Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 22/11/2024

Những vấn đề đặt ra về thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu đối với Việt Nam

02/12/2013

 

GS. TS. Trần Thục

Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường

 

     1. Tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đối với Việt Nam

     BĐKH tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường trên phạm vi toàn thế giới, làm thay đổi sâu sắc quá trình phát triển và an ninh toàn cầu như lương thực, nước, năng lượng; các vấn đề về an toàn xã hội, văn hóa, ngoại giao và thương mại.

     Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị tác động mạnh mẽ nhất bởi BĐKH, đặc biệt, đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương bởi nước biển dâng.

     Trong những năm qua, do ảnh hưởng của BĐKH, tần suất và cường độ thiên tai ngày càng gia tăng, gây ra nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, các cơ sở hạ tầng và tác động xấu đến môi trường. Tác động của BĐKH đối với Việt Nam là rất nghiêm trọng, là nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước.

     BĐKH có tác động tiêu cực, tuy nhiên cũng mang lại một số cơ hội cho phát triển bền vững ở Việt Nam. Hiện nay, tại các nước đang phát triển, mô hình phát triển thông thường là dựa trên khai thác tài nguyên thiên nhiên gây ô nhiễm môi trường, tận dụng lao động giá rẻ, dẫn đến phát triển thiếu bền vững. BĐKH tạo cơ hội để Việt Nam thay đổi tư duy phát triển, tìm ra mô hình và phương thức phát triển theo hướng phát thải các bon thấp, bền vững.

     Việt Nam là một quốc gia có mức thu nhập trung bình, các nguồn tài trợ quốc tế cho phát triển nói chung đều hạn chế dần và thay đổi tính chất hợp tác sang phương thức hai bên cùng có lợi. BĐKH mở ra các cơ hội thúc đẩy hợp tác toàn cầu, đa phương, song phương, thông qua đó các nước đang phát triển như Việt Nam có thể tiếp nhận hỗ trợ tài chính và chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển.

     Việc tăng cường hoạt động hợp tác, hội nhập với các quốc gia, tổ chức quốc tế trong quá trình thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH và các điều ước quốc tế có liên quan sẽ nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như trên thế giới.

     2. Việt Nam ứng phó với BĐKH

     Nhận thức rõ những tác động nghiêm trọng của BĐKH đến sự phát triển bền vững của đất nước, Chính phủ Việt Nam đã sớm tham gia và phê chuẩn Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH và Nghị định thư Kyoto, đồng thời hoàn thiện các văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với BĐKH. Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH, Chiến lược quốc gia về BĐKH và Kế hoạch hành động quốc gia về BĐKH đã được phê duyệt. Ngày 3/6/2013, Hội nghị Trung ương 7 khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về Chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT. Đây là những nỗ lực quan trọng của Việt Nam trong ứng phó với BĐKH. Với sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, ứng phó với BĐKH ở Việt Nam đã đạt được một số thành công quan trọng.

     Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH, Bộ TN&MT cùng với các Bộ, ngành liên quan đã triển khai các nhiệm vụ như: Xây dựng thể chế, chính sách về BĐKH; Xây dựng các kịch bản BĐKH và nước biển dâng; Đánh giá tác động của BĐKH đối với các lĩnh vực, khu vực và xây dựng các kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH; Triển khai chương trình khoa học và công nghệ quốc gia về BĐKH.

 

Đầu tư cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu BĐKH sẽ giảm

được những chi phí rất lớn trong tương lai

 

     Công tác đàm phán, kêu gọi các nhà tài trợ quốc tế hỗ trợ Việt Nam ứng phó với BĐKH đã được đẩy mạnh và thu được kết quả khả quan. Đã triển khai các chương trình hỗ trợ của chính phủ các nước Đan Mạch, Nhật Bản, Pháp, Na Uy, Hà Lan, Canađa và các tổ chức quốc tế như UNDP, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á. Một số chương trình, dự án khác đang trong thời gian vận động, đàm phán.

     3. Đề xuất các nội dung ứng phó với BĐKH ở Việt Nam trong Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi)

     Hiện nay, chủ trương, nhiệm vụ chủ yếu và giải pháp ứng phó với BĐKH, bảo vệ TN&MT đã được Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI thông qua Nghị quyết, cho thấy sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với các vấn đề môi trường trong bối cảnh BĐKH. Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) với nội dung BVMT trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và thích ứng với BĐKH, đã quy định rõ việc lồng ghép thích ứng với BĐKH phải được thể hiện trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên nguyên tắc phát triển bền vững, hệ thống, toàn diện, có tính liên ngành, liên vùng… Trên cơ sở này, tác giả có một số đề xuất, góp ý trong ứng phó với BĐKH đối với Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi):

     Phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo thân thiện với môi trường

     Với định hướng cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, các hoạt động sản xuất và tiêu thụ năng lượng sẽ gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt là trong công nghiệp, giao thông vận tải, phát triển đô thị, làm tăng lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam. Điều này đi ngược xu thế chung của quốc tế đòi hỏi mỗi quốc gia, không phụ thuộc là nước phát triển hay đang phát triển, đều phải giảm nhẹ khí nhà kính nhằm góp phần bảo vệ hệ thống khí hậu Trái đất. Trong khi năng lượng tái tạo, năng lượng mới có mức phát thải khí nhà kính thấp nhưng đòi hỏi đầu tư lớn với giá thành cao.

     Luật BVMT năm 2005 khuyến khích phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và sản phẩm thân thiện với môi trường bằng các chính sách ưu đãi về thuế, hỗ trợ vốn, đất đai để xây dựng cơ sở sản xuất. Luật cũng quy định Chính phủ xây dựng chiến lược phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, thực hiện mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Thực hiện các quy định của Luật, trong thời gian qua, nhiều dự án tiết kiệm năng lượng và các hoạt động giảm nhẹ BĐKH đã được thực hiện có hiệu quả trên phạm vi cả nước.

     Tuy nhiên, nhận thức về BĐKH của cộng đồng còn hạn chế, mới chỉ quan tâm đến các tác động tiêu cực do BĐKH gây ra mà chưa quan tâm đúng mức tới việc chuyển đổi lối sống, mẫu hình sản xuất và tiêu thụ theo hướng các bon thấp, tăng trưởng xanh. Những thách thức đó đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực hơn nữa trong các chính sách, biện pháp tăng cường nhận thức và năng lực ứng phó với BĐKH, song song với phát triển kinh tế.

     Thích ứng với BĐKH

     Vấn đề quan trọng hàng đầu trong ứng phó với BĐKH là phải thích ứng với BĐKH, nói cách khác, thích ứng cần phải được đặt là trọng tâm. Thích ứng với BĐKH cần được lồng ghép trong quy hoạch kinh tế - xã hội ở tất cả các quy mô. Thích ứng sẽ là một quá trình liên tục trong nhiều thập kỷ với những nhu cầu riêng biệt, nhưng liên quan với nhau ở các giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Các biện pháp thích ứng được coi là cấp thiết ở cấp địa phương.

     Đầu tư cho các biện pháp thích ứng với BĐKH và cụ thể là cho những cơ sở hạ tầng (ven biển, giao thông, năng lượng, nông nghiệp) có khả năng chống chịu với cực đoan khí hậu sẽ giảm được những chi phí rất lớn trong tương lai. Việc này rất quan trọng để đánh giá các kế hoạch mở rộng các thành phố, các khu công nghiệp mới, các dịch vụ môi trường (đặc biệt là xử lý chất thải và nước thải), lựa chọn địa điểm xây dựng các cơ sở hạ tầng như cảng, đường bộ, đường sắt, hệ thống cấp thoát nước, và cơ sở hạ tầng khác trong tương lai.

     Giảm nhẹ khí nhà kính

     Giảm phát thải các bon trên một đơn vị GDP nên là hướng tiếp cận của Việt Nam. Trên thế giới đã có những nước đặt ra mục tiêu này như Trung Quốc đặt mục tiêu giảm phát thải 40 - 45% cho mỗi đơn vị GDP trong kế hoạch 5 năm lần thứ 12; Ấn Độ đặt mục tiêu giảm cường độ phát thải GDP 20 - 25% vào năm 2020 (so với mốc 2005)…

     Việt Nam cần đặt mục tiêu giảm nhẹ khí nhà kính để đảm bảo an ninh năng lượng và đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng. Chiến lược phát triển các bon thấp cần được xây dựng, đưa ra những ưu tiên rõ ràng và có một hệ thống giám sát, báo cáo tiến độ thực hiện.

     Theo số liệu năm 2000, ngành năng lượng đóng góp hơn 1/3 tổng lượng phát thải, đặc biệt là ngành điện sẽ tăng nhanh lượng phát thải. Việt Nam nên xem xét chính sách năng lượng bởi hiện đang coi than là nguồn năng lượng chính và nguồn năng lượng này sẽ phải nhập khẩu trong tương lai.

     Các hành động giảm nhẹ phù hợp với điều kiện quốc gia sẽ đóng vai trò quan trọng để nhận sự hỗ trợ tài chính và công nghệ quốc tế, như năng lượng hiệu quả, năng lượng tái tạo, và quản lý chất thải.

     Tài chính cho BĐKH

     Việt Nam cần có chiến lược đầu tư cho thích ứng và giảm nhẹ BĐKH, khuyến khích cơ chế cải cách tài chính để cạnh tranh và bảo đảm đầu tư quy mô lớn.

     Thích ứng chủ yếu do đầu tư công. Quyết định đầu tư công cần phải được sắp xếp ưu tiên theo thời gian, địa lý và từng ngành, đồng thời cải tiến việc lập kế hoạch và hỗ trợ quốc tế.

     Giảm nhẹ khí nhà kính chủ yếu do đầu tư từ các doanh nghiệp. Cần điều chỉnh các chính sách tài chính (đặc biệt là trợ cấp năng lượng và các loại thuế) và có các quy định sáng suốt để vừa ứng phó với BĐKH vừa tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.

     Phát triển các ngành kinh doanh ứng phó với BĐKH

     Thế giới đang trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tuy nhiên trong những năm gần đây đầu tư vào năng lượng tái tạo tăng đáng kể, tạo cơ hội cho các ngành kinh doanh ít các bon. Đặc biệt ở Việt Nam, một trong những nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời lớn nhất sẽ được xây dựng, tạo giá trị gia tăng và tăng cơ hội, năng lực cạnh tranh cho các ngành kinh doanh của Việt Nam cũng như sự ổn định kinh tế vĩ mô lâu dài.

     Cơ hội giảm nhẹ khí nhà kính cho các doanh nghiệp có thể đạt được thông qua nghiên cứu và triển khai (với sự hỗ trợ công và tư); Tài chính ưu đãi; Thỏa thuận tự nguyện; Công cụ thông tin; Các mục tiêu và chính sách thuế khuyến khích năng lượng tái tạo; Tăng tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng cho các thiết bị, mở rộng đào tạo các kỹ sư và kỹ thuật viên (giáo dục đại học và dạy nghề) và Quy hoạch đô thị tốt hơn để tăng khả năng chống chịu và phát thải ít các bon.

     Một ngành công nghiệp ít các bon đòi hỏi phải đo được sự phát thải, sử dụng năng lượng ở cấp cơ sở; Thực hiện các mục tiêu giảm năng lượng và kiểm toán năng lượng cho các cơ sở chính; Xây dựng được các thủ tục báo cáo sử dụng năng lượng và khí thải ở cấp cơ sở.

     Ứng phó với BĐKH tại Việt Nam đòi hỏi có sự thay đổi trong tư tưởng, chiến lược và quan điểm về BĐKH nhằm xây dựng một nền tảng phù hợp với sự thay đổi trong hệ thống kinh tế - xã hội, môi trường, khí hậu và tài nguyên thiên nhiên. Do đó, công tác nghiên cứu, dự báo trong giai đoạn tới là hết sức quan trọng, không chỉ để cung cấp thông tin và giải pháp cho công tác phòng tránh thiên tai được kịp thời, hiệu quả mà còn bảo đảm các căn cứ khoa học cho việc hoạch định chính sách lâu dài trong nước cũng như quan hệ quốc tế để thích ứng hiệu quả với các tác động tiêu cực của BĐKH, đồng thời giảm nhẹ khí nhà kính, chung tay, góp sức cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ hệ thống khí hậu Trái đất.

     4. Kết luận

     Với những tác động nghiêm trọng của sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng, vấn đề quan trọng hàng đầu trong ứng phó với BĐKH của Việt Nam là phải thích ứng, nói cách khác, thích ứng với BĐKH cần phải được đặt là trọng tâm. Giảm nhẹ khí nhà kính nên được coi là cơ hội kinh tế, xã hội và môi trường.

 

 

 

GS. TS. Trần Thục

Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường

Chuyên đề Xây dựng Luật BVMT (sửa đổi)

Ý kiến của bạn