Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 18/07/2024

Quảng Trị: Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ động vật hoang dã

28/11/2016

   Quảng Trị là tỉnh có giá trị đa dạng sinh học (ĐDSH) cao, với nhiều loài động, thực vật quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới như gà lôi lam mào trắng, voọc Hà Tĩnh, sao la, mang lớn, thỏ vằn... Nhận thấy công tác bảo tồn ĐDSH, bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) là vấn đề quan trọng và cấp bách hiện nay, tỉnh Quảng Trị đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn nạn buôn bán, tiêu thụ trái phép ĐVHD trên địa bàn.

Cá thể rùa biển được cứu hộ tại đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị)

   Thách thức trong công tác bảo vệ ĐVHD

   Nằm ở khu vực Bắc Trung bộ, Quảng Trị có tổng diện tích rừng là 242.240 ha (141.499 ha rừng tự nhiên và 100.741 ha rừng trồng) và hệ sinh thái đa dạng, phong phú, với hơn 98 loài thú, 198 loài chim, 83 loài lưỡng cư, bò sát, hơn 336 loài cá và khoảng 2.152 loài thực vật, trong đó có nhiều loài đặc hữu, quý hiếm. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều loài ĐVHD đang bị đe dọa tuyệt chủng do nạn buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ trái phép ĐVHD ngày càng gia tăng. Một trong những nguyên nhân chính là do Quảng Trị là đầu mối giao thông quan trọng - điểm đầu trên tuyến đường huyết mạch của hành lang kinh tế Đông - Tây nối với Lào - Thái Lan - Myanma qua 2 cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, La Lay, cùng tuyến đường Hồ Chí Minh xuyên suốt dãy Trường Sơn. Do đó, Quảng Trị trở thành điểm trung chuyển buôn bán, vận chuyển trái phép nhiều loài ĐVHD trong nội địa, cũng như từ các nước Đông Nam Á sang quốc gia khác.

   Trong những năm gần đây, lực lượng chức năng tại Quảng Trị đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ trái phép ĐVHD. Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị, từ năm 2012 đến tháng 5/2016, toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 135 vụ vi phạm về buôn bán, vận chuyển trái phép ĐVHD, tịch thu 1.599 cá thể ĐVHD, trong đó có nhiều cá thể là động vật quý hiếm. Các cá thể động vật quý hiếm như tê tê, rắn hổ mang chúa, rắn ráo trâu, kỳ đà hoa, ba ba, rùa, chồn hương, chồn vàng... chủ yếu được buôn bán và vận chuyển trái phép trên tuyến quốc lộ 9 từ Lào về Việt Nam tiêu thụ.

   Mặc dù, hành vi vi phạm về ĐVHD quý hiếm đã được quy định trong Luật ĐDSH năm 2008 và Bộ luật Hình sự, nhưng thực tế, các hành vi xâm hại đến các loài ĐVHD diễn ra phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân là do lợi nhuận từ việc săn bắn, buôn bán ĐVHD, cũng như nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ ĐVHD ngày càng lớn nên các đối tượng vẫn bất chấp mua bán, tiêu thụ trái phép ĐVHD với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Trong khi đó, công tác quản lý, bảo tồn ĐDSH còn hạn chế; bộ máy quản lý nhà nước về ĐDSH chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng, cũng như năng lực chuyên môn; sự phối hợp liên ngành chưa hiệu quả, còn chồng chéo về chức năng quản lý…

   Triển khai các giải pháp ngăn chặn nạn săn bắt, buôn bán ĐVHD

   Nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo tồn ĐDSH, đặc biệt là bảo vệ động, thực vật hoang dã quý hiếm, tỉnh Quảng Trị đã triển khai Kế hoạch hành động ĐDSH tỉnh Quảng Trị đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Đồng thời, tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện công tác bảo vệ rừng nói chung và bảo vệ ĐVHD nguy cấp, quý hiếm nói riêng. Ngày 25/3/2016, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 955/UBND-NN về tăng cường công tác bảo vệ ĐVHD.

   Tỉnh đã thành lập 3 khu bảo tồn (KBT) thiên nhiên (Đắc Rông, Hướng Hóa, Cồn Cỏ) và 2 khu bảo vệ cảnh quan (đường Hồ Chí Minh và Rú Lịnh). Các KBT này đã và đang phát huy hiệu quả trong công tác bảo tồn ĐDSH, góp phần giữ gìn nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Bên cạnh đó, các ngành chức năng đã phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng phương án đấu tranh, ngăn chặn tại chỗ; tổ chức kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, điểm mua bán ĐVHD trái phép; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD, quý hiếm và tăng cường quản lý hoạt động gây nuôi ĐVHD. Đồng thời, phối hợp với tỉnh Savannakhet (Lào) ngăn chặn hoạt động buôn bán động, thực vật hoang dã quý hiếm trên tuyến biên giới từ Lào vào Việt Nam và tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là ở miền núi, các khu rừng đặc dụng để người dân tích cực tham gia bảo vệ động, thực vật; không săn bắn, bắt, bẫy các loài ĐVHD quý hiếm. Nhiều chiến dịch tuyên truyền lưu động trong cộng đồng dân cư, thôn, bản, trường học được tổ chức, kết hợp với việc phát tờ rơi, tài liệu đến hộ gia đình, yêu cầu các nhà hàng, cơ sở sản xuất, chế biến ký cam kết không buôn bán, tiêu thụ ĐVHD.

   Tuy nhiên, để ngăn chặn và chấm dứt nạn săn bắt, buôn bán ĐVHD tại Quảng Trị, cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan chức năng và ủng hộ của người dân. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, học sinh, sinh viên, nhân dân về tác động tiêu cực của việc buôn bán bất hợp pháp ĐVHD; Xây dựng quy hoạch bảo tồn, phát triển các loài ĐVHD phân bố trên địa bàn tỉnh, gắn quy hoạch bảo tồn phát triển rừng đặc dụng với quy hoạch bảo vệ, tái tạo, phát triển loài động vật, thực vật nguy cấp, quý hiếm; Triển khai các dự án về bảo vệ, phát triển loài đặc hữu; Tăng cường nghiên cứu về ĐDSH nói riêng và BVMT nói chung, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên. Mặt khác, tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về mua bán, vận chuyển, xuất, nhập khẩu, gây nuôi, chế biến ĐVHD tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, cửa khẩu quốc tế; Xây dựng những chính sách thiết thực, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội địa phương, gắn lợi ích của người dân vào công tác bảo tồn…

            Thúy Nga

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2016)

Ý kiến của bạn