Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 18/07/2024

Quảng Bình đẩy mạnh công tác quản lý hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu

04/05/2016

   Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đóng vai trò quan trọng trong phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm. Việc sử dụng hóa chất BVTV cũng đã đem lại những thành công nhất định trong việc diệt trừ sâu bệnh, bảo vệ mùa màng và phát triển nông nghiệp nhưng hệ quả của việc sử dụng quá nhiều hóa chất BVTV cũng đã gây ra những tác động không nhỏ đến sức khỏe con người và suy thoái môi trường, đặc biệt là các hóa chất BVTV chứa các gốc hữu cơ Clo khó phân hủy (POP) tồn lưu từ thời kỳ trước.

Thị trấn Nông trường Lệ Ninh (Lệ Thủy) đã hoàn thành việc xử lý ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu

   Nhằm ngăn ngừa, xử lý ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu,   Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1206/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 - 2015 và Quyết định số 1946/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu trên phạm vi cả nước. Theo đó, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các Sở, ban/ngành và địa phương xây dựng kế hoạch và lồng ghép nội dung BVMT trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

   Trên cơ sở đó, Sở TN&MT tỉnh phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh... tổ chức các hội thảo chuyên đề tuyên truyền, nâng cao nhận thức về BVMT nói chung và tác hại của việc sử dụng thuốc BVTV nói riêng; phối hợp với Tổng cục Môi trường hướng dẫn cho cán bộ UBND các huyện, TP về quản lý môi trường tại các khu vực bị ô nhiễm do hóa chất BVTV tồn lưu trên địa bàn. Đặc biệt, Sở còn tổ chức thu gom 7 tấn thuốc BVTV tồn lưu tại hang Hung Nhàn, Hung Chà Nần và 100 kg (thuốc BVTV không rõ nguồn gốc) tại Chi cục Quản lý thị trường đưa đi xử lý.

   Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 5/11 điểm ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu đã hoàn thành việc xử lý (Thị trấn Nông trường Lệ Ninh, Lệ Thủy; Hợp tác xã Hồng Kỳ; Thôn Mốc Định; Xã Trung Trạch; Kho Nam Long, xã Xuân Ninh) với công nghệ chôn lấp cô lập kết hợp phân hủy hóa học. Còn 1 điểm tại kho hóa chất BVTV Hóa Tiến, huyện Minh Hóa đang trong quá trình xử lý, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 6/2016 và 5 điểm (khu vực Nhà máy thuốc trừ sâu xã Hàm Ninh; thôn Cổ Hiền, xã Hiền Ninh; thôn Long Đại, xã Hiền Ninh; thôn Đồng Tư, xã Hiền Ninh; thôn Văn Bắc, xã Quảng Hải) chưa được xử lý.

   Bên cạnh đó, Sở TN&MT Quảng Bình đã triển khai thực hiện Dự án điều tra bổ sung các điểm tồn lưu hóa chất BVTV trên địa bàn toàn tỉnh với tổng kinh phí là 490 triệu đồng. Đến nay đã triển khai thực hiện điều tra, lấy mẫu phân tích đánh giá mức độ ô nhiễm, phạm vi ô nhiễm và khoanh vùng cảnh báo, xây dựng phương án xử lý cho 80 điểm tồn lưu thuốc BVTV, trong đó có 13 điểm vượt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 54:2008/BTNMT về ngưỡng xử lý hóa chất BVTV hữu cơ theo mục đích sử dụng đất cần phải xử lý, trong đó tại hang Hung Nhàn và Hung Chà Nần là điểm ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng với khối lượng lớn, là nơi tập kết hóa chất BVTV của Binh đoàn 559 trước đây.

   Tuy nhiên, công tác BVMT nói chung và xử lý ô nhiễm do hóa chất BVTV nói riêng trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số bất cập, cụ thể như địa điểm tồn lưu thuốc BVTV thường nằm trong các khu dân cư, trường học, nhà văn hóa thôn nên việc giải phóng mặt bằng, thu gom vận chuyển xử lý gặp khó khăn; còn nhiều điểm tồn lưu hóa chất BVTV trên địa bàn tỉnh cần phải xác định quy mô, mức độ ô nhiễm và khoanh vùng cảnh báo....

   Để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, giảm thiểu nguy cơ phát sinh các điểm tồn lưu thuốc BVTV mới, Sở TN&MT tỉnh Quảng Bình kiến nghị Bộ TN&MT hỗ trợ kinh phí để triển khai thực hiện những điểm chưa được xử lý. Đồng thời, tiếp tục đưa 13 điểm tồn lưu thuốc BVTV vượt ngưỡng QCVN 54:2008/BTNMT trên địa bàn tỉnh vào Quyết định số 1946/QĐ-TTg; Hỗ trợ điều tra chi tiết các điểm tồn lưu thuốc BVTV để lập dự án đưa vào kế hoạch hỗ trợ xử lý của Chính phủ; Sớm có văn bản hướng dẫn công nghệ xử lý thuốc BVTV tồn lưu phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Nguyễn Minh Duy

Chi cục BVMT tỉnh Quảng Bình

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2016)

Ý kiến của bạn