Banner trang chủ

Phối hợp kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường trên kênh Ba Bò

03/04/2019

 

Trịnh Thị Thắm

Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh

    Kênh Ba Bò nằm trên địa bàn phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh, bắt nguồn từ đập nước của Quân đoàn 4, chảy qua rạch Cầu Đất vào rạch Vĩnh Bình và cuối cùng đổ ra sông Sài Gòn. Đây là tuyến kênh thoát nước mưa và nước thải của lưu vực phường Bình Chiểu và Linh Trung (quận Thủ Đức); khu phố Đồng An (phường Bình Hòa, thị xã Thuận An), khu phố Tân Long (phường Tân Đông Hiệp) và một phần phường Dĩ An của thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương). Mặc dù, những năm qua, TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương đã triển khai nhiều giải pháp xử lý ô nhiễm kênh Ba Bò, nhưng chất lượng nước kênh vẫn chưa được cải thiện rõ rệt.

 

Kênh Ba Bò, đoạn qua tỉnh lộ 43, quận Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh)

 

     Hiện nay, tổng lưu vực thoát nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương vào kênh Ba Bò khoảng 1.000 ha, với lưu lượng nước thải 18.900 - 20.100 m³/ngày. Trong đó, nguồn thải chủ yếu là từ 2 khu công nghiệp (KCN) Sóng Thần 1 và 2, với 15.000 - 16.000 m³/ngày. Ngoài ra, mỗi ngày còn có 4.000 m³ nước thải thuộc các khu dân cư tỉnh Bình Dương và 500 m³ nước thải từ các doanh nghiệp (DN) của Quân đoàn 4 nằm điểm giáp ranh TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương chảy vào kênh. 

    Theo kết quả quan trắc định kỳ trong năm 2018 cho thấy, chất lượng nước thải của các cơ sở sản xuất, DN ngoài KCN và một số khu dân cư trên lưu vực kênh Ba Bò vẫn còn bị ô nhiễm hữu cơ và vi sinh. Trong đó, so với năm 2017, hàm lượng các chất ô nhiễm trong năm 2018 đã có chiều hướng giảm (hàm lượng BOD5 giảm từ 1,07 - 1,72 lần tại 7/9 vị trí quan trắc, hàm lượng COD giảm từ 1,08 - 2,64 lần tại 8/9 vị trí quan trắc). So với Quy chuẩn về nước thải công nghiệp QCVN 40:2011/BTNMT (Cột B), hàm lượng BOD5 vượt từ 1,29 - 4,92 lần tại 4/9 vị trí quan trắc, hàm lượng COD vượt từ 1,39 - 2,65 lần tại 2/9 vị trí, hàm lượng kim loại sắt (Fe) vượt từ 6,07 - 39,35 lần tại 4/9 vị trí, hàm lượng vi sinh vượt nhiều lần tại tất cả các vị trí quan trắc. Chất lượng nước sau khi qua xử lý tại Trạm xử lý nước thải KCN Sóng Thần 1 và 2 đều đạt Quy chuẩn QCVN 40:2011/BNTMT tại tất cả các thời điểm quan trắc. Tuy nhiên, tại vị trí Đ9 (miệng cống xả nước chảy tràn từ hồ chứa nước) có hàm lượng các chất ô nhiễm cao hơn 2 vị trí quan trắc tại hệ thống xử lý nước thải KCN Sóng Thần 1 và 2 (hàm lượng BOD5 cao hơn từ 1,59 - 1,71 lần; hàm lượng COD cao hơn từ 1,52 - 1,77 lần). Tháng 1/2019, Sở TN&MT Bình Dương cũng đã có thông báo về “Chỉ số chất lượng nước (WQI) tại các sông và rạch trên địa bàn tỉnh Bình Dương”. Qua đó cho thấy, khu vực kênh Ba Bò tại cầu Kênh (RSG7) có chỉ số quan trắc ghi nhận nằm ở mức 47, theo thang đánh giá WQI thì đây là mức chất lượng nước kém…

    Ðể giảm thiểu ô nhiễm kênh Ba Bò, UBND TP. Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Bình Dương đã ký kết Kế hoạch liên tỉnh số 6315/KHLT-UBND ngày 12/10/2017 về tăng cường phối hợp kiểm soát và xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm trên kênh Ba Bò giai đoạn 2017 - 2018. Theo đó, Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Sở TN&MT tỉnh Bình Dương rà soát lại các tuyến thoát nước của KCN Sóng Thần I và II; tiếp tục quan trắc chất lượng nước kênh tại các vị trí tiếp nhận nước thải sau hệ thống xử lý của KCN và các khu dân cư chung quanh tuyến kênh; lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục tại đầu vào, đầu ra. Đồng thời, Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh cung cấp, chia sẻ thông tin kết quả quan trắc chất lượng môi trường định kỳ trên tuyến kênh Ba Bò, số liệu quan trắc nước thải sau xử lý của KCN Sóng Thần I, Sóng Thần II, Bình Chiểu và Khu chế xuất Linh Trung I; phối hợp chặt chẽ với Sở TN&MT tỉnh Bình Dương quan trắc định kỳ (cùng thời điểm) và thường xuyên giám sát nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp xả thải gây ô nhiễm kênh. Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh đã đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng để xây bờ kè, làm đường giao thông, vách ngăn dòng chảy, nạo vét lòng kênh…

    Đặc biệt, Trạm xử lý nước thải kênh Ba Bò đã hoàn thành công tác thi công, hiện đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm. Tuy nhiên, việc vận hành thử nghiệm đang gặp một số khó khăn, Trạm không hoạt động liên tục do lượng rác thải đổ về lớn, tích tụ tại hố thu của Trạm bơm gây tắc nghẽn, nước thải có chứa hàm lượng kim loại nặng cao. Hiện Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP đang khẩn trương khắc phục, cũng như sớm hoàn tất các thủ tục nghiệm thu, cấp phép xả thải để đưa vào vận hành chính thức.

    Nhằm góp phần giải quyết triệt để ô nhiễm môi trường trên kênh Ba Bò, cũng như thực thi cam kết của hai tỉnh, thành phố tại Kế hoạch trên, UBND TP. Hồ Chí Minh đã đề xuất UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu chủ đầu tư KCN Sóng Thần 1 và 2 khẩn trương thiết kế, xây dựng 2 tuyến thoát nước độc lập mới cho từng KCN (từ nhà máy xử lý nước thải đến khu vực trạm bơm số 2 thuộc Dự án cải tạo kênh Ba Bò) và 2 trạm quan trắc nước thải tự động liên tục riêng biệt cho từng tuyến tại vị trí cuối tuyến, trước khi xả thải vào kênh Ba Bò; đồng thời, chỉ đạo Công ty CP Nước - Môi trường Bình Dương đẩy nhanh tiến độ thi công hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt của các khu dân cư dọc tuyến kênh Ba Bò. Đặc biệt, UBND TP. Hồ Chí Minh đã đề xuất thiết lập đường dây nóng giữa hai địa phương nhằm giám sát đột xuất, khắc phục kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn vào kênh.

    Đồng thời, Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở TN&MT tỉnh Bình Dương và các cơ quan, đơn vị có chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ các nguồn xả thải vào kênh Ba Bò theo Kế hoạch liên tỉnh. Cùng với đó, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố cần có giải pháp khắc phục những khó khăn, hoàn thành đưa vào vận hành chính thức Trạm xử lý nước thải kênh Ba Bò; truyền dữ liệu từ hệ thống quan trắc tự động nước thải đầu vào trước khi xử lý về cho Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh nhằm quản lý, giám sát, cũng như thông báo, phối hợp với Sở TN&MT tỉnh Bình Dương và các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra, giám sát, có các biện pháp phù hợp giải quyết, khắc phục kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm trên tuyến kênh Ba Bò.

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2019)

Ý kiến của bạn