Banner trang chủ

Phú Thọ tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường

14/12/2015

   Trong những năm qua, kinh tế của tỉnh Phú Thọ đã có bước phát triển mạnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) giai đoạn 2010 - 2015 bình quân đạt 5,77%/năm. Cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, công tác quản lý nhà nước về BVMT cũng được tỉnh quan tâm và đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, đặc biệt là trong việc phòng ngừa, kiểm soát, khắc phục ô nhiễm môi trường.

   Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã cụ thể hóa các quy định pháp luật về BVMT, đồng thời tích cực chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định về BVMT; Xây dựng, rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển phù hợp với yêu cầu về phát triển bền vững gắn với BVMT như: Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020; Quy hoạch sử dụng đất có bố trí quỹ đất cho xử lý rác thải; Quy hoạch hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn (CTR) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Bên cạnh đó, ban hành 2 Nghị quyết, 2 Chỉ thị, 4 Quyết định, 2 Chương trình về chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện các nội dung, chương trình quốc gia, quốc tế về BVMT; Hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về BVMT cũng được củng cố, hoàn thiện ở cả cấp tỉnh và cấp huyện.

   Giai đoạn 2011 - 2015, Sở TN&MT tỉnh đã thực hiện thẩm định, trình phê duyệt 224 báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và 21 đề án BVMT; Kiểm tra, trình UBND tỉnh phê duyệt, xác nhận hoàn thành các công trình, biện pháp BVMT cho 61 dự án; Phê duyệt, xác nhận hoàn thành nội dung của đề án BVMT cho 25 cơ sở; Cấp giấy xác nhận đủ điều kiện sử dụng, nhập khẩu phế liệu phục vụ sản xuất cho 8 đơn vị; Cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại cho 258 đơn vị, trong đó có 13 đơn vị đăng ký chủ nguồn thải tự xử lý chất thải nguy hại; Điều tra, thống kê các loại CTR nguy hại, CTR thông thường và thu phí BVMT đối với CTR trên địa bàn tỉnh; Phối hợp với các tỉnh Yên Bái, Hòa Bình, Tuyên Quang tìm biện pháp ngăn chặn việc xả thải xuống đầu nguồn sông, suối gây ô nhiễm môi trường liên vùng trong hoạt động sản xuất giấy và khai thác khoáng sản. Ngoài ra, tăng cường hoạt động quan trắc môi trường thông qua việc thực hiện mạng lưới quan trắc, phân tích, cảnh báo môi trường hàng năm và phối hợp với Trung tâm Quan trắc Môi trường - Tổng cục Môi trường lắp đặt, đưa vào vận hành Trạm quan trắc môi trường không khí tự động quốc gia tại Công ty xăng dầu Phú Thọ; Rà soát các điểm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh; Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng và các tổ chức chính trị - xã hội phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật về BVMT đến đông đảo nhân dân; Thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu, ứng dụng công nghệ xử lý môi trường; Khuyến khích áp dụng công nghệ sản xuất sạch đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; Tranh thủ nguồn vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế và sự đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp để triển khai các mô hình trình diễn, giảm thiểu chất thải, cải thiện môi trường… Hiện nay, nhiều đề án, mô hình BVMT đã được đưa vào áp dụng tại nhiều hộ gia đình, trang trại chăn nuôi như hầm biogas, bếp đun cải tiến tiết kiệm năng lượng…

Phú Thọ rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững gắn với BVMT

   Tuy nhiên, công tác BVMT tỉnh Phú Thọ thời gian qua vẫn còn tồn tại một số khó khăn, thách thức nhất định. Hệ thống văn bản pháp luật về BVMT thiếu đồng bộ, chưa hợp lý; Đầu tư cho xử lý môi trường đòi hỏi nguồn lực lớn trong khi nội lực ngân sách nhà nước và xã hội có hạn; Nhiều cơ sở công nghiệp được xây dựng từ lâu, áp dụng công nghệ cũ, lạc hậu, dẫn đến sản xuất kém hiệu quả, phát sinh lượng chất thải lớn trong khi chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, hoặc hệ thống xử lý chưa đảm bảo; Hầu hết các cơ sở công nghiệp nằm xen kẽ trong các khu dân cư, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, đời sống của người dân; Ý thức, trách nhiệm về BVMT của xã hội nhìn chung còn hạn chế do chạy theo lợi ích cục bộ, cá nhân; Năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý môi trường còn yếu, thiết bị kiểm soát chưa đáp ứng yêu cầu. Không những thế, nhiều doanh nghiệp khó khăn về kinh phí đầu tư hoặc chạy theo lợi nhuận nên có tư tưởng đầu tư nhằm mang lại hiệu quả kinh tế trước mắt, không tính đến việc phát triển lâu dài, bền vững, xem nhẹ trách nhiệm BVMT; Chưa triển khai được nhiều đề tài, dự án mang tính dự báo, cảnh báo, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý và kiểm soát ô nhiễm; Sự phối hợp giữa các đơn vị chức năng và cộng đồng dân cư còn nhiều bất cập, thiếu điều kiện cơ sở vật chất để triển khai các hoạt động phối hợp; Nhiệm vụ tổng hợp kinh phí, phân bổ 1% nguồn thu ngân sách tỉnh hàng năm cho sự nghiệp BVMT gặp khó khăn...

   Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Phú Thọ đang tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, ngành và các tổ chức, đoàn thể trong việc đẩy mạnh xã hội hóa công tác BVMT; Xây dựng, tiến tới nhân rộng các mô hình phù hợp trong quản lý, đầu tư sản xuất sản phẩm sạch, thu gom, xử lý rác thải; Quán triệt các quy định của Luật BVMT năm 2014 và xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Bên cạnh đó, ban hành các văn bản, chỉ tiêu, định mức cụ thể hóa Luật BVMT và các văn bản của Trung ương để áp dụng trên địa bàn tỉnh; Củng cố bộ máy, nâng cao năng lực cán bộ quản lý môi trường cả trong hệ thống bộ máy Nhà nước và các doanh nghiệp; Đầu tư trang thiết bị phục vụ cảnh báo và kiểm soát ô nhiễm môi trường; Duy trì công tác thẩm định đảm bảo chất lượng báo cáo ĐTM, kế hoạch BVMT của các dự án; Tổ chức kiểm tra việc thực hiện công tác BVMT của các chủ đầu tư theo nội dung các quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

Thanh Liêm - Thanh Tùng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11 - 2015) 

Ý kiến của bạn