Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 18/07/2024

Quản lý tổng hợp, thống nhất biển và hải đảo Việt Nam đảm bảo sự phát triển bền vững

10/05/2016

   Biển có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), bảo đảm an ninh - quốc phòng. Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã yêu cầu quản lý tài nguyên biển theo phương thức tổng hợp và thống nhất. Ngày 25/6/2015, Quốc hội ban hành Luật số 82/2015/QH13 về Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, quy định về quản lý tổng hợp tài nguyên và BVMT biển và hải đảo; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong quản lý tổng hợp tài nguyên, BVMT biển và hải đảo Việt Nam nhằm định hướng cho công tác quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo Việt Nam.

   Quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo

   Quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo là một phạm trù rộng, bao hàm nhiều đối tượng, nhiều lĩnh vực, từ nghiên cứu, điều tra cơ bản, đánh giá tiềm năng của các vùng biển đến khai thác lợi thế tài nguyên từ biển để phát triển KT - XH gắn với BVMT biển bền vững.

   Quản lý tổng hợp là nền tảng để quản lý thống nhất các hợp phần tự nhiên và các hoạt động khai thác, sử dụng của con người, đảm bảo phát triển bền vững ở vùng biển, ven biển và đảo. Tiếp cận quản lý tổng hợp là sự thống nhất về không gian địa lý, thể chế chính sách, quy hoạch phát triển và quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo. Đồng thời cũng là sự thống nhất về cơ chế tài chính bền vững cho hoạt động quản lý vùng lãnh thổ trên mọi phương diện khai thác, sử dụng, bảo vệ và phát triển tài nguyên, môi trường biển. Như vậy, quản lý tổng hợp sẽ đảm bảo cho việc khai thác, sử dụng và phát triển toàn diện, bền vững tài nguyên (thiên nhiên và nhân văn) cũng như BVMT biển. Tiếp cận quản lý tổng hợp là tiếp cận hệ thống và dựa vào hệ sinh thái.

   Quản lý nhà nước tổng hợp, thống nhất về biển và hải đảo là sự quản lý về mặt hành chính nhà nước của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua các thể chế pháp lý nhằm điều hòa, phối hợp tốt giữa các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương trong việc tham gia vào quá trình hoạch định, tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch sử dụng và khai thác, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển phù hợp với định hướng, yêu cầu phát triển bền vững, đồng thời bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

   Bản chất của phương thức quản lý tổng hợp biển và hải đảo là việc nâng cao chất lượng quản lý tài nguyên và BVMT biển phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững thông qua việc dân chủ hóa các quá trình quản lý (từ hoạch định đến thực thi chính sách), dựa trên việc xác lập một cơ chế quản lý có sự tham gia tích cực, bình đẳng của các cộng đồng gắn với môi trường không gian ven biển để chia sẻ và phát triển các lợi ích kinh tế biển giữa các ngành, lĩnh vực, các địa phương một cách hài hòa, đồng thời vẫn bảo đảm tính thống nhất về lợi ích quốc gia.

   Trong quản lý tổng hợp về biển và hải đảo, nhân tố cộng đồng không chỉ là đối tượng quản lý mà còn là đối tác quản lý của chính quyền, có mối quan hệ bình đẳng về quyền và lợi ích mà chính quyền địa phương ven biển phải tôn trọng, bảo đảm thực hiện dân chủ, tham gia trực tiếp vào quản lý tài nguyên và BVMT ven biển. Có thể nói, quản lý tổng hợp biển và hải đảo là phương thức quản lý dựa trên quá trình hoạch định, thỏa thuận và đi đến thống nhất trong việc chia sẻ lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường ở vùng biển, ven biển nhằm quản lý phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững.

   Các yêu cầu của quản lý tổng hợp biển và hải đảo

   Điều phối đa ngành: Quản lý tổng hợp đòi hỏi phải tiếp cận cơ chế quản lý liên ngành, liên lĩnh vực và quá trình liên tục (bắt đầu từ hoạch định đến triển khai, thực thi và giám sát), không thể nhìn nhận hệ thống là sự lắp ghép đơn giản của những chức năng quản lý đơn lẻ theo ngành.

   Hợp tác giữa các vùng ven biển đòi hỏi liên kết bảo đảm mọi quá trình chính sách không quá bị ràng buộc vào các đường ranh giới hành chính lãnh thổ mà là một quá trình quản lý có tính liên kết vùng ở các cấp độ khác nhau (liên tỉnh, liên huyện, liên xã).

   Quy trình hoạch định và thực hiện chính sách quản lý biển có tính mở cao, đòi hỏi phải có sự tham gia, phản biện và giám sát xã hội của cộng đồng vào quá trình hoạch định, triển khai và đánh giá chiến lược, quy hoạch, chính sách phát triển gắn với dải ven biển thay vì đây là một quy trình khép kín giữa các cơ quan hành chính nhà nước.

   Quản lý biển theo không gian phù hợp với bản chất của các hệ thống tài nguyên biển (hệ không gian biển hoặc hệ sinh thái biển, ven biển). Áp dụng phân vùng chức năng vùng biển để hỗ trợ quy hoạch không gian biển và trên cơ sở đó tiến hành quy hoạch khai thác, sử dụng biển theo kế hoạch 5-10 năm hoặc dài hơn. Căn cứ vào kế hoạch khai thác, sử dụng biển được cấp thẩm quyền phê duyệt tiến hành cấp phép, thu phí…sử dụng tài nguyên biển.

   Sự cam kết và các quy định về quyền và nghĩa vụ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững giữa chính quyền, các tổ chức xã hội và doanh nghiệp.

Quản lý tổng hợp, thống nhất về biển và hải đảo là cách tiếp cận hệ thống và dựa vào hệ sinh thái

   Cơ chế điều phối theo phương thức quản lý tổng hợp

   Quản lý tổng hợp rất phức tạp do có nhiều bên liên quan cùng tham gia quản lý. Chính vì vậy, cơ chế điều phối trở nên rất quan trọng, bảo đảm sự tham gia tích cực của các ngành quản lý nhà nước hoạt động khai thác tài nguyên như tài chính, nông nghiệp, kế hoạch - đầu tư, công nghiệp, thương mại, du lịch và giao thông vận tải. Quản lý tổng hợp tài nguyên biển đòi hỏi sự tham gia của tất cả các cấp, trong đó, cấp chính quyền địa phương đóng vai trò quan trọng.

   Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015 quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Bộ TN&MT chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên và BVMT biển và hải đảo. Như vậy, có thể thấy vai trò điều phối được giao cho Bộ TN&MT. Tuy vậy, cơ chế điều phối giữa Bộ TN&MT và các bộ, ngành khác cũng như mối quan hệ với UBND các tỉnh có biển chưa được quy định rõ trong văn bản này. Cơ chế điều phối phải vượt qua các lợi ích cục bộ của ngành, tạo sự liên kết, phối hợp tích cực của các ngành liên quan đến tài nguyên và môi trường biển và vùng ven bờ. Đây là vấn đề quan trọng cần xem xét trong xây dựng quy định hướng dẫn thực thi Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

   Quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo là phương thức quản lý được áp dụng thành công ở nhiều nước có biển trên thế giới. Đây là phương thức và cách tiếp cận quản lý còn mới đối với Việt Nam, đóng vai trò kết nối và điều chỉnh hành vi phát triển của các ngành và các hoạt động khai thác, sử dụng biển, hải đảo trong phạm vi vùng biển tài phán quốc gia (địa phương quản lý) thông qua các cơ chế điều phối liên ngành và các công cụ tổng hợp khác.

   Như vậy, để quản lý nhà nước tổng hợp, thống nhất về biển và hải đảo phải xây dựng, áp dụng, thực thi các giải pháp mang tính liên ngành, liên cơ quan, liên vùng, đặc biệt phải có sự liên kết với cộng đồng và quản lý không gian biển dựa trên cách tiếp cận hệ sinh thái. Mục đích của quản lý tổng hợp về biển và hải đảo là đảm bảo phát triển đa ngành, sử dụng đa mục tiêu (tối ưu hóa) và bảo đảm đa lợi ích (các bên cùng có lợi) giữa nhà nước, lĩnh vực tư nhân, các bên liên quan và cộng đồng địa phương, đồng thời giảm thiểu mâu thuẫn lợi ích giữa các ngành trong quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên, môi trường biển, ven biển và hải đảo. Để thực hiện điều này, một cơ chế điều phối giữa các bên có liên quan cần được nghiên cứu, xem xét để có thể bảo đảm mục tiêu bảo vệ và khai thác bền vững tài nguyên biển và hải đảo Việt Nam.

ThS. Đoàn Thị Thanh Mỹ

Bộ Tài nguyên và Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2016)

Ý kiến của bạn