Banner trang chủ

Tăng cường công tác quản lý chất thải nguy hại

12/01/2016

  Cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lượng chất thải nguy hại (CTNH) ngày càng gia tăng, tạo sức ép lớn đối với công tác BVMT, đe dọa đến sức khỏe người dân. Vì thế, việc hoàn thiện các quy định trong công tác quản lý CTNH là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

   Ngày 30/6/2015, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT về quản lý CTNH (Thông tư số 36), với 6 chương, 36 điều, thay thế Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT ngày 14/4/2011 quy định về quản lý CTNH. Thông tư số 36 được ban hành nhằm hướng dẫn thực hiện các quy định về quản lý CTNH của Luật BVMT năm 2014 và Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý chất thải và phế liệu.

CTNH phải được phân loại bắt đầu từ thời điểm đưa vào khu vực lưu giữ CTNH

   1. Một số điểm mới của Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT

   Đối với cơ sở phát sinh CTNH

   Thông tư số 36 quy định thống nhất giới hạn không phải thực hiện thủ tục lập hồ sơ đăng ký để được cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH mà chỉ phải đăng ký bằng báo cáo quản lý CTNH định kỳ nếu tổng lượng CTNH phát sinh thường xuyên, hay định kỳ hàng năm thấp hơn 600 kg/năm, trừ trường hợp CTNH thuộc danh mục các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) theo Công ước Stốckhôm.

   Ngoài ra, để đơn giản hóa thủ tục hành chính, Thông tư số 36 cũng nêu rõ, thủ tục đăng ký chủ nguồn thải CTNH chỉ thực hiện một lần (không gia hạn, điều chỉnh) khi bắt đầu có hoạt động phát sinh CTNH. Sổ đăng ký chỉ cấp lại trong trường hợp có thay đổi tên chủ nguồn thải, hoặc địa chỉ, số lượng cơ sở phát sinh CTNH; thay đổi, bổ sung phương án tự tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý và thu hồi năng lượng từ CTNH tại cơ sở. Sau khi được cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải, thông tin về chất thải được cập nhật bằng báo cáo quản lý CTNH định kỳ với kỳ báo cáo 1 lần/năm.

   Đối với việc phân loại, lưu giữ CTNH, Thông tư số 36 quy định cụ thể, cơ sở phát sinh CTNH chỉ phải phân loại bắt đầu từ thời điểm khi đưa vào khu vực lưu giữ CTNH tại cơ sở, hoặc khi chuyển giao CTNH đi xử lý bên ngoài cơ sở mà không đưa vào khu vực lưu giữ CTNH tại cơ sở phát sinh CTNH; được sử dụng chung bao bì hoặc thiết bị lưu chứa đối với các mã CTNH có cùng tính chất, không có khả năng gây phản ứng, tương tác lẫn nhau và xử lý cùng một phương pháp.

   Đối với hoạt động thu gom, xử lý CTNH

   Nhằm tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động thu gom, xử lý CTNH, Thông tư số 36 quy định về địa điểm cơ sở xử lý CTNH (trừ trường hợp cơ sở sản xuất có hoạt động đồng xử lý CTNH) phải thuộc các quy hoạch có nội dung về quản lý, xử lý chất thải do cơ quan có thẩm quyền từ cấp tỉnh trở lên phê duyệt theo quy định pháp luật. Người đảm nhiệm quản lý, điều hành, hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật không những phải có trình độ chuyên môn thuộc chuyên ngành liên quan đến môi trường, hoặc hóa học mà còn phải được cấp chứng chỉ quản lý CTNH theo quy định. Điều này sẽ trang bị cho người quản lý, điều hành, hướng dẫn các quy định về quản lý CTNH, cũng như quy trình vận hành an toàn phương tiện, thiết bị xử lý CTNH, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý CTNH tại các cơ sở xử lý đã được cấp phép, giảm thiểu tác động xấu tới môi trường.

   Bộ TN&MT là cơ quan có thẩm quyền xem xét cấp phép xử lý CTNH trên toàn quốc với tên mới của giấy phép là Giấy phép xử lý CTNH. Bên cạnh đó, một số thủ tục liên quan đến hoạt động về quản lý chất thải của cơ sở được tích hợp và thay thế bằng thủ tục cấp Giấy phép xử lý CTNH như: Kiểm tra, xác nhận việc hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), kiểm tra việc thực hiện các công trình BVMT theo đề án BVMT chi tiết của dự án có hạng mục xử lý CTNH; xác nhận bảo đảm yêu cầu về BVMT đối với cơ sở xử lý chất thải rắn (CTR) sinh hoạt, CTR công nghiệp thông thường trong trường hợp cơ sở xử lý CTNH kết hợp xử lý CTR sinh hoạt, CTR công nghiệp thông thường.

   Ngoài ra, để phù hợp với thực tế, Thông tư số 36 cũng quy định kỳ báo cáo quản lý CTNH là 1 năm thay vì 6 tháng theo quy định trước đây, đồng thời bỏ quy định về việc cấp phép đối với đại lý vận chuyển và xe vận chuyển CTNH chính chủ.

   2. Một số quy định khác

   Trước đây, việc triển khai các quy định về quản lý CTNH theo Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT của Bộ TN&MT gặp một số khó khăn trong việc thu gom, vận chuyển, lưu giữ, trung chuyển chất thải y tế; thu gom, xử lý đối với chủ nguồn thải ở vùng sâu, vùng xa, trong khu vực chưa đủ điều kiện xử lý CTNH… Nhằm tháo gỡ các khó khăn nêu trên, Thông tư số 36 quy định giao cho Sở TN&MT chủ trì lập kế hoạch và trình UBND tỉnh phê duyệt, đảm bảo phù hợp với điều kiện địa phương, cũng như quy định pháp luật về BVMT, từ đó sẽ tăng tính chủ động của địa phương trong công tác quản lý CTNH, góp phần nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý CTNH.

   Việc thu gom, vận chuyển CTNH từ các công trình dầu khí ngoài biển vào đất liền không yêu cầu phải cấp giấy phép mà chỉ cần lập phương án trình Tổng cục Môi trường xem xét chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện. Với quy định mới này đã đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực hiện, nhưng vẫn đảm bảo về công tác quản lý theo quy định.

   Đối với Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH cấp trước ngày 1/9/2015 được tiếp tục sử dụng, trừ trường hợp phải cấp lại theo quy định. Riêng Giấy phép quản lý CTNH cấp trước ngày 1/9/2015 được tiếp tục sử dụng cho đến hết thời hạn ghi trên Giấy phép đã được cấp, trường hợp có nhu cầu tiếp tục hoạt động thì phải lập thủ tục đăng ký cấp lại, hoặc điều chỉnh giấy phép theo quy định của Thông tư số 36.

   Có thể nói, việc xây dựng và ban hành Thông tư số 36 là cần thiết, giúp hướng dẫn cụ thể các nội dung về quản lý CTNH, đồng thời chỉnh sửa, bổ sung một số quy định nhằm tháo gỡ các khó khăn, bất cập để quản lý chặt chẽ hơn đi đôi với đơn giản thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh.

Nguyễn Thượng Hiền - Cục trưởng

Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường

Tổng cục Môi trường

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2015

Ý kiến của bạn