Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 18/07/2024

Tăng cường công tác bảo tồn các loài hoang dã nguy cấp của Việt Nam

21/11/2016

   Việt Nam được ghi nhận là quốc gia có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) cao với khoảng 7.500 loài chủng vi sinh vật; 20.000 loài thực vật bậc cao trên cạn và dưới nước; 10.500 loài động vật trên cạn; 1.000 loài cá nước ngọt; dưới biển có trên 7.000 loài động vật không xương sống, khoảng 2.500 loài cá và xấp xỉ 50 loài rắn biển, rùa biển và thú biển. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tài nguyên ĐDSH của Việt Nam đang trên đà suy giảm do các áp lực từ biến đổi khí hậu và hoạt động của con người như chia cắt, thu hẹp các sinh cảnh, phá rừng, ô nhiễm môi trường, săn bắt, khai thác hủy diệt và buôn bán trái phép, không bền vững các loài động vật hoang dã (ĐVHD). Do đó, việc tăng cường bảo tồn các loài hoang dã nguy cấp hiện nay là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác bảo tồn ĐDSH.

   1. Thực trạng về công tác bảo tồn ĐDSH

   Trong thời gian qua, công tác bảo tồn các loài hoang dã đã đạt được một số thành tựu đáng kể như gia tăng, phục hồi diện tích các hệ sinh thái được bảo vệ; phát hiện mới nhiều loài có ý nghĩa về khoa học và bảo tồn nhằm phục hồi, phát triển các nguồn gen quý. Tính đến nay, Việt Nam đã có 164 khu bảo tồn rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển và khu bảo tồn vùng nước nội địa với tổng diện tích 2,2 triệu ha là sinh cảnh quan trọng của các loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm. Gần đây, Việt Nam đã phát hiện hơn 500 cá thể voọc chà vá chân xám tại Kon Tum và hơn 200 cá thể voọc xám Đông Dương tại Thanh Hóa.

Lực lượng chức năng bắt giữ lô hàng ĐVHD buôn bán, vận chuyển trái phép

   Tuy nhiên, theo thống kê, số loài và số cá thể các loài hoang dã của Việt Nam đang trên đà suy giảm mạnh, nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm của Việt Nam có nguy cơ bị tuyệt chủng cao. Theo Danh lục đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), nếu như năm 1996 chỉ có 25 loài động vật của Việt Nam ở mức nguy cấp (EN) thì tính đến tháng 9/2016, con số này đã lên tới 110. Tổng số các loài động, thực vật hoang dã được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam (năm 2007) là 882 loài, trong đó số loài động vật quý, hiếm tăng từ 365 loài (năm 1992) lên 418 loài (năm 2007), thực vật quý, hiếm tăng từ 356 loài (năm 1996) lên 464 loài (năm 2007), trong đó có 116 loài đang ở mức nguy cấp rất cao và 9 loài chuyển từ các mức nguy cấp khác nhau (năm 2004) lên mức coi như đã tuyệt chủng (trong số 9 loài này có tê giác hai sừng, bò xám, heo vòi, cầy rái cá, cá sấu hoa cà, hươu sao). Số lượng cá thể của các loài quan trọng đã giảm đến mức báo động, đặc biệt các loài thú lớn và một số loài linh trưởng (hổ, voi, vượn, voọc, sao la…). Nhiều loài thực vật trước đây chỉ ở mức sắp nguy cấp thì nay bị xếp ở mức rất nguy cấp như hoàng đàn, bách vàng, sâm vũ diệp, tam thất hoang… Điều này cũng đã xảy ra đối với nhiều loài sinh vật biển, nhiều loài cá có giá trị kinh tế cao, các nguồn lợi sinh vật biển đang bị suy giảm nghiêm trọng. Theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/11/2013, hiện nay, Việt Nam có 83 loài động vật, 17 loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm cần được ưu tiên bảo vệ.

   Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy giảm số loài và số lượng cá thể loài hoang dã, tuy nhiên, khai thác, buôn bán và tiêu thụ trái phép loài hoang dã đã tăng đáng kể trong những năm gần đây và được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm đáng kể các quần thể loài trong tự nhiên. Hoạt động buôn bán, tiêu thụ động, thực vật hoang dã bất hợp pháp diễn ra trên quy mô toàn cầu với lợi nhuận thu được vào khoảng 5-20 tỉ USD hàng năm cung cấp cho thị trường để sử dụng làm thuốc, thực phẩm, vật nuôi, đồ trang trí… đang đẩy nhiều loài nguy cấp tới nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu.

   Một số nghiên cứu cho thấy, Việt Nam đang trở thành thị trường tiêu thụ và trung chuyển các loài ĐVHD nguy cấp như hổ, gấu, tê tê, rùa nước ngọt, rắn và kì đà có nguồn gốc từ các nước châu Á khác; trong khi các sản phẩm như sừng tê giác và sừng động vật móng guốc có nguồn gốc ở châu Phi cũng được giao dịch cho người tiêu dùng trong nước. Hiện nay, có khoảng 200 loài ĐVHD, trong đó có khoảng 80 loài động vật quý hiếm được kinh doanh, sử dụng trên thị trường Việt Nam. Phần lớn, các loài đó bị khai thác bất hợp pháp, ước tính mỗi năm có khoảng 4 - 5 nghìn tấn ĐVHD vận chuyển bất hợp pháp sang Trung Quốc, trong đó chủ yếu là các loại linh trưởng, gấu, tê tê, rùa, rắn, ngà voi, sừng tê giác và các thành phẩm, dẫn xuất của các loài ĐVHD.

   Theo số liệu thống kê của Cục Kiểm lâm, từ năm 2010 đến hết tháng 8/2016, lực lượng kiểm lâm cả nước đã phát hiện và xử lý 174.385 vụ vi phạm pháp luật về quản lý, phát triển, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Trong đó, số vụ vi phạm các quy định về quản lý ĐVHD là 4.305 vụ, tịch thu hàng nghìn kg sản phẩm ĐVHD và 60.217 cá thể ĐVHD các loại, trong đó 3.418 cá thể thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm.

   2. Những nỗ lực trong công tác bảo tồn các loài nguy cấp

   Để bảo tồn các loài nguy cấp và ứng phó với vấn nạn săn bắt, buôn bán, tiêu thụ trái phép, bên cạnh những công cụ mang tính chất ràng buộc và pháp lý quốc tế mà Việt Nam là thành viên như Công ước ĐDSH (CBD), Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (RAMSAR), Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITIES), Việt Nam tham gia nhiều sáng kiến, cam kết quốc tế và khu vực như Mạng lưới thực thi pháp luật về bảo vệ động vật, thực vật hoang dã Đông Nam Á (ASEAN-WEN); Tuyên bố London, Kasane về chống buôn bán các loài hoang dã; Tuyên bố của Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á và Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) về việc tăng cường các nỗ lực hợp tác chống nạn buôn bán trái phép và giảm nhu cầu tiêu thụ các loài hoang dã.

   Việt Nam cũng thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương với nhiều quốc gia trên thế giới như ký Biên bản ghi nhớ về ngăn chặn buôn bán sừng tê giác với Nam Phi (2012); Tuyên bố chung Việt Nam - Mỹ, trong đó coi tội phạm về ĐVHD là một loại tội phạm nghiêm trọng; Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 quốc gia thành viên, trong đó Chương Môi trường quy định, các nước cam kết thực thi đầy đủ CITES và có các biện pháp phù hợp để chống buôn bán trái phép các loài hoang dã.

   Bên cạnh đó, Việt Nam cũng từng bước nội luật hóa và hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo tồn ĐDSH và bảo vệ các loài hoang dã. Cùng với sự hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, thủy sản, thì Luật ĐDSH năm 2008 là văn bản pháp lý cao nhất, điều chỉnh toàn diện nhất về bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật, các loài nguy cấp quý hiếm... Tiếp đó, Nghị định số 160/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 12/11/2013 về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và nhiều văn bản về quy hoạch, chiến lược, kế hoạch hành động, thông tư hướng dẫn cũng đã được ban hành đồng bộ tạo điều kiện cho việc thực thi pháp luật về ĐDSH và bảo tồn các loài nguy cấp.

   Để tăng cường bảo tồn và kiểm soát hoạt động săn bắt, buôn bán trái phép các loài hoang dã, ngày 20/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg về việc tăng cường chỉ đạo và thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo tồn các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm, trong đó yêu cầu các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương thực hiện đồng bộ 9 giải pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm luật pháp trong nước và quốc tế liên quan đến ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 17/9/2016 về một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài ĐVHD trái pháp luật. Đồng thời, khuyến khích các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền những điển hình tốt về bảo tồn, kiểm soát buôn bán ĐVHD; tích cực phát hiện và lên án mạnh mẽ những hành vi, việc làm trái quy định của pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế về bảo tồn các loài ĐTVHD nguy cấp, quý, hiếm.

   3. Các thách thức trong công tác bảo tồn các loài nguy cấp

   Hệ thống các chính sách, quy định pháp luật về bảo tồn ĐDSH nói chung và bảo tồn loài nói riêng chưa đồng bộ. Đối với vấn đề bảo vệ các loài hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm còn có sự chồng chéo về phân quyền, trách nhiệm quản lý giữa Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT. Chính vì vậy, trong quá trình xây dựng văn bản triển khai Luật ĐDSH còn chưa đạt được sự thống nhất dẫn đến chậm ban hành các văn bản hướng dẫn, quản lý, bảo tồn các loài. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn loài còn rất hạn chế, các chương trình bảo tồn loài chưa được quan tâm đúng mức. Tại các khu bảo tồn, tình trạng khai thác trái phép các loài ĐVHD vẫn diễn ra do mâu thuẫn giữa đói nghèo, phát triển và bảo tồn.

   Việc khai thác và sử dụng quá mức nguồn tài nguyên động, thực vật hoang dã do gia tăng dân số cũng tạo ra những áp lực đối với công tác bảo tồn loài nguy cấp. Bên cạnh đó, việc chặt phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang canh tác, khai thác khoáng sản, phát triển hạ tầng, thủy điện... cũng làm mất sinh cảnh sống của các loài dẫn đến xung đột ngày càng gia tăng giữa con người và các loài sinh sống trong tự nhiên. Nhu cầu tiêu thụ trái phép và không bền vững các loài hoang dã nguy cấp làm thực phẩm, ngâm rượu, thuốc đông y, thú cảnh, trang trí và làm món ăn đặc sản... tăng cao đang thúc đẩy hoạt động buôn bán trái phép lên mức độ nghiêm trọng ngang với buôn bán người và buôn bán ma túy.

   Nhận thức của toàn xã hội đối với công tác bảo tồn loài, bảo tồn ĐDSH còn nhiều hạn chế, một số bộ phận người dân vẫn có thói quen sử dụng các loài ĐVHD nguy cấp dẫn đến nạn săn bắt, buôn bán, tiêu thụ gia tăng và trở thành vấn đề nóng, bức xúc trong xã hội; nhận thức của các cấp, các ngành đã được nâng lên nhưng chưa đủ và chưa quyết liệt nhằm góp phần bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm một cách hiệu quả và toàn diện.

   4. Một số giải pháp tăng cường công tác bảo tồn ĐDSH

   Hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật và quản lý dữ liệu để bảo vệ các loài nguy cấp: Rà soát, sửa đổi, bổ sung khung pháp lý, chính sách về bảo vệ động, thực vật hoang dã, tiến tới loại bỏ những bất cập và sự thiếu nhất quán giữa các văn bản pháp luật; tạo sinh kế bền vững và hướng dẫn, khuyến khích cộng đồng sống ở các vùng đệm tham gia bảo vệ và bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm; Xây dựng và thực hiện các chương trình bảo tồn loài nguy cấp được ưu tiên bảo vệ; Quản lý các cơ sở bảo tồn ĐDSH để bảo tồn nguồn gen và phục hồi quần thể các loài nguy cấp; Xây dựng cơ chế để đảm bảo tài chính cho bảo tồn ĐDSH và bảo tồn các loài.

   Tăng cường nguồn lực, năng lực cho công tác quản lý và thực thi pháp luật để bảo tồn hiệu quả tại chỗ và chuyển chỗ các loài nguy cấp: Đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, tập huấn, soạn thảo tài liệu hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, tăng cường năng lực thực thi các quy định pháp luật về quản lý bảo tồn, kỹ năng điều tra và xử lý tội phạm nghiêm trọng liên quan đến các loài hoang dã; xây dựng cơ chế hợp tác liên ngành, tăng cường trao đổi thông tin và vai trò tham gia, phối hợp triển khai các hoạt động bảo tồn và thực thi pháp luật.

   Xây dựng, mở rộng mối quan hệ đối tác và mở rộng quy mô, thể chế hóa các chiến dịch thay đổi hành vi, làm giảm nhu cầu tiêu thụ các loài nguy cấp: Tăng cường quan hệ đối tác (giữa các cơ quan Chính phủ, phi Chính phủ, khối tư nhân, doanh nghiệp và các tổ chức chính trị - xã hội) để huy động sự phối hợp, tham gia tích cực của các thành phần trong xã hội nhằm xây dựng nhận thức và hiểu biết của toàn xã hội về bảo tồn các loài hoang dã; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ ĐVHD tới cộng đồng, đặc biệt cần công khai thông tin về các vụ vi phạm về bảo vệ loài nguy cấp trên các phương tiện thông tin đại chúng để tăng tính răn đe, phòng ngừa tội phạm; nghiên cứu, quảng bá các sản phẩm nhằm thay thế các sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD nguy cấp...

   Tăng cường nghiên cứu và chuyển giao công nghệ về bảo tồn loài: Nghiên cứu, chuyên giao công nghệ về cứu hộ, tái thả các loài về tự nhiên, giám định, nhận dạng loài. Đầu tư bảo tồn sinh cảnh, giám sát, theo dõi các loài thông qua tăng cường áp dụng các công cụ tiên tiến.

   Tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo tồn loài: Huy động các nguồn lực (tài chính, kỹ thuật và thể chế) nhằm thực thi các hiệp ước, cam kết quốc tế và pháp luật quốc gia về bảo tồn các loài hoang dã thông qua các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu

TS. Hoàng Thị Thanh Nhàn

ThS. Nguyễn Thị Vân Anh

Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học

Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2016)

Ý kiến của bạn