Banner trang chủ

Phú Thọ: Đẩy mạnh thực hiện công tác quy hoạch, thu gom và xử lý chất thải rắn

30/09/2019

     Phú Thọ là một trong những địa phương trên cả nước có tốc độ đô thị hóa nhanh, bên cạnh những lợi ích về kinh tế, địa phương đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường do lượng rác thải rắn, rác thải sinh hoạt phát sinh chưa được thu gom, xử lý triệt để. Trước thực trạng trên, tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện công tác quy hoạch quản lý chất thải rắn (CTR), đồng thời đề ra những giải pháp nâng cao hiệu quả xử lý rác thải,  góp phần cải thiện môi trường trên địa bàn.

     Thực trạng phân loại, thu gom, xử lý CTR

     Theo Báo cáo của UBND tỉnh Phú Thọ với Đoàn kiểm tra của Bộ TN&MT thực hiện Quyết định số 1330/QĐ-BTNMT ngày 29/5/2019 về công tác quản lý CTR trên địa bàn, tỉnh đã phê duyệt Quyết định số 2032/QĐ-UBND về Quy hoạch hệ thống thu gom và xử lý CTR trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến 2030 (ngày 17/6/2011), sau đó được điều chỉnh tại Quyết định số 3360/QĐ-UBND (ngày 14/12/2016). Theo điều chỉnh Quy hoạch, đến năm 2030 tỉnh Phú Thọ sẽ xây dựng 2 khu xử lý tập trung quy mô vùng tại xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh và xã Thọ Văn, huyện Tam Nông (hiện đã dừng đầu tư hạ tầng khu xử lý chất thải tập trung tại xã Thọ Văn, huyện Tam Nông); Thiết lập 8 trạm trung chuyển CTR tại 7 huyện (Đoan Hùng, Hạ Hòa, Yên Lập, Cẩm Khê (2 trạm), Thanh Sơn, Thanh Thủy và Tân Sơn) để thu gom CTR; Xây dựng 9 điểm xử lý rác thải sinh hoạt tại các huyện (Phù Ninh, Việt Trì, Đoan Hùng, Hạ Hòa, Yên Lập, Cẩm Khê, Thanh Sơn, Thanh Thủy và Tân Sơn) đến khi khu xử lý tập trung của tỉnh hoàn thành và đi vào hoạt động.

     Sau 8 năm thực hiện Quy hoạch, đến nay tỉnh Phú Thọ đã xác định và hình thành mạng lưới thu gom, vận chuyển đảm bảo cự ly vận chuyển hợp lý từ nguồn phát sinh đến nơi xử lý; xác lập được các điểm tập trung CTR, khu liên hợp xử lý CTR, thiết bị xử lý (11 lò đốt, hiện nay còn 7 lò đang hoạt động); cải tạo, nâng cấp Nhà máy xử lý CTR Vân Phú tại TP. Việt Trì duy trì xử lý rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tỉnh đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu liên hợp xử lý chất thải tại Trạm Thản, huyện Phù Ninh và thu hút nhà đầu tư thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, phát điện có công suất 500 tấn/ngày đêm (đã bàn giao mặt bằng, đang trình Bộ Xây dựng thẩm định và Bộ TN&MT thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường). Nhà máy sẽ xử lý, tái sử dụng rác thải như một nguồn tài nguyên để thu hồi năng lượng phát điện, góp phần giảm áp lực thiếu chỗ chôn lấp rác thải hiện nay. Ngoài ra, tỉnh cũng đầu tư xây dựng ô chôn lấp rác thải trơ phát sinh tại Nhà máy chế biến phế thải đô thị Việt Trì tại Trạm Thản, huyện Phù Ninh...

     Về công tác thu gom, xử lý CTR sinh hoạt, hiện lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 700 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị 300 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom đạt 95,5%; khu vực nông thôn khoảng 400 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom khoảng 65 %, với lượng và thành phần đa dạng. Đối với các đô thị, việc thu gom, vận chuyển do Công ty môi trường đô thị và các ban quản lý công trình công cộng thực hiện (loại hình công ích), phương thức thu gom từ các khu vực xóm, ngõ ra điểm tập kết và sau đó vận chuyển bằng xe chuyên dụng về nơi xử lý. Chi phí cho việc thu gom, vận chuyển được các đơn vị thu theo đơn giá của tỉnh. Theo đó, rác thải tại TP. Việt Trì, thị xã Phú Thọ và các thị trấn Phong Châu, Đoan Hùng, Lâm Thao và Hùng Sơn được thu gom, vận chuyển về Nhà máy chế biến phế thải đô thị Việt Trì xử lý. Tại đây, rác hữu cơ được chế biến thành phân compost theo công nghệ hiếu khí phục vụ cho việc phát triển nông lâm nghiệp; rác thải tái chế được phân loại làm nguyên liệu; rác thải trơ được đem chôn lấp; Gạch đá, sạn sỏi, thủy tinh xử lý nghiền sàng theo công nghệ hóa rắn sản phẩm thu hồi gạch không nung phục vụ cho xây dựng… Đối với khu vực nông thôn, rác thải được thu gom thông qua các hợp tác xã (HTX), tổ dịch vụ vệ sinh môi trường hoặc ban quản lý công trình công cộng. Chất thải được vận chuyển, xử lý bằng các lò đốt, bãi rác tạm hoặc vận chuyển về Nhà máy chế biến phế thải đô thị Việt Trì. Với hình thức xử lý rác thải bằng phương pháp đốt, khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh đã được trang bị 6 lò đốt để xử lý rác thải sinh hoạt phát sinh đặt tại các xã Vô Tranh (Hạ Hòa), Ngọc Lập (Yên Lập), Hoàng Xá (Thanh Thủy), Phú Lộc (Phù Ninh), Hương Nộn (Tam Nông) và xã Đỗ Sơn (Thanh Ba).

 

Nhân viên thu gom rác trên địa bàn TP. Việt Trì (Phú Thọ) vận chuyển rác thải sinh hoạt về điểm tập kết, xử lý rác thải tập trung

 

     Để phục vụ công tác xử lý chất thải rắn, việc đầu tư trang thiết bị cũng được tỉnh quan tâm, hiện nay, 13 huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh đã trang bị được 26 xe ép rác (loại từ 2,5 - 7 tấn); 29 xe ô tô (loại từ 1,5 - 7 tấn); 26 xe công nông; 1.228 xe đẩy tay và các phương tiện thô sơ khác cho 2 Công ty môi trường đô thị, 1 Trung tâm, 7 Ban quản lý công trình công cộng, 29 HTX và 92 tổ, đội vệ sinh môi trường thực hiện nhiệm vụ thu gom, vận chuyển rác thải.

     Với những nỗ lực của các ban, ngành trong tỉnh, công tác quản lý, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên, vẫn còn những vướng mắc như: Do số lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ngày càng tăng và đa dạng chủng loại nên gây khó khăn cho công tác xử lý. Hiện Nhà máy xử lý phế thải đô thị Việt Trì đang hoạt động quá tải, với lượng rác thải phải tiếp nhận hàng ngày 250 - 260 tấn /ngày trong khi công suất thiết kế là 60 tấn/ngày; bãi chôn lấp chất thải trơ của Nhà máy không còn khả năng đáp ứng.

     Trong khi đó, công tác phân loại, thu gom, vận chuyển rác thải chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số khu dân cư mặc dù đã thực hiện công tác phân loại rác thải nhưng việc phân loại tại nguồn chưa triệt để. Bước đầu trên địa bàn tỉnh đã hình thành mạng lưới, tổ dịch vụ vệ sinh môi trường nhưng còn mang tính tự phát, chưa có mô hình thống nhất để giao trách nhiệm trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải… Bên cạnh đó, một số nơi, sự đồng thuận của người dân chưa cao, còn nặng tâm lý không muốn cơ sở xử lý, trạm trung chuyển ở địa phương mình dẫn đến khó khăn trong công tác quy hoạch, lựa chọn vị trí. Ngoài ra, các lò đốt rác thải sinh hoạt tại một số huyện chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu kỹ thuật cơ bản đối với lò đốt chất thải sinh hoạt được quy định tại QCVN 61-MT:2016/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt CTR sinh hoạt) tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường khu vực xung quanh, đặc biệt là mùi và khí thải. Hình thức chôn lấp không hợp vệ sinh đang diễn ra phổ biến trên địa bàn các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, nguồn lực đầu tư phục vụ việc thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt cho khu vực này còn hạn chế.

     Tăng cường đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng về CTR

     Để tăng cường công tác quản lý CTR trên địa bàn, UBND tỉnh Phú Thọ đã xây dựng “Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020”. Theo đó, mục tiêu của Đề án nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư và hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thu gom xử lý rác thải, cải thiện môi trường; hoàn chỉnh mạng lưới phân loại, thu gom rác thải tại nguồn phù hợp với điều kiện của tỉnh; xây dựng, hoàn chỉnh mạng lưới và tăng cường trang thiết bị cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải cho các khu dân cư, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo hướng giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng các loại rác thải, hạn chế chôn lấp, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đề án cũng đưa ra mục tiêu cụ thể đối với giai đoạn 2019 - 2020, duy trì công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải tại 313 khu dân cư ở đô thị và 854 khu dân cư tập trung ở nông thôn…

     Nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách và thực hiện mục tiêu trên, tỉnh đã đề ra một số giải pháp, như:

     Thứ nhất, rà soát, điều chỉnh quy hoạch các điểm tập trung CTR sinh hoạt trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã; lồng ghép với kế hoạch xây dựng nông thôn mới, đảm bảo phù hợp với thực tế ở từng địa phương. Phấn đấu sớm hoàn thành xây dựng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, phát điện (giai đoạn I) tại xã Trạm Thản để xử lý rác thải sinh hoạt phát sinh trong toàn tỉnh.

     Thứ hai, phát huy vai trò trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp và nhân dân trong công tác xã hội hóa về BVMT. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thu gom, vận chuyển thông qua việc thành lập các tổ, đội vệ sinh trên địa bàn các xã, thị trấn kết hợp với việc hướng dẫn người dân thực hiện tốt công tác phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn. Đẩy mạnh công tác đôn đốc, kiểm tra hiệu quả việc triển khai thực hiện các mô hình thu gom, xử lý CTR sinh hoạt trên địa bàn, kịp thời sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm để nhân rộng.

     Thứ ba, tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn về đầu tư cho công tác BVMT và thu gom rác thải; Ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các lực lượng xã hội tham gia vào lĩnh vực xử lý rác thải; Đổi mới công tác vận động xúc tiến đầu tư cho công tác xử lý CTR; Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực quản lý CTR ngay từ bước lập quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng và mua sắm thiết bị phân loại, thu gom, vận chuyển CTR; tìm kiếm các đối tác nước ngoài trong việc xây dựng một số nhà máy tái chế chất thải thành điện theo phương thức BOT hoặc hình thức 100% vốn nước ngoài.

     Thứ tư, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật về công nghệ xử lý rác thải; Ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các lực lượng xã hội tham gia vào lĩnh vực xử lý rác thải; Tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác vận động xúc tiến đầu tư cho công tác xử lý CTR; Xây dựng kế hoạch và ưu tiên phân bổ hợp lý nguồn vốn ngân sách, nguồn vay dài hạn với lãi suất ưu đãi, vốn ODA và các nguồn vốn khác để đầu tư cho công tác thu gom, xử lý CTR tại địa phương.

     Thứ năm, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTR; nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp và hộ gia đình trong công tác BVMT.

 

N. Trang - C. Loan

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 8/2019)

 

 

 

Ý kiến của bạn