Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 18/07/2024

Những điểm mới của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

08/05/2017

     ​Trước đây, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường căn cứ vào Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT. Sau đó, để phù hợp với Luật BVMT năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016.

     Theo Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm (Tổng cục Môi trường) Hoàng Văn Vy, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP xây dựng trên cơ sở rà soát thực tế 4 nhóm hành vi vi phạm: Gây ô nhiễm môi trường; Vi phạm về quản lý chất thải; Vi phạm liên quan đến công trình BVMT; Vi phạm mang tính thủ tục hành chính.

     So với Nghị định số 179/2013/NĐ-CP, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP có nhiều điểm mới cần lưu ý, cụ thể: Mức phạt tăng xả nước thải vượt Quy chuẩn Việt Nam từ 10% - 50% của khung phạt; Kết quả quan trắc tự động được làm căn cứ để xác định hành vi xả thải vượt QCVN; Quan trắc môi trường định kỳ do đơn vị không được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bị xử phạt.

     Nghị định bổ sung mức phạt tăng thêm 30% nếu trong nước thải vượt quy chuẩn có chứa 1 trong 3 loại vi khuẩn (Salmonella, Shigella, Vibrio cholerae); Quy định nếu tổ chức, cá nhân thực hiện không đúng nội dung đánh giá tác động môi trường (ĐTM) nhưng làm cho môi trường tốt hơn thì không bị phạt.

     Đặc biệt, Nghị định đã xây dựng riêng Điều 53 quy định trách nhiệm và cơ chế phối hợp của các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương trong công tác kiểm tra, thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính về BVMT. Theo đó, việc kiểm tra, thanh tra phải bảo đảm nguyên tắc không chồng chéo; không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cá nhân, tổ chức vi phạm. Một năm chỉ có một đoàn kiểm tra hoặc thanh tra trong lĩnh vực BVMT tại một cơ sở, doanh nghiệp, trừ trường hợp kiểm tra, thanh tra đột xuất theo quy định của pháp luật.

     * Lưu ý về khung phạt và mức phạt:

     Ông Hoàng Văn Vy cho biết, khung phạt và mức phạt cần lưu ý để tránh bỏ sót vi phạm hoặc xử lý nhẹ chưa đủ răn đe.

     Mức phạt được quy định tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP là mức phạt đối với cá nhân. Mức đối với tổ chức gấp hai lần so với quy định tại Nghị định. Đối với các TP trực thuộc Trung ương có thể thông qua mức phạt lên gấp 2 lần so với quy định chung.

 

 

     Khung phạt xả thải là số lần vượt cao nhất để làm căn cứ xác định khung phạt; Trường hợp có nhiều thông số vượt, tùy theo mức vượt sẽ tăng thêm từ 10% - 50% nhưng không quá khung phạt cao nhất. Trường hợp có nhiều điểm xả thải thì đơn vị sẽ bị xử phạt theo từng điểm xả thải. Đồng thời đơn vị vi phạm phải chi trả kinh phí trưng cầu giám định mẫu môi trường vượt quy chuẩn.

     * Lưu ý về xử phạt vi phạm hành chính:

     Mọi vi phạm hành chính phải đình chỉ, lập biên bản vi phạm hành chính. Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày lập biên bản, cơ quan có trách nhiệm phải ban hành quyết định xử phạt.

     Có khá nhiều đối tượng có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, nhằm tăng cường giám sát thực hiện BVMT tại nhiều lĩnh vực, địa điểm.

     Cụ thể: Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT đang thi hành công vụ; Cán bộ, viên chức đang thi hành nhiệm vụ BVMT của Bộ TNMT, Tổng cục Môi trường; Sở TNMT, Chi cục BVMT; Ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất; Phòng TNMT.

     Ngoài ra, cán bộ công chức đang thi hành nhiệm vụ BVMT của các Bộ, cơ quan ngang Bộ; Cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn đang thi hành nhiệm vụ BVMT trên địa bàn quản lý; Chiến sĩ công an, công an xã, phường, thị trấn và cán bộ trật tự công cộng đang thi hành nhiệm vụ liên quan đến BVMT tại khu đô thị, khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; Cán bộ, công chức, viên chức thuộc Ban quản lý rừng, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển đang thi hành nhiệm vụ BVMT cũng có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính.

     Theo quy định tại Nghị định, mọi hành vi vi phạm phải đình chỉ ngay. Nếu phạt trên 250.000 đối với cá nhân và 500.000 đối với tổ chức phải lập biên bản vi phạm hành chính.

 


Phương Linh

Ý kiến của bạn