Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 18/07/2024

Ninh Bình tập trung thực hiện du lịch xanh gắn với bảo tồn đa dạng sinh học

12/09/2016

Phó Giám đốc Sở TN&MT Ninh Bình Lê Khắc Khoa

   Là vùng đất có bề dày văn hóa - lịch sử - tâm linh và sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, di sản nổi tiếng thế giới, Ninh Bình đã xây dựng chiến lược phát triển kinh tế bền vững theo hướng du lịch xanh gắn với bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH), BVMT, tài nguyên thiên nhiên. Đó là những chia sẻ của Phó Giám đốc Sở TN&MT Ninh Bình Lê Khắc Khoa với Tạp chí Môi trường về những giải pháp trong công tác BVMT trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

   Xin ông cho biết đôi nét về công tác quản lý môi trường tại các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh hiện nay?

   Ông Lê Khắc Khoa: Những năm qua, tại Ninh Bình, các KCN đã phát triển với tốc độ nhanh, tỷ lệ lấp đầy cao thu hút nhiều dự án quy mô lớn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 7 KCN, trong đó có 4 KCN đã đi vào hoạt động, gồm: Gián Khẩu, Tam Điệp giai đoạn I, Phúc Sơn và Khánh Phú, thu hút được 69 dự án. Hàng năm, các doanh nghiệp (DN) nộp ngân sách từ 700 - 900 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 26.500 lao động với thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, cùng với tốc độ phát triển công nghiệp nhanh chóng đã tạo ra nhiều thách thức cho công tác BVMT trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, mới có KCN Khánh Phú đã xây dựng Nhà máy xử lý nước thải (XLNT) tập trung giai đoạn I do Công ty TNHH Thành Nam làm chủ đầu tư; KCN Gián Khẩu đang trong quá trình hoàn thiện Nhà máy XLNT tập trung; 2 KCN Phúc Sơn và Tam Điệp giai đoạn I chưa có hệ thống XLNT tập trung. Đối với các DN trong KCN chưa có hệ thống XLNT phải tự xử lý nước thải theo cấp độ A của Quy chuẩn 40:2011/BTNMT về nước thải công nghiệp rồi thải ra môi trường.

   Để tập trung triển khai công tác quản lý môi trường, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với các KCN trên địa bàn tỉnh tại Quyết định số 03/2013/QĐ-UBND ngày 17/1/2013, trong đó giao Ban quản lý các KCN tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với các KCN. Mọi hoạt động quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng đối với DN trong KCN đều phải thông báo với Ban quản lý các KCN tỉnh.

   Theo Quyết định số 03/2013/QĐ-UBND Sở TN&MT được giao chủ trì, phối hợp với Ban quản lý kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về quản lý và BVMT trong KCN. Đối với công tác BVMT tại các CCN, UBND tỉnh đã giao Sở Công Thương là cơ quan đầu mối, giúp UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước.

Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới quần thể danh thắng Tràng An, Nình Bình

   Để giải quyết hài hòa bài toán tăng trưởng kinh tế và BVMT, Ninh Bình có những giải pháp quan trọng gì, thưa ông?

   Ông Lê Khắc Khoa: Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành: Quyết định số 1355/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh mục các dự án ưu tiên thu hút và kêu gọi đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh Ninh Bình; Kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực BVMT; Kế hoạch thực hiện Quyết định số 582/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020; Kế hoạch thực hiện Đề án tổng thể BVMT lưu vực sông (LVS) Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020...

   Hàng năm, Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các Sở, ban/ngành, UBND các huyện tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về BVMT đến tổ chức, cá nhân trong các ngày lễ, sự kiện về môi trường như Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường; Ngày Môi trường thế giới; Ngày Quốc tế ĐDSH; Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn, Ngày Đất ngập nước thế giới... Đồng thời, mở các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực về quản lý, BVMT cho cán bộ, sơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

   Ngoài ra, tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ban/ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về BVMT đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh có phát sinh chất thải, khí thải. Đối với DN vi phạm pháp luật về môi trường, tỉnh áp dụng các chế tài xử phạt và đề nghị tạm dừng sản xuất để khắc phục ô nhiễm môi trường.

   Tỉnh cũng huy động xã hội hóa, tạo sức mạnh của DN, cộng đồng tham gia BVMT; kêu gọi các nguồn lực quốc tế hợp tác, hỗ trợ khắc phục, xử lý ô nhiễm môi trường; đầu tư trang thiết bị quan trắc, máy móc, phương tiện để cảnh báo sự cố; đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý môi trường.

   Hiện tại, tỉnh Ninh Bình gặp những khó khăn, vướng mắc gì trong việc triển khai Đề án BVMT LVS Nhuệ - sông Đáy thưa ông?

   Ông Lê Khắc Khoa: Thời gian qua, công tác BVMT LVS đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình quan tâm chỉ đạo thực hiện, tập trung giải quyết những vấn đề môi trường bức xúc, tạo bước chuyển biến trong công tác phòng ngừa, khắc phục ô nhiễm môi trường LVS. Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác BVMT LVS Nhuệ - sông Đáy: Nghị quyết số 6-NQ/TU của Tỉnh ủy về BVMT giai đoạn 2012 - 2015, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 2/NQ-HĐND của HĐND tỉnh thông qua Đề án kiểm soát ô nhiễm và BVMT giai đoạn 2012 -2015; triển khai kế hoạch BVMT LVS Nhuệ - sông Đáy; xác định rõ các nguồn thải chính trong LVS tại địa phương...

   Tuy nhiên, hiện nay, kinh phí để triển khai thực hiện những nội dung, nhiệm vụ cụ thể trong Đề án gặp nhiều khó khăn do nguồn ngân sách của tỉnh chi cho công tác BVMT còn hạn chế, trong khi nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương không có. Một số DN còn xem nhẹ việc tuân thủ pháp luật về BVMT.

   Hiện tại, Sở TN&MT chưa được giao nhiệm vụ là đầu mối thực hiện tổng hợp dự toán chi sự nghiệp môi trường của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh để gửi Sở Tài chính xem xét theo Thông tư liên tịch số 45/2010/TT-BTNMT-BTC của Bộ TN&MT và Bộ Tài chính về hướng dẫn quản lý kinh phí sự nghiệp môi trường.

   Trong khi đó, việc đầu tư cho công tác quản lý môi trường còn hạn chế, đặc biệt là các nhiệm vụ điều tra cơ bản môi trường, quan trắc môi trường. Cán bộ quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường tại Sở, Ban quản lý các KCN... còn mỏng, trong khi nhiệm vụ BVMT ngày càng nhiều.

   Mặt khác, một số DN có công nghệ lạc hậu, không đồng bộ, khó khăn trong việc cải tạo, đầu tư nâng cấp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tại Ninh Bình, việc phân loại rác tại nguồn chưa được thực hiện tốt, hầu hết các bãi rác chưa đạt quy chuẩn môi trường, dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước.

   Là một địa phương có nhiều danh thắng nổi tiếng, Ninh Bình có kế hoạch gì để phát triển du lịch bền vững, bảo tồn ĐDSH và tài nguyên thiên nhiên?

   Ông Lê Khắc Khoa: Du lịch xanh gắn khai thác với bảo tồn tính đa dạng của hệ sinh thái và các giá trị, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể là hướng đi chiến lược trong phát triển kinh tế của tỉnh Ninh Bình. Để đạt mục tiêu này, tỉnh đã ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ các di tích khảo cổ học, di sản địa chất, cảnh quan Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới quần thể danh thắng Tràng An nói chung, Quy chế phối hợp quản lý tài nguyên, BVMT Di sản này nói riêng. Đồng thời, tỉnh xây dựng Quy hoạch bảo tồn ĐDSH đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Xây dựng Đề án kiểm soát ô nhiễm và BVMT giai đoạn 2016 - 2020.

   Hiện tại, Ninh Bình ưu tiên thu hút các dự án xanh, thân thiện với môi trường, không tiếp nhận các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm như các nhà máy sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm của khách sạn, nhà hàng, hãng du lịch lữ hành vi phạm pháp luật về môi trường. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung nguồn lực phát triển du lịch thông qua việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của mỗi khu vực theo hướng đa dạng văn hóa, khai thác lợi thế của các khu vực; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch; gắn kết giữa quản lý du lịch và bảo vệ TN&MT, BVMT sinh thái, chấn chỉnh các hoạt động dịch vụ gây ô nhiễm môi trường tại các khu, điểm du lịch, tạo hình ảnh thân thiện, văn minh cho du lịch Ninh Bình.

                P. Tâm (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8/2016)

Ý kiến của bạn