủ các thủ tục hành chính về BVMT theo quy định như đăng ký sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại; lập và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Báo cáo ĐTM, Đề án BVMT chi tiết; lập hồ sơ xin cấp giấy phép xả nước thải ra môi trường. Đồng thời tiến hành phân loại chất thải rắn y tế ngay tại nơi phát sinh, thu gom, lưu giữ tạm thời các CTYT nguy hại đảm bảo đúng thời gian; triển khai xử lý chất thải rắn, nước thải theo các quy định hiện hành. Trong tổ chức hệ thống quản lý chất thải, các bệnh viện đã thành lập Khoa/phòng kiểm soát nhiễm khuẩn, Hội đồng kiểm soát nhiễm khuẩn hoặc giao cho một đơn vị trong bệnh viện đảm nhận các công việc về quản lý, xử lý chất thải, đồng thời xây dựng kế hoạch hoạt động và báo cáo quản lý chất thải hàng năm.

   Bên cạnh đó, công tác BVMT tại các bệnh viện tồn tại những bất cập. Hiện vẫn còn một số bệnh viện chưa có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo theo quy định; dụng cụ thu gom chất thải rắn y tế chưa đúng và chưa đủ về số lượng; nơi lưu giữ CTYT chưa đảm bảo. Ngoài ra có một số bệnh viện chưa tuân thủ đầy đủ các thủ tục hành chính về BVMT mặc dù đã làm hồ sơ gửi các cơ quan chức năng; còn có hiện tượng để CTYT lọt ra bên ngoài. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về quản lý CTYT cho cán bộ, nhân viên bệnh viện chưa được thường xuyên. Lãnh đạo nhiều bệnh viện còn chưa quan tâm đến công tác quản lý CTYT. Nhiều địa phương chưa bố trí đủ kinh phí để đầu tư xây dựng, vận hành thường xuyên hệ thống xử lý chất thải cho các bệnh viện.

   Một số đề xuất, kiến nghị nhằm BVMT trong các bệnh viện

   Hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm luật phù hợp với Luật BVMT năm 2014, tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh viện thực hiện tốt các quy định của nhà nước về BVMT. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, phát hiện kịp thời các sai phạm để kịp thời chấn chỉnh đối với các bệnh viện gây ô nhiễm môi trường, đi đôi với việc áp dụng các chế tài, xử phạt nghiêm khắc có tác dụng răn đe, ngăn ngừa vi phạm.

   Các bệnh viện khẩn trương thực hiện các thủ tục hành chính về BVMT theo quy định. Chủ động thực hiện công tác quan trắc, giám sát môi trường định kỳ và báo cáo kết quả về các cơ quan quản lý; Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất thải, kế hoạch ứng phó với sự cố môi trường; Bố trí kinh phí mua túi, thùng và các dụng cụ cần thiết để đảm bảo phân loại, thu gom chất thải rắn y tế; Thực hiện phân loại thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải đảm bảo theo các quy định hiện hành trước khi thải ra môi trường; Phối hợp với các đơn vị, cơ quan chức năng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng mới các hệ thống xử lý chất thải đảm bảo hiệu quả và đúng theo quy định; Tăng cường kiểm tra giám sát về công tác quản lý chất thải trong bệnh viện, tránh không để xảy ra tình trạng thất thoát chất thải ra bên ngoài; Thực hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý chất thải, BVMT.

   Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các bệnh viện trong quản lý CTYT và thực hiện các quy định về BVMT. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách, chủ trương, pháp luật, các thông tin về BVMT cho cán bộ y tế, người bệnh… trong các bệnh viện.

Bùi Khánh Toàn

Cục Quản lý môi trường y tế

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2016)

Ý kiến của bạn