Banner trang chủ

Tăng cường công tác quản lý, thu gom, xử lý chất thải nguy hại

13/03/2019

     Hiện nay, lượng chất thải nguy hại (CTNH) ngày càng gia tăng, tạo sức ép lớn đối với công tác BVMT, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Theo báo cáo của Sở TN&MT các tỉnh, TP (2017), lượng CTNH phát sinh trên toàn quốc khoảng từ 600 - 800 nghìn tấn/năm (không bao gồm lượng CTNH phát sinh từ các cá nhân, hộ gia đình).

     Tình hình phát sinh CTNH

     Hầu hết lượng CTNH công nghiệp phát sinh chủ yếu từ các ngành công nghiệp nhẹ, hóa chất, luyện kim, các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở thực phẩm, tái chế nhựa, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng... CTNH công nghiệp tập trung chủ yếu ở hai vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và phía Nam, trong đó, lượng CTNH phát sinh từ các KCN tại khu vực phía Nam khoảng 82 - 134 nghìn tấn/năm, cao hơn các khu vực khác (gấp 3 lần miền Bắc và 20 lần miền Trung); gần ½ khối lượng CNNH phát sinh ở phía Nam chủ yếu tại các địa phương như: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương. Bên cạnh đó, lượng CTNH phát sinh từ các làng nghề trên toàn quốc chiếm khoảng 2.800 tấn/ngày. Nguyên nhân làm lượng CTNH công nghiệp và làng nghề gia tăng là do chưa được phân loại, thu gom đúng cách, nhiều loại CTNH được thu gom cùng rác thải sinh hoạt rồi đổ tập trung tại các bãi rác công cộng. Các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nằm ngoài KCN cũng là nguồn phát sinh CTNH không nhỏ, nên công tác quản lý CTNH đang gặp nhiều khó khăn.

     Trong các nguồn phát sinh CTNH, lượng CTNH y tế phát sinh từ hoạt động khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế ngày càng gia tăng. Theo thống kê của Bộ Y tế năm 2017, trung bình mỗi ngày, các bệnh viện thải ra khoảng 47 - 50 tấn CTNH (7,6%/năm). CTNH chiếm khoảng 20% chất thải rắn (CTR) y tế trong bệnh viện. Đây là nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường nước và đất và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng. Vì thế, nguồn CTNH từ các bệnh viện cần phải được kiểm soát nghiêm ngặt và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường.

     Đối với chất thải sinh hoạt nguy hại (CTSHNH), hiện chưa có thống kê về lượng CTSHNH phát sinh; Phần lớn CTSHNH bị thải lẫn vào CTR sinh hoạt thông thường và được mang đến bãi chôn lấp.Nhất là, chất thải điện tử và điện dân dụng như tivi, tủ lạnh, quạt điện, máy tính…. Theo ước tính của Công ty Môi trường đô thị Hà Nội, đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 4,8 triệu tivi, 1,4 triệu máy tính, 2,3 triệu tủ lạnh, 873 nghìn điều hòa nhiệt độ và 2,6 triệu máy giặt… bị thải bỏ.

     Ngoài ra, ­­­­­­­­­mỗi năm, hoạt động sản xuất nông nghiệp phát sinh khoảng 9.000 tấn CTNH như bao bì và thùng chứa phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), trong đó, không ít loại thuốc có độ độc hại cao. Bên cạnh đó, cả nước còn khoảng 50 tấn thuốc BVTV tồn lưu, 37.000 tấn hóa chất dùng trong nông nghiệp bị tịch thu đang được lưu giữ chờ xử lý. CTNH trong nông nghiệp có tính độc hại cao, phát tán nhanh trong môi trường nước, dễ bay hơi và khuếch tán trong không khí, nếu không có biện pháp xử lý hiệu quả sẽ gây ra những tác động xấu đến môi trường.

     Công tác thu gom và xử lý CTNH

     Tính đến tháng 10/2017, cả nước có 108 cơ sở xử lý CTNH đã được Bộ TN&MT cấp phép xử lý. Theo số liệu của Tổng cục Môi trường, tỷ lệ CTNH được thu gom, xử lý đúng quy định đạt khoảng 75% và hiện vẫn còn tới 1/4 số CTNH chưa được thu gom, xử lý đúng quy định, cụ thể:

     CTNH công nghiệp: Phần lớn các chủ nguồn thải phát sinh lượng CTNH lớn hàng năm đều đã đăng ký và được cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH. Lượng CTNH này được thu gom và đưa đến các cơ sở được cấp phép xử lý. Trong đó, một phần lượng CTNH phát sinh được xử lý bởi chính các chủ nguồn thải hoặc được xuất khẩu ra nước ngoài để xử lý, tái chế. Một số CTNH đặc thù (chất thải có chứa PCB) do chưa có công nghệ xử lý phù hợp thì được lưu giữ tại cơ sở phát sinh. Hiện nay, chỉ có Công ty TNHH Xi măng Holcim Việt Nam được cấp phép xử lý chất thải có chứa PCB.

     Bên cạnh đó, việc thu gom, vận chuyển, xử lý CTNH từ nguồn thải nhỏ, đặc biệt, với các chủ nguồn thải phát sinh lượng CTNH ít (<0,6 tấn/năm), hoặc tại các khu vực vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn. Nguyen nhân là do giá thành xử lý CTNH cao, thời hạn lưu giữ CTNH không được quá 12 tháng, dẫn tới không thu gom đủ số lượng để xử lý.

     CTSHNH đô thị: Hiện tại, CTNH trong sinh hoạt vẫn chưa được thu gom và xử lý riêng. Việc chôn lấp và xử lý chung sẽ gây ra tác hại cho những người tiếp xúc trực tiếp với rác, ảnh hưởng tới quá trình phân hủy rác, hòa tan các chất nguy hại vào nước rỉ rác. Do vậy, các cơ quan quản lý cần có quy định yêu cầu các Công ty môi trường đô thị có kế hoạch thu gom riêng biệt CTNH trong CTR sinh hoạt.

     Chất thải y tế nguy hại: Theo Bộ Y tế, trong năm 2016, lượng CTNH được xử lý là 20.801 tấn/năm. So sánh với giai đoạn trước, hoạt động thu gom, xử lý chất thải y tế nguy hại đã tăng đáng kể. Tuy nhiên,  tại các tỉnh, TP, các cơ sở y tế vẫn chưa đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý chất thải y tế nguy hại. Tính đến hết năm 2015, đã có 94,3% các bệnh viện tuyến Trung ương, 91,9% bệnh viện tuyến tỉnh và 82,4% bệnh viện tuyến huyện xử lý chất thải y tế nguy hại đạt yêu cầu; 46,4% cơ sở y tế dự phòng tuyến tỉnh và 26,5 % trạm y tế xã xử lý CTNH đảm bảo theo quy định.

     Ước tính còn 33% bệnh viện tuyến huyện và tỉnh không có hệ thống lò đốt chuyên dụng, phải xử lý chất thải y tế nguy hại bằng các lò đốt thủ công, chôn lấp trong khuôn viên bệnh viện, hoặc thải ra bãi rác địa phương. Đây là nguồn gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.

     Công nghệ xử lý, tái chế CTNH

     Theo khảo sát của Bộ TN&MT, có 3 nhóm công nghệ xử lý CTNH: Nhiệt; chôn lấp để xử lý chất thải; Tái chế chất thải. CTNH thường được xử lý bằng công nghệ đốt, chôn lấp (có xử lý trước bằng các phương pháp hóa lý, sinh học), ổn định hóa rắn. Riêng chất thải y tế nguy hại, do chứa nhiều thành phần nguy hại, cần xử lý bằng khử khuẩn (các phản ứng hóa học trong những thiết bị đặc biệt, nhiệt khô, hoặc nhiệt ẩm, vi sóng), đốt, chôn lấp.

 

Cần tăng cường công tác thu gom, phân loại, xử lý CTNH tại nguồn

 

     Tính đến tháng 7/2015, có 50 cơ sở xử lý CTNH được cấp phép áp dụng công nghệ lò đốt tĩnh hai cấp và lò đốt quay. Hiện cả nước có 69 lò đốt tĩnh hai cấp, công suất từ 100 - 2.000 kg/h. Công nghệ này có ưu điểm là đơn giản, chi phí đầu tư hợp lý, dễ vận hành, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Lò đốt tĩnh được sử dụng phổ biến trong các cơ sở xử lý CTNH, tuy nhiên, quy trình kiểm soát, vận hành còn thủ công, chưa tự động hóa cao, nên khó có thể đốt các CTNH đặc biệt độc hại như các chất có chứa halogen (PCB, thuốc BVTV cơ clo). Hiện nay, một số lò đốt được đầu tư trong giai đoạn gần đây lắp đặt hệ thống than hoạt tính xử lý khí thải, đồng thời thu hồi, nhiệt để phát điện và có hệ thống lấy tro tự động, giải quyết tình trạng đốt theo mẻ, nâng cao năng suất và hiệu quả của lò đốt. Đối với lò đốt quay, hiện nay, đang bắt đầu được áp dụng tại Việt Nam, với 2 cơ sở xử lý CTNH được cấp phép sử dụng công nghệ này. Việc áp dụng lò đốt quay giúp quá trình đảo trộn chất thải, đặc biệt là đốt các chất thải dạng bùn hiệu quả hơn. Tuy nhiên, khi đảo trộn tạo ra bụi trong quá trình đốt, do đó, đòi hỏi có biện pháp thu gom và kiểm soát bụi trong khí thải.

     Riêng đối với công nghệ xử lý chất thải y tế nguy hại bằng công nghệ đốt: Hiện cả nước có khoảng 400 lò đốt rác thải y tế, được đầu tư phân tán, phần lớn ngay tại cơ sở y tế và công suất xử lý nhỏ (từ 20 - 50 kg/h) và phần lớn trong số đó không có hệ thống xử lý khí thải kèm theo. Các lò đốt chất thải y tế nguy hại đều vận hành thủ công, theo mẻ, chế độ nhiệt thiêu hủy chất thải chưa theo quy định. Với nhiệt độ không đủ cao, quá trình ôxy hóa học biến đổi chất thải bằng ôxy không khí sẽ xảy ra không hoàn toàn và sản phẩm khí thải có khói đen, nồng độ chất ô nhiễm CO trong khí thải cao. Thời gian qua, một số lò đốt chất thải y tế đã được đầu tư và cấp Giấy phép xử lý CTNH đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải y tế QCVN 02: 2012/BTNMT. Do đó, trong thời gian tới, cần hạn chế đầu tư lò đốt tại các cơ sở y tế và chuyển sang công nghệ không đốt, trừ các trường hợp đặc biệt như cơ sở xử lý chất thải y tế tập trung, hoặc xử lý chất thải y tế tại các cơ sở được cấp phép xử lý CTNH.

     Công nghệ đồng xử lý trong lò nung xi măng: Hiện đã có 2 cơ sở sản xuất xi măng tại Kiên Giang và Hải Dương sử dụng công nghệ này, với công suất 432 nghìn tấn CTNH/năm. Với lò nung xi măng các loại CTNH sẽ được xử lý triệt để, không phát sinh tro xỉ thứ cấp.

     Công nghệ chôn lấp CTNH: Công nghệ chôn lấp CTNH đã được áp dụng ở Hà Nội và Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Ngãi, Thanh Hóa... với dung tích của mỗi hầm chôn lấp từ 10.000 - 15.000 m3. Công nghệ chôn lấp CTNH có ưu điểm là cô lập các CTNH chưa có khả năng xử lý bằng công nghệ khác, công suất lớn và giá thành xử lý ít hơn so với nhiều phương pháp tiêu hủy khác như đốt. CTNH có thể đào lên để xử lý nếu có công nghệ phù hợp. Các hầm chôn lấp CTNH đều có mái che kín trong quá trình vận hành, nên biện pháp này có tính chất là đóng kén hơn là chôn lấp, không có khả năng phát sinh nước rò rỉ, nhưng vẫn có hệ thống thu gom nước rò rỉ. Tuy nhiên, phương pháp này khá tốn diện tích, CTNH không được xử lý triệt để, nguy cơ rò rỉ còn tiềm ẩn nên cần giám sát thường xuyên sau khi đóng hầm.

     Công nghệ tái chế dầu thải: Trên cả nước có 36 cơ sở hành nghề xử lý được cấp phép đầu tư công nghệ tái chế dầu, bao gồm các công nghệ: Chưng cất cracking dầu (chưng phân đoạn, hay còn gọi là chưng nhiều bậc; chưng đơn giản; chưng một bậc); phân ly dầu nước bằng phương pháp cơ học (ly tâm) và công nghệ nhiệt. Trên thực tế, phần lớn các cơ sở sử dụng công nghệ chưng cất đơn giản để thu hồi dầu (nguyên lý là sử dụng nhiệt để làm bay hơi và cắt mạch, sau đó ngưng tụ để thu hồi dầu, cặn rắn được tách ra và lấy ra ở đáy nồi chưng). Hiện nay, có một số cơ sở đang đầu tư công nghệ chưng phân đoạn để tái chế dầu, đây là công nghệ hiện đại sử dụng để sản xuất các sản phẩm xăng dầu từ dầu thải.

     Công nghệ tái chế ắc quy chì thải: Hiện tại, có 27 cơ sở hành nghề xử lý CTNH được cấp phép đầu tư công nghệ xử lý này, công suất trung bình 0,5 - 200 tấn/ngày. Một số đơn vị đã đầu tư và sử dụng công nghệ hiện đại để tái chế ắc quy, toàn bộ quy trình xử lý được cơ giới, tự động hóa để thu chì luyện thô, chì thô tiếp tục được đưa vào quá trình luyện tinh. Một số đơn vị đã đầu tư thêm hệ thống điện phân để thu được thành phẩm chì có hàm lượng cao hơn, tăng giá trị kinh tế.

     Công nghệ tái chế chất thải điện tử: Đến nay, có 26 cơ sở hành nghề xử lý CTNH được cấp phép đầu tư công nghệ xử lý chất thải điện tử, công suất từ 0,3 - 5 tấn/ngày, bao gồm: Công nghệ tái chế, thu hồi kim loại bằng phương pháp cơ lý (khoảng 15 đơn vị được Bộ TN&MT cấp phép đang hoạt động); Công nghệ tái chế, thu hồi kim loại bằng phương pháp hóa học (có khoảng 5 đơn vị được Bộ TN&MT cấp phép đang hoạt động) và công nghệ thu hồi kim loại bằng phương pháp điện phân.

     Công nghệ tái chế bột kẽm ôxít từ bụi lò luyện thép: Hiện nay, có 3 doanh nghiệp được cấp phép sử dụng công nghệ lò quay để tái chế bột kẽm ôxít từ bụi lò luyện thép với tổng công suất cấp phép là hơn 120 nghìn tấn bụi lò luyện thép/năm. Việc cấp phép xử lý CTNH cho các công nghệ này đã góp phần giải quyết vấn đề tồn đọng bụi lò luyện thép của các nhà máy luyện théptại các tỉnh, TP.

     Giải pháp quản lý CTNH

     Để nâng cao công tác quản lý CTNH, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, việc tăng cường công tác quản lý CTNH ở các doanh nghiệp, khu công nghiệp là hết sức cần thiết, đặc biệt là quản lý chặt từ chủ nguồn thải đến người thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý... Đồng thời, xây dựng và phát triển các cơ sở xử lý CTNH theo hướng tập trung, quy mô lớn với công nghệ hiện đại, hạn chế phát triển và giảm dần các cơ sở xử lý quy mô nhỏ, phân tán có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đầu tư, xây dựng các cơ sở xử lý, tái chế chuyên sâu đối với các loại CTNH đặc thù, song song với việc phát triển các cơ sở xử lý có khả năng tái chế, xử lý nhiều loại CTNH, tăng cường chuyển giao chất thải giữa các cơ sở xử lý chất thải để tận dụng thế mạnh của mỗi cơ sở trong quá trình xử lý.

     Ngoài ra, cần tăng cường tái chế, tái sử dụng CTNH; hạn chế cấp phép xử lý bằng biện pháp chôn lấp, hóa rắn đối với các loại CTNH có khả năng tái chế, tái sử dụng; đẩy mạnh việc thực hiện thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ phát sinh từ các hộ gia đình, cá nhân.

 

Lê Hoàng Anh, Mạc Thị Minh Trà

Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2019)

 

 

Ý kiến của bạn