Banner trang chủ

Phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030

28/08/2018

    Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về phát triển bền vững (PTBV) được tổ chức tại Rio de Janeiro năm 2012 đã khẳng định, sự chuyển dịch theo hướng tăng trưởng xanh (TTX) là chìa khóa để PTBV và thịnh vượng. Đô thị TTX là sự phát triển kinh tế thông qua các chính sách và hoạt động đô thị làm giảm tác động có ảnh hưởng bất lợi đối với môi trường cũng như các nguồn tài nguyên thiên nhiên...

Tăng trưởng xanh - “Chìa khóa” phát triển bền vững

    Trong xu thế phát triển hiện tại, để thực hiện các mục tiêu TTX, hệ thống các đô thị đóng một vai trò có ý nghĩa then chốt. Khu vực đô thị ngày càng đóng góp tỷ trọng lớn hơn trong tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu. Bên cạnh đó, quá trình phi tập trung hóa chu trình sản xuất càng thúc đẩy sự tham gia của các nước đang phát triển trong chuỗi giá trị toàn cầu. Có thể nói, các hoạt động diễn ra tại khu vực đô thị đang định hình thế giới của chúng ta.

    Sau hơn 30 năm thực hiện chính sách đổi mới, hệ thống đô thị Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng cũng như chất lượng. Đến nay trên cả nước đã có hơn 800 đô thị. Mặc dù tỷ lệ đô thị hóa mới đạt hơn 36,6% năm 2016 nhưng mỗi năm hệ thống các đô thị đóng góp hơn 70% GDP, chỉ tính riêng 5 đô thị trực thuộc Trung ương đã đóng góp hơn 52% GDP toàn quốc. Các chỉ số về thu ngân sách của các vùng tỉnh và các đô thị lớn cho thấy, tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị đạt trung bình từ 12 - 15%, cao gấp 1,5 - 2 lần so với mặt bằng chung trong cả nước. Các đô thị đã đóng góp một phần quan trọng giải quyết nhu cầu công ăn việc làm, phúc lợi xã hội cũng như tạo ra đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển khoa học công nghệ.

     Tuy nhiên, nhìn từ góc độ phát triển đô thị TTX, hệ thống đô thị Việt Nam vẫn tồn tại những vấn đề cần được chú trọng giải quyết, bao gồm: (i) Mô hình tăng trưởng của các đô thị chưa đa dạng, phụ thuộc vào khai thác tài nguyên và có nguy cơ rơi vào mô hình tăng trưởng thiếu bền vững, cần phải chi trả lượng lớn kinh phí, nguồn lực, cơ hội để khắc phục; phụ thuộc vào việc khai thác tài nguyên, khi bị cạn kiệt sẽ xẩy ra tranh chấp, bất ổn; năng lực dự trữ và tầm nhìn dài hạn còn hạn chế; (ii) Thực trạng sử dụng tài nguyên đất đai chưa hiệu quả, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu, kết nối giao thông giữa các khu vực đô thị còn yếu làm gia tăng chi phí logistic, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, khói, bụi phổ biến ở các đô thị lớn; (iii) Đầu tư cho các vấn đề cấp bách về hạ tầng kỹ thuật chưa được các đô thị ưu tiên giải quyết triệt để, đồng bộ dẫn đến các hệ quả về lâu dài. Các nỗ lực giải quyết chưa thực sự có sự liên kết hệ thống, còn riêng biệt theo ngành. Ngoài ra, các đô thị Việt Nam còn đang phải đối mặt với những tác động và ảnh hưởng của tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), đòi hỏi các đô thị với vai trò là hạt nhân kinh tế của các vùng miền cần đảm bảo khả năng chống chịu và tăng trưởng bền vững.

 

Khu đô thị xanh Ecopark (Hưng Yên)

 

     Cùng với nhận thức chung toàn cầu về vai trò của TTX, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược TTX quốc gia. Tiếp đó, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch hành động quốc gia về TTX giai đoạn 2012 - 2020. Đây là những chỉ đạo định hướng có tính chất tạo cơ sở nền tảng quan trọng để các lĩnh vực kinh tế - xã hội (KT-XH), chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng TTX. Lĩnh vực đô thị với vai trò là động lực tăng trưởng KT-XH của quốc gia thuộc nhóm ưu tiên cao trong các hành động của Kế hoạch.

     Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các đối tác triển khai các hoạt động nghiên cứu, điều tra khảo sát trong nước, đúc kết các bài học kinh nghiệm quốc tế để hệ thống hóa và lựa chọn các nhiệm vụ ưu tiên cần tập trung triển khai thực hiện. Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu đó, Thủ tướng Chính phủ đã xem xét và quyết định ban hành “Kế hoạch phát triển đô thị TTX Việt Nam đến năm 2030” tại Quyết định số 84/QĐ-TTg ngày 19/1/2018.

Thúc đẩy các mục tiêu TTX trong lĩnh vực phát triển đô thị

    Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch là tạo lập và phát triển đô thị TTX ở Việt Nam nhằm thúc đẩy chuyển dịch mô hình tăng trưởng kinh tế đô thị theo hướng TTX, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo phát triển kinh tế khu vực đô thị nhanh, hiệu quả, bền vững, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Đồng thời, nâng cao năng lực chống chịu ứng phó BĐKH của hệ thống các đô thị, đóng góp cho cam kết quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính.

     Đây là quyết tâm lớn của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu của Chiến lược TTX trong lĩnh vực phát triển đô thị. Kế hoạch xác định các mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn từ nay đến năm 2020 - 2025 và năm 2030. Các nhóm hành động ưu tiên của Kế hoạch tập trung theo ba chủ đề chính: Rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị và chương trình phát triển đô thị theo hướng TTX và ứng phó với BĐKH; Lập kế hoạch huy động nguồn lực, ứng dụng khoa học công nghệ và đầu tư xây dựng phát triển đô thị TTX hàng năm và theo giai đoạn; Quản lý phát triển đô thị TTX. Kế hoạch cũng đã lựa chọn danh sách 23 đô thị để ưu tiên triển khai thực hiện thí điểm phát triển đô thị TTX, làm cơ sở để rút kinh nghiệm và tổ chức nhân rộng.

    Kinh phí thực hiện Kế hoạch được huy động từ các nguồn vốn tài trợ quốc tế và trong nước, vốn vay ODA, doanh nghiệp, ngân sách nhà nước và huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

     Theo đó, Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ là cơ quan đầu mối, phối hợp các Bộ/ngành, địa phương, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), các Hội chuyên ngành tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng sẽ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch tại các địa phương; phối hợp vận động các nguồn lực trong nước và quốc tế hỗ trợ các địa phương tổ chức thực hiện Kế hoạch; đề xuất cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích, huy động nguồn lực xã hội để triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong Kế hoạch.

     Ngoài ra, các Bộ/ngành, địa phương chủ động phối hợp với Bộ Xây dựng, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được phân công tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012, Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ và các nhiệm vụ có liên quan tại Quyết định này; định kỳ gửi báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 31/10 hàng năm về Bộ Xây dựng để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

     VCCI Chủ trì, phối hợp Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch; định kỳ tổ chức đối thoại doanh nghiệp, đề xuất các cơ chế chính sách để khuyến khích, thu hút và phát triển thị trường về phát triển đô thị TTX.

     UBND các tỉnh/TP trực thuộc Trung ương căn cứ thực tế tình hình phát triển đô thị của địa phương, chỉ đạo lập kế hoạch thực hiện phát triển đô thị TTX trên địa bàn, lồng ghép trong Kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương; rà soát Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh và Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về phát triển đô thị TTX, ứng phó BĐKH; xây dựng, tổ chức thẩm định, phê duyệt, bố trí ngân sách, huy động các nguồn vốn hỗ trợ, tài trợ và các nguồn vốn hợp pháp khác theo phân cấp và quy định pháp luật hiện hành để triển khai thực hiện Kế hoạch.

     Xây dựng đô thị TTX là một sự chuyển dịch căn bản trong tư duy hệ thống về tăng trưởng đô thị. Các đô thị Việt Nam hiện còn nhiều tồn tại, bất cập nhưng cũng đang đứng trước những cơ hội phát triển mới để thực hiện thành công mục tiêu TTX. Với tỷ lệ đô thị vừa và nhỏ chiếm trên 78% tổng số đô thị toàn quốc, đây là cơ hội để lựa chọn mô hình tăng trưởng hợp lý ngay từ giai đoạn đầu của quá trình phát triển. Bên cạnh sự quan tâm, nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực TTX cũng như những hỗ trợ kỹ thuật và tài chính dành cho Việt Nam, sự chuyển biến tích cực của thị trường xây dựng, bất động sản theo hướng thân thiện môi trường, phát triển công trình xanh… là điều triển để triển khai đô thị xanh.

     Có thể nói, Kế hoạch phát triển đô thị TTX Việt Nam đến năm 2030 với những hành động cụ thể, thiết thực cùng lộ trình phù hợp chắc chắn sẽ đóng góp một phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu Chiến lược TTX quốc gia.

 

TS. Trần Quốc Thái - Phó Cục trưởng

TS. Trần Ngọc Linh, ThS. Trần Quang Hiệp

Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tăng trưởng xanh năm 2018)

Ý kiến của bạn