Banner trang chủ

Tăng cường kiểm soát chất lượng các thành phần môi trường trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

09/09/2020

    Từ năm 2015, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo Sở TN&MT triển khai thực hiện Dự án Xây dựng quy chuẩn kỹ thuật môi trường trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu của Dự án là xây dựng Bộ Quy chuẩn kỹ thuật môi trường tỉnh Quảng Ninh nhằm kiểm soát chất lượng các thành phần môi trường trên địa bàn tỉnh nghiêm ngặt hơn, các thông số quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường hiện hành tương ứng, kỳ vọng hướng tới chất lượng môi trường đảm bảo theo tiêu chuẩn môi trường các nước tiên tiến.

    Bộ Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về môi trường trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh bao gồm 6 Quy chuẩn về chất lượng nước mặt,chất lượng nước biển ven bờ, nước thải công nghiệp, chất lượng không khí xung quanh, khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ và khí thải Nhà máy sản xuất xi măng. Trải qua nhiều cấp thẩm định cho ý kiến từ Trung ương đến địa phương, ngày 21/7/2020, Bộ Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về môi trường được UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành theo Quyết định số 2476/QĐ-UBND.

 

Hội thảo lấy ý kiến xây dựng Quy chuẩn năm 2019

 

    Theo đó, nội dung cụ thể của các quy chuẩn được quy định như sau:

    Về điều chỉnh của QCĐP 1: 2018/QN - Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước mặt được tỉnh Quảng Ninh so với QCVN 08-MT: 2015/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt, điều chỉnh thông số tổng chất rắn lơ lửng (TSS) giảm tại cột A2 từ 30 mg/l xuống 20mg/l; cột B1 từ 50 mg/l xuống 30mg/l. Qua điều tra, khảo sát hàm lượng dầu mỡ, tổng chất rắn lở lửng trong nước mặt tăng cao hơn so với các thông số khác. Nhằm mang tính cảnh báo đối với hoạt động thải nước thải công nghiệp hoặc nước thải khai thác khoáng sản không xử lý hoặc chưa xử lý đúng mức chất rắn lơ lửng vào môi trường nước mặt (ví dụ nước thải không qua hồ/ao/bể điều hòa, bể lắng...).Vì Quảng Ninh là tỉnh phát triển du lịch, chế biến thủy hải sản, thực phẩm, khai thác than, khoáng sản...do đó để bảo vệ di sản vịnh Hạ Long cần quản lý nguồn thải nghiêm ngặt.

    Đồng thời, điều chỉnh thông số dầu mỡ khoáng giảm: Cột A2 từ 0,5 mg/l xuống 0,3mg/l; cột B1 từ 1 mg/l xuống 0,5 mg/l; cột B2 từ 1 mg/l xuống 0,5 mg/l. Trên cơ sở kết quả khảo sát hiện trạng môi trường nước mặt, để cảnh báo đối với hoạt động thải nước thải công nghiệp nồng độ dầu mỡ cao hoặc không qua xử lý đúng mức vào môi trường nước mặt. Qua đó chất lượng nước sẽ được quan trắc định kỳ và được thông báo nồng độ các thông số chất lượng theo ngưỡng giới hạn được quy định mới trong QCĐP 1: 2020/QN để cảnh báo các chủ nguồn thải khi thải vào vùng nước mặt.

    Những điều chỉnh của QCĐP 2: 2020/QN - Quy chuẩn kỹ thuật tỉnh Quảng Ninh về chất lượng nước biển ven bờ so với QCVN 10 -MT: 2015/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển ven bờ xuất phát từ việc trong thời gian qua, đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh đang bị suy giảm, cụ thể như suy giảm các rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn; các loài hải sản như đồi mồi, tôm hùm, sá sùng,…Quảng Ninh lại có các vùng bảo vệ san hô và sinh vật đặc hữu thuộc 4 khu vực: Vịnh Hạ Long, tập trung ở Hang Trai, Cống Đỏ, Vạn Giò; Vườn Quốc gia Bái Tử Long huyện Vân Đồn; Quần đảo Cô Tô: Rạng Hồng Vân, đảo Đặng Văn Châu, Đảo Cô Tô; Đảo Trần... Do vậy, trong nội dung QCĐP 2: 2020/QN của Quảng Ninh bổ sung yêu cầu chất lượng nước cho “Vùng bảo vệ san hô và sinh vật đặc hữu”. Đồng thời, bổ sung “vùng nhận thải nước thải công nghiệp”: Vì vùng biển ven bờ của Quảng Ninh có rất nhiều mục đích sử dụng, trong đó đặc biệt là vùng nhận nước thải công nghiệp, nước thải khai thác mỏ,... Vùng nước công nghiệp là vùng nước biển ven bờ được sử dụng cho các hoạt động công nghiệp như khai thác mỏ, lấy nước làm mát cho các qui trình công nghiệp hoặc được sử dụng làm nơi nhận nước thải công nghiệp. Sau khi tiếp nhận nước thải công nghiệp, thì chất lượng vùng nước ven bờ cần phải được duy trì vẫn như mức quy chuẩn này quy định nhằm kiểm soát có hiệu quả hơn chất lượng nước biển ven bờ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

    Những điều chỉnh của QCĐP 3: 2020/QN - Quy chuẩn kỹ thuật tỉnh Quảng Ninh về nước thải công nghiệp so với QCVN 40:2011/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp, cụ thể là bổ sung “Hệ số Quy chuẩn kỹ thuật địa phương đối với nước thải công nghiệp” (KQN) là một trong những thành phần của công thức tính giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong nước thải công nghiệp khi thải vào nguồn tiếp nhận nước thải (Cmax) nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn về mặt phát thải ra môi trường của các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất công nghiệp thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh và có liên quan đến hoạt động xả nước thải công nghiệp ra các nguồn tiếp nhận nước thải. Yêu cầu các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất công nghiệp thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh áp dụng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm phù hợp để đáp ứng được nồng độ cho phép khi đổ vào các khu vực nhận nước thải đang có biểu hiện suy giảm chất lượng nước và cần được khôi phục và bảo vệ.

    Về những điều chỉnh của QCĐP 4: 2020/QN - Quy chuẩn kỹ thuật tỉnh Quảng Ninh về chất lượng không khí xung quanh so với QCVN 05:2013/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh, cụ thể là bổ sung cột quan trắc trung bình 10 phút: Các nhà máy nhiệt điện ở Quảng Ninh không sử dụng nhiên liệu khí và dầu mà chủ yếu sử dụng than nên khả năng ô nhiễm NO2 và SO2 là rất có khả năng xảy ra do đó cần quan trắc với tần suất thường xuyên hơn so với quy định của QCVN 05:2013/BTNMT. Vì vậy Quy chuẩn kỹ thuật tỉnh Quảng Ninh về chất lượng không khí xung quanh đề xuất quan trắc SO­2 trung bình 10 phút.

    Mặt khác, Quy chuẩn cũng thắt chặt một số thông số ô nhiễm cơ bản của môi trường không khí: Bụi PM2.5, bụi PM10, bụi tổng (TPM) và SO2, nhằm giám sát, đánh giá chất lượng không khí xung quanh để kiểm soát có hiệu quả hơn chất lượng không khí trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời yêu cầu các tổ chức, cá nhân có hoạt động phát sinh khí thải ra môi trường áp dụng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm một cách phù hợp và chủ động để đáp ứng được nồng độ cho phép khi xả khí thải ra môi trường xung quanh.

    Đối với QCĐP 5: 2020/QN - Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ tỉnh Quảng Ninh: quy định riêng hệ số vùng, khu vực (Kv) khi tính toán bụi tổng trong khí thải của cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, dịch vụ công nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp và Cụm công nghiệp thì áp dụng giá trị Kv = 0,6.

    Đối với QCĐP 7: 2020/QN - Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về khí thải công nghiệp sản xuất xi măng tỉnh Quảng Ninh: quy định Giá trị khu vực Kv được áp dụng để tính toán giá trị Cmax của thông số bụi tổng trong khí thải của các nhà máy xi măng đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là Kv =  0,63.

    Dự kiến tháng 10/2020, Sở TN&MT sẽ tổ chức tập huấn chính sách, pháp luật về BVMT cho các đơn vị, doanh nghiệp. Trong đó, có lồng ghép nội dung tuyên truyền, phổ biến Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về môi trường trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến với các đối tượng là cán bộ quản lý môi trường các cấp, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh có phát thải. Bên cạnh đó, qua công tác kiểm soát ô nhiễm, thẩm định thủ tục pháp lý về môi trường sẽ yêu cầu các chủ cơ sở, dự án cập nhật, tuân thủ quy định của bộ quy chuẩn kỹ thuật địa phương về môi trường trong sản xuất, phát thải.

    Với việc áp dụng triển khai quy chuẩn địa phương về môi trường, sẽ đặt ra trách nhiệm chocác doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất phải rà soát lại quy trình sản xuất, bổ sung nâng cấp công nghệ xử lý chất thải hoặc đầu tư công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường. Qua đó nhằm đảm bảo đáp ứng tiêu chí mà bộ quy chuẩn kỹ thuật địa phương về môi trường đề ra. Các đối tượng là cán bộ quản lý cũng cần nhanh chóng cập nhật, nâng cao trình độ chuyên môn để phục vụ công tác quản lý, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong thực hiện bộ quy chuẩn này.

    Bộ Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về môi trường trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2021, đây là một công cụ quản lý môi trường hữu hiệu giúp cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường, cảnh báo và phòng ngừa nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh. Từ đó, nâng cao ý thức chấp hành của các tổ chức, cá nhân có hoạt động phát thải; thể hiện chủ trương không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, các chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh trong thời gian qua.

 

ThS. Nguyễn Như Hạnh - Chi cục trưởng

Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8/2020)

Ý kiến của bạn