Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 18/07/2024

Nhìn lại kết quả 5 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

04/05/2017

Ông Nguyễn Bá Ngãi Phó Tổng cục trưởng
Tổng cục Lâm nghiệp 

   Năm 2008, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (BV&PTR) được thành lập với mục đích huy động các nguồn lực xã hội để BV&PTR. Trải qua hơn 8 năm hoạt động, Quỹ đã tạo nên dấu ấn mạnh mẽ trong công tác BV&PTR, đóng góp nguồn tài chính đáng kể cho ngành lâm nghiệp, góp phần cải thiện sinh kế, ổn định đời sống của những người làm nghề rừng. Nhằm tìm hiểu về những kết quả hoạt động của Quỹ và chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), Giám đốc Quỹ BV&PTR Việt Nam về vấn đề này.

   Ông có thể cho biết kết quả 8 năm tổ chức hoạt động của Quỹ BV&PTR và 5 năm thực hiện chính sách chi trả DVMTR?

   Ông Nguyễn Bá Ngãi: Ngày 14/1/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/2008/NĐ-CP về Quỹ BV&PTR (Nghị Định 05) nhằm mục đích thu hút, tiếp nhận các nguồn tài chính ngoài ngân sách nhà nước cho quản lý, BV&PTR. Chi trả DVMTR là một trong những nguồn tài chính quan trọng của Quỹ BV&PTR. Ngày 10/4/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 380/QĐ-TTg thực hiện thí điểm chi trả DVMTR tại tỉnh Sơn La và Lâm Đồng. Sau 2 năm thí điểm được đánh giá thành công, ngày 24/9/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2010/NĐ-CP về chính sách chi trả DVMTR có hiệu lực từ ngày 1/1/2011 (Nghị định 99).

   Trải qua 8 năm hoạt động, gắn với 5 năm triển khai chính sách chi trả DVMTR, Quỹ BV&PTR đã đạt được nhiều kết quả, mang lại những hiệu ứng tích cực. Theo đó, Quỹ đã tham mưu cho Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, quản lý điều hành, hướng dẫn địa phương triển khai các chính sách. Đến nay, đã có 41 tỉnh, TP trên cả nước thành lập Quỹ BV&PTR. Hiện tại, các Quỹ đã ổn định về tổ chức và đang hoạt động hiệu quả.

   Thành công bước đầu trong việc xã hội hóa công tác BV&PTR đó là hàng năm, Quỹ đã huy động được nguồn lực hàng nghìn tỷ đồng từ xã hội để đầu tư cho công tác BV&PTR. Tổng số tiền thu từ chi trả DVMTR toàn quốc tính đến ngày 30/12/2016 là 6.510,7 tỷ đồng. Trong giai đoạn 5 năm 2011 - 2015, tiền DVMTR hàng năm thu được bình quân là 1.200 tỷ đồng. Số tiền này tương đương với 22% tổng đầu tư bình quân năm của toàn xã hội cho ngành Lâm nghiệp. Đây là nguồn tài chính ổn định, bền vững và có khả năng sẽ tiếp tục tăng cao do khai thác các DVMTR, góp phần làm giảm đầu tư ngân sách nhà nước cho ngành lâm nghiệp. Ngày 2/11/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 147/2016/NĐ- CP (Nghị định 147) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99, đây là căn cứ quan trọng để góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách trước đó. Đồng thời, việc tăng mức chi trả đối với các cơ sở thủy điện (từ 20 đồng/kwh lên 36 đồng/kwh) và cơ sở sản xuất nước sạch (từ 40 đồng/m³ lên 52 đồng/m³), góp phần gia tăng nguồn thu tiền DVMTR. Qua đó, người dân, đặc biệt là những đồng bào dân tộc nghèo vùng sâu, vùng xa được hưởng lợi nhiều hơn từ chính sách BV&PTR. Với Nghị định 147, người dân sẽ được hưởng số tiền DVMTR nhiều hơn, điều kiện cuộc sống đảm bảo hơn và khích lệ họ đóng góp công sức bảo vệ rừng.

   Nguồn tiền DVMTR đã giúp cho các tổ chức quản lý bảo vệ 4,602 triệu ha rừng được hưởng DVMTR. Bên cạnh những nguồn thu chính từ thủy điện, nước sạch, du lịch, Quỹ cũng đang tiến hành thí điểm những nguồn thu DVMTR mới như từ các cơ sở sản xuất công nghiệp, nuôi trồng thủy sản và sắp tới là dịch vụ hấp thụ lưu trữ các bon. Từ những kết quả thí điểm quan trọng này, sắp tới chúng tôi sẽ tham mưu cho Bộ NN&PTNT ban hành quy định áp dụng rộng rãi trên cả nước, góp phần đa dạng hóa nguồn thu tiền DVMTR.

   Có thể nói, hoạt động cung ứng và chi trả DVMTR phù hợp với xu thế mới ở Việt Nam và xu thế chung của thế giới trong BVMT, góp phần quan trọng vào việc quản lý, khai thác hiệu quả, bền vững tài nguyên đất đai trong lâm nghiệp, phục vụ cho phát triển kinh tế đất nước. Cùng với đó, góp phần cải thiện điều kiện sống, giải quyết việc làm cho hàng triệu người trên địa bàn rừng núi, thực hiện thành công chính sách giảm nghèo, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

   Thưa ông, hiện nay, việc chi trả tiền DVMTR được thực hiện như thế nào?

   Ông Nguyễn Bá Ngãi: Với số tiền DVMTR thu được, Quỹ BV&PTR đã đôn đốc các địa phương tiến hành chi trả cho các chủ rừng với số tiền đến nay là 5.024 tỷ đồng để các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức quản lý, bảo vệ 5,87 triệu ha rừng, chiếm 42% tổng diện tích rừng toàn quốc. Các địa phương được phép sử dụng gần 385 tỷ để hỗ trợ các chủ rừng xây dựng công trình lâm sinh phục vụ phát triển, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Từ khi thực hiện chính sách chi trả DVMTR công tác quản lý, bảo vệ rừng có nhiều kết quả tích cực, số vụ vi phạm Luật Bảo vệ rừng và phát triển rừng, cũng như diện tích rừng bị thiệt hại trong giai đoạn 2011 -2015 giảm lần lượt là 32,9% và 58,2% so với giai đoạn 2006 - 2010.

   Hiện tại, có hơn 500 ngàn hộ gia đình, cộng đồng được nhận tiền chi trả DVMTR qua hình thức chi trả trực tiếp và chi trả qua nhận khoán. Tiền thu từ DVMTR bình quân chung trên cả nước khoảng 2 triệu đồng/hộ/năm đã góp phần nâng cao thu nhập, giảm khó khăn cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc. Mặc dù, số tiền chi trả DVMTR chưa lớn nhưng cũng là nguồn thu quan trọng cho các hộ gia đình nghèo ở vùng sâu, vùng xa.

   Ngoài ra, số tiền DVMTR đã góp phần hỗ trợ chủ rừng kinh phí quản lý, bảo vệ rừng, nhất là các công ty lâm nghiệp khi dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên, các ban quản lý rừng đang gặp khó khăn về kinh phí và giúp người dân miền núi tăng thu nhập, nâng cao đời sống.

Người dân xã San Thàng (TP. Lai Châu, tỉnh Lai Châu) nhận tiền chi trả DVMTR

   Những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách chi trả DVMTR là gì? Nguyên nhân vì sao, thưa ông?

   Ông Nguyễn Bá Ngãi: Bên cạnh những thành tựu đạt được, trong quá trình tổ chức, hoạt động của Quỹ BV&PTR và thực hiện chi trả DVMTR đã gặp một số khó khăn, tồn tại như: Việc thu tiền DVMTR vẫn còn thấp so với tiềm năng hiện có, ngoài những đối tượng đang triển khai thì các đối tượng khác như cơ sở công nghiệp, nuôi trồng thủy sản có sử dụng nước từ rừng và dịch vụ hấp thu các bon chưa được thực hiện rộng rãi trên phạm vi cả nước. Ngoài ra, tiền DVMTR thu từ các nhà máy thủy điện là 20 đồng/kwh và hiện nay là 36 đồng/kwh, thấp hơn nhiều so với giá trị dịch vụ môi trường do rừng tạo ra (Giá trị giữ đất, giữ nước của rừng tính trung bình trên1 kWh dao động từ 63 - 368 đồng/kWh, trung bình là 214 đồng/kWh); Tiền DVMTR thu từ các nhà máy sản xuất nước sạch là 52 đồng/m3 cũng thấp hơn nhiều so với giá trị DVMTR (giá trị DVMTR trong 1m3 nước sạch là 65 đồng).

   Trong khi, thu nhập của các hộ gia đình từ DVMTR bình quân chung cả nước khoảng 2 triệu đồng/hộ/năm là rất thấp, khó đảm bảo cuộc sống. Một số đơn vị sử dụng DVMTR (nhà máy thủy điện, nước sạch và cơ sở kinh doanh du lịch) chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trả tiền DVMTR, hoặc trả chậm, dẫn đến nợ đọng nhiều, ảnh hưởng đến kế hoạch thu, chi và quản lý, bảo vệ rừng của các tỉnh. Bên cạnh đó, quy định pháp lý của Quỹ BV&PTR chưa rõ ràng dẫn đến các địa phương vận dụng khác nhau, thiếu thống nhất; việc tự chủ tài chính còn hạn chế, do đó, các Quỹ tỉnh gặp nhiều khó khăn trong tổ chức hoạt động.

   Mặt khác, tiền DVMTR là một nguồn tài chính mới, nhiều lãnh đạo, cán bộ chưa hiểu hết bản chất của tiền DVMTR, vẫn xem đây là một nguồn ngân sách nhà nước và vận dụng cơ chế quản lý ngân sách nhà nước vào quản lý tiền DVMTR, gây khó khăn trong việc quản lý, sử dụng tiền DVMTR.

   Ông có đề xuất, kiến nghị gì để nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR, trong thời gian tới?

   Ông Nguyễn Bá Ngãi: Để tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách chi trả DVMTR trong thời gian tới, chúng tôi đề xuất, kiến nghị Quốc hội thông qua Luật BV&PTR (sửa đổi), trong đó bổ sung những nội dung liên quan đến Quỹ, cũng như chính sách chi trả DVMTR; đề xuất Chính phủ cho phép và giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 05 trong năm 2018, cũng như sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư hướng dẫn liên quan cho phù hợp với điều kiện thực tế, nhằm triển khai có hiệu quả Nghị định 147.

   Thời gian tới, Quỹ sẽ tích cực đôn đốc các địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của Nghị định 147 cho các đối tượng liên quan và triển khai áp dụng mức chi trả DVMTR mới; đồng thời, tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành đảm bảo thu đúng, thu đủ các loại dịch vụ đã quy định đối tượng thu, mức thu; Đôn đốc các đơn vị thực hiện nghiêm túc việc thu nộp tiền DVMTR và các khoản đóng góp bắt buộc theo quy định trên phương tiện thông tin đại chúng, tạo sự đồng thuận của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội. Ngoài ra, Quỹ sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách chi trả DVMTR; giải ngân tiền DVMTR kịp thời, đầy đủ đến các chủ rừng và hộ nhận khoán bảo vệ rừng, không để tồn đọng. Cùng với đó, Quỹ sẽ sớm hoàn thành dự án tổng điều tra, kiểm kê rừng, làm cơ sở thực hiện chính sách chi trả DVMTR.

   Xin cảm ơn ông!

                Hương Trần (Thực hiện)

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2017

Ý kiến của bạn