Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 18/07/2024

Những vướng mắc, bất cập trong việc giải quyết bồi thường thiệt hại do vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường

05/10/2017

   Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế thị trường nhiều thành phần theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo đó, các hoạt động kinh tế như đầu tư, xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp được đẩy mạnh; các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế ra đời. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế là vấn đề ô nhiễm và suy thoái về môi trường. Thực tế hiện nay, một bộ phận các doanh nghiệp chỉ tập trung vào phát triển kinh tế mà chưa quan tâm tới công tác BVMT và xử lý chất thải trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Điều này dẫn đến hệ quả môi trường ngày càng ô nhiễm, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sức khỏe của người dân.

   Để ngăn chặn tình trạng này, Nhà nước đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở cho việc bồi thường thiệt hại (BTTH) do gây ô nhiễm, suy thoái môi trường. Tuy nhiên, các quy định pháp luật hiện hành về cơ chế giải quyết yêu cầu đòi BTTH trong lĩnh vực này mới chỉ ở mức chung chung, mang tính nguyên tắc nên khó áp dụng trong thực tiễn. Thực trạng giải quyết các vụ kiện đòi BTTH do hành vi gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT) trong thời gian qua cho thấy một số khó khăn, bất cập sau đây:

   BTTH đối với tính mạng, sức khỏe và tài sản của người dân do hành vi vi phạm pháp luật môi trường gây ra

   Thứ nhất, theo quy định của pháp luật, căn cứ làm phát sinh trách nhiệm BTTH do tính mạng, sức khỏe và tài sản bao gồm 4 yếu tố: Có thiệt hại xảy ra; hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật; người gây thiệt hại có lỗi hoặc không có lỗi và mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi trái pháp luật. Tuy nhiên, để chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi trái pháp luật gây ÔNMT dưới góc độ pháp lý là rất khó khăn.

   Thứ hai, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, theo quy định của pháp luật, người dân phải tự thu thập các chứng cứ về hành vi vi phạm gây ÔNMT của người gây thiệt hại và tự xác định mức độ thiệt hại của mình để khởi kiện đòi BTTH. Tuy nhiên, trên thực tế, người dân khó có thể tự thu thập được chứng cứ do không có đủ thời gian, tài chính, trang thiết bị cũng như trình độ. Điều này ảnh hưởng đến quyền khởi kiện của họ.

   Thứ ba, việc xác định giá trị và mức tính BTTH về tính mạng, tài sản là rất khó khăn, đặc biệt là mức tính BTTH về tinh thần, tính mạng bị xâm hại do hành vi gây ÔNMT tạo ra. Theo quy định tại Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự về BTTH ngoài hợp đồng, trong đó tại điểm b tiểu mục 1.1 mục 1 Phần 1 hướng dẫn xác định mức độ tổn thất về tinh thần của người bị thiệt hại. Theo đó, BTTH về tinh thần trong trường hợp sức khỏe bị xâm hại cao nhất không quá 30 tháng lương tối thiểu và BTTH về tinh thần cho người thân của người bị thiệt hại về tính mạng do ÔNMT là cao nhất không quá 60 tháng lương tối thiểu. Việc xác định mức BTTH cần phải dựa vào các căn cứ như hậu quả của hành vi xâm phạm đối với chính bản thân người bị hại. Tức là người bị hại không chỉ bị thương tích hoặc bị tổn hại nặng đến sức khỏe (chịu đau đớn về thể xác), mà còn phải chịu thiệt hại về tinh thần (thẩm mỹ, quan hệ xã hội, nghề nghiệp…). Thiệt hại tinh thần còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, độ tuổi, vị trí công việc, dung mạo… Đây cũng là những trường hợp thiệt hại về tinh thần khó có thể định lượng được.

   Thứ tư, thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về môi trường gây ra trên diện rộng và ảnh hưởng tới nhiều chủ thể bị thiệt hại. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hiện nay, người dân không có quyền được khởi kiện tập thể để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

   Thứ năm, thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản của người dân do các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường là rất đa dạng với nhiều diễn biến phức tạp, vì vậy để xác định chính xác các thiệt hại cũng như giá trị của các vụ việc là rất khó khăn. Bên cạnh đó, các quy định về xác định thiệt hại và ấn định mức BTTH trong Bộ luật Dân sự chưa cụ thể, mang tính nguyên tắc. Điều này dẫn đến tình trạng mỗi Thẩm phán hiểu và áp dụng khác nhau, cách giải quyết thiếu nhất quán, chưa có sự thống nhất, do đó quyền, lợi ích của các chủ thể chưa được đảm bảo, nhiều trường hợp người gây thiệt hại bồi thường cho người bị thiệt hại không thỏa đáng.

   Thứ sáu, hiện nay chưa có Tòa án chuyên trách về môi trường, kiến thức về lĩnh vực môi trường của các Thẩm phán có sự khác nhau nên việc xét xử các loại án này gặp nhiều khó khăn.

Việc yêu cầu BTTH do ÔNMT trên một dòng sông là rất khó khăn vì liên quan đến nhiều chủ thể gây ra và phạm vi tác động trên diện rộng

   BTTH đối với môi trường tự nhiên

   Thứ nhất, các quy định của pháp luật về BTTH đối với môi trường tự nhiên (suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường) được quy định rải rác ở các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau với hiệu lực pháp lý khác nhau nên rất khó cho các tổ chức, cá nhân trong việc tìm hiểu và áp dụng pháp luật, trong đó có nhiều quy định chưa cụ thể, cần phải có hướng dẫn mới có thể thực hiện được.

   Thứ hai, vấn đề gây ô nhiễm, suy thoái, thiệt hại cho môi trường tự nhiên do nhiều chủ thể gây ra và phạm vi tác động, gây ô nhiễm rất rộng (dòng sông, lưu vực sông, ao hồ, vùng biển, cánh đồng…), vì vậy, việc xác định chính xác chủ thể trực tiếp gây thiệt hại để yêu cầu BTTH là rất khó. Như vậy, việc chứng minh chủ thể trực tiếp gây thiệt hại và phải BTTH là vấn đề không đơn giản.

   Thứ ba, hành vi vi phạm pháp luật về môi trường tự nhiên đa dạng nên hậu quả cũng ở những mức độ khác nhau. Do vậy, việc xác định mức độ thiệt hại, thu thập dữ liệu, chứng cứ chứng minh cũng rất khó khăn, trong khi các máy móc, thiết bị thu thập dữ liệu, chứng cứ cần người có chuyên môn, trình độ cao; phương pháp lấy mẫu, phân tích cần đảm bảo tính đặc thù của lĩnh vực môi trường… Nội dung này pháp luật chưa có hướng dẫn cụ thể để triển khai thực hiện.

   Thứ tư, hiện nay pháp luật quy định cơ quan nhà nước có quyền thuê doanh nghiệp để thu thập dữ liệu, chứng cứ phục vụ cho việc BTTH. Tuy nhiên, tiêu chí nào để lựa chọn doanh nghiệp cũng chưa được pháp luật quy định cụ thể. Đây là vấn đề cần phải có hướng dẫn cụ thể. Pháp luật quy định UBND cấp huyện, cấp tỉnh, Bộ TN&MT có trách nhiệm thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ nhưng lại chưa có hướng dẫn cụ thể, nên giao cho cơ quan chuyên môn của UBND thực hiện nhiệm vụ này.

   Thứ năm, pháp luật hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể về định mức chi phí xử lý một đơn vị diện tích, thể tích hoặc khối lượng nước, đất bị ô nhiễm đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; định mức chi phí phục hồi một đơn vị diện tích hệ sinh thái bị suy thoái; định mức chi phí phục hồi, thay thế một cá thể loài được ưu tiên bảo vệ bị chết và định mức chi phí cứu hộ, chăm sóc để hồi phục sức khỏe một cá thể loài được ưu tiên bảo vệ bị thương.

   Thứ sáu, trong trường hợp doanh nghiệp không đồng tình với mức bồi thường mà cơ quan yêu cầu bồi thường đưa ra thì chính doanh nghiệp phải tự chứng minh mình không gây ô nhiễm hoặc gây ÔNMT ở mức độ nào? Vì vậy, pháp luật cần phải hướng dẫn về cách thức, trình tự, thủ tục chứng minh doanh nghiệp không gây ÔNMT. Ngoài ra, trong lĩnh vực môi trường ở Việt Nam chưa có thông tin, dữ liệu về môi trường nền nên việc tính toán mức độ thiệt hại so với môi trường ban đầu rất khó khăn.

PGS. TS. Phạm Văn Lợi

Viện Khoa học Môi trường

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2017

Ý kiến của bạn