Banner trang chủ

Phát triển đô thị thông minh bền vững tại Việt Nam

02/10/2018

     Phát triển đô thị (PTĐT) thông minh đã và đang trở thành mối quan tâm chung của các quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam bởi những lợi ích cụ thể trong việc cải thiện hiệu lực, hiệu quả quản trị đô thị và nâng cao chất lượng của các đô thị.

     Xu hướng PTĐT thông minh

     Với vai trò quan trọng của các đô thị trong nền kinh tế toàn cầu, sự gia tăng cạnh tranh trong thu hút nguồn lực phát triển, cũng như yêu cầu hợp tác trong ứng phó với những biến động khó dự báo của điều kiện khí hậu tự nhiên, tình hình chính trị khu vực và thế giới, việc phát triển và ứng dụng đô thị thông minh đang được ưu tiên cao trong chương trình nghị sự của các tổ chức quốc tế, khu vực.

     Việt Nam hiện có những điều kiện thuận lợi để thực hiện mục tiêu PTĐT thông minh. Cụ thể, công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng và PTĐT đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, các ngành kinh tế - xã hội (KT-XH) trong lĩnh vực xây dựng, PTĐT đã và đang lớn mạnh. Sự phát triển hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) truyền thông tại Việt Nam đạt được nhiều kết quả tích cực, khả năng tiếp cận các dịch vụ CNTT đứng thứ 3/139 nước, giá dịch vụ Internet băng thông rộng thấp nhất thế giới. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp CNTT, truyền thông lớn mạnh, có vị thế quốc tế như VNPT, FPT, Viettel. Bên cạnh đó, chủ trương đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử đã được triển khai rộng khắp trên toàn quốc, các cấp/ngành và nhiều đô thị trên cả nước cũng rất quan tâm nghiên cứu, ứng dụng đô thị thông minh vào thực tiễn phát triển của địa phương.

 

TP. Hồ Chí Minh phấn đấu trở thành đô thị thông minh đầu tiên trên cả nước vào năm 2020

 

     Song song với những điều kiện thuận lợi quốc tế và trong nước, thực tế PTĐT nói chung và PTĐT thông minh nói riêng đang có những khó khăn, bất cập. Các cách tiếp cận và phương pháp truyền thống trong quản lý, PTĐT đã bộc lộ những hạn chế, đòi hỏi phải có sự đổi mới, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đột phá áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ đặc biệt là CNTT truyền thông trong quy hoạch, đầu tư xây dựng và PTĐT. Theo xu hướng phát triển của đô thị đương đại và bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, xây dựng và PTĐT thông minh tại Việt Nam phải hướng đến những giá trị toàn cầu chung, đó là những mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

     Thống nhất trong sự đa dạng và sáng tạo

     Hiện nay, đã có hơn 20/63 tỉnh/TP  trên cả nước xây dựng đề án, kế hoạch tổng thể PTĐT thông minh. Các Bộ, ngành cũng đang khẩn trương thúc đẩy phát triển ứng dụng CNTT thông minh trong từng lĩnh vực chuyên ngành như cung cấp dịch vụ y tế, quản lý dân cư, tài chính thông minh... Tuy nhiên, nhận thức của toàn xã hội về PTĐT thông minh, cũng như cách tiếp cận của các đề án tại các địa phương cũng có nhiều sự khác biệt, thiếu vắng những nền tảng chung. Xu thế chủ yếu đang chú trọng việc áp dụng các phần mềm ứng dụng, chưa có sự chú trọng đối với việc hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng công nghệ thông tin ICT, xây dựng nền tảng hệ thống hạ tầng dữ liệu không gian đô thị trên cơ sở quy hoạch đô thị thống nhất.

     Trên cơ sở nhận thức chung về PTĐT thông minh bền vững; từ tổng kết kinh nghiệm và xu hướng của thế giới; đánh giá tình hình thực trạng PTĐT thông minh ở Việt Nam… ngày 1/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg phê duyệt Đề án PTĐT thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

     Đề án PTĐT thông minh xác định nguyên tắc, cũng như mục tiêu tổng quát là hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống; đồng thời đảm bảo tạo điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân, người dân tham gia hiệu quả nghiên cứu, đầu tư xây dựng, quản lý PTĐT thông minh; hạn chế các rủi ro và nguy cơ tiềm năng; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và các dịch vụ đô thị; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, hội nhập quốc tế. Các mục tiêu cụ thể được xác định rõ theo từng giai đoạn, đến năm 2020, đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

 

 

     Đề án đã xác định 10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu có tính liên ngành tập trung vào nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý; các nhiệm vụ triển khai 4 nội dung cơ bản của PTĐT thông minh bền vững; xây dựng tiêu chuẩn quy chuẩn, tiềm lực PTĐT thông minh; giải pháp về tài chính, hợp tác quốc tế và tuyên truyền. Thực hiện Đề án sẽ huy động và phát huy tổng hợp nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế trong xã hội. Bên cạnh đó, Đề án cũng đã xác định 7 nhóm nhiệm vụ ưu tiên đối với các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương để triển khai thực hiện kèm theo lộ trình, phân công thực hiện.

     Trong giai đoạn 2018 - 2025, PTĐT thông minh ở Việt Nam cần ưu tiên xây dựng các nội dung: Quy hoạch đô thị thông minh; Xây dựng và quản lý đô thị thông minh; Cung cấp các tiện ích đô thị thông minh cho các tổ chức, cá nhân trong đô thị. Với cơ sở nền tảng là hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và hệ thống hạ tầng ICT, trong đó bao gồm cơ sở dữ liệu không gian đô thị thông minh được kết nối liên thông và hệ thống tích hợp hai hệ thống trên.

     Cần sự nỗ lực đồng bộ

     Để có thể thực hiện thành công mục tiêu PTĐT thông minh bền vững Việt Nam, tạo sự chuyển biến quan trọng mô hình tăng trưởng KT-XH của các đô thị trong kỷ nguyên mới, PTĐT thông minh bền vững Việt Nam rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan ban/ ngành quản lý nhà nước ở Trung ương; sự chủ động sáng tạo của chính quyền các địa phương; ủng hộ và tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, trao đổi đối thoại chính sách để tháo gỡ các rào cản vướng mắc; tích cực đẩy mạnh nghiên cứu sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực của các cơ quan nghiên cứu, các cơ sở đào tạo; hỗ trợ và hợp tác của các cơ quan tổ chức quốc tế; đặc biệt là sự quan tâm và tham gia của cộng đồng dân cư đô thị.

     Việc sử dụng các giải pháp khoa học, công nghệ thông tin truyền thông, các ứng dụng kỹ thuật số, ứng dụng công cụ tự động hay trí tuệ nhân tạo trong đô thị, đều hướng tới một mục tiêu chung, đó là, PTĐT hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời đảm bảo tạo điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân, người dân tham gia nghiên cứu, đầu tư xây dựng, quản lý PTĐT thông minh. Đồng thời, hạn chế các rủi ro và nguy cơ tiềm năng; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và các dịch vụ đô thị; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, hội nhập quốc tế. Đây cũng là mục tiêu tổng quát mà Đề án đã đề ra.

 

TS. KTS. Trần Ngọc Linh, ThS. Lê Hoàng Trung, ThS. Bùi Minh Anh

Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 9/2018)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn