Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 18/07/2024

Tập trung các nguồn lực nhằm giải quyết hiệu quả công tác bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Ðáy

07/02/2017

   Đây là chia sẻ của ông Phạm Đình Nghị - tân Chủ tịch Ủy ban BVMT lưu vực (LV) sông Nhuệ - sông Đáy nhiệm kỳ IV (2017 - 2018), Chủ tịch UNBD tỉnh Nam Định tại Phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban với Tạp chí Môi trường về một số nhiệm vụ giải pháp, trọng tâm trong công tác BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy thời gian tới.

Ông Phạm Đình Nghị - Chủ tịch Ủy ban BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy nhiệm kỳ IV, Chủ tịch UNBD tỉnh Nam Định

   Xin ông cho biết một số kết quả triển khai Đề án BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy trên toàn LV nói chung và tỉnh Nam Định nói riêng trong giai đoạn 2015 - 2016?

   Ông Phạm Đình Nghị: Trong giai đoạn 2015 - 2016, dưới sự chỉ đạo điều hành của Ủy ban, Đề án BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy đã được triển khai tích cực. Theo đó, các tỉnh/TP thuộc LV đã triển khai công tác thống kê, điều tra nguồn thải xả trực tiếp ra LV sông Nhuệ - sông Đáy, nhờ đó đã phần nào kiểm soát nguồn thải, khắc phục và cải thiện chất lượng nước trên LV sông. Bên cạnh đó, nhiều chương trình, dự án đã được triển khai như: Dự án trồng rừng đầu nguồn sông Nhuệ - sông Đáy tại tỉnh Hòa Bình; Mô hình xử lý môi trường làng nghề của tỉnh Hà Nam, Ninh Bình và TP. Hà Nội; Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế cho bệnh viện tại các tỉnh, TP trên LV sông Nhuệ - sông Đáy; Đặc biệt tại TP. Hà Nội nhiều công trình xử lý rác thải (XLRT), nước thải bằng công nghệ tiên tiến được đầu tư xây dựng (Nhà máy xử lý và tái chế rác Hợp Thanh, xã hợp Thanh, huyện Mỹ Đức, công suất 1.500 tấn/ngày); Trạm xử lý nước thải Trúc Bạch với công suất 2.300 m3 ngày, đêm; Trạm xử lý nước thải cụm làng nghề tại xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức; Nhà máy XLNT Yên Xá, công suất 270.000m3 ngày, đêm… Đây là những chuyển biến tích cực trong công tác BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy trong thời gian qua.

   Ngoài ra, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức cho tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng được tăng cường với nhiều hình thức phong phú, đa dạng tạo sự chủ động trong công tác BVMT. Cùng với đó, các địa phương đã có sự hợp tác chặt chẽ trong việc trao đổi chuyên môn và học hỏi kinh nghiệm để triển khai các công tác BVMT có hiệu quả. Một số địa phương đã chủ động đề xuất các vấn đề môi trường cấp bách liên vùng, liên tỉnh để kịp thời giải quyết, khắc phục.

   Tại tỉnh Nam Định, trong giai đoạn năm 2015 - 2016, công tác BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy được quan tâm thực hiện, với 10 văn bản quy phạm pháp luật được ban hành như: Nghị quyết 08/2015/NQ -HĐND về mức thu phí vệ sinh; Quyết định 717/QĐ-UBND và 758/QĐ-UBND ban hành danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch 24/KH -UBND triển khai thực hiện Luật BVMT năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật…

   UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện các thủ tục xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2203/QĐ-TTg, Quyết định số 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay đã cơ bản hoàn thành. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BVMT được tăng cường. Qua thanh, kiểm tra đã xử phạt nhiều đơn vị vi phạm, yêu cầu có biện pháp khắc phục theo quy định, góp phần từng bước đảm bảo môi trường trên địa bàn tỉnh…

   Các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về BVMT LV trên địa bàn tỉnh được Sở TN&MT phối hợp với các tổ chức, đoàn thể thực hiện thông qua các hoạt động hưởng ứng Ngày quốc tế về Đa dạng sinh học, Ngày Môi trường thế giới; Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam…. Sở TN&MT đã ký kết các chương trình phối hợp hành động về BVMT với các tổ chức chính trị - xã hội nhằm phát huy vai trò của các cấp Hội, hội viên và từng gia đình trong việc tham gia BVMT, xây dựng nếp sống văn minh vì sự phát triển môi trường bền vững.

    Để ngăn chặn các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường trên LV sông, tỉnh Nam Định đã triển khai những giải pháp gì, thưa ông?

   Ông Phạm Đình Nghị: Tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

   Sở TN&MT phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các quy hoạch có liên quan, có giải pháp, lộ trình thực hiện công tác BVMT, xử lý ô nhiễm môi trường, nhất là các điểm nóng về môi trường.

   UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Kế hoạch số 64/KH-UBND, ngày 10/10/2013 về việc triển khai thực hiện Đề án tổng thể BVMT làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, các Sở, ban, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp, từng bước khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề.

   Công tác xử lý rác thải (XLRT) đã được UBND các huyện/TP tiếp tục quan tâm chỉ đạo, có giải pháp XLRT theo hướng sử dụng lò đốt rác, nghiên cứu xây dựng khu xử lý rác cho khu vực. Giao Sở TN&MT, Sở KH&CN có hướng dẫn các huyện/TP về tiêu chuẩn lò đốt rác đảm bảo vệ sinh môi trường, xây dựng khu XLRT; Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức BVMT…

   Yêu cầu các Sở, ngành liên quan khi thu hút, thực hiện các thủ tục đầu tư, nhất là các dự án lớn, vấn đề môi trường đặt lên hàng đầu. Theo đó, nhà đầu tư phải thực hiện nghiêm túc công tác đánh giá tác động môi trường theo quy định; Tổ chức kiểm tra việc triển khai đầu tư xây dựng hạng mục xử lý môi trường, đảm bảo tuân thủ theo dự án, phương án xử lý môi trường đã được duyệt; Thường xuyên thanh, kiểm tra, quan trắc theo quy định việc xử lý môi trường khi dự án hoàn thành, đi vào hoạt động; Kịp thời báo cáo, có phương án giải quyết khi việc xử lý môi trường không đảm bảo quy định.

Công trình xử lý nước thải của Cụm công nghiệp An Xá, Nam Định có công suất 3.000 m3/ngày, đêm

   Là một trong những thành viên của Ủy ban BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy, ông có những đánh giá về những thuận lợi, khó khăn trong công tác BVMT trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn vừa qua?

   Ông Phạm Đình Nghị: Về thuận lợi, công tác BVMT nói chung cũng như BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy nói riêng được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương. Hệ thống cơ chế, chính sách trong công tác BVMT từng bước được xây dựng, hoàn thiện từ Trung ương đến địa phương, là cơ sở để thúc đẩy BVMT.

   Công tác BVMT LV sông trên địa bàn Nam Định được sự giám sát của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh; sự hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là người dân nên việc thực hiện triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án, bước đầu đạt được những hiệu quả nhất định.

   Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, công tác quản lý môi trường tại địa phương vẫn còn một số khó khăn nhất định. Nhận thức, ý thức BVMT của một bộ phận nhân dân, doanh nghiệp còn hạn chế, chưa nghiêm túc, tự giác chấp hành Luật BVMT năm 2014 và các quy định liên quan. Kinh phí chưa đáp ứng được yêu cầu thực hiện các nhiêm vụ của công tác BVMT. Việc trao đổi thông tin, phối hợp giải quyết về ô nhiễm môi trường giữa các địa phương và với Trung ương có nhiều cải thiện nhưng chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Công tác xã hội hóa trong công tác BVMT tại tỉnh Nam Định còn chậm, nhất là trong việc huy động nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng công trình thu gom, xử lý chất thải. Đội ngũ cán bộ làm công tác BVMT đã từng bước được kiện toàn, song chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ thực tế tại địa phương.

   Với cương vị là Chủ tịch Ủy ban BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy nhiệm kỳ IV (2017 - 2018), ông có đề xuất, kiến nghị gì để nâng cao hiệu lực quản lý BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy trong thời gian tới?

   Ông Phạm Đình Nghị: Thứ nhất, đề nghị các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ TN&MT đề xuất các cơ chế, chính sách báo cáo Chính phủ tạo thuận lợi cho việc BVMT nói chung và các LV sông Nhuệ - sông Đáy nói riêng, đảm bảo nguồn lực để triển khai thực hiện tốt Đề án tổng thể BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy.

   Thứ hai, các tỉnh/TP rà soát, bổ sung các quy hoạch còn thiếu, điều chỉnh các quy hoạch không còn phù hợp, quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các quy hoạch liên quan đến công tác BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy. Đồng thời, chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch triển khai Đề án trong giai đoạn 2017 - 2018, định hướng đến năm 2020 và đề xuất các giải pháp tổ chức thực hiện để đạt được mục tiêu của Đề án đề ra.

   Thứ ba, Bộ TN&MT đặc biệt là Tổng cục Môi trường với chức năng là cơ quan thường trực phát huy vai trò chỉ đạo, điều phối và kết nối các hoạt động của các Bộ, ngành liên quan với các tỉnh, TP trên LV sông Nhuệ - sông Đáy một cách nhịp nhàng và hiệu quả.

   Thứ tư, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT tiếp tục ủng hộ, tạo điều kiện xây dựng cơ chế chính sách, thu hút đầu tư trong và ngoài nước cho các dự án BVMT ở các tỉnh/TP thuộc LV sông Nhuệ - sông Đáy.

   Xin cảm ơn ông!

                Châu Loan (Thực hiện)

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2017

Ý kiến của bạn